Showing posts with label Phụ nữ. Show all posts
Showing posts with label Phụ nữ. Show all posts

Sunday, January 28, 2024

MẢNH ĐỜI BẤT HẠNH

(Hãy nghĩ đến trẻ thơ)

Ngày 27 giáp tết, tai họa giáng xuống hai cháu, một gái 4 tuổi và một trai hơn 2 tuổi ở một làng quê, heo hút núi rừng.

Vì quá ghen tuông nghi vợ ngoại tình, người cha đã kết liễu người mẹ của hai cháu bằng một cái búa đóng đinh khi hai người đang cãi vả. 15 phút sau, người chồng trẻ 30 tuổi tự treo cổ trên một cây cao trong rừng quanh ngôi nhà lá, rách nát của mình.

Cận tết, trong thời gian ít người qua lại vị dịch Covid, câu chuyện thương tâm của một gia đình trẻ có hai đứa con dại ít được quan tâm của  xã hội.

Cháu gái được bà ngoại mang về nuôi nấng; cháu trai thì ông bà nội cưu mang. Gia đình 2 bên đều nghèo, hai cháu mồ côi cha mẹ không thể ở chung một nhà; tình chị em chia cắt, tình mẫu tử, phụ tử chia ly.

Xung đột gia đình ở một làng quê nghèo cũng không tránh được một thảm cảnh thương tâm. Vì yêu, vì ghen, vì hiểu nhầm...thảm họa ập lên đầu hai cháu bé ngây thơ hay sao? Chúng đâu tội tình gì.

Căn nhà rách nát sau cái chết thảm thương của đôi vợ chồng - cả hai chưa ngoài 30 tuổi - lại thảm thương hơn. Mỗi chiều, tiếng bìm bịp kêu ủ ê trong khu rừng tĩnh mịch, cháu trai 2 tuổi, buồn bã không có chị ở bên, từ nhà nội tha thẩn qua ngôi nhà bất hạnh; cháu đi quanh nhà, vào bên trong, ra sau hè. " Ba ơi! Mẹ ơi!". Tiếng kêu ba mẹ buồn não nuột.  Ba, mẹ đâu còn! Tiếng kêu ngây thơ cứ vang lên mỗi chiều trời sắp lặn, tiếng kêu như xé ruột gan. Ông nội kể đến đây rồi ngưng lại, như muốn ngăn tiếng nấc nghẹn ngào; nhìn hình ảnh con, dâu trên bàn thờ,  nước mắt một người cha,  mái đầu bạc cúi xuống, lã chã rơi như một đứa bé trơ trọi, khổ đau.

Không muốn nhắc lại một hoàn cảnh đau lòng,  nhưng qua mấy ngày suy nghĩ, tôi không cầm lòng được khi viết status này, với lời nhắn nhủ, các gia đình trẻ có con còn nhỏ, hãy nghĩ đến con, đến núm ruột của mình trước khi có những hành động, đôi khi nhất thời mù quáng, có thể dẫn đến thảm cảnh thương tâm như đôi vợ chồng ở một vùng quê của núi rừng heo hút.

Hai cháu đang sống khổ sở vì nội ngoại đều nghèo nhưng cuộc sống sẽ khổ sở hơn khi lớn lên, câu chuyện đau thương về cha mẹ mình đeo đuổi tâm hồn chúng suốt cả cuộc đời. Đớn đau này bao giờ nguôi được? Hai cháu ơi!

Người mẹ bất hạnh.

Wednesday, January 10, 2024

BÓNG PHÍA SAU

(Phiếm luận nhân xem ảnh bên dưới)

Có câu “phía sau thành công của một người đàn ông có bóng dáng của một ngừơi đàn bà”. Tôi sửa lại, “phía sau sự thất bại của một người đàn ông có bóng dáng của một người đàn bà”. Không những thất bại mà còn “thân bại danh liệt”. Ví dụ điển hình: vị cựu bí thư huyện ủy Cô Tô, vừa mới bị cách tuột mọi thứ, đảng viên cũng bị khai trừ. Một tiến sĩ còn trẻ, đẹp trai, hoạn lộ đang thênh thang, chỉ vì “quan hệ bất chính” mà phải “gặm một nỗi” u hoài theo năm tháng. Nhưng không hẳn lỗi đàn bà. Tất cả tại người chọn đàn bà.

Ở Trung Quốc, mấy năm trước không thiếu những quan chức tham nhũng, xộ khám, đều thấp thoáng “bóng hồng”. “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách. Sắc bất ba đào dị nịch nhân” (Mưa không trói buộc nhưng giữ được khách. Sắc đẹp chẳng ba đào nhưng dễ níu chân ai). Không phải thời nay đàn ông khổ lụy vì đàn bà (đẹp). Thời xưa còn lắm lắm. Khi người đàn ông có công danh - cái mà nhiều người đàn ông khác ao ước - chính họ cũng ao ước một thứ: giai nhân. Trai tài, gái sắc. Đó là ước nguyện của đa phần con người trần thế. Trai tài mà gái không sắc có nhiều lý do. Một là, trai đó không yêu đàn bà đẹp (hơi bất thường, nghe); hai là, có yêu nhưng không tìm được giai nhân làm vợ; ba là, nghèo rớt mồng tơi, chẳng thị Nở nào ngó tới.

