Tuesday, January 30, 2024

THƯƠNG VONG

Tin tức cây phượng vĩ ngã, đè chết 1 học sinh và làm bị thương 17 học sinh khác, ở một ngôi trường Sài Gòn là tin tức hết sức bàng hoàng, chấn động. Phượng vĩ là cây đáng yêu của tuổi học trò, của thời đi học. Cây phượng vĩ sát nhân. Có báo đưa tin “18 học sinh thương vong”. Mới đọc tôi tưởng cây ngã đã giết chết 18 học sinh.

Ở miền Nam lúc chiến tranh, “thương vong” đối với một số người thời ấy có nghĩa là người chết, chứ không phải như bây giờ, “chết và bị thương”. Đối chiếu tiếng Anh, tôi thấy có từ tương đương với “thương vong” là casualty (a person who is killed or injured in a war or in an accident = người bị chết hay bị thương trong chiến tranh hay trong một tai nạn). Ví dụ của từ điển Oxford: Both sides had suffered heavy casualties = Hai bên bị tổn thất nặng nề - Từ điển ghi chú thêm: many people had been killed, nhiều người bị chết).

“Thương vong” (casualty) người Anh cũng định nghĩa là người chết và bị thương và tiếng Việt cũng mang ý nghĩa như thế. Nhưng người Anh cũng nghĩ casualty, “thương vong” là “chết” theo ngữ cảnh trong ví dụ nêu trên. Báo đưa tin: 18 em học sinh thương vong, tôi lại nghĩ 18 học sinh bị chết vì cây ngã đè.

Cách đưa tin của báo không sai về ngữ nghĩa nhưng có thể gây hiểu lầm cho người đọc. Ngôn ngữ chuyển tải ý niệm càng rạch ròi, càng trong sáng, ngôn ngữ mới truyền đạt tư tưởng của con người thành dễ hiểu mà không sợ gây nhầm lẫn.

Tại sao báo (một số) không đưa tin “cây ngã làm chết 1 và bị thương 17 học sinh”, để người đọc không cảm thấy bàng hoàng khi đọc “cây ngã làm thương vong 18  học sinh”, người "chết" nhiều quá. Có từ điển định nghĩa “thương vong” là chết do bị thương, thấy cũng có lý.

Cách đưa tin làm tôi nhớ trước đây trong chiến tranh: “Quân ta tiêu diệt và làm tan rã một tiểu đoàn địch”; “tiêu diệt” và “làm tan rã” khác nhau hoàn toàn, nhưng cách đưa tin như thế khiến người đọc có thể hiểu cả tiểu đoàn địch có thể chết 60% và tan rã 40% - một chiến công hiển hách. Cách đưa tin như thế chúng ta hãy còn thấy: “Số cán bộ có bằng đại học và trên đại học chiếm 95% trên tổng số đại biểu”. Người đọc có cảm giác gần hết đại biểu có bằng thạc sĩ, tiến sĩ và số có bằng đại học rất ít trong khi thực tế có khi và có thể ngược lại.

Tiếng Việt nên viết trong sáng. Thương quá cái vong tiếng Việt = thương vong?

Related Posts:

  • KIẾN TÀI ÁM MỤC (Thấy tiền mờ mắt)(Hay là: Tiên học lễ, hậu học văn) Hồi học lớp tư (tức lớp 2 bây giờ), tôi có nhớ một bài “học thuộc lòng”: Chú cá bé bên cha bơi lội Thấy miếng mồi trôi nổi giữa sông “Kìa kìa cha hãy ngó trông” “Miếng ngon vật lạ bỏ không k...… Xem thêm
  • MƯỚN DANH HAY MƯỢN DANH?Đây là đức cha chứ không phải là cha. Chú dẫn sai chứng tỏ lời của kẻ mạo danh Mướn thì phải trả tiền mượn thì khỏi. Mấy hôm nay, có rất nhiều người đăng hình ảnh các vị linh mục, có cả giám mục, trong các bài quảng cáo thuốc...… Xem thêm