Showing posts with label Nước Mỹ ngày nay. Show all posts
Showing posts with label Nước Mỹ ngày nay. Show all posts

Monday, November 11, 2024

VÌ SAO TRUMP ĐẮC CỨ?

Câu hỏi này có vẻ vô duyên, không khác câu vì sao Harris thất cử. Đắc, thất là do quyết định của người dân Mỹ. Nếu nói Trump mới xứng đáng làm tổng thống thì tại sao  lại thua cử ông già lớn tuổi “lụm cụm” Joe Biden. Tại bầu cử gian lận? Vậy thì chính quyền đảng dân chủ không “gian lận” tiếp để giành lấy nhà trắng? Họ đang nắm quyền. Quyền to như núi. Và khi nắm quyền, Donald Trump lại để cho cuộc bầu cử bị “ăn cắp” (stolen)?

Có rất nhiều cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử dẫn đến Trump tức tối ôm gói rời Nhà Trắng. Nào là người chết đi bầu. Nào là phiếu bị ăn gian, bầu Trump thành bầu Biden. Không đáng kể. Sự chênh lệch phiếu giữa 2 ứng viên tổng thống là rất lớn. Chỉ có giả thuyết khả tín: gian lận do máy bầu, máy đếm. Đó là máy của Dominion. Chỉ có máy mới có thể làm sai số hàng triệu phiếu.

Nhưng giả thuyết ấy sai hoàn toàn. Người tung tin này nhiều nhất là Fox Corp. và Fox News. Thế là kiện tụng. Thấy không thể thắng ở toà, hãng truyền thông theo phe Trump này buộc phải dàn xếp đền danh dự cho hãng chế tạo máy bầu cử Dominion 787,5 triệu đô la. Đau như thiến. Vì đăng bậy, đăng sai, số tiền bị đền vô cùng lớn. Rồi những vụ kiện khác của Trump đều bị toà án từ thấp đến cao lắc đầu: No, hổng có gian lận.

Nếu hệ thống tổ chức bầu cử Mỹ bị phe Dân Chủ khuynh đảo thì xin thưa, Trump bây giờ hẳn phải nổi loạn: Gian lận, gian lận. Tổ chức bầu cử vừa rồi rất an toàn. Ban đầu chỉ có vài tin bịp có đặt bom. Sau đó, cuộc bầu cử diễn ra yên ổn nhất. Như vậy, hệ thống bầu cử Mỹ là tốt và người thực thi nhiệm vụ rất tận tụy.

Nhiều người đánh giá bầu cử Mỹ “rối rắm” và “lộn xộn” quá. Hai ứng viên tổng thống không tiếc lời chỉ trích nhau. Người thì bị gọi là “tâm thần”. Người bị gọi là phát-xít. Thậm chí, những người ủng họ cho hai phe còn “thoá mạ” nhau. Biden gọi người ủng hộ Trump là “rác rưởi” (garbage) để đáp trả một danh hề được mời lên bục phát biểu trong cuộc tụ tập ủng hộ Trump gọi Puerto Rico là hòn đảo trôi trên rác. Cử tri từ đảo này có thể bầu cử nếu họ ở bất kỳ đâu trong các bang của Mỹ.

Thấy Elon Musk treo thưởng mỗi ngày 1 triệu đồng USD cho một người bất kỳ, trong danh sách đăng ký ủng hộ Trump, nhiều người trề môi: Dùng tiền “mua” phiếu mà bầu cử dân chủ à? Không. Musk được tòa cho phép vì đúng luật. Bầu cử Mỹ như một cuộc so găng. Nó không những hấp dẫn cho người Mỹ mà còn hồi hộp cho người VN. Đa phần người Việt khoái Trump hơn Harris. Ông còn là “người hùng “ của nhiều phen hâm mộ. Ở Mỹ nhưng ông được kỳ vọng rất nhiều ở VN. Thấy ông “đánh” Tàu tơi tả bằng thuế quan (tariff), người ta rất khoái trí. Và ông đắc cử, nhiều người thở phào sung sướng, có khi xài chữ “vỡ oà “ cho nó máu me.

Đắc cử tổng thống Mỹ đều phải là người của một trong hai đảng lớn. Hai phe đều có “hậu phương” của mình, nhất là đô la, nhì là báo chí. Sự cạnh tranh khốc liệt của người hai phe- như một mất một còn- làm cho chúng ta suy nghĩ: Ở Mỹ, hai thế lực chính trị này sẽ “không đội trời chung”. Có người coi đảng cộng hòa là chống…cộng sản. Đảng dân chủ là đảng “xã hội chủ nghĩa”. Dân chủ phải thua, nhiều người mới hả dạ.

Vì không ở trong xã hội Mỹ; vì không am hiểu hệ thống vận hành của nền tư pháp Mỹ ; vì bị chi phối bởi lối giáo dục “địch-ta”; nhiều người VN tưởng rằng đảng dân chủ và đảng cộng hòa luôn muốn “tiêu diệt” nhau. Không. Họ như 2 mặt của một đồng tiền. Có âm và có dương. Nghĩa là có mâu thuẫn mới có tiến bộ. Nhiều thể chế toàn trị hay độc tài không bao giờ để, hay dung dưỡng, hay chấp nhận, mâu thuẫn. Ở Nga thời Putin, nhiều nhân vật đối lập nổi tiếng gặp khốn khổ, bị nhốt tù, bị thủ tiêu hay tự ý té lầu vong mạng.