Đàn ông thành đạt thường cưới vợ đẹp trừ trường hợp lúc chưa thành đạt có cô vợ không “nguyệt thẹn, hoa nhường”. Các doanh nhân đàn ông ngày nay có khuynh hướng lấy các hoa hậu hay người mẫu làm bạn đời để “nâng khăn sửa túi”.Các quan chức còn trẻ, có địa vị trong guồng máy quốc gia, có lẽ mong muốn cũng không khác. Chỉ có khác, doanh nhân cưới vợ không hỏi ý kiến chi bộ chứ đảng viên phải “báo cáo tổ chức”. Yêu mùi mẫn say đắm nhưng tổ chức “lắc đầu” thì “em đi đường em, anh đường anh – nếu còn muốn danh phận (bất cứ quan chức lớn nhỏ đều đảng viên).

Có vợ hay có người yêu thuộc dạng “hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” không những là diễm phúc cho người đàn ông mà còn là một quyền lợi – ngang ngửa với quyền tự do biểu đạt hay quyền biểu tình chống xâm lược.

Nhiều người quan niệm làm chính trị không nên để “đàn bà” (đẹp, nguy hiểm lắm!) xen vào. Không xen vào việc triều chính nhưng xen vào đời sống quan chức, không được hay sao? Những lãnh tụ toàn diện (Mao Trạch Đông không phải là lãnh tụ tôi muốn nói) trên thế giới đều có vợ, nghĩa là có một gia đình đầm ấm. Căng thẳng triều chính khi về nhà gặp phu nhơn “ăn cục nói hòn”, tính tình lãnh tụ có ảnh hưởng không? Tôi chắc là có. Nếu có người vợ nhỏ nhắn xinh xắn, ăn nói nhỏ nhẹ, biết săn sóc đàn ông, lãnh đạo như thế tôi bảo đảm sẽ mang lại hạnh phúc cho dân chúng nước mình.

Những quan chức tham nhũng có nhiều bồ nhí ở TQ vướng tù tội, có lẽ vợ họ hoặc không đẹp người hoặc không đẹp nết, hay là cả hai. Không có thì kiếm chứ sao? Kiếm bồ nhí.

Nhu cầu tình yêu (kèm tình dục) ở con người rất đa dạng và phức tạp. Những người giàu có hay quyền lực còn sức sống thì nhu cầu ấy cũng đa dạng và cũng rất phức tạp. Nhu cầu muốn có trai tài, trai giàu, có gái sắc, gái ngoan là nhu cầu chính đáng. Người dân quèn cho chí lãnh tụ, ai cũng là người, do đó đều có nhu cầu ấy. Chẳng qua vì điều kiện, vì hoàn cảnh, vì cơ duyên, có kẻ không thỏa nguyện nhu cầu đó mà thôi.

Đàn ông muốn có giai nhân, đàn bà không được phép?

Ảnh hưởng Nho giáo lâu dài, vai trò người phụ nữ không được coi trọng. “Nhứt nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một trai cho là có, mười gái cũng bằng không). Có một phụ nữ xinh đẹp quyền thế một thời, vang danh một triều đại, nổi lên chống lại quan niệm cổ hủ lạc hậu ngày nước có ông Khổng Tử, đó là bà Võ Tắc Thiên. Công tích của bà lớn đến nổi khi bị truất phế, những người nổi loạn không chém đầu bà như thông lệ các vì vua chúa Trung Hoa thuở xưa. Một vị vua khác người.  Bà còn khác người ở chỗ: tự do hưởng thụ xác thịt ( và cả tình yêu nữa- ai biết?).

Lịch sử hầu hết đều do đàn ông viết; nhận xét về một vị vua nữ đem “trai khỏe đẹp” vào cung theo ý thích luôn luôn là ác ý và thiên lệch. Chỉ có một người Việt Nam nhận xét bà với thái độ cảm thông và công bình. Đó là học giả Phan Khôi, sinh ra rau bà Võ Tắc Thiên hàng chục thế kỷ. Ông viết trong bài “Thân oan cho Võ hậu” do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tầm: “Các ông vua nhốt trong cung đến những mấy ngàn đàn bà, hoang dâm vô độ, ấy là cái quyền của các ổng. Vậy thì bà vua Võ hậu chọn cung nhân bằng đàn ông để mua vui trong lúc “vạn cơ chi hạ”, cũng là cái quyền của bả. Như nói Võ hậu làm như vậy là thương luận bại lý, thì các ông vua làm như kia cũng thương luân bại lý. Không trách thì thôi; đã trách thì nên trách hết thảy”.

Một học giả nghiêm túc có tư tưởng tự do trong vấn đề luyến ái như thế kể ra rất hiếm và chính ông là người “khai sinh” ra thơ mới với bài “Tình già”, trong đó có một đoạn cho thấy, tự do luyến ái nhưng không buông tuồng, lơi lả.

“Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng,

      mà lấy nhau hẳn đà không đặng:

Để đến nỗi tình trước phụ sau,

      chi bằng sớm liệu mà buông nhau!”

- “Hay nói mới bạc làm sao chớ!

      buông nhau làm sao cho nỡ?

Thương được chừng nào hay chừng ấy,

      chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!

Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng,

      mà tính chuyên thuỷ chung!”

Tình yêu trai gái, và cả tình dục, thời nào cũng có. Nhưng tình yêu và tình dục có trái tim thì phải có khối óc. “Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng, mà tính chuyện thủy chung”. Chàng trai và cô gái trong một đêm tối, suy nghĩ rất chín chắn sau khi “Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi, con mắt còn có đuôi".

