Showing posts with label Quảng Nam quê tôi. Show all posts
Showing posts with label Quảng Nam quê tôi. Show all posts

Monday, November 11, 2024

BA ĐỨA QUẢNG

Xa quê, nghe ai nói giọng Quảng (Nam) tôi liền bắt chuyện. Nghe tiếng quê, lòng mình cảm thấy thư thái – như ở quê nhà. Ở Sài Gòn, tình cờ gặp một vài bạn đồng hương, thật là một cơ duyên. Hôm kia, uống cà phê cùng Lê Văn Trí Minh và Nguyễn Tăng Hải. Chúng tôi gặp nhau lần thứ hai…sau đúng một năm chẵn.

Ở Hội An, xuất thân từ trường trung học Trần Quý Cáp, học sinh nào cũng hãnh diện, nhất là những ai học ở đây trước 1975. Lý do duy nhất: Cả tỉnh Quảng Nam chỉ  Trần Quý Cáp là trường công có cấp 3. Đây như là trường Bưởi của Hà Nội. “Tinh hoa” cả tỉnh “đổ” về đây. Những người thành danh hầu hết đều học từ trường này. Thi đậu vào lớp đệ thất (lớp 6) phải nói là “trầy vi tróc vảy”. Và thi ra tú tài ở đây cũng tróc vảy trầy vi. Lớp nào có tỷ lệ đậu tú tài toàn (tú tài II) từ 15 đến 20 % phải là “lớp chọn, trò chuyện”.

Hai trong ba người (ảnh) đỗ tú tài cùng năm (1972). Minh sau đó vào sư phạm toán. Tôi thi đậu ngay vào sư phạm Anh (dạy cấp 3). Cả tỉnh Quảng Nam chỉ có hai người đậu vào ngành này năm đó. Bạn nữ giỏi hơn tôi nên được học bổng du học Úc (Nguyễn Thị Thanh Tú). Bạn Hải thì học ở Phú Thọ (Bách Khoa) sau chúng tôi nhiều năm.

Từ một quê nghèo nên chúng tôi phải cố gắng học. Thời chiến tranh, động lực học còn vì là…”trốn lính”. Sinh viên nào học trễ năm phải đăng lính, (ví dụ: Sinh 1954 buộc phải là năm thứ nhất, 1972).

Tuy từ đại học ra nhưng hai bạn “thành công” hơn tôi rất nhiều. Năm 1983, Minh trình luận án tiến sĩ. Có lẽ anh là người đầu tiên của tỉnh Quảng Nam đậu bằng tiến sĩ Toán. Trước đó, nghe đâu Phạm Phú Hiển, cháu cố của cụ Phạm Phú Thứ cũng đậu tiến sĩ Toán nhưng là ở nước Pháp.

Khi ra Hà Nội làm luận án, học trò được thầy hướng dẫn tặng một…chai xì dầu (nước tương) nhưng chai nước tương còn…lưng. Có lẽ thầy “nhịn” ăn để tặng trò lên đường. Thời điểm đói…toàn quốc, chai nước tương không khác chai nước sâm. “Hành trang” cho con lên đường của mẹ anh còn giản dị hơn. Bà rang cho con trai một lọ muối hột. Hồi ấy ở quê không có muối bột. Muối hột hầm (một cách rang) cất giữ lâu hơn. “Con nhớ ăn dè xẻn hỷ”. Mẹ anh dặn dò con trai cẩn thận. Mỗi lần xuống nhà ăn tập thể, anh đem một đôi hạt muối hầm, để “ăn dặm” khi thức ăn thiếu thốn. Người Quảng có thói quen ăn mặn.

“Có phải nhờ vả ai không?”. Tôi hỏi bạn, ngầm ý “chạy chọt” chỗ thân quen. “Không”. Anh nói thời đó rất trong sáng, thầy cũng như nhà trường. "Sức học" chứ không phải “sức mạnh” (của kim ngân hay chức quyền) làm nên tấm bằng tiến sĩ. Dù không còn dạy, Minh vẫn còn…tự học. Đó là chữ Hán. và đang dịch sách lịch sử. Thế hệ chúng tôi rất ít và hầu như không có đi học thêm với thầy. Vả lại cũng rất ít người dạy thêm. “Giáo sư trung học đệ nhị cấp” (giáo viên cấp 3) có ngạch công chức hạng A, chỉ số lương 470, trong khi phó quận trưởng (học 4 năm từ trường Quốc gia Hành chánh) hay kỹ sư Phú Thọ (Bách Khoa) có chỉ số lương là 450.

