Showing posts with label Lịch sử. Show all posts
Showing posts with label Lịch sử. Show all posts

Thursday, February 29, 2024

NỖI LÒNG TÙ BINH NGA (tựa tôi đặt)

Tựa đúng là: “Tất cả chúng tôi sẽ bị phán xét”. Tù binh chiến tranh Nga cất lên tiếng nói bất an và hổ thẹn về cuộc chiến ở Ukraine (‘We all will be judged.' Russian prisoners of war voice disquiet, shame over war in Ukraine

Bài của Tim Lister và Sebastian Shukla, CNN, ngày 16 tháng 3 năm 2022.

Những lời bộc bạch của một vài tù binh Nga (trong số 600 người bị bắt) trước báo chí. “Tôi muốn nói với tổng tư lịnh tối cao, hãy ngưng ngay hành động khủng bố ở Ukraine, bởi vì khi trở về, chúng tôi sẽ đứng lên chống lại ông”. Tổng thống Vladimir Putin “ra lịnh (cho chúng tôi )phạm tội ác. Không phải là phi quân sự hóa, hay đánh bại quân đội Ukraine, giờ đây những thành phố yên bình đang bị hủy diệt”. “Tội ác rành rành. Tất cả chúng tôi sẽ bị phán xét”.

Xuất hiện trước công chúng như thế có thể không đúng với Công Ước Geneve về đối xử với tù binh. Có ba phi công để CNN phỏng vấn cho biết họ không bị sức ép nào. Cuộc phỏng vấn thực hiện bằng tiếng Nga.

Các tù binh không bị còng tay; tuy ngồi một chỗ, có vẻ họ không bị thúc ép thân thể. Ba viên phi công ngồi quanh bàn tròn, một trong ba mang vết thương ở trán trước khi bị bắt. Anh nói: “Họ chăm sóc chúng tôi, cho ăn, cho uống, săn sóc thuốc men”. Ba sĩ quan phi công cho CNN biết họ rất bồn chồn khi thực thi nhiệm vụ, lo lắng cho sự khốn khổ của dân thường Ukraine. Họ sử dụng ngôn từ tức giận với tổng tư lịnh tối cao Putin.

Lời khai của họ trùng khớp với các đánh giá của phương Tây, tinh thần khá sa sút trong hàng ngũ binh sĩ Nga. Phi công ném bom chiến đấu, anh Maxim phát biểu nhiều nhất. Với gương mặt nhiều vết bầm, nước da nhợt nhạt, anh lại có giọng nói đĩnh đạc của một vị sĩ quan dày dạn chiến đấu. Anh nói, “lệnh chiến đấu bí mật” ban ra chỉ trước một ngày Putin tuyên bố “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Được hỏi, các anh nghĩ gì về tuyên bố của Putin rằng, Ukraine do bọn tân Quốc xã chi phối, Maxim đáp: “Tôi nghĩ đó chỉ là cái cớ, ở đây thế giới chẳng hiểu nổi đâu. Nhưng Putin và bộ sậu cần nói như thế để đạt mục tiêu họ muốn. Đấy là bước đi có lợi cho thông tin sai lạc về chủ nghĩa phát xít và Quốc xã. Chúng tôi không thấy bọn Quốc xã và bọn phát xít. Người Nga, người Ukraine có thể nói cùng một thứ tiếng; họ là những người tốt. Thật khó để đánh giá trực tiếp hành động của Putin nhưng ở mức tối thiểu, xét đoán hậu quả do lịnh ban ra, ông ta đã sai”.

Trong cùng buổi họp báo, một sĩ quan trinh sát có tên Vladimir cho một số ký giả quốc tế biết, “Chính phủ chúng tôi bảo là cần phải giải phóng quần chúng nhân dân. Tôi muốn nói với các bạn chiến binh Nga: hãy buông vũ khí, rời khỏi đơn vị, đừng có đến đây. Mọi người đều mong ước bình yên”.

Sau đó, Vladimir táo bạo hơn: "Tôi muốn nói với Tổng tư lệnh của chúng tôi, hãy dừng các hành động khủng bố ở Ukraine bởi vì khi quay về nước, chúng tôi sẽ nổi dậy chống lại ông."

