Wednesday, December 4, 2024

GIỌNG QUẢNG NAM, NGƯỜI NÓI CÓ MẶC CẢM KHÔNG?

Trả lời ngay là có. Nhưng mặc cảm ấy chỉ xảy ra ở những cư dân Quảng Nam làm ăn xa xứ. Ở Sài Gòn, (hầu hết) những người này thường cố gắng “nói như người Nam”, phần nào che bớt cái mặc cảm có giọng nói “chẳng giống ai”. Nhưng có người "Nam hóa" giọng mình “quá hớp”. “Đêm chong đèn ngồi nhớ mẹ…” thì họ hát thành “Đêm chong ĐẰNG ngồi nhớ mẹ…”. Họ mặc cảm về âm E với âm A. “En không en tét cá đèn đi ngủ” (Ăn không ăn tắt cái đèn đi ngủ”.

Không mặc cảm sao được khi giọng nói của mình “chẳng giống ai”. Đã khác mà giọng ấy còn làm trò cười cho những người rắn mắt thích chọc ghẹo người khác vùng miền. Có những câu chuyện đánh nhau sứt đầu bươu trán trong quân đội khi thanh niên Quảng vào các trại huấn luyện quân sự ở Đồng Đế (Nha Trang). Ở quê tôi có câu “Chửi cha không bằng pha tiếng”. Pha tiếng hay nhái tiếng không thể chấp nhận được.

Giọng Quảng Nam không phải “nổi tiếng” nhờ có hai anh hề Hoài Linh và Trường Giang. Nó nổi tiếng trong câu chuyện thời sự thập niên 1960. Trong một cuộc điều trần trước quốc hội (hạ viện), chủ tịch ủy ban hành pháp trung ương (tức thủ tướng) Nguyễn Cao Kỳ hướng tay chỉ về một dân biểu Quảng Nam và nói: “Mời ông nêu théc méc (thắc mắc)”. Vị dân biểu đứng lên, sửa lại mục kỉnh, với tay ra trước cầm lấy cặp tắp, lẳng lặng rời chỗ ngồi, quay ra ra sau cúi chào đồng nghiệp. và không một lời đáp, một mạch bước ra khỏi hội trường, trước sự sửng sốt của mọi người. Trong phiên họp ngày hôm sau, trước khi khai mạc, thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ nghiêm trang xin lỗi hành vi bỡn cợt vị dân biểu ngày hôm trước. Báo chí lúc ấy phê phán vụ “pha tiếng” này của vị lãnh đạo quốc gia.

“Pha tiếng” không hẳn chấm dứt từ lúc ấy. Nó còn có đến tận bây giờ. Đây là câu chuyện trong bàn nhậu ở miền Nam mỗi một tôi là Quảng Nam. Mấy người bạn nói quê tôi có bà Mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất nước nhờ… cãi nhiều. Ngậm và không nhai nổi miếng miếng mực khô trong miệng, tôi nín thở nghe “một thằng” kể chuyện như sau. Có ba anh du kích núp dưới hầm bí mật bên trên là xe tăng của lính Mỹ đang quần thảo, xích sắt nghiến ầm ầm. “Xe ten (tăng)”. “Không, thiết giốp (giáp)”, một giọng nói cất lên. “Trật lất. Xe bạc (bọc) thép’, người thứ ba quả quyết. Cuộc cãi vã bắt đầu. Nhờ dưới hầm nên tiếng cãi dẫu rất to, chẳng thằng địch nào nghe được. “Trăm nghe không bằng một thấy”, một trong ba anh du kích ra vẻ quyết định: “Mở nắp hầm lên xem”. Cả ba nhất trí. Và thế là bọn lính Mỹ nã đạn vào. Dưới hầm không nghe tiếng cãi nữa.

Tính vốn hiền từ nhưng tôi không khỏi tức giận chửi (thầm trong bụng) “Tổ cha bọn mi xuyên tạc”. Xe thiết giáp thành xe thiết giốp. Xe tăng thành xe ten. Xe bọc thép thành xe bạc thép. Ôi, cái thằng Nam bộ này nhái y chang giọng Quảng của tôi rồi. Tuy là chuyện tếu trong bàn nhậu nhưng tôi thề trong bụng không bao giờ ngồi chung bàn với họ nữa. Tự ái quê hương, biết đâu tôi không “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với những thằng bạn của mình.

Cố gắng “nói như người Nam”, tôi vẫn bị người Sài Gòn nhận xét tôi nói giọng “nẫu” (lầm với Bình Định) còn quê hương thì  phê bình tôi  “mất gốc”; họ bảo tôi “nói giọng Sài Gòn”.

