Một vị giáo sư nổi tiếng hiến kế nhà nước cần nâng giá đất lên theo giá thị trường, như thông lệ các nước để thu thêm ngân sách, và “dùng biện pháp kỹ thuật” ấy để hạn chế dân nhập cư vào hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn.
Nhiều người lên án ông giáo sư khi muốn người nghèo không có chỗ để kiếm cơm ở chỗ giàu, các thành phố lớn. “Loại” người nghèo ra khỏi đô thị không phải là ý chính của vị giáo sư: thu thêm tiền nhờ thuế qua nâng giá đất theo giá thị trường để thu tiền ngân sách.
Vì sao người ta khai giá thấp để tránh thuế sang nhượng đất đai? Đơn giản là thuế cao quá và mua bán đất đô thị là quá trình nhiêu khê, rắc rối. Trốn thuế bằng cách “đi tắt đón đầu” là lẽ đương nhiên, đâu phải chỉ có Trần Vũ Hải “phạm tội trốn thuế” chuyển quyền sử dụng đất trên xứ sở này, hàng ngàn hàng vạn người làm như thế. Ở đây, tôi không bàn về vấn đề mua bán đất. Tôi muốn nói đến thái độ của người muốn hạn chế kẻ nghèo nông thôn tràn về đô thị. Không chỉ mỗi ông giáo sư, trước đây không lâu, một bà cán bộ máu mặt ở Sài Gòn cũng hiến kế, nên hạn chế nạn “nhập cư” vào thành phố. Nhiều người bỉ bôi rằng cái bà này gốc ở đâu miệt “cá gô bỏ vào gổ” (cá rô bỏ vào rổ) chứ đâu phải gốc Sài Gòn mà bày đặt “đẳng cấp”.
Người nghèo nông thôn tràn về thành phố là ai? Họ là những người tham gia tăng trưởng GDP cho thành phố, nghĩa là cho cả nước, nếu đó là Sài Gòn. Thế mạnh phát triển kinh tế VN là gia công giày dép, áo quần, và lắp ráp máy móc. Nông dân tuổi thanh niên chân lấm tay bùn, không điều kiện học hành đầy đủ, là thành phần quan trọng. Giả sử thiếu họ, các công ty, xí nghiệp thành phố ngưng hoạt động thì sao? Sự có mặt của họ ở thành phố đương nhiên gây ra những phiền toái như nạn kẹt xe, do hoàn cảnh lao động buộc họ tranh thủ mua tí rau, con cá, trên đường về nhà trọ sau ca làm, đường phố vốn bề bộn càng bề bộn thêm. Nhưng biết làm sao.
Nếu người làm chính sách có tầm nhìn 10 năm thôi, tôi không nói 20 năm, họ sẽ quy hoạch và có biện pháp tốt để giải quyết công ăn việc làm cho người nông thôn “ly nông, bất ly hương”. Tại sao các tỉnh có nhiều dân chúng tràn về thành phố kiếm sống? Rất đơn giản: chính quyền địa phương họ đã không biết cách tạo đủ việc làm cho dân của mình. Nông thôn ngoài ruộng lúa, người nông dân có việc gì làm thêm, nếu không phải đổ về thành phố kiếm cơm?
Ngoài những người làm trong công ty, xí nghiệp, các hãng xưởng, số người nông thôn tham gia đội ngũ bán hàng rong ở thành phố là bộ phận rất lớn. Vì sao họ phải dãi nắng dầm mưa với cái thúng trên đầu, đôi gánh trên vai, cọc cạch chiếc xe đạp, khá hơn là chiếc xe máy, xe ba gác, chất đầy rau quả, có mặt ở mọi con phố? Đơn giản có hai lý do: việc làm đó đem lại thu nhập cao hơn làm ruộng, và nhu cầu cư dân thành phố chưa được đáp ứng đầy đủ; thay vì vào siêu thị giá không rẻ, tốn thì giờ, những gánh hàng, chiêc xe kia là phương tiện giúp họ mua dễ dàng các thứ thức ăn cần thiết.
Có cầu là có cung. Những người bán hàng rong kia đã cung ứng kịp thời nhu cầu: họ đã làm cho kinh tế thành phố không ổn định hơn hay sao? Họ có “tội tình” gì đâu để ai cũng hắt hủi họ, không muốn có mặt họ nơi “sang trọng” và “giàu có” của thành phố họ?