“Liếc đưa nhau đi rồi”, trai gái có gia đình không đi về nhà, lại đi vào nhà hát (Karaoke), quan hệ “chính đáng” trên-dưới ở cơ quan trở thành “bất chính” "trai trên gái dưới" ở giường ngủ,  dù "kẻ quan hệ" từng học tập đạo đức gì đó còn nhuyễn hơn sôi kinh nấu sử để trở thành tiến sĩ. Học mà không hành. Tiên, chẳng có lễ - hậu, văn cũng tiêu. Bỏ “tiên học lễ hậu học văn” là "tiến cùng thời đại".

Tuesday, January 2, 2024

BẢO MẪU VÀ ÁC MẪU

Cái chết thương tâm của cháu bé 17 tháng tuổi dưới bàn tay hai bảo mẫu (hình bên dưới) gây phẫn uất dư luận quần chúng. Có người đề nghị hai ”ác mẫu” này cần bị tử hình.

Tôi không bênh vực hay bào chữa hai phụ nữ này. Tôi chỉ hỏi: hình phạt cao nhất ấy có làm giảm đi hay ngăn ngừa bạo hành trẻ em dẫn đến cái chết tương tự? Chắc chắn là không.

Báo Dân Trí tháng 11 năm 2022 còn đưa tin, trẻ em 17 tháng tuổi và một em 12 tháng tuổi cũng bị chết vì bạo hành. Người giữ trẻ, bảo mẫu, là tác nhân chính.

Qua các vụ việc trên, tôi có mấy nhận xét:

- Bạo hành trẻ dẫn đến cái chết hiếm xảy ra ở cơ sở thuộc nhà nước quản lý.

- “Nhà” giữ trẻ “dân lập” thường là nhà ở thông thường. Không thể đáp ứng tiêu chuẩn giữ trẻ.

- Cha mẹ trẻ bị bạo hành có thu nhập thấp. Các nhà giữ trẻ tư nhân có quy mô, hiếm có trường hợp bạo hành vì họ làm việc có quy chế và luôn giữ uy tín. Cha mẹ có thu nhập khá, có khi bóp mồm bóp miệng, gửi con vào đây vì an tâm hơn các nhà trẻ “bình dân”.

- Nhu cầu gửi trẻ rất nhiều và rất khẩn thiết. Ở thành phố nơi có nhiều khu công nghiệp, người lao động không thể mang cha mẹ ra trông trẻ, và chưa hẳn có sức vừa nuôi con vừa nuôi cha mẹ.

- Chính quyền địa phương chưa có điều kiện cung cấp dịch vụ giữ trẻ và việc thành lập chỗ gửi trẻ chưa hẳn là quan tâm hàng đầu hay quan trọng của họ.

- Nhà nước còn nghèo, mọi trẻ em sinh ra chưa hẳn có chỗ trông coi trẻ, nuôi trẻ bữa trưa khi chúng chưa đủ tuổi vào mẫu giáo.

- Người lao động nghèo có con nhỏ là người cần trợ giúp của xã hội để họ toàn tâm làm việc, vừa kiếm sống, vừa đóng góp vào việc phát triển đất nước. Thật bất công nếu họ không được xã hội và nhà nước quan tâm.

Còn bộn bề nhiều thứ nhưng thứ nhà nước làm được và làm rất hiệu quả:

- Khuyến khích tư nhân mở trường nuôi dạy trẻ với ưu đãi phải bằng hoặc hơn ưu đãi công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Đương nhiên, điều kiện ưu đãi phải kèm theo dễ dàng.

- Đào tạo (trả phí khi có việc làm) và cấp chứng chỉ hành nghề cho những cô (hoặc thầy) có lòng yêu trẻ, muốn tham gia vào việc nuôi dạy trẻ tư nhân. Không thể để kẻ vì tiền mà không vì trẻ tham gia giáo dục lớp trẻ chưa vào mẫu giáo hay cả mẫu giáo.

- Kiểm tra  sức khỏe tâm lý, cấp giấy hành nghề hằng năm. Những ai không giám định tâm thần thì không được tiếp tục tham gia nuôi dạy trẻ. Hành hạ trẻ đến chết chỉ có ở những ai tâm lý bất ổn hay khiếm khuyết tâm thần.

- Giám sát chặt chẽ mọi hoạt động nuôi dạy trẻ tư nhân.

Và cái cuối cùng: cải tổ giáo dục, ở đây là xây dựng con người hiểu biết có lòng bao dung. Việc hai cô nuôi dạy trẻ thay nhau hành hạ cháu bé 17 tháng tuổi, tuổi non dại, ngây thơ, dẫn đến chấn thương và chết do đá đạp là vấn đề cần suy nghĩ.

Do bức bối công việc dạy dỗ nhiều trẻ và có một em “cứng đầu”, biện pháp TRẤN ÁP là cách của hai cô giáo mang ra sử dụng để giữ SỰ ỔN ĐỊNH lớp học là “triết lý” phát sinh từ giáo dục: TUAN PHỤC. Cá nhân phải vì tập thể (lớp học). Giáo dục ấy  không tôn trọng cá nhân, vì sao, trẻ 17 tháng tuổi khóc quấy không chịu tuân phục. Phát triển cá nhân phải là động cơ giáo dục con người. Đằng này, giáo dục để cá nhân tuân phục tập thể (đứa bé bị ’tra tấn và bỏ mạng vì là ‘cá biệt’: mấy đứa kia ‘tuân phục’ mà thằng này “chống đối” (bằng cách khóc lóc không chấp hành như những đứa khác).