Anh bạn trẻ hơn chúng tôi là một kỹ sư xây dựng, từ trường đại học Bách Khoa ra. Là công dân Mỹ nhưng anh có công đóng góp với các bạn kiến trúc sư xây dựng ngôi mộ của cụ Phạm Phú Thứ ở Quảng Nam, được xếp vào di tích lịch sử cấp tỉnh. Làng có ngôi mộ lại là nơi Nguyễn Tăng Hải sinh ra và lớn lên. Hải còn đang ấp ủ một “dự án” cá nhân: Sản xuất máy sạc điện không nhiên liệu. Nếu thành công, Hải nói sẽ mang về VN để sản xuất đại trà sau khi chào hàng tại Mỹ. Không rõ thành bại thế nào nhưng mỗi khi nói đến “dự án”, Hải trở nên sôi nổi và hưng phấn như Archimede sắp tìm ra sức đẩy của nước.

Còn tôi? Chẳng tích sự gì. Mỗi ngày bỏ ra nửa tiếng lên Facebook…để “chém gió”. Dịch sách cho người nhưng mình không được đứng tên, chỉ làm kiếm tiền uống…bia. Công việc dịch thuật cũng nhàn nhờ có thằng bạn Google.  Cũng có cuốn được đứng tên (Tư Duy Nhạy, Tiếp Thu Nhanh. Đề sách biên tập kiểu “mì ăn liền” chứ nguyên tôi dịch là Kiến Tạo Bộ Não Ưu Việt, Build A Better Brain).

Nhưng những người Quảng Nam chúng tôi khác gì những người ở tỉnh khác? Tôi nghĩ là giọng nói. Chúng tôi rất dễ gần gũi nếu nghe ai đó nói lên cái giọng Quảng mộc mạc và có phần cục mịch của mình.

Ba chúng tôi gặp nhau cũng vì thế. Gặp nhau chuyện vãn, một phần, phần khác cũng muốn nghe một trong ba ông Quảng hứng khởi  nói ra một đôi chữ, chỉ chúng tôi mới biết, mới hiểu, những chữ nằm trong dòng máu, trái tim, tâm hồn, từ khi cha ông chúng tôi từ Thanh Hóa, Nghệ An vào đây lập nghiệp.

Tiếng Quảng, giọng Quảng, tiếng Quê hương, giọng Quê hương. Rứa thôi.

Wednesday, August 21, 2024

CỔNG TRỜI

Là tên khu du lịch sinh thái rộng hàng trăm héc ta, lấy theo tên đã có từ trước. Dân vùng rừng núi Tây Quảng Nam còn gọi nó là Gợp. Tiếng địa phương có nghĩa là đá chồng lên nhau từng tảng lớn có khoảng trống ở giữa. Vì ở nơi cao nhất tỉnh, vào đây, qua cổng (đá) này, người ta nghĩ là có thể lên trời, Cổng Trời có tên từ đó.

Gợp, cổng “lên trời”.

Khí hậu mát mẻ như Bà Nà. Đó là cảm nhận đầu tiên khi tôi đến đây hơn 10 năm trước, lúc cơ sở hạ tầng, nhà hàng, khách sạn, các hạng mục khác, đang cấp tập xây dựng, ngổn ngang, bừa bộn xe cộ, vật tư.

Và tôi cũng đầu tiên cảm nhận: thiên nhiên đang bị phá vỡ. Mới đây, khi khu du lịch đi vào hoạt động, tôi lại thay đổi cảm nhận ban đầu. Có “phố “ ở  “ rừng” cũng là sự kết hợp hài hòa : hiện đại và nguyên sơ, văn minh và hoang dã, con người và thiên nhiên.

Tuesday, June 18, 2024

CHUỐI CHÁT

Là tên người Quảng (Nam) gọi chuối hột, chuối sứ. Thật ra trái chuối nào cũng chát nếu ăn xanh. Ốc nấu với chuối già (chuối hờn, chuối lùn, chuối già hương) rất ngon nhưng không ai hay ít ai ăn sống như chuối chát. Chuối chát chỉ ăn khi ruột trái chuối mới tượng hạt, màu chuối xanh mướt (Xin xem ảnh). Ăn sớm hay ăn trễ, chuối chát sẽ không ngon mấy.