Bầu cử Mỹ không những hấp dẫn mà còn ảnh hưởng cả thế giới. Trump lên. Nga mừng. Ucraina lo. NATO bồn chồn. Tàu nín thở chờ. Nhưng tôi thấy, Mỹ của Trump hay Mỹ của Biden, chính phủ của cộng hòa hay chính phủ của Mỹ, tất cả cũng vì nước Mỹ trên hết. America First.

Người Việt Nam không vì ai mà cào cấu nhau rồi chửi bới nhau. 4 năm của Trump chuyển thành 4 năm của Biden. Rồi Trump trở lại. Không phải xu thế “phá hủy sáng  tạo” (disruptive innovation), như Trần Huỳnh Duy Thức nhận định trong 1 status của ông khi nước Mỹ “rung lắc”: Trump chiến thắng ngoạn mục. Trump và không Trump là xu thế nước Mỹ. Mỹ phát triển vượt bậc nhờ trong nước họ luôn luôn xảy ra mâu thuẫn. Nước Mỹ không hề “ổn định chính trị”. Chính nhờ bất ổn, cứ 4 năm một lần, Mỹ sẽ dẫn đầu thế giới ít ra 100 năm nữa.

Tuy nhiên, thái độ của người Việt chúng ta nên là: “Không chống Mỹ, không theo Mỹ, mà nên hiểu Mỹ”(*). Chính vì theo Mỹ mà Afghanistan bị sụp đổ để chính quyền sắt máu Taliban nắm quyền. Cũng vì chống Mỹ mà Nga (của Putin) bị chính quyền Biden cho  sa lầy ở Ukraine. Cũng vì chống Mỹ mà Cuba vẫn còn phải thức để canh giữ thế giới (thức trắng mắt). Chỉ có hiểu Mỹ, Nam Triều Tiên đánh thắng Bắc Triều Tiên và trở thành nước công nghiệp nằm trong tốp đầu thế giới. Và cũng nhờ hiểu Mỹ, Nhật Bản trở thành nên kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Hỡi anh em của tôi. Hãy hiểu Mỹ. Chống phe dân chủ hay yêu phe cộng hòa chỉ là tình cảm nhất thời, giỏi lắm kéo dài chừng 4 năm. Đừng biến yêu ghét thành lý trí. Và cũng đừng vội coi Trump sẽ là “cứu tinh” của thế giới. Vi du: Ông sẽ chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trong 24 giờ đồng hồ.

Tái bút: Tôi có cảm giác, phụ nữ không thể làm tổng thống nước Mỹ. Không hẳn họ không đủ khả năng. Thừa khả năng đằng khác. Ứng viên tổng thống Hillary Clinton so với Kamala Harris chưa chắc ai hơn ai. Harris là người da màu cũng như Obama. Nếu phải vượt hơn, người Mỹ mới có thể chọn một người da màu làm lãnh đạo của họ. Thường thì họ chọn người da trắng nhiều hơn dù nước Mỹ rất đi đầu trong việc bảo vệ quyền con người. Biết đâu- tuy không có chứng cứ nào cho biết vì lý do chủng tộc hay giới tính mà cả hai lần Trump đều đánh bại đối thủ là phụ nữ - Harris thất cử vì còn mang “phận đàn bà”?

(*) Lưu Á Châu, một nhà nghiên cứu Trung Quốc. Tập Cận Bình rất nể ông ta.

Saturday, February 17, 2024

NƯỚC MỸ LỘN XỘN

Hôm thứ 5, bộ trưởng quốc phòng Mỹ vào gặp tổng thống đề nghị ngừng rút quân khỏi Syria. Bị từ chối, ông Mattis liền đưa đơn từ chức vào buổi chiều cùng ngày.

Nền quốc phòng Mỹ có lung lay không khi người đứng đầu không toàn tâm toàn ý với nhiệm vụ của mình ? Câu trả lời là không.

Trump là tổng thống Mỹ sa thải rất nhiều những quan chức trong chính phủ thời gian rất ngắn, cả những người được ông cử vào những vị trí trọng yếu như an ninh, ngoại giao, quốc phòng. Mỹ sẽ yếu đi vì đội ngũ cán bộ chính phủ...lộn xộn thay đổi liên tù tì? Không. Họ vẫn mạnh.

Họ có một thể chế tốt, vững vàng, không có ai, kể cả tổng thống, có thể phá hủy một sớm một chiều theo ý muốn cá nhân, ngay cả Trump, một tổng thống chịu chơi, bất nhất, tính khí thất thường.

Chính quyền xào xáo nhưng vẫn vận hành khá tốt, kinh tế lai rai tăng trưởng, dù đang thương chiến với TQ.

Không như hồi còn Liên Xô, các nước đông Âu, chỉ một cuộc đảo chính, thay đổi một tổng thống, toàn bộ hệ thống chính trị vững như bàn thạch vỡ tan tác, thấy mà thương. Đảng cộng sản Liên Xô, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, những đoàn thể hùng hậu, chẳng cứu được nhau, để giữ vững chủ nghĩa lý tưởng của mình.

Giờ đây, cả đất nước bao la hùng vĩ Trung Quốc, Nga, nếu không có Tập Cận Bình, không có Putin, dân chúng những nước đó hẳn...lộn xộn lắm, khổ sở lắm, vì chẳng tìm ra người giỏi kinh bang tế thế như hai ông. Do đó hai ông phải tìm cách duy trì quyền bính, có lẽ là mãn đời, với sự nghiệp dẫn dắt, cầm lái vĩ đại của mình.

