Tiếng Việt sử dụng hằng ngày, ít ai để ý sự quý giá của nó. Khi ở nước ngoài, nghe ai nói tiếng Việt, ta mới thấy quý, mừng như bắt được vàng.
Chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tôi là Miên. Lúc bạn đồng hành bị nhức răng, tôi vào một tiệm thuốc tây không lớn lắm bên vệ đường. Thấy chủ tiệm mặt mũi trắng trẻo, tầm tuổi tôi, tôi nói tiếng Anh: Bà làm ơn bán cho tôi thuốc giảm đau. Chủ tiệm nhìn tôi lắc đầu, ra vẻ không hiểu. Tôi lõm bõm qua tiếng Pháp, ở Miên, giới lớn tuổi thường có thể nói được. Bà chủ thanh tú cười và lắc đầu, cũng không hiểu. Tôi tự đi 1 vòng quan sát các tủ thuốc. "Đây rồi", tôi chỉ vào vỉ paracetamol. À, chủ tiệm cười duyên dáng, thốt lên bằng tiếng Việt: ông mua thuốc giảm đau chứ gì. Té ra bà chủ là người Việt. Mua thêm vài món kẹo ngậm, tôi tán chuyện với bà chủ có nước da trắng điển hình, ít có ở phụ nữ Miên.
Từ đó, tôi thấy vui vui. Ở "nước ngoài" như Miên, tiếng Việt hãy còn được sử dụng, nhất là những nơi sang trọng, hay ngay chợ trung tâm Nam Vang.
Đó là tiếng quê hương. Tôi muốn nói "tiếng quê".
Dân Quảng Nam viết văn có thể "hùng hồn" nhưng nói không hùng hồn chút nào. Lần đầu tiên vào Sài Gòn, tôi cũng mặc cảm tiếng Quảng, giọng Quảng của mình. Các bạn học hay gọi tôi "thằng Quảng Nôm". Chúng còn bồi thêm: en không en tét đèn đi ngủ, kẻo con chó lớn kén con chó nhỏ nhen reng (ăn không ăn, tắt đèn đi ngủ, kẻo con chó lớn cắn con chó nhỏ nhăn răng). Thiệt tức ói máu, giận cành hông.
Có câu ở Quảng Nam: chửi cha không bằng pha tiếng. Lúc Nguyễn Cao Kỳ làm chủ tịch ủy ban hành pháp trung ương (thủ tướng) có câu chuyện "pha tiếng" ở một cuộc họp quốc hội, ông một lần ngồi ghế "chủ tọa" trong một buổi điều trần. Khi giới thiệu một dân biểu Quảng Nam, ông dõng dạc nói to vào micro: Mời ngài nêu "théc méc". Ông nhái giọng vị đại biểu. Hội trường cười ồ. Vị dân biểu đứng lên, quay lại chào mọi người, không thèm nhìn đoàn chủ tịch, ôm cặp đi thẳng ra khỏi tòa nhà quốc hội. Phiên họp ngày hôm sau, thủ tướng phải công khai xin lỗi vị dân biểu Quảng Nam khí khái ấy.
Nhiều bạn trẻ tuổi người Quảng Nam khi vô Sài Gòn sinh sống hay học tập đều cố giấu gốc gác giọng Quảng để tiện bề "hòa nhập". Đây là khuynh hướng tự nhiên "nhập gia tùy tục". Nhưng có anh muốn "hòa nhập" giọng Nam quá mạnh, lại gây chuyện dở hơi. "Đêm chong 'đèn' ngồi nhớ mẹ" thì anh ta lại hát thành '' đêm chong 'đằng' ngồi nhớ mẹ"; người Quảng Nam hay phát âm ăng thành en như hải đăng thành Hải đen. Muốn như người Sài Gòn nhưng anh chàng này đi tuốt, quá mũi Cà Mau.
Dù có cố gắng giấu "giọng quê" của mình, người Quảng cũng khó mà nói nhuyễn như người Nam. Tôi vào Nam năm 1972, đến nay, giọng tôi vẫn không được người Sài Gòn xem như giọng của họ dù tôi rất cố gắng nói "giọng Nam". Nhưng về quê, bà con cứ cho tôi "nói giọng Sài Gòn". Rõ khổ. Tôi như bị "mất gốc" về giọng nói.
Tầm tuổi này, tôi không còn quan tâm mình nói giọng nào miễn cố nói đúng tiếng Việt. Có một điều, đi đến nơi xa lạ không phải quê hương như Hà Nội hay Sài Gòn, nghe ai nói tiếng Quảng, tôi rất là sung sướng, tìm mọi cách để trò chuyện hỏi han, dù hiện nay người quê tôi học hành và sinh sống rất nhiều ở Sài Gòn. Tiếng quê, ôi, tiếng diệu huyền.
Nhiều người có học phê phán tôi khi nói đến "tiếng Quảng". Họ bảo không có tiếng Quảng, chỉ có giọng Quảng, giọng Bắc, giọng Huế, giọng Sài Gòn...Tất cả đều có một ngôn ngữ "tiếng Việt". Có thể đúng nhưng tôi có thể cãi. Giọng khác nhưng tiếng giống? Chưa hẳn. Tiếng cũng có khác giữa người vùng này, vùng kia. Ở Huế (sát với Quảng Nam), người ta gọi "mụ" hết sức trân trọng. O, mụ...Không trang trọng sao có chùa Thiên Mụ? " Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương". Ở Quảng Nam, mụ là cách gọi khinh bỉ. "Mụ này mỏ nhọn" (hỗn). Mụ ăn mày. Con mụ ngồi lê đôi mách. Mụ cô nhọn mồm (hay can dự chuyện riêng các cháu)
Như vậy, có "tiếng Quảng" đó chứ, sao bảo chỉ có "giọng" Quảng?
Tiếng Quảng bây giờ không những cả nước mà cả thế giới, ai cũng biết. Đó là nhờ hai nghệ sĩ Hoài Linh và nhát là Trường Giang. Nếu diễn hài, hai nghệ sĩ này nói giọng Hà Nội hay Sài Gòn, đố có khán giả.
Vậy thì tiếng quê, giọng quê...là tiếng của quê hương Việt Nam. Hãy hãnh diện nếu ta có giọng Quảng, nói tiếng Quảng hay tiếng Cà Mau, giọng Cà Mau " cá gô bỏ vào gổ quậy gột gột". Nhưng đó là bản sắc vùng miền, đừng lấy giọng "chuẩn" Hà Lội ra để phê phán nói như thế là sai tiếng Việt, trừ trường hợp viết lên giấy, dạy trong trường, nói trong giao tiếp mọi người mọi quê.
Sáng nay, ra chợ quê của mình, tôi sung sướng như lúc còn bé, lao xao đầu chợ, cuối chợ, tai tôi nghe rõ mồn một cái tiếng, cái giọng mấy chục năm trước mẹ nói với tôi, và tôi nói với mẹ: tiếng quê, tiếng nơi chôn nhau cắt rốn, tiếng Quảng Nam.