Chuối chát non (để phân biệt với già, chứ không phải quá non) xắt lát, từng lát rất mỏng, sau khi gọt bỏ bốn cạnh chuối, đầu và cuốn. Xắt chuối bằng dao cực bén, mỏng thì lát chuối mới đạt yêu cầu trong món rau sống trộn (rau ghém). Rau sống gồm cải con, giá, các loại rau thơm và chuối chát là phần không thể thiếu. Trong mỗi hay mọi bữa ăn của người Quảng những ngày giáp Tết (nhất là tháng chạp), rau sống trộn là món ăn số một. Nếu thịt heo luộc thiếu rau sống, thà đừng ăn thịt. Lát chuối mỏng, mười lát như chục, không nát, không rứt rời, chính là cách đo tài khéo của người phụ nữ Quảng Nam. Không hiểu họ bắt đầu tập xắt chuối từ lúc nào, tôi nhận thấy, chục người như một, phụ nữ như mẹ tôi, bà tôi, ai ai cũng biết xắt chuối lát.

Chuối chát đi vào đời sống người thôn quê ngày xưa có lẽ từ lúc có thịt heo xuất hiện. Bắp chuối chát, còn gọi là hoa chuối (Bắc), thái nhỏ, dầm dấm, ăn kèm với thịt vịt luộc, thịt ăn không ngán. Trái chuối hầm xương, hầm thịt mỡ. Chuối trái non làm dưa chua giấm đường ăn trong các bữa cỗ. Thân cây chuối chát là thực phẩm chính cho việc nuôi heo. Mỗi gia đình quê tôi ngày ấy đều chuẩn bị một con heo cho ngày Tết. Từ khi “gầy” (nuôi) heo con cho đến khi “hạ” (mổ) heo thịt, thời gian thường là 8 đến 10 tháng. Chuồng nuôi là những cây “róng” (cây rừng bằng cổ chân, dài độ 2 mét) chất lên nhau, đầu cây này gối lên đầu cây kia. Cố định các cây róng ấy là hai cây nhỏ đóng ở 4 góc, bên trên cột lại bằng sợi mây con rất chắc.

Mái chuồng lợp bằng tranh, thường là 2 mái. Lá chuối chát khô sẽ là sàn cho heo nằm, mùa hè cũng như mùa đông, ngày nắng cũng giống ngày mưa. Thân chuối cây xắt thành lát mỏng bằng dao bản to, đem băm hay bỏ cối đá giã nhỏ. Sau đó trộn chuối băm (giã) ấy với cám gạo hay cám bắp. Heo sẽ ăn ngon lành, không chừa một tí gì. Thức ăn đạm bạc ấy khiến heo không lớn nhanh như ăn cám “công thức”. Do đó, thời gian kéo dài hơn nhưng bù lại thịt heo “ngon” hơn. Ngày nay, ở một số làng quê, một số người còn duy trì cách nuôi này để có sản phẩm đặc trưng: Thịt heo cỏ. Giá loại thịt heo này có khi là gấp rưỡi giá thịt heo nuôi cám công thức.

Cây chuối chát có lịch sử lâu đời với con heo cỏ là như thế.

Lá chuối chát là “thứ phẩm” chẳng hề thứ yếu. Lá chuối chát phơi heo héo dùng để gói bánh tét, bánh ít, bánh ú, bánh chưng, bánh rò (một loại bánh bằng bột nếp có hình kim tự tháp nhưn đậu xanh thịt). Lá còn dùng để gói nêm, gói trưởi. Rất ít người biết lá chuối chát còn dùng làm giấy nháp! Thời Việt Minh, học sinh làm toán trên lá chuối. Viết là que tre tròn như chiếc đũa nhưng ngắn hơn, vót nhọn để “viết” vào giấy lá chuối.