Nếu hai ông về hưu sớm quá, đất nước ai có tài ba mà nhảy ra lãnh đạo được đây?

Cho nên " lật đổ chính quyền" bằng bầu cử như ở Mỹ luôn luôn là một trọng tội. Cầm quyền mãn đời là công trạng cho đất nước.

Ở Mỹ, ngày nào họ cũng " lật đổ", lai rai, hôm kia ông cố vấn trưởng an ninh, nay ông bộ trưởng quốc phòng, có khi vài hôm nữa, cả tổng thống cũng bị luận tội dẫn đến bị lật đổ, nếu công tố viên đặc biệt Mueller kết thúc điều tra Trump đắc cử nhờ cộng tác với tình báo Nga.

Nếu như thế, dân Mỹ có mất đi niềm tin vào thể chế của họ hay không? Tôi "no nắng" dữ quá! Sao họ không học Putin hay Tập Cận Bình, lúc nào “2 thế giới” mấy ổng dẫn dắt cũng đều..ổn định phà phà?

Chú thích ảnh: Các nhà lập pháp giải thích chuyện gì xảy đến khi báo cáo thuế của cựu TT Trump được công bố.

Monday, February 5, 2024

BIDEN ĐỐI MẶT VỚI CHIA RẼ GIẬN DỮ TRONG ĐẢNG VỀ XUNG ĐỘT ISRAEL- PALESTINE

Đôi lời: Độc đảng “khỏe” hơn đa đảng. Làm tổng bí thư “khỏe” hơn làm tổng thống. Đây là ví dụ.

.

(Biden faces an angry rift in his own party over Israeli-Palestinian conflict).

Người ta từng chú ý rất nhiều sự rạn nứt trong đảng Cộng Hòa về các lời nói dối phi dân chủ của cựu tổng thống Donald Trump qua cuộc bầu cử 2020.

Nhưng các đảng viên Dân Chủ cũng đang dấy lên bất đồng về cách tổng thống Mỹ đối phó với bạo lực giữa người Do Thái và Palestine, khiến họ đặt câu hỏi về sự cam kết của Joe Biden với nhân quyền, và yêu cầu ông ta cần hành động nhiều hơn để tạo áp lực lên Israel.

Đối với một đảng cam kết lấy công bằng xã hội, bình đẳng chủng tộc làm nền tảng thì đây là cuộc chiến khá lúng túng. Hoa Kỳ từng có lịch sử về phân biệt chủng tộc, chấp nhận phong trào Black Lives Matter là chính đạo, những đẳng viên dân chủ cấp tiến muốn áp dụng các khái niệm công bằng cho chính sách ngoại giao ở chỗ, ngày càng nhiều người thấy thái độ apartheid (phân biệt chủng tộc) của Israel đối với người Palestine.  

Các tiếng nói cấp tiến chỉ trích Tòa Bạch Ốc vuốt đuôi Israel mà bỏ lơ nhân quyền khi bạo lực lên cao, cũng như lớn tiếng phê phán Biden không chính thức chống lại kế hoạch của Israel trục xuất các gia đình Palestine ra khỏi Đông Jerusalem.

Biden bỏ cả ngày thứ bảy để sửa soạn các cuộc điện đàm với các lãnh đạo các nước khu vực để cho thấy ông quan tâm nhiều tới vấn đề– lần thứ hai với thủ tướng Netanyahu và lần đầu với chủ tịch Palestine, Mahmoud Abbas, với tư cách tổng thống. Ông nêu lên quan ngại về sự an toàn của các nhà báo sau cuộc không kích của Israel vào một tòa nhà có trụ sở hãng tin AP ở dải Gaza.

Nhưng những người cấp tiến (của Dân Chủ -ND) muốn tổng thống không chỉ cam kết; họ muốn ông lớn tiếng với Israel.

Ngôn từ ở các bản tin về các cuộc điện đàm có chút thay đổi cho thấy lo lắng mới của Tòa Bạch Ốc, nhưng ít ra trong các nhận định công khai, Biden vẫn giữ thái độ điềm đạm.

Tổng thống phát biểu hôm cuối tuần: “Một trong nhiều cái tôi thấy cho tới nay, vẫn chưa có một hành động nào thái quá”.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ sau khi gặp người đồng cấp Israel viết trên Twitter: “Tôi tái xác định Israel có quyền tự vệ và lên án Hamas cố tình nhắm vào dân thường Do Thái”.

Theo các quan chức, bạo lực gia tăng ở Israel đã làm cho Tòa Bạch Ốc thêm lo lắng khi Biden và các phụ tá ngày càng quan ngại thương vong của dân thường ngày càng cao. Theo bộ Y tế Palestine, cuộc không kích của Israel giết chết hơn 130 người, làm bị thương ít nhất 1000 người khác chỉ tính ở dải Gaza. Bạo động và bạo loạn giữa người Arab và người Do Thái tàn hại các thành phố, thị trấn khắp Israel.

Biden có lên tiếng, được các phụ tá báo cáo, nhưng cuối cùng, các quan chức cũng hiểu rằng bản thân Tổng thống cũng chẳng làm gì được để đưa ra đề xuất ngừng chiến. Họ còn cho biết, khi bạo động kéo qua tuần tới, Biden bám sát lịch khơi dậy nỗ lực của các bên ở khu vực – gồm cả Ai Cập và Qatar – để dàn xếp một cuộc ngừng bắn.