Một binh sĩ 22 tuổi  không tiện nêu tên chỉ cho biết phiên hiệu đơn vị: “Chúng tôi đến đây không phải để gìn giữ hòa bình, mà là để chiến đấu. Chúng tôi hỏi các vị chỉ huy như thế. Nếu quay đầu lại, chúng tôi sẽ bị bắn vì tội đào ngũ”.

Anh nói thêm: “Không có dân thường trong các chung cư. Nhưng họ có ở đó. Điều này làm chúng tôi rất lo lắng. Chúng tôi nhận ra tên lửa đang bắn vào thường dân chứ không hẳn chỉ các cơ sở quân sự. Họ làm ngược điều nói với chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi phải đầu hàng”.

LỊNH VÀO PHÚT CHÓT

Phi công Maxim nhận lịnh chiến đấu một ngày trước khi Putin phát động tấn công.  Sau đó, điều ngạc nhiên xảy ra. “Lệnh hủy bỏ. Một số phi đội cất cánh phải quay trở lại. Chúng tôi sung sướng và nghĩ các thứ chắc được giải quyết hòa bình”. Anh lầm – ngay sau đó là danh sách tọa độ cho các mục tiêu ở miền Đông chung quanh Izium và Chuhuiv.

Anh nói mình không chắc sẽ đánh bom cái gì. “Không thể biết được cái gì ngoài biên giới liên bang. Ví dụ, họ đánh dấu một xe tăng. Nhưng chúng tôi không chắc, có đúng là xe tăng hay không”.

CNN phân tích nhiều trường hợp bom rơi vào khu thường dân từ ngày khởi đầu cuộc chiến (24/2).

“Chúng tôi chỉ phóng những hỏa tiễn không định vị”, hàm ý nói điều các nhà phân tích gọi là “bom câm” (dumb bombs), một loại bom không được điều khiển, nguy cơ tàn phá bừa bãi hơn. Maxim cho biết thêm: “Tôi sử dụng bom nổ thông thường, cấu tạo bằng gang, giống loại bom dùng trong đệ nhị thế chiến có thay đổi chút đỉnh chỗ nọ chỗ kia qua nhiều năm. Có nhiều loại hỏa tiễn đạn đạo hiện đại hơn, nhưng sự thật là chúng tôi không được sử dụng chúng”.

Tuần rồi, quan chức Mỹ và NATO cho biết Nga đang dựa nhiều vào các loại “bom câm” ít tinh vi so với vũ khí dẫn đường đang chứa trong kho.

Một quan chức cấp cao NATO nói: “Ở thời điểm này, khó có thể nói, Nga làm thế vì sợ tốn kém, hay vì thiếu vũ khí tồn kho, hay là vì muốn tạo ra sức công phá ác liệt trong vũ lực.

Các binh sĩ bị bắt khác cũng nói về những mệnh lệnh phút chót. Sergey ở đơn vị pháo binh, nói trong cuộc họp báo trước đó, “lúc 10 giờ sáng ngày 23 tháng hai (24 tấn công), họ được tập họp, vị chỉ huy thông báo lệnh tấn công Ukraine của Putin, chiếm thủ đô Kyiv, và bảo vệ nhân dân chống lại chủ nghĩa phát xít và bọn độc tài ở Ukraine”.

TƯƠNG LAI BẤT ĐỊNH

Các phi công nói với CNN không rõ cuộc chiến sẽ chấm dứt thế nào. Maxim nói: “Tôi hy vọng cấp trên của chúng tôi kiểm soát được tình hình. Chuyện gì xảy ra trong tương lai, hy vọng cho một kết cuộc, tôi không biết làm gì ở đây để nói điều tôi muốn”.

Anh cũng nhắc lần đầu tiên liên lạc về cha mẹ sau khi bị bắt. “Con còn sống đây. Con vẫn còn sống và đang là tù binh". Chúng tôi nói chuyện cá nhân. Chuyện con cái, chuyện nhà; không dám nói chuyện quân sự. Dĩ nhiên, chúng tôi mong thấy gia đình, những người thân. Mong gặp họ và ôm lấy họ bởi họ rất lo lắng”. Maxim còn nói, họ còn lo nhiều thứ sẽ xảy ra cho họ.