Bản tính người Quảng Nam rất kiên định. Họ không bao giờ thay đổi quan điểm khi đã hình thành quan điểm. “Cãi” là một trong nhiều cách họ bảo vệ cái quan điểm ấy của mình. Giọng nói, do đó, cũng khó mà bị “đồng hóa” bởi giọng nói của cư dân khác. Giọng Quảng Nam có một đặc trưng riêng. Và tôi rất hạnh phúc khi có được cuốn sách nghiên cứu có tựa “Nguồn Gốc Và Sự Hình Thành Giọng Quảng Nam” của giáo sư ngữ học Mỹ (gốc Việt) Andrea Hoa Phạm.

Tác giả sách.

Tôi có thói quen đọc sách rất nhanh. Không phải nhờ cặp mắt liếc như chớp từ dòng này sang dòng khác. Phần khác là “lược bỏ” rất chính xác những đoạn không cần đọc mà vẫn hiểu tác giả nói những gì. Tất nhiên, cuốn sách trên không thể đọc kiểu “ăn gian” như thế được.

Càng đọc tôi càng ngẫm nghĩ. Hóa ra cái giọng “kỳ cục” của quê Quảng Nam tôi có…nguồn gốc hẳn hoi.

Trước đây, có người (nghe đâu cả học giả nữa) cho rằng, giọng Quảng xuất phát từ giọng người Chăm nói tiếng Việt. Chẳng hạn máy bay thành má ba; cái bao thành cái bô; cái tai thành cái tưa; đói thành đúa. Ăn thành eng. Tác giả cuốn sách viết: “Cho đến nay, ngoài các từ vay mượn từ tiếng Chăm, chưa có một tài liệu ngữ học nào chỉ ra hoặc đưa ra chứng cứ cho thấy phát âm của người Chăm ảnh hưởng đến phát âm của tiếng Việt…” (Trang 219). “…Người Chăm nói tiếng Việt không đủ sức thay đổi gì đặc biệt trong tiếng Việt, và càng không có thay đổi nào mạnh đến mức làm phá vỡ hẳn hệ thống như ở giọng Quảng Nam”.  Andrea Hoa Pham còn mạnh mẽ khẳng định: “Chẳng những tiếng Việt nói chung không bị tác động gì từ tiếng Chăm, mà còn ngược lại” (Trang 219).

Mà thật.  Nếu “vì tiếp xúc với người Chăm mà giọng Quảng Nam thay đổi đến mức khác hẳn phương ngữ khác” (p.219) thì có thể hiểu rằng, khi không bị ảnh hưởng người Chăm, phương ngữ Quảng Nam cũng "từa tựa" như phương ngữ Nam Trung bộ và Nam bộ. Tác giả cho đây là nhận định “liều lĩnh và không có điểm tựa”. Thứ nhất, chẳng lẽ “các phương ngữ của một thứ tiếng không thể quá khác biệt nhau”? Thứ hai, người Chăm “ở khắp mọi nơi” trên đất Việt, tại sao chỉ có Quảng Nam -mà không là vùng khác- bị ảnh hưởng giọng nói? Thứ ba, giọng nói vùng Bình Trị Thiên “chẳng giống” Nam hay Bắc, nhưng không ai nói nó bị “lai” giọng Chàm dù đây là vùng đất cũ của Chiêm Thành (trang 220).

Như vậy giọng Quảng Nam là từ trời rơi xuống? Không.  Sách “Nguồn Gốc và Sự Hình Thành Giọng Quảng Nam” cho rằng, “…giọng Quảng Nam được xây dựng trên nền tảng giọng Thanh Hóa và có thu nhận và điều chỉnh một số yếu tố của phương ngữ Nghệ Tĩnh” (trang 34). Và tác giả đã tìm thấy “họ hàng” giọng Quảng Nam còn “sống” rải rác ở một vài vùng quê (như làng Hến và Kẻ Chay) ở Hà Tĩnh (Trang 141).

Nhưng tại sao “…quê hương của tổ tiên người Quảng Nam không còn giữ giọng nói xưa”? Tác giả: “Chúng ta có thể giả định rằng trong vòng vài trăm năm, một phương ngữ khó mà thay đổi đến mức mất hẳn những đặc trưng vốn có, những đặc trưng khó lẫn khi đứng chung với các phương ngữ khác” (trang 140). Đây là phần nhận định đáng để ý khi tìm nguồn gốc giọng Quảng Nam: “Tìm ra được những điểm chung giữa giọng Quảng Nam, Nghệ Tĩnh và Thanh Hóa, và quan trọng là những điểm chung này lại không có trong các phương ngữ nào khác của tiếng Việt, thì chứng tỏ rõ ràng có mối dây liên hệ sâu sắc giữa các phương ngữ đang xét” (trang 140).