Các quan chức tuyên bố, những gì xảy ra trong 72 giờ tới sẽ chứng minh tính cấp thiết về cách thức làm thế nào để đẩy mạnh áp lực chấm dứt các hành động thù địch.

CÁC DÂN BIỂU CẤP TIẾN ĐANG PHẪN NỘ

Hôm thứ tư, sau khi Biden lặp đi lặp lại câu thần chú rằng Israel có quyền tự vệ, thì tại hạ viện, các đảng viên cấp tiến lên tiếng chỉ trích.

Hôm thứ năm, dân biểu New York, Alexandria Ocasio-Cortez, trong diễn từ nảy lửa, đã hỏi: “Người Palestine có quyền sống hay không?” Vị đảng viên Dân Chủ cấp tiến tiếp tục lớn tiếng trên Twitter hôm cuối tuần: “Nếu chính quyền Biden không thể giữ vững lập trường trước một đồng minh, chính quyền ấy giữ vững được lập trường trước ai? Chính quyền ấy có dám khẳng khái đứng về phía nhân quyền hay không?”.

Dân biểu Rashida Tlaib, bang Michigan, phản ứng trước cuộc tấn công vào tòa nhà báo chí quốc tế, bài viết trên Twitter: “Israel (tấn công) nhắm vào truyền thông quốc tế để thế giới không thể biết tội ác chiến tranh của Israel dưới quyền tổng tư lệnh a-pác-thai (phân biệt chủng tộc) Netanyahu”.

Thượng nghị sĩ dân chủ Chris Van Hollen, bang Maryland, nằm trong Ủy ban quan hệ đối ngoại, phát biểu, kế hoạch trục xuất người (của Israel) vi phạm luật pháp quốc tế, và không thể không nghi ngờ cam kết của chính quyền (Biden) về nhân quyền.

Nhắc tới nhận định của Ủy hội nhân quyền Liên Hiệp Quốc, hồi đầu tháng, thượng nghị sĩ này viết trên Twitter: “Nếu chính quyền Biden đặt trọng tâm chiến lược ngoại giao là pháp quyền và nhân quyền thì lần này không chỉ có nói suông”.

Thượng nghị sĩ dân chủ độc lập bang Vermont, - từng thất cử ứng viên tổng thống vì Biden - Bernie Sanders viết trên trang nhất báo New York Times hôm thứ sáu dưới tiêu đề: “Hoa Kỳ cần ngưng bào chữa cho chính quyền Netanyahu”.

Tập hợp quyền công dân Hồi Giáo lớn nhất nước Mỹ - Hội đồng quan hệ Mỹ-Hồi - tham gia tẩy chay lễ trực tuyến EID ở tòa Bạch Ốc dự trù tổ chức hôm chủ nhật.

Hội đồng quan hệ Mỹ-Hồi tuyên bố trong một thông cáo, cảnh báo ông Biden có thể làm hỏng quan hệ với những người Mỹ theo đạo Hồi: “Chúng tôi không còn lòng dạ nào mà dự lễ EID với chính quyền Biden trong lúc rõ ràng họ trợ giúp, tiếp tay, và biện minh, cho chính quyền phân biệt chủng tộc Israel, ném bom bừa bãi giết chết đàn ông, đàn bà, trẻ em vô tội ở dải Gaza”.

Các nhóm nhân quyền Hồi giáo đã ca ngợi Biden trong những ngày đầu nhậm chức về chuyện ông chấm dứt việc ngăn cấm đi lại của chính quyền Trump ở những nước có nhiều người Hồi giáo.

Trong một thông báo hôm thứ sáu nhân việc tổ chức lễ EID của người Hồi giáo, Biden xoa dịu các nhận định đầu tuần của ông: “Những người Palestine – kể cả ở dải Gaza – và những người Do Thái đều xứng đáng sống vinh dự, an toàn, và an ninh”. Ông công nhận người Palestine mà không phê phán người Israel.

Những đảng viên dân chủ cấp tiến từ lâu chống đối chính sách của Hoa Kỳ đối với Israel; họ càng công khai có chiến thuật mới, chẳng hạn, đòi (Israel) thay đổi chính sách để có được trợ giúp quân sự quy mô của Mỹ.

Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, bang Massachusetts, nhận định với nhóm tự do J Street ủng hộ Israel: “Nếu tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự vô giới hạn, chúng ta chẳng tạo ra động lực nào để Israel đi đúng hướng”.

Hôm thứ sáu, Sanders còn đi xa hơn trên tờ New York Times: “Ở Trung Đông, Mỹ viện trợ gần 4 tỷ đô la cho Israel mỗi năm, chúng ta không thể bào chữa cho chính quyền cánh hữu của Netanyahu, cũng như hành động phi dân chủ và phân biệt chủng tộc của họ. Chúng ta phải thay đổi và tiếp cận song phẳng, bảo đảm và tăng cường luật pháp quốc tế liên quan đến việc bảo vệ dân lành, đồng thời, thực hiện luật hiện hành của Hoa Kỳ, viện trợ quân sự không đưa tới việc vi phạm quyền con người”.

KHÔNG TRUMP CHƯA PHẢI LÀ ĐỦ (Not being Trump is not enough)

Vẫn để ngỏ cho các đồng chí mình chỉ trích, các hành xử của Biden còn lâu mới là cách hành xử toàn tâm toàn ý cho Israel của Trump sử dụng để kiếm lợi thế với cư tri ky-tô-giáo.