“Tội ác chúng tôi gây ra; chúng tôi sẽ bị phán xét giống nhau. Còn hơn thế nữa, tôi không thể nói ra. Không thể biết được…người ta sẽ phán xét chúng tôi thế nào”.

Một tù binh nữa trong một cuộc họp báo khác cũng bày tỏ tình cảm tương tự. “Nhận lỗi lầm thật kinh khủng đối với chúng tôi. Cần phải nhiều năm, nhiều thập kỷ, nhiều thế kỷ để hàn gắn rạn nứt anh em (giữa Nga và Ukraine). Ước chi tôi có thể chui xuống đất mà biến mất”.

Nguyễn Long Chiến lược dịch từ https://edition.cnn.com/.../ukraine-russian.../index.html

ÔI, CHIẾN TRANH

Hãng tin CNN: Thi thể của 20 thường dân bị chết nằm rải rác trên một con đường ở Bucha, gần thủ đô Kiev. Một số người nằm úp mặt xuống đất, một số người khác ngửa mặt lên trời, miệng há hốc. Tất cả minh chứng nỗi kinh hoàng sau thời gian chiếm đóng của quân Nga. Một người bị trói ngoặt tay ra sau bằng dải băng trắng (loại vải lính Nga buộc dân Ukraine phải đeo trên cánh tay để dễ phân biệt “địch, ta”). Một người khác nằm trơ trọi, chiếc xe đạp đè lên người gần một bãi cỏ. Người thứ ba nằm giữa đường, bên cạnh xác một chiếc xe cháy như than. Hình ảnh ấy được hãng AFP chụp lại ngay ngày quân Nga rút lui vì không chiếm nổi thủ đô Kiev.

Hãng tin REUTERS: Một người đàn ông nằm sóng soài bên vệ đường ở Bucha hôm chúa nhật, tay bị trói ra sau lưng, một vết thương to ở đầu do đạn. Đây là cái chết của một trong hàng trăm người dân thường khác trong 5 tuần thành phố bị quân Nga chiếm đóng…Có ba người ăn mặc thường dân bị bắn vào đầu ở tầm rất gần dù tay không bị trói. Một phụ nữ có chồng bị quân Nga bắt đi. Chị đi tìm và biết xác chồng nhờ đôi giày anh mang và chiếc quần anh mặc. Anh bị bắn vào đầu, mặt mày, tay chân bị nát không rõ vì đạn hay vì bị chém bằng dao. Sau khi tìm ra xác, người phụ nữ chôn trong vườn gần nhà, đào hơi sâu để khỏi bị chó đang đói đi bới xác. Một phụ nữ khác tìm ra xác chồng mắt trái bị nát do vết đạn bắn vào. Thành phố Bucha bị quân Nga chiếm ngay sau ngày tấn công 24 tháng 2.

Hãng tin AP: Ukraine nói có 410 xác thường dân ở các vùng quanh thủ đô Kiev sau khi quân Nga rút đi. Ở Bucha, chúng tôi thấy 21 người chết. Một nhóm 9 người, mặc thường phục, nằm rải rác ở khu vực dân chúng bảo là chỗ Nga đóng quân. Tất cả họ có vẻ bị bắn chết ở cự ly rất gần. Có hai người tay bị trói quặt sau lưng. Hình ảnh xác người bị bắn nát nằm rải rác trên các con phố hoặc bị lấp vội vã ở các mồ chôn tập thể làm dấy lên làn sóng căm phẫn báo hiệu một bước ngoặt quan trọng sau 6 tuần chiến cuộc.

Tổng thống Zelensky và một số lãnh đạo vài nước châu Âu đang mạnh mẽ lên án quân Nga phạm tội ác diệt chủng (genocide).

Trăm nghe không bằng một thấy. Quý vị thông cảm cho tôi đăng một số hình ảnh đau thương ở cuối bài viết. Tại Việt Nam, ai cổ vũ cho chiến tranh, ai cổ vũ cho Putin, ai cổ vũ cho hào quang Liên Xô cũ, hãy nhìn và suy nghĩ:  xác người Ukraine, xác người Nga, cũng không khác xác người Việt Nam một khi có chiến tranh.