Một cô giáo vì tức giận mà phạm tội khác rất nhiều với hai cô giáo CÙNG tức giận và phạm tội đưa đến cái chết của cháu bé 17 tháng tuổi. Hai cô này được giáo dục thế nào? Hay bản năng hai cô là “ác” như nhau?

Đau lòng vì cái chết tức tưởi thương tâm của một đứa trẻ không đồng nghĩa với việc lên án phải trừng phạt hai cô bảo mẫu bằng cái chết khác. Chúng ta hãy tỉnh táo nhìn lại xã hội: Cốt lõi là giáo dục- triết lý giáo dục.

Friday, September 2, 2022

PHẬN ĐÀN BÀ



 Tôi là đàn ông nhưng ưa hỏi chuyện đàn bà, quý bà tuổi 50, 60. Đa phần họ đều có cháu, không nội thì ngoại, có bà lủ khủ cháu. Tôi hỏi họ có ai phải trông cháu, tức giữ cháu không. Hầu hết họ gật đầu và cũng hầu hết, nét mặt thoáng chút ưu tư (ấy là tại tôi tưởng tượng?).

Có bà nội than vãn: "tôi thương cháu, chứ không ưa con dâu. Mỗi lần đi làm về, nó chỉ hỏi con, hôm nay thế nào, con có vui không, có ai quát mắng con không. Tôi muốn chửi nó nhưng sợ con trai nghe được, nó buồn. Tôi làm gì để cháu tôi không vui, ai quát nạt con nó khi trong nhà chỉ có mỗi tôi?". Bà tức tối buông 1 câu khó chịu dù chỉ gặp tôi lần đầu: "Quá mất dạy".
Một bà khác, buồn bã hơn, không giận dâu nhưng lại "hờn" con. Bà kể, một lần bế cháu 2 tuổi vào buồng tắm, vô ý trợt té, đứa bé văng ra một góc, khóc thét, bà thì thở không ra hơi, nền gạch "nện" vào bờ mông xương xẩu, đau thấu trời. Con trai đang lướt web trên điện thoại, nghe tiếng thét, hốt hoảng băng qua cửa phòng, bế thốc đứa con, vỗ vỗ vào lưng, và quay qua mẹ quát to: "má không biết buồng tắm lúc nào cũng trơn hay sao? Già rồi mà quá vô ý". Nói đến đây, đôi mắt bà ánh đỏ, tôi vội ngắt ngang câu chuyện, sợ bà rơi nước mắt, thêm tội.
Không phải con cái, dâu rể, ai cũng như hai người tôi nói. Nhưng bà nội, bà ngoại, những người từng làm mẹ, ai cũng có đặc điểm chung: hết thương con rồi thương cháu, cả đời không "rứt" được cháu con.
Người phụ nữ VN truyền thống, hầu hết đều làm việc cần mẫn, yêu chồng, thương con, bỏ cả sức khỏe để chăm chút gia đình, cư xử hẳn hoi với gia nương bên chồng, hiếu thảo với cha mẹ. Cuộc sống ngày càng khác xưa, giá trị đạo đức ngày càng thay đổi chuẩn mực.
Có thời, con cái tố cáo và lên án cha mẹ, ông bà mình là địa chủ, ác ôn. Chiến tranh ập đến, dịch chuyển gia đình ra khỏi ranh giới làng xã, người nơi này phải bỏ đi nơi khác, cầm súng đánh nhau hoặc tránh đạn, tránh bom, tránh nơi máu đổ ở chỗ không phải quê hương, bổn xứ. Người đàn bà trong chiến tranh luôn luôn mang lấy số phận bất hạnh hơn nhiều so với người đàn ông, chưa kể, bất hạnh vô vàn nếu chẳng may chồng họ bỏ mình trong chiến trận.
Hết chiến tranh, cuộc sống không hơn trước, cái đói ám ảnh mọi nhà. Ăn không đủ, chưa thể nói no, người đàn bà vắt kiệt thân mình thành sữa để bảo bọc lấy con.
Ngày nay, người phụ nữ có cuộc sống khá hơn xưa nhưng liệu "phận đàn bà" có khá hơn không? Nếu ở nông thôn, họ sẽ vất vả việc đồng áng hơn người đàn ông. Nếu ở thành thị làm công nhân công nghiệp, họ vẫn thua thiệt rất nhiều. Có con đường bán thức ăn nào ở thành phố đàn ông đi chợ nhiều hơn phụ nữ? Trong căn phòng ở trọ chật hẹp, nếu có con dại, người phụ nữ nào không bận bịu hơn đàn ông?
Có gia đình cư dân đô thị nào, người phụ nữ ngồi xỉa răng, uống nước trà, đang khi người đàn ông dọn lấy chén bát, xếp cất nồi soong? Có người phụ nữ nào ngồi hàng giờ nơi quán bia, tán chuyện trên trời dưới đất, trong khi người đàn ông đang cho con bú, bên đống tã lót ngút ngàn, và không hề tỏ lời than thở?
Cuộc sống bộn bề sẽ bớt đa đoan nếu con người chia sẻ nhau, hiểu thấu nhau.
Nghe có vẻ đơn giản vì nói thì dễ nhưng thực hành rất cam go, nếu con người không hưởng một nền giáo dục nhân bản từ lúc nhỏ.
Nếu cô con gái và cậu con trai (nói ở đầu bài) được nuôi nấng trong môi trường giáo dục lành mạnh, thì hai bà mẹ sẽ không phải xót xa khi nói về những đứa con họ xé ruột đẻ ra.
Người ta cứ nghĩ, nhà trường và xã hội chịu trách nhiệm hoàn toàn về giáo dục. Tôi thì nghĩ phần lớn giáo dục xuất phát từ gia đình. Không hẳn cha mẹ có bằng cấp cao, con cái sẽ được giáo dục tốt. Không, chính cái gương, chứ không phải cái bằng của họ.
(Bài cũ đăng lại)