Trump cho di chuyển tòa đại sứ Mỹ tới Jerusalem, một động thái tranh cãi, làm người Palestine tức giận. Biden không chọn đưa tòa đại sứ về chỗ cũ.

Cùng lúc với cuộc bùng nổ này, Netanyahu không thể thành lập chính phủ mới, cũng chưa có cuộc tổng tuyển cử mới, cơ hội cho ông còn cầm quyền, ông ta từng là người khai mào chính sách về Trung Đông của Trump, một tiếng nói quốc tế phê phán thỏa thuận nguyên tử Iran, bị Trump hủy bỏ, và Biden đang cố hồi sinh.

Đơn giản không theo Trump tự nó cho thấy một thay đổi chính sách.

"Hạ nghị sĩ dân chủ Eric Swalwell, bang California, nói với CNN hôm thứ bảy về bạo lực hiện nay: “Chúng ta cần chấm dứt ngay xung đột. Cám ơn Chúa, chúng ta có một vị tổng thống trách nhiệm hiện nay của Hoa Kỳ, một người tôi cho là có thể buộc nhà lãnh đạo Israel cần phải làm như thế”.

Sanders sử dụng cùng một ngôn từ mô tả Trump để mô tả Netanyahu. Mặc dù ông cho chính quyền Palestine là “tham nhũng và bất lực”, Sanders viết: “Hơn một thập kỷ cai trị của phe cánh hữu ở Israel, ông Netanyahu dung dưỡng một loại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc độc đoán ngày càng hà khắc. Ông viết tiếp: “Với một tổng thống mới, Hoa Kỳ ngày nay đang có cơ hội phát huy một lối hành xử mới với thế giới – một lối hành xử căn cứ vào công lý và dân chủ”.

Bài phân tích của  Zachary B. Wolf, CNN, ngày 16 tháng 5 năm 2021. Nguyễn Long Chiến dịch.

MỸ CHẲNG CHUẨN BỊ CHIẾN TRANH VỚI TRUNG QUỐC

Lời người dịch: Bài khá dài  nhưng hữu ích cho ai quan tâm tình hình Biển Đông và thái độ người Mỹ với chính chính quyền của họ. Nói thẳng, nói thật, tiết lộ chi phí quốc phòng, bằng những con số, nếu ở một nước toàn trị, tác giả sẽ vướng lao lý vì làm "lộ bí mật quốc gia" và "tuyên truyền chống phá nhà nước", dám gọi Bộ Quốc Phòng là Bộ Đủ Thứ. Có thể không ưa Donald Trump nhưng chúng ta thấy việc tuyên bố (có phần cao ngạo) của ông ta "quét sạch đầm lầy nước Mỹ" là đúng nếu Mỹ muốn trở lại với thế giới như mong ước của Joe Biden (America Back).

(America Is Not Ready for a War With China)

"Làm sao để Lầu Năm Góc chú trọng những mối nguy thật sự"

Hoa Kỳ chi 19 ngàn tỷ đô la cho quân sự kể từ sau chiến tranh lạnh. Số tiền đó cao hơn mức chi quân sự của TQ là 16 ngàn, và gần bằng tất cả thế giới còn lại chi phí cùng thời gian. Vậy mà nhiều chuyên gia cho rằng Hoa Kỳ sắp thua một cuộc chiến khốc liệt sắp tới. Hồi tháng 3, tư lịnh lực lượng quân sự Mỹ ở Ấn Độ -Thái Bình Dương, đô đốc Philip Davidson cảnh báo chỉ 6 năm nữa, quân đội TQ sẽ đuổi kịp quân đội Hoa Kỳ; họ sẽ “buộc thay đổi cục diện vùng Đông Á”. Trở lại năm 2019, một cựu quan chức Lầu Năm Góc tuyên bố quân đội Mỹ thường “thua thảm hại” trong trò games chiến tranh mô phỏng đánh nhau với TQ. Trong khi đó, nhiều nhà phân tích, nhà nghiên cứu kết luận nếu TQ chọn cách đánh chiếm Đài Loan, Giải Phóng Quân TQ sẽ làm tê liệt sức mạnh Hoa Kỳ nhảy vào cản bước.

Theo suy diễn phổ quát, cơn bão đang tích tụ này cho thấy một kết cuộc không tránh khỏi: Bắc Kinh thì trỗi dậy, Washington sẽ suy tàn. Thực sự, chẳng phải như thế đâu. Hoa Kỳ thừa tiềm lực và chiến lược khả thi, đánh trả sự bành trướng quân sự của TQ. Tuy thế, cấu trúc phòng thủ của Mỹ tỏ ra chậm trễ khi áp dụng chiến lược này, và thay vì thế, lại lãng phí tiềm lực vào các lực lượng cũ kỹ và các nhiệm vụ chẳng thiết thân. Vị thế quốc phòng của Washington hiện nay không coi trọng quân sự mà lại coi trọng chính trị - họ tỏ ra rất kiên nhẫn. Trong quá khứ, Hoa Kỳ chỉ củng cố quân sự sau lúc đối thủ chứng tỏ họ yếu thế trên chiến trường. Đất nước (chúng ta) một lần nữa lại hướng đến một thảm trạng như thế.