Ai sẽ là tội đồ của Nga? Ai đang là đồ tể của Ukraine? Còn Putin là còn máu đổ.

Wednesday, February 7, 2024

NHÂN CÁCH PHAN CHÂU TRINH: VĨ ĐẠI

Dưới con mắt hậu sinh, hình ảnh Phan Châu Trinh chìm hẳn trong nhiều ngôi sao “cách mạng” khác. Một vài nhận xét về chí sĩ người Quảng Nam này như sau:

- Nguyễn Ái Quốc cho rằng: "Cụ Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương, đó là sai lầm chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương".

- Tố Hữu: “Muôn dặm đường xa biết đến đâu?

             Phan Châu Trinh lạc lối trời Âu".

- Sử gia Trần Văn Giàu: Qua những vấn đề tư tưởng yêu nước của Phan Châu Trinh được sơ bộ phân tích, có thể thấy rằng đường lối khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, đường lối chống chủ nghĩa thực dân Pháp nhằm giành lại độc lập tự chủ, lập chế độ quân chủ lập hiến hay chế độ cộng hòa dân chủ, và nhằm đưa nước nhà phát triển theo Tây phương, thực chất là tư tưởng tư sản chứ không phải cái gì khác. Tư tưởng dân chủ tư sản ở Tây phương đầu thế kỷ XX rõ ràng là đã lạc hậu quá rồi bởi vì bấy giờ Tây phương đứng trước ngưỡng cửa của cách mạng vô sản, xã hội chủ nghĩa

Các ý kiến ấy về Phan Châu Trinh có thỏa đáng? Tôi thì thấy chưa thỏa đáng mấy. Yêu cầu người Pháp thực hiện “cải lương” thì không khác gì xin thực dân rủ lòng thương. Mahatma Gandhi với chủ trương bất bạo động (không khác Phan Châu Trinh) chỉ cần tuyệt thực một tháng, yêu sách thay đổi sự cai trị (đâu khác chủ trương “cải lương” cửa PCT) ông đưa ra, thực dân Anh có dám không chấp nhận? Và Ấn Độ giành được độc lập năm 1949 không cần phát động chiến tranh.

Tố Hữu bảo Phan Châu Trinh “lạc lối trời Âu” ư?   Mười lăm năm “bị quản thúc”trên đất Pháp, khi về nước Phan Châu Trinh đăng đàn diễn thuyết, hàng vạn người nghe, hàng vạn người cổ vũ. Vận ông gắn liền vận nước, Phan Châu Trinh chẳng may không còn sống để tiếp tục sứ mạng khai trí giống nòi.  Hàng chục ngàn người đưa tiễn ông trong đám tang lớn chưa từng có trong lịch sử: bọn thực dân phải lo sợ ảnh hưởng của ông, và nhất là cái chết của nhà chí sĩ.

Hồ Chí Minh sau này cũng công nhận: “Năm 1926, có một sự thức tỉnh trong toàn quốc tiếp theo sau cái chết của một nhà quốc gia chủ nghĩa già – Phan Châu Trinh. Khắp trong nước đều có lễ truy điệu... Chữ "Chủ nghĩa Quốc gia" từ đó được nói và viết công khai. Những giáo viên người Pháp tìm cách ngăn cấm học sinh tham gia các cuộc meeting đó. Nam nữ học sinh ở nhiều trường, đặc biệt là Sài Gòn là nơi tổ chức đám tang, đã tuyên bố bãi khóa. Hai mươi ngàn người đi theo linh cữu mang biểu ngữ viết những khẩu hiệu có tính chất quốc gia chủ nghĩa. Người An Nam chưa hề được chứng kiến một việc to lớn như vậy bao giờ trong lịch sử.” (1)

Trần Văn Giàu phê phán tư tưởng Phan Châu Trinh (trong đoạn trích): “…thực chất là tư tưởng tư sản chứ không phải cái gì khác”. Ông tổ lý thuyết cộng sản không còn sống để vận dụng “vật chất” quyết định “tinh thần”, “hạ tầng” quyết định “thượng tầng: nền kinh tế Việt Nam hiện nay ra sao? Tư bản hay cộng sản? Chủ nghĩa tư bản hiện nay lạc hậu hơn chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội? Đường hướng Phan Châu Trinh (theo ý sử gia) là không tiến bộ ?

