Thursday, January 25, 2024

Ở SAO CHO VỪA LÒNG NGƯỜI

Yêu ghét là thuộc tính con người? Nhân chi sơ tính bổn thiện. Tính tương cận tập tương viễn. (Người sinh ra vốn tốt. Tính giống nhau, khác nhau do hoàn cảnh). Nếu nhìn lịch sử VN, yêu ghét đúng là do hoàn cảnh.

Trước 1975 ở miền Nam, thời đệ nhất cộng hòa, nhiều người không bằng lòng chế độ “gia đình trị” của tổng thống Ngô Đình Diệm. Nhà văn, nhà cách mạng Nguyễn Tường Tam chọn lấy cái chết để phản đối sự “chuyên chế” của chính quyền Sài Gòn. Tổng thống bị lật đổ, chết thảm thê cùng người em cố vấn, tay bị trói trong chiếc xe tăng chật chội. Khí thế quần chúng dâng cao, ngày “cách mạng” 1 tháng 11 năm 1963 trở thành ngày quốc khánh VNCH. Không lâu sau thành lập nền đệ nhị cộng hòa, tổng thống là Nguyễn Văn Thiệu, dư luận chửi bới anh em Ngô Đình Diệm, hạ nhục, vu vạ bà cố vấn xinh đẹp Trần Lệ Xuân dần dần dịu xuống, ôn hòa hơn, và có vẻ thương tiếc hơn “nhà Ngô”.

Trước đó, chưa tới 2 năm 1963 đến 1965, các tướng lĩnh, trong Hội đồng quân nhân cách mạng, thay nhau làm đảo chánh. Chính quyền quân đội, dân sự, thay như thay áo. Dân chúng Sài Gòn quay ra chê bai đám tướng lĩnh, từng là anh hùng của họ sau 1.11.1963. Nỗi tiếc nuối nền đệ nhất cộng hòa kéo dài cho đến ngày hôm nay.

Yêu, ghét rồi ghét, yêu, không khác chi nước với lửa, mặt trời với mặt trăng. Hậu quả là gì? Lộn xộn dẫn đến sụp đổ VNCH. Kẻ đảo chánh, kẻ chống đảo chánh, “con” và “pro”, hình thành “hai phe”. Phe A trước kia “chính nghĩa”, chưa tới 10 năm sau trở thành “bất nghĩa”. Nhìn đám tướng lĩnh chủ chốt trong cuộc đảo chánh 1.11.1963 không thấy vị nào “ra hồn” cả dù huân huy chương đầy người.

Sau 1975, cả nước hồ hởi không lâu nhờ thống nhất, chấm dứt chiến tranh, thì phải lao vào cuộc cách mạng long trời lở đất khác , "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên “chủ nghĩa xã hội”. Ở thành phố, tư sản bị đập tan tành, không ngóc đầu nổi. Cán bộ, viên chức VNCH khổ ải trong các trại cải tạo. Ở nông thôn, tất cả đều “tiến lên” hợp tác xã nông nghiệp. Nền kinh tế bị què quặt, cái đói đến từng nhà, cả cán bộ lẫn người dân, cả nông thôn lẫn thành thị. Hồi đó: “Bắt ở trần, phải ở trần. Cho may ô mới được phần may ô” (áo lót nam). Người nào “chống lại” hình thái kinh tế mới, “tiên tiến” ấy sẽ bị kết tội là phản động.

Không đầy 10 năm sau 1975, cả nước “đói sảng”, phe XHCN sụm bà chè gần hết, VN mới chuyển qua cái hình thái kinh tế “phản nhân loại”, là “tư bản chủ nghĩa giãy chết”. “Bọn” tư sản mới nổi trở thành “những nhà yêu nước”, cất cái tên “phản động” vào túi, nhờ đóng góp của họ vào mức sống nâng cao của người dân. "Bọn Việt gian” bán nước vượt biên không bao lâu trở thành “Việt kiều yêu nước". Ôi thôi, rối rắm kinh hè. Bọn xấu A nay thành người tốt B. Người tốt B trở thành người xấu A. Bên nào đúng đây, thưa ông trời đa đoan.

Yêu, ghét "theo vận nước nổi trôi" (Phạm Duy) và tôi thấy yêu ghét cũng có "đoàn thể" hẳn hoi, chúng là “tập tính”, chứ không phải “thuộc tính”. Thuộc tính là “nhân chi sơ tính bổn thiện”.

Nói gần, nói xa, không qua nói thật. Cuộc bầu cử Mỹ là một ví dụ ràng ràng nhất cho tính yêu ghét của người Việt. Thương trái ấu cũng tròn, ghét trái bòn hòn cũng méo. Donald Trump là thần tượng của đa số người VN, kể cả người Việt ở nước ngoài. Đảng cộng hòa “năm bờ oanh” (Number one, số một). Joe Biden “xấu xa”, “ngủ gục”. Đảng dân chủ “thổ tả” “năm bờ then” (Number ten, số 10 có nghĩa “bù”, bài cào: rất xấu), đảng “thổ tả” (nguyên chữ này có nghĩa là ỉa mửa?). Nhưng ít bữa nữa, biết đâu đảng dân chủ uống thuốc đau bụng, hết "ỉa mửa", Biden chữa hết chứng "ngủ gục" (ai mà biết hết chuyện tương lai), lúc đấy có người quay ra chửi...chú cộng hòa "thổ tả" hay sao?

Vừa rồi, dù gặp rắc rối vụ bầu cử Mỹ, không biết thắng thua, Donald Trump cũng giơ cao búa, đánh thêm một nhát khá mạnh vào thói ngạo mạn, tính gian dối, của thằng “bành trướng”. Tôi dù không thích tính khí bốc đồng của một tổng thống cũng cảm thấy “khoái chá” (khoái trá) cực kỳ. Nhưng, nghĩ lại cũng khó. Yêu nên tốt, ghét nên xấu. Tôi, trước có mong ước làm “dịu đi” nồi nước sôi cuồng nhiệt yêu nước của một số người, đổ ào ạt vào một anh chàng tóc vàng ngoại quốc, cũng hứng chịu gạch đá, chất vài xe.

Yêu, ghét - tôi rút ra kinh nghiệm - chỉ đúng trong giai đoạn, không mãi mãi. Căm ghét đế quốc Mỹ mà mãi mãi, lấy đâu người để ủng hộ Donald Trump? “Yêu biết mấy” (*) anh bạn vàng mãi mãi thì lấy đâu người chống ổng ở biên giới, ở biển Đông?

Viết tới đây, chợt nhớ bài thơ học thuộc lòng hồi đệ lục (lớp 7) của Nguyễn Công Trứ(?), chẳng có gì là “văn học” nhưng rất là “thời sự”:

“Ở sao cho vừa lòng người

Ở rộng người cười, ở hẹp người chê

Cao chê ngỏng, thấp chê lùn.

Mập chê béo trục béo tròn

Gầy chê xương sống, xương sườn phơi ra.”

(*): "Yêu biết mấy khi con tập nói/Tiếng đầu lòng con gọi Xit-ta-lin" (Tố Hữu).