Để thay đổi hướng đi, chính quyền Biden phải công khai và liên tục ra lịnh quân đội tập trung vào việc ngăn chặn TQ và giảm thiểu các mục tiêu khác. Các mệnh lệnh này phải được bổ sung, thể chế hóa, trong đề xuất ngân sách quốc phòng của chính phủ, cả trong chiến lược phòng thủ quốc gia. Ngoài ra, chính quyền nên đẩy mạnh Sáng Kiến Răn Đe ở Thái Bình Dương, một chương trình khắc phục các sơ hở trong phạm vi phòng thủ của Hoa Kỳ ở châu Á. Nếu Mỹ không chớp lấy cơ hội này để khẳng định ưu thế quân sự với TQ thì chẳng còn cơ hội nào nữa.

TƯ DUY HẠN HẸP (Think small).

Trái với tin tưởng thông thường, Hoa Kỳ có phương tiện để kiểm soát TQ bành trướng hải quân. Chi phí quốc phòng TQ tăng đều mấy chục năm nay, nhưng Hoa Kỳ chi phí cho hải quân và thủy quân lục chiến của họ còn ngang bằng TQ dành cho quân đội trừ an ninh nội địa. Các đơn vị tác chiến Mỹ mang nhiều trọng trách bên cạnh việc chuẩn bị cho chiến tranh Trung-Mỹ, không khác gì TQ.

TQ có bờ biển tiếp giáp với 19 nước, thì 10 nước có tranh chấp lãnh thổ. Tuần tra các biên giới này cần tới hàng trăm ngàn quân TQ và rút hết một phần tư ngân sách quốc phòng. Dù TQ có lợi thế sân nhà (home-field) trong chiến tranh Đông Á, họ cũng đối mặt với hàng tá nhiệm vụ nặng nề hơn. Thử xem một cuộc đụng độ với Đài Loan, TQ cần chiếm đóng và kiểm soát lãnh thổ thì mới coi là chiến thắng thì Hoa Kỳ chỉ cần phủ nhận sự kiểm soát đó – một sứ mạng khá dễ dàng.

Với lợi thế có được của Mỹ, các chuyên gia quân sự cùng quan điểm về việc làm thế nào để răn đe TQ. Thay vì chờ một cuộc chiến khai mào rồi đưa các tàu sân bay dễ bị tấn công vào biển Đông Á thì Hoa Kỳ có thể thiết lập một “bãi mìn công nghệ” ngay trong khu vực, băng cách bố trí trước các giàn phóng tên lửa, máy bay quân sự không người lái, các trạm ra-đa trên biển, trên đất của đồng minh nằm cạnh bờ biển TQ. Các hệ thống khí tài dày đặc này rất căng nếu TQ muốn hóa giải; chúng không cần các căn cứ rộng lớn hay các hậu cần đặc biệt. Thế là, chúng được đặt lên bất cứ cái gì có thể nổi, có thể bay, như tàu buôn cải trang, xà-lan, máy bay.

Các nhà phân tích quốc phòng từng ưa chuộng biện pháp này hơn chục  năm trước. Tuy nhiên, quân đội Mỹ vẫn quá dựa vào một số lượng nhỏ các tàu chiến lớn và các chiến đấu cơ bay gần, hoạt động từ những căn cứ trống trải – các lực lượng đúng là thứ mà TQ có thể phá hủy bằng tên lửa phòng không đánh phủ đầu.

Khiến vấn đề trầm trọng hơn, Washington lại xuất khẩu cái hệ thống khiếm khuyết này đến các nước đồng minh. Chẳng hạn, việc Đài Loan mua máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất và xe tăng Abrams đã làm cạn kiệt nguồn tiền từ quân đội của hòn đảo và lực lượng tên lửa trên đất liền, cách phòng thủ chính của nước này trước cuộc tấn công thủy bộ của Trung Quốc.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia quân sự, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đang có một chọn lựa dễ dàng. Họ có thể nhanh chóng giữ vững cân bằng quân sự ở Đông Á bằng cách trang bị tràn ngập trong vùng những vũ khí, giàn ra-đa chi phí thấp hoặc là, họ có thể cắt giảm chi phí các tác vụ chẳng liên quan, các hệ thống khí tài đắt tiền vốn là bia ngắm cho hỏa tiễn TQ. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao các cơ sở quốc phòng Hoa Kỳ không nhìn nhận mọi thứ cùng một cách?

CHUYỆN BAO ĐỒNG (Mission creep)

Vấn đề bắt đầu từ cấp chóp bu kéo dài xuống các cấp khác. Từ khi Chiến tranh lạnh chấm dứt, các tổng thống Mỹ cho phép (thường là khuyến khích) bộ Quốc Phòng biến dạng thành Bộ Đủ Thứ (Department of Everything). Quân đội Mỹ bây giờ thực thi nhiều sứ mạng bên cạnh dự phòng chiến tranh bá quyền nước lớn, nào là hỗ trợ phát triển, cứu hộ cứu nạn, hoạt động chống ma túy, nào là kết nối bang giao, bảo vệ môi trường, và an ninh bầu cử. Nhân lực quốc phòng Mỹ hoạt động hầu như khắp thế giới và thực hiện hầu như mọi thức việc.

Nhiệm vụ to lớn này biến các vị chỉ huy chiến đấu Mỹ trở thành những thủ hiến của đế chế La Mã thời nay như mô tả của báo Bưu điện Washington – những trung tâm đầu não chính sách đối ngoại của Mỹ, phủ phê tiền bạc, gần như tự quyết, và không theo quy chế nào cả.