Cụ Phan Châu Trinh.

Bên cạnh những nhận xét ấy, tôi xin trích dẫn một số nhận xét của các nhà trí thức khác về Phan Châu Trinh:

- Giáo sư Trần Ngọc Vương: Khác với chủ trương cầu viện ở nước ngoài của Phan Bội Châu và nhiều người, Phan Châu Trinh lại chủ trương "Ỷ Pháp cầu tiến bộ" (Dựa vào người Pháp để cải tạo xã hội). Ở đây, Phan Châu Trinh đã nhận ra mặt thứ hai của Chủ nghĩa thực dân, ấy là mặt xây dựng chứ không chỉ là mặt phá hoại. Tôi cho đó là cái nhìn tiến bộ và xa hơn rất nhiều so với Phan Bội Châu.

Từ góc độ của mình Phan Châu Trinh nhìn ra đường hướng "Ỷ Pháp cầu tiến bộ" không phải là đường hướng không sáng suốt. Chúng ta chứng kiến một thực tế về sau này là chính hệ thống giáo dục của nước Pháp đã đào tạo ra một đội ngũ trí thức mà chúng ta vẫn gọi là "thế hệ vàng của trí thức Việt Nam". Và chính những trí thức này sau đó đã góp một phần rất lớn trong việc loại bỏ Chủ nghĩa thực dân và tạo nền móng cho một xã hội hiện đại tại Việt Nam. Có nhìn như thế thì mới thấy hết cái viễn kiến, tầm nhìn của Phan Châu Trinh lúc bấy giờ. (2)

- Học giả Nguyễn Hiến Lê: “Cụ Tây Hồ là người mở đường cho phong trào Duy Tân ở nước ta. Lập Nghĩa Thục, một phần công lớn là của Cụ, gây tư tưởng mới ở Quảng Nam là Cụ, đi khắp nơi diễn thuyết là Cụ, khuyên quốc dân cắt tóc là Cụ, liệng cái Phó bảng mà lập ra hiệu buôn cũng là Cụ, bỏ tục nhuộm răng, vận âu phục bằng nội hóa thì người đầu tiên cũng lại là Cụ”(3)

- Nhà sử học Phạm Văn Sơn:

Dù có những nhận định khác nhau về lập trường chính trị Phan Châu Trinh, nhưng không ai không công nhận ông là một người có tư tưởng dân chủ sớm hơn hết ở Việt Nam.

Tôi là kẻ hậu sinh, học lịch sử từ nhỏ, may mắn còn sống qua hai chế độ. Nhưng tôi muốn có cái nhìn công tâm hơn về một nhân vật lịch sử, đến nay vẫn còn vĩ đại ở tầm nhìn vượt thời gian.

Hơn 100 năm trước ông cỗ vũ cho: KHAI DÂN TRÍ, CHẤN DÂN KHÍ, HẬU DÂN SINH. Việt Nam có cần giáo dục (khai dân trí) không? Bao nhiêu cải cách giáo dục mấy chục năm nay chứng tỏ quốc gia này vẫn ao ước “giáo dục là quốc sách”.

Ngày xưa Phan Châu Trinh nói gì nữa? Xin trích dẫn vài đoạn:

“… Xin có lời khuyên với đồng bào chỉ nên trông cậy ở chính mình, chớ vọng ngoại vì vọng ngoại ắt là chết. Hãy coi trọng nền hòa bình của đất nước nếu chúng ta không muốn mua lấy cái chết. Những sự giải thoát của chúng ta là nằm chủ yếu trong sự học hành, mở mang trí tuệ” (4)

-"… Dân tộc nước Nam, trên lịch sử, có hai đặc tính cực đoan phản đối nhau: một là đặc tính bài ngoại và ỷ ngoại; hai là đặc tính tự tôn và tự ti. Hai đặc tính đó sẵn ở quốc dân, trong não mọi ngườì”(5).