Cọng chuối chát phơi khô dùng làm dây cột thay dây nhựa. Cọng chuối chẻ nhỏ ra có thể gói bánh rò, bánh ú. Ở vùng Gia Kiệm (Đồng Nai), tôi thấy người ta thu cả thân chuối. Bẹ chuối phơi khô, tước thành sợi, dùng đan giỏ đựng, xách tay mỹ nghệ.

Củ chuối, có vất không? Thưa, không. Quý vị thử um (om?) củ chuối chát với lươn ướp nghệ tươi, ngon không chỗ chê. Những năm đói 1946, không còn thức ăn, một số người ở quê tôi đào củ cây chuối lên luộc ăn “trừ cơm”.

Trong các thành phần chuối chát, có trái chín là trẻ con chúng tôi ở quê “ngán” nhất. Chúng chín ăn ngọt phần cơm, phần hạt thì chát, ác nỗi, lại chiếm thể tích toàn trái. Ngày xưa, chất ngọt thuộc loại hiếm, trẻ thèm ngọt, ăn trái chuối chát chín sẽ nhớ đời khi đi vệ sinh mỗi sáng, có khi là cả buổi sáng: hạt chuối gây bón. Phân rắn như xi măng đóng cục. Tôi nói trẻ con “ngán” là vậy.

Sau này, chính quả chuối chát là phần “quý giá” nhất. Không phải quý ở món rau ghém có chuối non xắt lát. Ở Đà Nẵng, khi thấy đôi ba lát trong một đĩa rau trong các món ăn nào đó, thực khách không nên kêu thêm như ở miền Nam. Không có nhiều đâu chuối chát trái làm rau.

Trái chuối chát chín còn được các đệ tử Lưu Linh xắt lát phơi khô ngâm rượu cho có “vị thuốc”. Xin thưa, theo tìm hiểu của tôi, ngoài màu rượu đẹp như rượu tây thì trái chuối ngâm rượu hoàn toàn vô bổ. Nó chỉ có ích là làm rượu ngọt dễ uống; không bổ gì ngoài bổ ngửa vì uống ngon quá chén.

Chuối chát phơi khô lấy hạt là vị thuốc chữa sỏi thận cực kỳ hiệu quả. Tôi từng uống và sau một thời gian chừng nửa năm, kích thước sạn trong thận nhỏ lại, những hạt nhỏ nằm rải rác trong đường tiết niệu tan hẳn (siêu âm đối chiếu trước và sau khi uống).

Đây là bài thuốc dân gian nhưng tôi làm theo lời của bác sĩ Dương Ý Đức (không nhớ chắc tên ông) phụ trách mục sức khỏe trong tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, tôi thường mua đọc khi chưa có internet. Ông không tin y học dân gian nhưng bản thân ông thực hiện uống hạt chuối chát.

Cách làm theo ông hướng dẫn: Chuối chát chín lột vỏ, bóp nát, bỏ vào một rá nhựa (hay rổ tre) dung tay chà nhẹ để những hạt chuối lọt qua rổ. Thu hạt rồi rửa sạch trong nước và đem phơi khô, phải thật khô. Sau đó xay hạt thật nhuyễn cho vô lọ dùng dần (một buồng chuối cho chừng hơn 1 ký hạt). Một muỗng canh vun bột chuối chát cho vào chừng 1 lít nước nấu sôi chừng 15 phút, để nguội cho vào ngăn mát tủ lạnh, uống lai rai trong ngày. Thời gian cho đến khi sỏi mòn đi hay tan mất.

Chuối chát ăn quanh năm nên hạt chuối của nó có lẽ không gây tác dụng phụ. Tôi uống có kết quả mặc dầu trước đó tốn không biết bao nhiêu tiền cho thuốc Kim Tiền Thảo, uống vừa hao tiền vừa nóng trong người như uống phải nước sôi. Mổ hay chiếu tia lazer thì cũng giải quyết sỏi thận nhưng cách làm này vừa nhẹ nhàng vừa dễ làm.

Tất nhiên, mỗi người có mỗi cơ địa, không ai giống ai. Có khi bác sĩ Dương Ý Đức và tôi thì chữa hết sỏi thận nhưng quý vị thì không. Kiểm tra theo dõi bằng siêu âm trước và sau khi uống để quyết định có nên nghe theo thầy…lang Chiến này không.