Thursday, March 4, 2021

HÔM NAY MỒNG TÁM THÁNG BA TÔI GIẶT GIÙM BÀ CÁI ÁO CỦA TÔI

Thuở khai thiên lập địa, đàn ông chứ không phải đàn bà xuất hiện đầu tiên. Thượng Đế là đàn ông; không đàn ông, sao người ta gọi là Ông Trời, không gọi Bà Trời? Tôi nói theo Cựu ước của Ky-tô giáo, Adam, người đàn ông có mặt đầu tiên trong vườn Eden. Thấy anh chàng này buồn bã, Thượng Đế rủ lòng thương, bèn tạo thêm một người nữ tên Eva bằng cái xương sườn của người đàn ông kia.

Có lẽ, sự xuất hiện của đàn bà từ sự vay mượn của đàn ông, nên chi, đàn bà phải “trả” mút chỉ: cả ngàn đời nhân sinh, họ luôn phải “phụ thuộc” đàn ông?
Trong lịch sử con người, nói gần hơn, lịch sử con người châu Á, ảnh hưởng Nho giáo vẫn không dứt, phụ nữ luôn ở “chiếu dưới”. Khổng Tử: “Phụ nhân nan hóa” hoặc: “Người quân tử nên xa nơi bếp núc” (Ý chuyện nấu ăn của đàn bà!). Không rõ, nhận xét của vị vạn thế sư biểu này có đúng của ông, hay là, hậu thế nói, rồi gắn vào mồm ông, để cái gì cũng thành “Tử viết” cho nó thêm linh?