“…Nước Nam đã lâu nay học thuyết sai lầm, phong tục hư hỏng, không có liêm sỉ, không có kiến thức, trong cùng một làng một ấp cũng xâu xé lẫn nhau, cùng nòi cùng giống, vẫn coi nhau như thù hằn” (5)

Quí vị thấy tầm nhìn của Phan Châu Trinh thế nào, trong con mắt của chúng ta ngày nay? Tuy nhiên, cá nhân tôi kính phục ông nhất, về cái tôi gọi NHÂN CÁCH VĨ ĐẠI PHAN CHÂU TRINH.

Khi phong trào Cần Vương nổ ra, Nghĩa hội trưởng Quảng Nam sai người hạ sát cha Phan Châu Trinh vì nghi ngờ ông mưu phản. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, trong nước, nước ngoài, không bao giờ ai nghe ông nhắc đến cái chết oan khuất của người cha, và điều lớn hơn: ông không lấy đó để thù hận nhà yêu nước Nguyễn Duy Hiệu, người ra lệnh sát hại cha mình.

Cái chết của thân phụ Phan Văn Bình là nỗi đau cho gia đình. Chính cái chết oan ức - không phải mỗi một cha ông -  khiến Phan Châu Trinh sau này chọn con đường “bất bạo động” trong đấu tranh giành độc lập cho nước nhà? Ông sợ đồng bào mình sẽ đổ máu vì tay không tấc sắt trong lúc thực dân vũ khí đầy người, vũ khí tối tân? Dựa vào người Nhật để đánh người Pháp (như Phan Bội Châu) bị ông kịch liệt lên án: “Đánh beo cổng trước, rước cọp ngõ sau”. Sau này, lịch sử chiến tranh VN chứng minh nhận định sáng suốt của ông: người Việt không dựa vào người nước ngoài để có vũ khí giết hại nhau, cả mấy triệu nhân mạng?

Viết đến đây, tôi nghĩ đến Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Thiên tài quân sự này, gạt bỏ thù nhà, cùng vua quan nhà Trần chung tay đánh đuổi giặc cướp nước từ phương Bắc. Vợ của Trần Liễu, thân phụ ông, có thai ba tháng, buộc phải lấy Trần Thái Tông, em ruột chồng. Trần Hưng Đạo không nghĩ đến “thù nhà”. Khi gần chết, cha ông trăng trối với con phải “rửa mối hận này”. Nghĩ đến cha mà quên nghĩ đến nước, thử hỏi đất nước ta bây giờ còn có tên trên bản đồ thế giới nếu Trần Hưng Đạo không hết lòng trung tín? Đối với tình máu mủ, tôi thấy nhân cách của Trần Hưng Đạo và Phan Châu Trinh rất gần gũi nhau: hai người đều vì nước quên thân.

GHI CHÚ:

(1) Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản về phong trào cách mạng ở An Nam, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, trang 35, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.

(2) Vì sao Obama nhắc tới Phan Châu Trinh trong bài phát biểu "chạm trái tim"?, Vietnamnet, 28/05/2016

(3)  Đông Kinh Nghĩa Thục, trang 91, Nhà xuất bản Lá Bối, Sài Gòn, 1974.

(4) Hiện trạng vấn đề, Đại Việt Tân báo, 1907

(5) Pháp Việt Liên hiệp hậu chi tân Việt Nam, Phan Châu Trinh, Phan Châu Trinh toàn tập, tập 3, trang 57-58, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2005.

(6) Đầu Pháp Chính phủ thư, Phan Châu Trinh, báo Tân dân, 24/3/1949.

Monday, February 5, 2024

30 THÁNG 4: PHẢI LÀ NGÀY HÒA GIẢI.

Trong lịch sử đất nước, chưa có cuộc chiến nào khốc liệt như cuộc chiến chấm dứt ngày 30 tháng 4 và cũng chưa có cuộc chiến tranh nào kéo dài chia rẽ âm thầm, dai dẳng như thế, hơn nửa thế kỷ nay.