Tất nhiên, nếu thành phố trật tự, sạch sẽ, không có những hình ảnh nhếch nhác do có mặt của nhiều người nghèo nông thôn ra thành phố, cả nước cần có những chính sách vĩ mô, giải quyết công ăn việc làm thỏa đáng cho họ; chẳng có một ai muốn ra đô thành để sống, ban ngày vất vả sinh cơ, tối về chui rúc trong những phòng trọ chật hẹp, gia đình phải chia cách, vợ chồng, cha con, mỗi người mỗi ngả, cả một năm mới lũ lượt chen chúc, tranh nhau mua vé xe tàu về quê đoàn tụ người thân trong ba ngày tết.
Người nghèo nhập cư rõ ràng là bộ phận của phát triển kinh tế cả nước. Giả sử Sài Gòn không có công nhân, đa phần từ nông thôn, đóng góp ngân sách cao nhất nước có thực hiện được không? Những công trình công cộng hoành tráng ở Hà Nội, biết đâu không thấm những giọt mồ hôi của những “người nghèo” nhập cư vào Sài Gòn?
Và cũng tất nhiên, thành phố sạch sẽ không nhếch nhác phải là mục tiêu chứ không phải để dân nhập cư vào nhiều là mục tiêu và làm thế nào người nông thôn không còn, hay không cần, kéo nhau về thành phố sinh sống, là vấn đề vĩ mô cần những con người vĩ đại.
Ngoài vấn đề kinh tế, việc từ chối sự có mặt của những dân quê nhập cư ở thành phố còn nói lên cái đạo lý tréo ngoe: ăn quả quên người trồng cây hay “vắt chanh bỏ vỏ”. Đất nước này qua hai cuộc chiến tranh đẫm máu, đóng góp của người dân vùng nào nhiều nhất cho hòa bình và độc lập của tổ quốc, nông thôn hay thành phố? Khi tha thẩn, trầm tư, trong những nghĩa trang liệt sĩ, quý vị sẽ thấy bên dưới những cái tên người quá cố là quê quán. Hà Nội và Sài gòn không hiện ra nhiều trên hàng triệu tấm bia bé nhỏ bằng những tỉnh nông thôn. Máu xương của những người nghèo ở thôn quê đổ ra rất nhiều trên mảnh đất này, những đô thị mọc lên, một vài người ở đó, muốn từ chối sự có mặt của con cháu những người đã hy sinh, điều ấy có công bình không? Đất đai bây giờ họ muốn bán giá cao thấm máu của người chết hay thấm tâm ý của những người sống có quyền thế?
Kiếm miếng ăn vất vả nơi phố xá không phải là ý muốn của người nghèo nhập cư, cuộc sống khó khăn buộc họ phải như thế. Không ai trong số họ vui vẻ, hạnh phúc khi phải ly hương, “tha phương cầu thực”.
Kinh tế hay đạo đức không hẳn là quan trọng nhất ở đây trong vấn đề nhập cư; cái quan trọng là tư duy của một số người “có quyền” và “có học”. Tại sao cứ mãi khư khư với suy nghĩ: bán, bán, và bán cái có sẵn như đất đai mà không suy nghĩ làm cái gì khác để có tiền và phát triển kinh tế, một sáng tạo kỹ thuật nào đó, tầm tầm như “cháu cố” của Samsung, dù người Việt luôn tự hào là dân tộc thông minh? Tư duy “có sẵn mà bán” luôn ám ảnh một vài người làm chính sách, chứ không phải tư duy “làm ra mà bán” như Đài Loan với Foxconn, Nhật Bản với Toyota.
Trước đây có một hiến kế nổi tiếng đánh thuế vào người bán hàng rong, quán vỉa hè, nay có hiến kể xuất sắc hơn, “bán đất theo giá thị trường” để có thêm tiền cho ngân sách, trong khi các bác nông dân “Hai lúa” không bằng cấp, đang mỗi ngày cải tiến những “máy móc” để cấy lúa, gieo hạt, làm cỏ…thiết thực cho sản xuất. Các giáo sư tiến sĩ ở đâu trong những sáng tạo tại nông thôn nơi dân nghèo kéo vào thành phố vì không sống nổi trên mảnh đất của mình? Hãy làm phước bỏ vài giây để nghĩ đến họ.
Thưa ông Đặng Hùng Võ, thưa ông giáo sư. “Bán” để ăn dễ hơn “làm” để ăn hay sao?