Đây là câu độc thoại của Hamlet (Shakespeares) có người dịch là: sống hay chết, vấn đề ở chỗ đó. Tôi mượn câu này để nói chệch ra: A hay B, vấn đề ở đây.
Bầu cử Mỹ ảnh hưởng cả thế giới, trong đó có VN, người Việt Nam – trong nước và ngoài nước. Tôi bỏ công dịch bài, viết bài, nêu quan điểm riêng về hiện tượng Trump, một người chưa từng làm chính trị nhưng đắc cử tổng thống, thu hút mãnh liệt không những cử tri Mỹ mà cả những người không phải là cử tri, người Việt Nam.
Thông thường, hễ A thì không B và ngược lại; ít ai thấy "không phải A cũng chẳng phải B; không không phải A cũng chẳng không phải B; không phải không A mà cũng không phải không B", rối rắm quá nhỉ? Nhưng đó lại là khái niệm, bên Phật có nói tới, và có người hiểu được.
Ở đây, quan điểm của tôi có thể là A có khi là B: nhiều người cho tôi “ba phải”, “hàng hai”. Khi tôi không theo A (ví dụ không bênh vực tổng thống Trump) thì người theo A kết luận: ông Chiến này không khác Huy Đức (nổi tiếng với nhận xét Trump chống TQ bằng mồm). Cũng có người xem tôi như Trịnh Công Sơn hay bà Ngô Bá Thành (ý là “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”?).
Khi được ví với những người như thế, tôi rất sung sướng. Họ là những ngôi sao còn tôi là một ngọn đèn dầu. Có lẽ thấy tôi giỏi cãi (đặc điểm Quảng Nam hay cãi) nhiều người gán ghép tôi với các vị danh vọng kia, có ý chê bai. Tuy bực mình nhưng tôi cũng thấy...khoái.
Có người bảo tôi là…cộng sản. Có người hằn học hơn gọi tôi là “tuyên láo” (tuyên giáo). Ở VN này, gần 100 triệu người theo cộng sản; không theo thì vô tù mà ngồi à? Chủ nghĩa cộng sản lý tưởng lắm chứ. Không thế thì triết gia Pháp Jean Paul Sartre ca ngợi Mác làm gì? Triết gia Trần Đức Thảo, bạn học của Sartre, lại bỏ Paris hoa lệ về chui vào rừng sâu với lý tưởng giải phóng dân tộc kết hợp với chủ nghĩa xã hội làm gì? Tướng trí thức Trần Độ không phải là lý thuyết gia cộng sản hay sao?
Nhưng ba vị trên về sau thức tỉnh với chủ nghĩa cộng sản. Là người sinh sau đẻ muộn, học hành kém, tôi lại bước theo cái con đường lầm lạc của họ hay sao? Tôi nói việc này, không phải để biện hộ với người gọi tôi là cộng sản (tôi không nhất thiết phải làm theo ý họ). Tôi chỉ muốn nói: khi nhận xét ai, người khác cần xem xét kỹ, theo dõi lập ngôn từ trước tới sau, không nên căn cứ một hai bài viết của họ rồi phán quyết như đinh đóng cột: thằng này A hay thằng này B. Ngay cả gặp ngoài đời, ở với nhau lâu, chưa chắc hiểu nhau; "tri nhân tri diện bất tri tâm" nữa là trên mạng ảo, hở ra là "phán" không khác tuyên truyền.
Tất cả các bài viết của tôi 11 năm nay trên Facebook có thể in thành 3 cuốn sách nếu được in ở Việt Nam (tất nhiên, sách có ai đọc hay không đọc – đó là chuyện khác). Thế thì, ai đó bảo tôi thế này, bảo tôi thế nọ, căn cứ vào cơ. sở nào? Kẻ nào không theo mình yêu mến ai đó, kẻ đó không là bạn hữu (dù là bạn ảo)?
Nhiều người khuyên tôi nên chấm dứt đề tài tổng thống Trump, “vì nhiều người chửi anh quá”. Vấn đề không phải là lấy lòng người đọc. Vấn đề là trao đổi, có thể tranh luận, với người đọc mình trong phạm vi một Facebook cá nhân. Khi chúng ta không đồng quan điểm – về bất kỳ một vấn đề gì – tôn trọng nhau là tiêu chí văn hóa. Kết tội người khác không cùng quan điểm chính là thói của độc tài: độc quyền chân lý!