30.4: NGÀY CHIẾN THẮNG?

Đế quốc bỏ hơn 58.000 nhân mạng; “Ngụy” chừng ba trăm ngàn; “Ta” bao nhiêu? Chắc không dưới nửa triệu người. Dân thường có lẽ cũng vài triệu, cả hai miền Nam Bắc. Chất độc da cam còn ảnh hưởng kéo dài. Hàng trăm ngàn người bỏ xác ở Trường Sơn. Chiến thắng: đúng, nhưng chiến thắng đẫm máu.

30.4: NGÀY GIẢI PHÓNG?

Năm 1954, khi Cách Mạng giải phóng Hà Nội, gần 1 triệu người bỏ chạy vô Nam, nơi kìm kẹp của Mỹ-Ngụy. Mùa hè đỏ lửa 1972, hàng chục ngàn người chạy thục mạng theo chân Ngụy quân, bỏ quê hương Quảng Trị thân yêu. Đầu tháng 4 năm 1975, hàng chục ngàn người khác bỏ chạy theo đoàn quân thất trận khi Buôn Ma Thuột được giải phóng. Sau những năm 1975, hàng triệu người trốn khỏi đất nước tự do, tìm nơi có bọn tư bản đang giãy chết; hàng chục ngàn người khác bỏ xác dưới đáy đại dương. Tại sao người ta sợ Giải Phóng?

30.4: NGÀY THỐNG NHẤT?

Đây là câu trả lời có lẽ đúng nhưng là câu trả lời cần suy nghĩ. Tây Đức tư bản với Đông Đức cộng sản: thống nhất êm thắm – chỉ cần đập bỏ bức tường ngăn cách ở thủ đô. Đức không đổ máu khi thống nhất.

Hàng triệu quân nhân, công chức “Ngụy quân- Ngụy quyền” bị tập trung cải tạo, có người không chịu nổi bịnh tật, đói rét mà bỏ xác ở núi rừng. Con em của hàng triệu người này mang trong lòng nỗi đau bị phân biệt đối xử trong cuộc sống. Nam-Bắc thống nhất, lòng người có thật sự thống nhất?

Các lập luận trên sẽ là bị xem là “phản động” cho đến ngày hôm nay. Nhiều người (có dính dáng đến VNCH) đều không dám nói ra, ngoài chỗ thân tình.

Đối với tôi, ngày 30 tháng 4, có thể gọi là ngày HÒA GIẢI. Đất nước thống nhất không còn nạn binh đao. Nhưng sẽ thật sự thống nhất khi con người xuất phát từ hai miền Nam-Bắc thật sự yêu thương nhau. Máu của “Ngụy” hay máu của Việt cộng cũng là máu Việt Nam. Cái chết nào của hai phe cũng làm mẹ Việt Nam đau đớn.

Vì sao người ta vẫn ca tụng hằng năm ngày 30.4 theo ý nghĩa: chiến thắng và giải phóng?

Máu của chiến binh miền Bắc, của cán binh cộng sản miền Nam, đổ ra quá nhiều, quá lớn. Nỗi đau ấy khó mà nguôi ngoai. Trong tâm trí những chiến binh còn sống và con cháu họ, sự mất mát ấy không thể nào bù đắp vì mấy chục năm qua, họ được giáo dục lòng căm thù, ban đầu là đế quốc, sau đó là Ngụy quân- Ngụy quyền như là “tội đồ” của dân tộc.

Có một số người chưa hiểu ra, thế giới sau 1945, các nước chia làm hai phe: tư bản và cộng sản. Việt Nam là nạn nhân của cuộc chiến tranh lạnh này. Việt Nam không đủ sức mạnh để đứng trên đôi chân của mình. Phong kiến vua chúa, ách cai trị thực dân (đất nước chia làm ba kỳ, chia để trị) không làm cho VN thoát khỏi quỹ đạo của cuộc chiến tranh khốc liệt.

Có người Việt Nam nào mong muốn cầm súng giết nhau – những khẩu súng khắc tên Nga, tên Mỹ?