Họ giám sát sự kéo dài của các "tiểu Lầu Năm Góc" (mini-Pentagons) kinh lý các nước như một nguyên thủ quốc gia, xử lý hàng tá vấn đề trọng đại. Thay vì ủng hộ triển khai tên lửa đạn đạo rẻ tiền dễ sử dụng, rất quan trọng trong cuộc chiến tranh với TQ thì họ lại đẩy mạnh việc việc sử dụng các đơn vị quân sự quy mô, các căn cứ  quân sự khổng lồ (như hàng không mẫu hạm và khu trục hạm) thường xử lý những sứ mạng thời bình.

Như chuyên gia quốc phòng Mackenzie Eaglen đã chỉ ra, các chỉ huy tác chiến liên tục yêu cầu sử dụng các nền tảng như vậy, và các dịch vụ điều hành lực lượng của họ cố gắng đáp ứng những yêu cầu đó. Do vậy, quân đội Mỹ đã duy trì nhịp độ hoạt động như thời chiến trong suốt hai thập kỷ qua, ngay cả sau khi rút lui khỏi các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, với một số đơn vị hiện đang được triển khai với tốc độ gần gấp ba lần tốc độ khuyến nghị của Lầu Năm Góc.

Chẳng lấy làm ngạc nhiên, tai nạn và sự cố kỹ thuật tăng vọt. Từ 2006 đến đầu năm 2021, số nhân viên phục vụ Hoa Kỳ bị chết vì tai nạn là 5.913 người, gấp đôi binh sĩ thiệt mạng trong chiến đấu. Năm 1986, chi tiêu hoạt động và bảo trì ngốn 28% ngân sách quốc phòng; bây giờ số đó rút cạn tiền quá hớp 41%, gấp đôi kinh phí mua mới các hệ thống khí tài quân sự. Xu hướng này cho thấy cái vòng kim cô (vicious cycle) vì nó mà Lầu Năm Góc chi tiêu ngày càng nhiều để duy trì lực lượng ít hơn, cũ kỹ hơn, và càng lạc hậu hơn.

BIỆN PHÁP TỐT NHẤT

Vấn đề bắt đầu cấp chóp bu và do đó, giải pháp cũng phải như vậy. Tổng thống Joe Biden và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin phải chỉ thị cho Lầu Năm Góc cảnh giác chiến đấu cao với Trung Quốc, đặc biệt là ở eo biển Đài Loan, nơi có nguy cơ chiến tranh lớn nhất, đồng thời cắt giảm hoặc loại bỏ các sứ mạng khác.

Những chỉ thị đó phải nằm trong các đề xuất ngân sách quốc phòng và Chiến lược quốc phòng sửa đổi. Chiến lược quốc phòng 2018 ưu tiên cho việc cạnh tranh với các cường quốc nhưng lại thay đổi không đáng kể cơ cấu sức mạnh quân sự Mỹ ở châu Á bởi vì nó chất chồng nhiều nhiệm vụ mới mà không loại bỏ những nhiệm vụ ít thiết yếu hơn.

Chính quyền Biden bây giờ cần làm những việc khó nhọc là xác định và cắt bỏ những tác vụ không quan trọng, để giải phóng nguồn lực quân sự và tập trung vào việc ngăn chặn TQ.

Bước đầu trong lộ trình đó bao gồm việc cắt giảm số lượng, quy mô của các “sứ mạng hiện diện” (“presence missions”) hiện có hàng trăm ngàn nhân viên quân sự, đang đi trên biển, đang bay trên trời, rồi tập trận, huấn luyện trên thế giới mỗi ngày.  Tốc độ chóng mặt của các hoạt động này buộc chặt và làm hao tổn các đơn vị chiến đấu của quân đội, khuyến khích việc mua sắm các thiết bị quy mô không phù hợp cho một cuộc chiến với Trung Quốc.

Trấn an các đồng minh và “giương cao ngọn cờ” là những nhiệm vụ quan trọng, nhưng chúng có thể được thực hiện bởi các đơn vị cơ động hơn, chẳng hạn như Lữ đoàn Hỗ trợ Lực lượng An ninh, hoặc Bộ Ngoại giao chứ không phải bởi các nhóm tác chiến tàu sân bay.

Thứ hai, đội ngũ Biden nên tái triển khai, càng nhiều càng tốt, lực lượng không quân và hải quân tới châu Á. Hoa Kỳ đã tuyên bố “xoay trục” sang khu vực gần một thập kỷ trước, nhưng nhiều pháo hạm của họ vẫn còn ở nơi khác. Ví dụ như ở Trung Đông, Mỹ thường sử dụng các máy bay chiến đấu tiên tiến để tấn công những kẻ khủng bố vũ trang hạng nhẹ và triển khai hàng không mẫu hạm, máy bay ném bom hạng nặng, để gửi tín hiệu răn đe tới Iran.

Mức độ quá mức cần thiết như vậy làm mất đi tính sẵn sàng chiến đấu, tước mất lực lượng cần thiết của Bộ tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình dương nhằm cạnh tranh với Trung Quốc. Một cách tiếp cận bền vững hơn sẽ xử lý các mối đe dọa nhỏ hơn với các lực lượng nhỏ hơn, săn lùng những kẻ khủng bố bằng máy bay không người lái và các đơn vị hoạt động đặc biệt, hỗ trợ tầm gần bằng máy bay tấn công hạng nhẹ, chống lại sự xâm lược của Iran bằng cách duy trì một cấu trúc căn cứ xương sống trong khu vực, sẵn sàng hỗ trợ tăng cường lực lượng nếu xung đột lớn nổ ra.