Nhiều người hỏi tôi, trên 74 triệu người bầu cho Trump là cuồng ông ta hay sao? Vậy, tôi có thể nói trên 81 triệu người bầu cho Biden cũng vì cuồng ông già này hay sao? Chính chỗ này, chúng ta mới thấy giá trị nền dân chủ Mỹ. Tôi xin mở ngoặc: số phiếu bầu cho Biden là do gian lận? Ở Mỹ, ai xử gian lận? Tòa án. Vậy, 60 lần kiện, Trump đều thua cả tòa thấp lẫn tòa cao. Trump bảo bầu cử gian lận. Tòa án Mỹ bảo không có chứng cứ. Vậy, người Mỹ tin ai, Trump hay đại diện tối cao cho hiến pháp Mỹ?).
Người Mỹ rất thực tiễn, rất linh hoạt, và rất nhanh chóng nhận ngay khi họ nhầm lẫn. Chủ tịch thượng viện phe Cộng hòa Mitch McConnell (đa số trước ngày 20/1), phó tổng thống Pence cũng phải chấp nhận Biden thắng cử. Nếu gian lận thì hai vị này có chết cũng không thay đổi quan điểm ủng hộ tổng thống Trump. Ban đầu, họ tin là cuộc bầu cử bị đánh cắp nhưng khi tòa tối cao không thấy có bằng chứng gian lận, hai ông không còn ủng hộ đồng chí của mình, vài họ tin tòa án hơn tin tổng thống.
Mới hôm qua, luật sư thân cận của Trump, cựu thị trưởng New York ông Rudy Giuliani cũng công nhận ông Biden đắc cử sau thời gian quyết liệt cùng chủ tướng gõ cửa khắp nơi kêu la bầu cử gian lận. Có thể vị luật sư trung tín này đang đối diện với vụ kiện hãng máy đếm phiếu Dominion, đòi ông bồi thường 1,3 tỷ đô la tiền làm mất uy tín của hãng; lý do bị ông cáo buộc họ gian lận dồn phiếu cho Biden.
Khi tôi đưa ra những dẫn chứng như thế chắc chắn sẽ bị những ai yêu mến Trump cho là tôi đọc báo “thổ tả” và theo phò… Biden. Có bạn còn đi xa hơn: tôi nhận bao nhiêu tiền cho mỗi bài viết “đả phá” Trump. Hoặc là tôi theo đảng dân chủ Mỹ (họ cho tôi theo thì sướng nghe) bán đứng nước Mỹ cho Tàu+; tại sao không binh vực Trump, còn Trump thì mất Tập Cận Bình, mất chỗ dựa của cộng sản Việt Nam…
Tôi cũng không ở Mỹ nên không biết đảng dân chủ “theo cộng sản” lúc nào và vì sao lại theo cộng sản, tức theo Tàu+? Tôi cũng không rõ Tàu mua chuộc Mỹ tới đâu. Có người cho rằng tòa tối cao cũng bị mua chuộc, không thế, tại sao họ không xử Trump thắng kiện. Tàu + “vô địch” thế giới rồi sao?
Quý vị thấy tôi nói ở trên không A chắc là B, thằng cha Chiến này không theo Trump chắc theo Biden, không chống Tàu + mà bênh vực Tập Cận Bình vì ông này rất căm hận Trump. Tôi không có khả năng giải thích những kết án trên nhưng tôi muốn: anh là anh, và tôi là tôi. Anh yêu mến Trump là quyền của anh. Tôi không yêu mến Trump là quyền của tôi.
Nếu anh cho tôi “vô cảm”, “cộng sản”, “không quan tâm số phận dân tộc này” khi không theo anh ca ngợi người Mỹ tóc vàng, thì anh không khác cộng sản: ai trái mình sẽ bị loại bỏ. Té ra, anh chả dân chủ tý nào: không chấp nhận đối lập, thậm chí đối kháng.
Dân chủ phải là 74 triệu người bầu cho Trump và 81 triệu bầu cho Biden không vác gần 400 triệu khẩu súng ra để quyết “ăn thua đủ” giữa hai phe theo dân chủ và phe cộng hòa.
Nước Mỹ bỏ qua rất nhanh cuộc bầu cử rắc rối; họ lấy làm xấu hổ cho cuộc bạo loạn ở nơi biểu hiện dân chủ nhất nước Mỹ, điện Capitol. Tất cả người Mỹ đang làm là hàn gắn rạn nứt vừa qua, để vượt lên, giành lại danh tiếng là một nền dân chủ trải qua 247 năm.
America United tiếp theo sau America First
Còn rất lâu, một số người Việt mới có thể làm quen với khái niệm A và B cần luôn có nhau: họ muốn không A thì B và ngược lại. A còn thì B phải mất: dân chủ sao? Nếu như thế, hãy an vui với chế độ độc đảng, không được bầu cử tự do, nhưng yên bình ổn định. Chắc những người có quan niệm phải A hoặc B, phải Trump hoặc Biden thích thú sống trong chế độ ấy hay sao?