Người phụ nữ bị gọi là “đàn bà”, hai từ này tưởng bình đẳng như “đàn ông” nhưng không phải. Khi dùng để dè bĩu, khi dễ, đàn ông hay văng ra câu: “Đàn bà đái không qua ngọn cỏ”.
Ngày xưa, phụ nữ chịu lép không ít. Người chồng sẽ không để vợ nấu cơm nếu biết ngày đó vợ mình hành kinh. Đàn bà không được phép đi lên nhà “trên” nơi có bàn thờ gia tiên, dù “nhà trên” có lồng chim hoặc có chỗ con chó mực hay nằm.
Bây giờ, đàn bà hưởng rất nhiều quyền lợi ngày càng ngang ngửa với đàn ông. Nhưng họ có thật sự như đàn ông? Hẳn là không. Phụ nữ còn phải lo sinh đẻ. Gần như trăm phần trăm, các bữa ăn trong gia đình Việt Nam đều có bàn tay của người phụ nữ; không bà thì mẹ, không mẹ thì vợ, không vợ thì em, chị (gái), thậm chí là con gái, có em còn rất nhỏ tuổi.
Đàn ông ăn cơm xong thường nhảy lên sô pha ngồi xỉa răng, hút thuốc, xem thời sự, còn gọi nước trà nóng để uống, và những việc lỉnh kỉnh của chén bát, nồi niêu soong chảo, đàn bà đều quán xuyến. Người ta xem cái việc nhỏ nhặt nhưng hằng ngày này là chuyện thường tình. “Chuyện của đàn bà”.
Có phụ nữ nào muốn vùng lên không? Có rất nhiều. Nhưng khi muốn vùng lên, họ lo sợ sẽ bị đè xuống, bởi những đức chồng đàn ông vai u thịt bắp. Lo sợ một phần, phần khác là suy nghĩ của phụ nữ: làm mẹ, làm vợ thì phải hi sinh cho chồng, cho con, có khi còn cho cả “gia nương” nhà chồng. Nhiều người đàn ông hiểu thấu thì họ thường yêu thương phụ nữ. Đỡ đần cho người phụ nữ sẽ là việc làm thiết thực họ nghĩ tới. Có mấy ai như thế? Chưa có thống kê nhưng tôi chắc không nhiều.
An phận là thói quen lâu ngày trở thành thuộc tính của phụ nữ. Những việc tầm thường trong sinh hoạt hằng ngày, người phụ nữ cứ nghĩ đó là nhiệm vụ tự nhiên của họ. Bà nội, bà ngoại, mẹ, chị của họ từng làm những việc tầm thường như rửa chén, quét nhà, giặt giủ, đi chợ, cơm nước…từ bao đời nay. Tiếp tục “truyền thống” ấy là chuyện đương nhiên.
Khi yêu nhau, lời lẽ đường mật của đàn ông luôn luôn làm phụ nữ sung sướng đến nao lòng. Nhưng khi “em ơi” yêu thương trở thành “bà kia” gia trưởng, người phụ nữ vẫn cho mình là phận đàn bà. Họ cho hình ảnh quì gối tỏ tình của đàn ông như là một kỉ niệm. Họ không hề nghĩ tới cái quì gối đó báo hiệu viễn ảnh họ sẽ “quì gối” cả cuộc đời mình.
Có cần tuyên dương ngày 8 tháng 3 hay không? Tôi thấy không. Người mẹ, người vợ, người yêu trông mong đến ngày “phụ nữ” để được quí trọng. Họ quên rằng cả năm họ có được như vậy? Phụ nữ trông chờ vào đàn ông tuyên dương họ. Nếu đây là suy nghĩ của phụ nữ, tôi cho rằng: một suy nghĩ sai lầm.
Phụ nữ hãy tự “tuyên dương” lấy mình.
- Phụ nữ cần chú ý đến sức khỏe bên cạnh sắc đẹp. Để khi làm một việc gì đòi hỏi sức khỏe, họ không cần đến sức mạnh của đàn ông. Có sắc đẹp để giữ đàn ông không bằng có sức khỏe để thu hút họ. Ngoại trừ tật bệnh, không đàn ông nào thích thú có một phụ nữ gương mặt như hoa nhưng thân hình như cây sậy. Ngày xưa, phụ nữ phụ thuộc hoàn toàn đàn ông vì họ không đủ sức khỏe để làm những công việc nặng nhọc nơi đồng áng. Bây giờ khác rồi.
- Tuyên dương mình, người phụ nữ không phải tự mua hoa, mua quà cho mình, chỉ một ngày 8 tháng ba, không cần chi đàn ông. Tự tuyên dương bằng sự nỗ lực, bất cứ ngày nào muốn, phụ nữ cũng có thể sắm những gì mình yêu thích mà không phải ngửa tay chờ sự hào hiệp của đàn ông. Tôi muốn nói đến sự tự lập về tài chánh, nói to tát hơn, không phụ thuộc về kinh tế vào chồng. “Anh làm ra ba đồng, tôi cũng làm ra như anh, tuy tiền có thể ít hơn” là cơ sở để phụ nữ giải phóng lấy mình. Tất nhiên, điều này thực hiện khi đàn ông và đàn bà còn tuổi làm việc.