Cuối cùng, chính quyền Biden nên chuyển các nhiệm vụ phi quân sự cho các cơ quan dân sự. Ví dụ: việc ngăn chặn ma túy nên giao cho cục Quản lý ma túy; an ninh biên giới cho Hải quan và bộ đội Biên phòng; an ninh bầu cử cho bộ An ninh nội địa; hỗ trợ phát triển cho cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, v.v. Việc giao lại các sứ mệnh và tăng cường sự xử lý của các cơ quan dân sự sẽ tăng cường sức mạnh quân sự, đồng thời, phi quân sự hóa chính sách đối ngoại của Mỹ.

SÓI Ở TRƯỚC CỬA

Cải cách guồng máy đồ sộ nhất của quốc gia là rất khó nhưng không phải không làm được. Quân đội là một tổ chức theo hệ thống quân giai với các trách vụ rõ ràng. Tổng thống và bộ trưởng quốc phòng có quyền ra lịnh cho các chỉ huy tác chiến, ràng buộc họ qua ngân sách và công tác nhân sự.

Các tư lệnh tác chiến, các chỉ huy trưởng hậu cần, đến phiên họ, có ảnh hưởng to lớn lên việc mua sắm. Họ đang ở tuyến đầu, vì vậy, khi họ yêu cầu trang bị, các dân biểu chỉ làm cái việc cản trở càng nhiều càng tốt – cả các nhà thầu quân sự cũng phải sắp hàng chờ.Tổng thống và bộ trưởng quốc phòng cũng có thể dùng diễn đàn hù dọa để lay chuyển các động lực chính trị đang đối diện với những nhân vật quan trọng. Chẳng hạn, tổng thống và bộ trưởng quốc phòng rõ ràng coi TQ là quan tâm hàng đầu thì họ đưa ra cho quốc hội cái vỏ bọc chính trị, mục đích để cắt giảm hay thu hẹp các nhiệm vụ khác (của chính phủ).

Về lý thuyết thì có thể cải cách, nhưng để thực hiện, đòi hỏi sự lãnh đạo rõ ràng và bền vững từ cấp cao nhất. Biden và Austin đã nói rằng, ngăn chặn Trung Quốc là ưu tiên quân sự hàng đầu, nhưng Biden cũng muốn Lầu Năm Góc xử lý một loạt các mối đe dọa an ninh phi chính thống, và Austin dường như khó có thể là người ủng hộ "Châu Á trên hết", vì ông là cựu chỉ huy bộ Tư lệnh trung tâm Hoa Kỳ, cơ quan giám sát các lực lượng Mỹ ở Trung Đông.

Tuy nhiên, có những lý do để lạc quan một cách thận trọng về triển vọng cải cách. Một là, ngày càng có nhiều người tham gia chính trị quyền lực, ủng hộ sự tập trung vào Trung Quốc. Năm ngoái, quốc hội đã thông qua sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương. Nếu được tài trợ đầy đủ, chương trình này sẽ phân bổ 27 tỷ đô la trong vòng 5 năm để phân chia và củng cố cấu trúc căn cứ của Mỹ ở châu Á, đồng thời, trang bị cho bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình dương nhiều đầu đạn và cảm biến tầm xa. Vào tháng 4, các nhà lập pháp trong ủy ban quân bị Hạ viện đã viết một lá thư cho Lầu Năm Góc, kêu gọi cắt giảm các hoạt động không cần thiết trong thời bình, để giải phóng nguồn lực chuẩn bị cho cuộc chiến tranh bá quyền nước lớn.

Thủy quân lục chiến và lục quân, hai quân chủng của quân đội có khuynh hướng chống lại việc tập trung vào chiến tranh hải quân ở châu Á, đã soạn thảo kế hoạch xoay trục từ giao tranh với quân nổi dậy ở Trung Đông sang đánh chìm tàu ở Tây Thái Bình Dương. Và các chuyên gia quốc phòng thuộc mọi lãnh vực hiện nay nhất trí cao về cách Hoa Kỳ nên làm, trong việc ngăn chặn sự bành trướng của hải quân Trung Quốc.

Trong khi đó, tình cảm bài TQ, ở Mỹ và thế giới, đạt đỉnh điểm từ cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Cứng rắn với TQ là một trong sáng kiến hiếm hoi ở lưỡng viện Hoa Kỳ, và TQ dường như làm mọi cách để thổi bùng ngọn lửa này với chính sách ngoại giao “Chiến binh lang sói” (Wolf Warrior).

Hiện đang có sự ủng hộ chính trị của lưỡng đảng ở Washington cho sự tái cân bằng thực sự ở châu Á và sự đồng thuận chiến lược giữa các nhà hoạch định quốc phòng về cách thức tiến hành. Cái chính còn thiếu, đó là sự phối hợp của lãnh đạo cấp cao nhằm tranh thủ sự hỗ trợ (của hai đảng) và biến các chiến lược đó thành hành động.

Ảnh: Hàng không mẫu hạm Mỹ ở Trung Đông 2014.

Bài của Michael Beckley đăng trên Foreign Affairs ngày 10 tháng 6 năm 2021.