Dân trí, chính dân trí, là cách duy nhất để mỗi người Việt Nam hiểu cuộc chiến tranh đẫm máu vừa qua, và quan trọng hơn, từ đó sẽ hiểu nhau hơn, và yêu thương nhau hơn. Nhưng đây là vấn đề cực kỳ nan giải.

Hiểu nhau và yêu nhau, xuất phát điểm, phải là từ bên “thắng cuộc”. Đòi hỏi hiểu nhau và yêu thương nhau TRƯỚC từ bên “thua cuộc” là việc rất khó. Mặc cảm thua cuộc, ký ức bị ngược đãi trong quá khứ, vẫn còn âm ỉ trong lòng họ, không phút nguôi ngoai.

Kêu gọi hòa giải và hòa hợp dân tộc xảy ra từ gần nửa thế kỷ nay, kết quả thế nào? Hòa giải và hòa hợp dân tộc nghe hoài cũng…ngán. Nhưng hòa giải và hòa hợp dân tộc sẽ không bao giờ thành hiện thực?

Tôi thấy một trong những trở ngại đó là tư tưởng ở những người thuộc bên “thắng cuộc” (không phải tất cả). Tư tưởng “giải phóng miền Nam” hun đúc từ khi trẻ con bước chập chững vào trường học miền Bắc XHCN. Khó mà xóa nhòa một sớm một chiều. Võ Văn Kiệt, một lãnh đạo cộng sản có 4 người trong gia đình bị “địch” giết, tâm tình (đại ý): Mỗi năm kỷ niệm ngày 30 tháng 4 có hàng triệu người vui thì có hàng triệu người buồn. Tất cả bên “thắng cuộc” có đồng ý với nhận định của ông? Câu trả lời ai cũng biết.

Giáo dục, chính giáo dục “căm thù giặc”, là tác nhân khiến cho không phải tất cả người bên “thắng cuộc” chấp nhận đường lối hòa giải của một con người có nhân cách, có tầm nhìn như Võ Văn Kiệt.

Tôi kết thúc bài viết này bằng trích dẫn một bài thơ cho lập luận của mình, khi đọc xong, quý vị sẽ thấy giáo dục quan trọng trong hình thành tư duy như thế nào. Người viết bài thơ này giết chết bạn thân mình thời thơ ấu; ông là một trí thức, đã trưởng thành khi tiếp xúc giáo dục “căm thù giặc”. Những hậu sinh của ông được giáo dục từ nhỏ, làm sao họ có thể gột bỏ tư tưởng hận thù một cách dễ dàng để mục tiêu hòa giải và hòa hợp dân tộc trở thành sự thật khi ngày 30 tháng 4 được kỷ niệm tưng bừng hằng năm?

NHỮNG NGÀY XƯA THÂN ÁI (1)

Tôi bắn hắn rồi

Những ngày xưa thân ái

Không ngăn nổi tay tôi

Những ngày xưa thân ái

Chắc hắn quên rồi

Riêng tôi, tôi nhớ:

Đồng làng mênh mông biển lúa

Sương mai đáp trắng cỏ đường

Hai đứa tôi,

Sách vở cặp chung

Áo quần nhàu giấc ngủ

Song song bước nhỏ chân trần

Gói cơm mo mẹ vắt xách tùng tơn

Nón rộng hỏng quai

Trong túi hộp diêm nhốt dế

Những ngày xưa êm đẹp thế

Không đem chung hai đứa một ngày mai

Hắn bỏ làng theo giặc mấy năm nay

Tôi buồn tôi giận,

Đêm nay gặp hắn,

Tôi bắn hắn rồi

Những ngày xưa thân ái

Không ngăn nổi tay tôi

Xác hắn nằm bờ ruộng

Không phải hắn thưở xưa

Tôi cúi nhìn mặt hắn

Tiếc hắn thời ấu thơ.

Phạm Hổ (2) ,1957

Khi xã hội ngưng tuyên truyền "địch ta" (giữa Nam-Bắc), nhà trường ngưng giáo dục lòng hận thù

Ghi chú:

(1)  Bài thơ này cần phải vứt vào sọt rác quá khứ.

(2) Anh trai của Phạm Thế Mỹ.