Đọc đến những đoạn nhận xét của tác giả về nguồn gốc giọng Quảng Nam, tôi thắc mắc: Vì sao cái giọng ấy chỉ “rơi rớt” ở một vài làng “quê nội” mà vẫn còn “đại trà” ở những vùng quê tỉnh Quảng Nam ngày nay? Andrea Hoa Pham giải thích: “Những di dân đầu tiên vào đất Quảng Nam đã đem theo giọng nói ấy. Sau khi bị tách rời khỏi quê hương cũ một thời gian dài, nhất là trong thời kỳ Trịnh- Nguyễn phân tranh, một số đặc trưng ấy đã hòa nhập vào giọng Quảng Nam hiện đại (thời ấy- NLC) và được giữ lại cho đến ngày nay. Trong khi ở quê nhà, giọng nói không ngừng thay đổi. Một số vùng, nhất là quanh các trung tâm tỉnh, qua tiếp xúc với (contact) với các phương ngữ khác, nhiều giọng địa phương đã rũ bỏ dần những nét quá đặc trưng để gần với giọng “chuẩn” Bắc Bộ hơn” (Trang 211.)

Tôi thắc mắc tiếp, tại sao giọng Quảng Nam thay đổi ở quê nhà mà vẫn giữ nguyên (hay ít thay đổi) ở quê “người”?   Một trong giải thích của tác giả: “Những di dân buổi đầu tiên ở miền đất Quảng Nam này, dù tự nguyện hay bất khả kháng, đã phải cắt sợi dây ràng buộc với mảnh đất tổ tiên nơi chôn nhau cắt rốn để dắt díu nhau đến một miền xa lạ không người thân thích, không quen phong thổ khí hậu, không quen tập quán văn hóa. Họ còn có gì quý hơn tiếng nói mang theo từ quê nhà?” (Trang 282).

Đọc hết cuốn sách tôi mới nghiệm ra, cái giọng Quảng Nam mà tôi và hàng ngàn người “tha hương” lập nghiệp- từ dân thường tới dân biểu thời ông Nguyễn Cao Kỳ- lúc nào cũng lấy làm “mặc cảm” lại là cái giọng mà cha ông chúng tôi đã nói trước khi “hành phương Nam” lập nghiệp. Còn vinh dự nào hơn khi cái giọng Quảng Nam có “gốc gác” hẳn hoi. Đó không phải là cái giọng “lai” Chăm, những người “thua cuộc”, những người bị ông bà chúng ta chinh phục, đến nổi mất tên khỏi bản đồ thế giới trong vòng chưa tới mấy trăm năm. Cái giọng Quảng Nam yêu dấu ấy vẫn còn “bắt gặp” rất nhiều ở hầu hết vùng quê Quảng Nam (và một phần ở các thị trấn và thành phố).

Cái giọng Quảng Nam ấy không làm cho chúng tôi cảm thấy mặc cảm nữa. Nó là bản sắc văn hóa. Nó là phần trong dòng máu của người Quảng Nam chúng tôi.

Và nhân đây, tôi – cũng có thể là hầu hết người Quảng Nam- xin tri ân tác giả, Andrea Hoa Pham, một cư dân gốc Bắc, sinh sống quãng đời niên thiếu ở Quảng Nam, đang giảng dạy tại Hoa Kỳ, đã thai nghén một tác phẩm ngữ học quy mô, giải thích NGUỒN GỐC VÀ SỰ HÌNH THÀNH GIỌNG QUẢNG NAM.

Chỉ một hối tiếc nhỏ. Khi về Việt Nam thỉnh giảng một số nơi, Andrea Hoa Pham lại không được đón tiếp niềm nở tại quê nhà Quảng Nam. Andrea bị từ chối chỉ một vài hôm trước cuộc nói chuyện đã định với sinh viên tại đại học sư phạm Đà Nẵng vì lý do…thủ tục. Và tôi lỡ mất dịp được nghe buổi nói chuyện của giáo sư. Dù sao, với tác phẩm này, với tôi,  tấm lòng của một người con xa xứ đối với quê hương không bao giờ phai nhòa trong lòng người Quảng Nam chúng tôi.