- Tự tuyên dương mình, phụ nữ hãy tuyên dương sự trí tuệ. Hãy đạp xuống đất, cái câu của đàn ông viện dẫn: “Đàn bà đái không qua ngọn cỏ”. Khi có hiểu biết nhất định, không phải mọi cái “đợi tôi hỏi ý ổng”, người phụ nữ mới có cơ hội tự giải thoát mình. Và, điều này rất rõ, bất cứ người đàn ông nào cũng yêu thích người phụ nữ có hiểu biết bằng họ hay cao hơn họ. Phụ nữ không nhất thiết phải đến trường mới có điều kiện nâng cao tri thức. Khi một đứa con tin tưởng mẹ cũng như cha về các vấn đề chúng cần giải thích thì khi ấy cái gia đình đó sẽ vô cùng hạnh phúc: sự hiểu biết là điều kiện để thật sự yêu thương.
- Phận gái “mười hai bến nước”. Câu này ngày nay còn đúng không? Vẫn còn giá trị nhưng chưa phải đúng. Nếu phụ nữ không tự tạo cho mình những kỹ năng sống, kiến thức làm mẹ, làm vợ, làm việc trong xã hội, thì không phải “mười hai bến nước” đâu; có khi là “hai mươi bến nước” không chừng: sự chọn lựa bến nào sẽ vô cùng bối rối.
- Có người nói “hôn nhân là sự may rủi”. Tôi thì nghĩ có may rủi thật nhưng chúng ta có quyền chọn lựa may hay chọn lựa rủi bằng sự cảm nhận đầu tiên khi tìm “nửa bên kia”. Ngày 8 tháng 3, có thể cô gái sẽ nhận một chiếc xe hơi làm quà tặng. Nhưng nếu ngoài ngày ấy, người tình lý tưởng kia không nhìn thấy, lúc nào đó, trên gương mặt của người anh sẽ cưới làm vợ, có cái gì đột ngột hiện lên, chỉ là lo lắng nho nhỏ, tôi cam đoan, người đàn ông này chỉ chú ý thân hình đẹp của người phụ nữ mà không để ý trái tim của nàng có thế nào hay không. Mười hai bến nước là có thật nhưng sự lựa chọn chỉ có một và tôi đoan chắc người phụ nữ chân thành sẽ tìm ra cho mình một bến trong mà không vướng vào bến đục nếu yêu nhau vừa bằng con mắt vừa bằng trái tim.
- Dù sao, ngày 8 tháng 3 người Việt Nam vẫn còn coi trọng dẫu biết rằng, người phụ nữ chưa phải bình đẳng hoàn toàn với nam giới do khác biệt cơ thể và nhiệm vụ truyền giống. Họ vẫn còn phải chịu đựng nhiều, không phải chỉ công việc nội trợ hằng ngày hay làm vợ, làm mẹ. Họ còn chịu đựng một nền luân lý cổ hủ: trọng nam khinh nữ, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một nam kể như có, mười nữ cũng như không).
- Có phụ nữ nào không muốn sinh con? Có phụ nữ nào quyết định giới tính của đứa con sắp chào đời của mình? Tâm lý đè nặng nếu phụ nữ sinh con một bề, nhất là toàn bề nữ. Cái gọi là phục hung nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc có việc phát triển nhà thờ họ nhà thờ tộc. “Nhất nam” là niềm hãnh diện, “thập nữ” là nỗi lo âu. Sức ép “truyền thống” đè hết sức nặng lên vai người phụ nữ nếu chẳng may không có con “nối dõi tông đường”.
Các chị em phụ nữ có hoàn cảnh này, hãy mạnh mẽ lên. Đây là sự bất công có thể là lớn nhất trong cuộc đời người phụ nữ. Sự bất công này sẽ bớt bất công khi các chị nghĩ đến những người đi tu. Họ không sinh con, chưa nói trai gái, họ bất hạnh lắm hay sao? Cuộc sống rồi cũng trôi qua tháng ngày. Có con hay không có con, có con trai hay không có con trai, hãy là chuyện cuộc sống nhân gian. 60 năm cuộc đời (không kể thời gian chưa trưởng thành) là bao, tại sao chúng ta lại để cái truyền thống “trọng nam khinh nữ” ấy đè bẹp cuộc đời mình. Hãy xóa ngay cái quan niệm dốt nát “ bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (bất hiếu ba tội, không con lớn nhất).
- Và, cuối cùng, phụ nữ có quyền "bình đẳng" hưởng thụ cái mà đàn ông coi như đương nhiên “năm thê bảy thiếp”, biến tướng dưới hình thức bia ôm, karaoke, mát-xa tươi mát? Tôi xin không có thêm ý kiến.
Chỉ nêu ra ý kiến của học giả Phan Khôi nói về bà Võ Hậu.
“Tục An Nam ta, người đàn bà nào mà hanh hao, lang dâm trắc nết, thì thường bị người ta mắng là “đồ Võ hậu”….“Các ông vua nhốt trong cung đến những mấy ngàn đàn bà, hoang dâm vô độ, ấy là cái quyền của các ổng. Vậy thì bà vua Võ hậu chọn cung nhân bằng đàn ông để mua vui trong lúc “vạn cơ chi hạ”, cũng là cái quyền của bả. Như nói Võ hậu làm như vậy là thương luân bại lý, thì các ông vua làm như kia cũng như thương luân bại lý. Không trách thì thôi; đã trách thì nên trách hết thảy”.

NGÀY 8/3: BÌNH ĐẲNG GIỚI TÍNH CÓ BÌNH ĐẲNG HƯỞNG THỤ?



Trong bài Trả lời cho mấy vị độc giả hỏi về bài Thân oan cho Võ hậu, năm 1930, học giả Phan Khôi có thể là người đầu tiên trong giới học thuật mạnh mẽ bảo vệ nữ quyền khi bênh vực nhân vật bị lịch sử Trung Hoa phỉ báng Võ Tắc Thiên. Ông viết: “…Tôi thấy đàn ông có làm vua, tôi mới hỏi: sao đàn bà lại không được làm vua? Tôi thấy “vua đực” có nhiều cung phi mỹ nữ, tôi mới hỏi: sao “vua cái” lại không được có nhiều cung phi mỹ nam?”.
Học tập theo tiền bối người Quảng Nam, tôi xin mạn đàm về Quyền phụ nữ ở đâu trong vấn đề hưởng thụ?
Ngày nay, Việt Nam đi một bước rất xa trong việc bảo vệ nữ quyền. Ngoài các quyền công dân như bầu cử và ứng cử, làm việc trong các cơ quan chính quyền, phụ nữ còn được hưởng những quyền - tôi thấy rất tiến bộ và rất nhân văn - trong đó có quyền sinh con mà không phải có chồng, miễn là không lấy…chồng người khác (có trời mới biết).
Phụ nữ Việt Nam sẽ hạnh phúc hơn nếu biết ở một số nước, khi đi khỏi nhà, họ phải có người giám hộ đi kèm như cha hoặc chồng (nước giàu đấy nhé). Phụ nữ Việt Nam cũng sẽ cảm thấy tự do nếu biết, ở đó, đàn bà không được đi xe đạp; cúi người đạp xe, cặp mông khêu gợi sẽ phổng phao thêm: “nguy hiểm” cho người nhìn là đàn ông. Tất nhiên, chị em chúng ta ra đường ăn bận mát trời, có thể hở chỗ nào cũng được, miễn không hở hai chỗ trọng đại trên cơ thể, khiến tai nạn giao thông có thể gây ra cho mấy ông chạy xe mà mắt sắc như dao cạo.
Nhưng có mấy ai – tôi nói phụ nữ - la cà quán nhậu, karaoke, tiệm cà phê, có khi từ trưa chí tối, trong lúc các đức ông chồng ngồi bên mâm cơm mỏi mắt trông vợ về, cùng ăn với chồng con? Có không? Xin thưa: NO.
“Cảnh” như thế là “thường tình” đối với đàn ông và cũng “đương nhiên” đối với phụ nữ. Như vậy, phụ nữ có bình đẳng với nam giới về hưởng thụ vật chất hay không? Tôi không khuyến khích “ông sao tôi vậy” hay “ông ăn chả bà ăn nem” . Tôi muốn nói cánh mày râu: có khi nào quí vị biết ơn cái “bất bình đẳng” ấy không? Quí vị (một số) xem đó là chuyện tự nhiên, và trớ trêu thay, phụ nữ (một số) cũng nghĩ đó cũng là tự nhiên: vợ thì ai chả thế.
Tôi thấy ông trời cũng bất công khi nắn ra con người. Đàn ông thường có nhiều thú vui hơn phụ nữ. Không rõ nhờ đóng góp nhiều cho nhân loại mà đàn ông có nhiều biệt đãi? Họ uống rượu, hút thuốc, đánh bạc, chơi cờ, và cả chuyện “gái gú” trong khi phụ nữ xem những thứ ấy chỉ dành cho…đàn ông. Việc của họ là: đẻ con, chăm con, chăm luôn cả ông chồng nhiều biệt đãi kia.
Không khác ý kiến cụ Phan về ông vua và bà vua, phụ nữ sẽ bị xã hội phê phán nếu: hút thuốc, uống rượu, đánh bạc, chơi cờ, và “trai gú” (đối lại gái gú), nghĩa là muốn “bình đẳng” như đàn ông trong vấn đề thụ hưởng thú vui cuộc sống.
Phụ nữ phương Tây đi đầu trong vấn đề giải phóng chính họ. Bị quấy rối tình dục, người vợ có thế thưa chồng ra cảnh sát. Người vợ Việt Nam có thường thưa ra pháp luật người chồng ngược đãi họ?
Tôi từng đọc tin, cách đây mấy năm, người vợ bị chồng đánh bảy lần, lần nào cũng nằm bịnh viện vì thương tật, lúc gãy tay, lúc gãy giò, lúc vỡ đầu, lúc rách trán…Hội phụ nữ đề nghị người vợ bất hạnh li dị, bà trả lời, tỉnh bơ: “Không, tôi không thể bỏ ông ấy. Chỉ khi say rượu, ông mới đánh đập tôi. Bình thường, ông ấy là người rất hiền lành”. Có thể người chồng hiền lành nhưng cũng có thể có một lý do khác, thầm kín hơn, tôi không tiện suy đoán ra đây, người vợ bị đánh đập tàn nhẫn vẫn gắn bó ông chồng độc ác.
Tôi có đọc đâu đó, có một số thống kê lý do các cặp li dị. Nào là nghèo khổ, cha mẹ đôi bên thúc ép, bị chồng đánh đập, không sinh đẻ được, xung đột tính tình, và ngoại tình…Trước khi ly dị thường có thời gian ly thân. Hầu như bảy mươi phần trăm các cặp hôn nhân đó không tiến tới ly dị, nếu người phụ nữ cảm thấy hòa hợp chăn gối với chồng.
Tôi không rõ sự chính xác của thống kê nhưng tôi rất rõ: phụ nữ mong thỏa mãn tính dục, một việc rất dễ dàng đối với đàn ông.
Trong nhiều cuộc luận đàm nơi bàn nhậu (rượu vào lời ra mà), tôi nghe quí ông đều khoe khoang họ rất mạnh mẽ về khoảng chăn gối. Tôi không rõ có thực vậy không nhưng tôi nhiều lần được các bạn nam khoe ảnh người tình, gọi là đơ-di-em buy-rô (phòng nhì – bồ nhí). Tất nhiên bạn tôi đều có vợ con đề huề, con cái thành đạt, công danh không phải thua kém ai. (Số bạn này là ít, không phải tất cả).
Nếu những người phụ nữ đi nhậu và khoe ảnh của bồ nhí với bạn nhậu, quí vị sẽ đánh giá thế nào? Ấy là tôi hỏi quí ông. Tôi không đi sâu phê phán hiện tượng này. Tôi muốn nói, sự thỏa mãn tình dục – một nhu cầu cần thiết cho tâm lý, quan trọng như ăn như uống - nam giới hay nữ giới không thể như nhau?
Đàn ông không vừa ý chăn gối (rất ít khi) có quyền bày tỏ còn nữ giới “cùng hoàn cảnh” không được biểu lộ, hay đúng hơn, không dám biểu lộ. Xã hội Việt Nam – ngay cả một số nước phương Tây – cũng còn cái nhìn khắt khe về vấn đề này.
Khát nước, kẻ được uống thỏa thê, kẻ mới ngụm chưa tới một hớp thì nước…hết, và phụ nữ lấy việc “bất bình đẳng” ấy làm sức “chịu đựng” của mình. Nhiều lần cơm không lành, canh không ngọt, có ai biết, một trong những lý do thầm kín lại là sự “bất bình đẳng” ấy kéo dài, lần này sang lần khác, ngày này sang ngày khác, thậm chí tháng này sang tháng khác.
Tôi đi xa hơn tiền bối Phan Khôi trong vấn đề “nữ quyền”?
Vấn đề tôi muốn kết luận theo ý tưởng của tiền nhân: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”, điều ta không muốn thì cũng đừng làm cho người. Trong phạm vi “tế nhị” này, tôi diễn nôm: quí ông không muốn “bí bách” gối chăn thì quí ông cũng không làm điều đó với người phối ngẫu, người phụ nữ.
Vợ chồng hay trai gái hạnh phúc nhờ hòa hợp tinh thần và thể xác, không nhất thiết đàn ông phải uống rượu Minh Mạng thang hay cậy đến Viagra thần dược. Chỉ cần hiểu phụ nữ là đủ rồi. Con người ai cũng bị chi phối bởi qui luật. Nắm qui luật thì mọi sự trôi tròn. Củi to hay củi bé, thậm chí là rơm, cỏ, nếu biết cách nấu cơm thì cơm nào cũng sôi, cũng chín. Không biết nấu, cứ ỷ vào củi bự, củi to, đun hết cây này tới cây khác, cơm có thể cháy hoặc khê. Cơm nấu không chín thì đáng trách thay.
Bình đẳng trong hưởng thụ không có nghĩa “ông sao tui vậy” hay “ông ăn chả thì bà ăn nem”. Bình đẳng là hiểu nhau, hiểu nhau để bình đẳng. Đó là mục đích status này. Bài viết nghiêm túc. Xin đừng nghĩ người viết gần 70 mà như “ông già mất nết”.