Tôi mỗi năm đều về thăm quê. Thấy quê hương ngày càng phát triển hơn xưa, lòng tôi rất vui. Nhưng khi đi nhiều làng không thấy trồng nhiều chuối chát, tôi chợt thấy bùi ngùi. Cây chuối chát tuổi thơ của tôi ngày một ít dần. Hình ảnh những bụi chuối xanh um cao vút mờ dần vào ký ức. Không nuôi heo bằng cám chuối. Cây chuối mất dần lẽ sống.

Lá chuối không thay thế bịch ny-lông tron đời sống. Thịt heo luộc xắt lát không còn gói bằng lá chuối chát; bánh ú, bánh ít trẻ con không thích bằng bánh kem, bánh bích quy, bánh sô-cô-la rắc hạt hạnh nhân. Trẻ con không còn nô đùa khi đến mùa lụt lội, nên bè chuối chỉ là câu chuyện kể thời xưa của cha ông chúng … Chuối chát ít dần vì đời sống ngày càng khác xưa; “Gió đưa bụi chuối sau hè” không còn nghe nữa. Sân, hè đều có bê tông, xi măng, và gạch men thế chỗ.

Friday, March 8, 2024

CÂY DI SẢN

Quê tôi làng Trúc Hà (*) vừa có cây đa được công nhận là cây di sản quốc gia. Nỗi mừng của tôi không làm nguôi nhớ cây cổ thụ, mà nếu còn cho tới nay, cái cây vừa được nhà nước công nhận hơn 200 năm tuổi đời chỉ là hàng “con cháu”.

Ở một làng gần đó, tức là Trung Đạo, có cây gạo cổ thụ, vòng thân to khủng. Cha tôi- nếu còn sống sẽ là 120 tuổi- kể lại khi còn nhỏ năm mười tuổi ông đã thấy cây nó to “hàng chục người ôm”.

Khi con người ám ảnh bởi sinh kế, nói trắng là cái ăn, không có gì là họ không làm. Ở đây, tao sống mày phải chết. Cây cổ thụ có tên cây gạo ông Tuân cũng phải chết. Đất của ông, cây gạo của ông, dân làng đặt luôn tên ông. Và nó đã chết.

Thời Việt Minh (1945-1954), cây gạo là chỗ trú ẩn của dân làng mỗi khi máy bay Pháp ném bom. Cây gạo quá lâu đời, chẳng ai biết niên đại, chỉ còn phần ngoài, phần ruột bị hư hỏng. Cây gạo to đến nỗi, ruột rỗng của nó có thể chứa 3,4 chục người núp mưa, đương nhiên là tránh bom lý tưởng. Nếu ít người, cả trâu cũng vào trú ẩn.

Nếu không có tác động của con người, cây gạo ấy có thể sống đến hôm nay. Người có mảnh đất có cây gạo thấy việc canh tác (trồng bắp, đậu) năng suất ít, vì tán lá cây gạo quá to. Thế là mỗi mùa một ít, chủ đất thời kháng chiến chống Pháp bỏ cây bắp thành đống vào bụng thân cây, và đốt. Thân gạo ngày càng mỏng vì cháy sém, có chỗ thành than, thành tro. Và số phận của cây cổ thụ phải đến. Cây có cành to đến nỗi trẻ chăn trâu trèo lên, chạy qua chạy lại , như chạy dưới đất mà không sợ ngã té.

Bão miền Trung, ai cũng biết, rất mãnh liệt. Gạo ngã đổ. Nhưng nó không chết hẳn. Còn một thân nhỏ như con giữ được đôi cành có lá. Tôi năm nay qua 72, lúc còn bé, tôi đã thấy cành nhỏ ấy là cây gạo rất to. Sau những năm hòa bình, cây gạo “vô dụng” ấy nhường chỗ để có đất canh tác, người nông dân cần có miếng ăn. Cũng phải thôi.

Khi ra Bắc tham quan những năm sau 1980, tôi thấy người ta còn chừa lại một số cây gạo ở một số vùng quê. Tháng giêng hay tháng hai (âm lịch) gì đó, hoa gạo đỏ rực những góc trời. Không rõ lúc vào HTX, họ có đói kém không, những cây gạo choáng đất chẳng bị cắt để trồng hoa màu. Người sống vì hoa màu, cây làm cớm rợp cần phải chết. Hay là họ quý trọng cổ thụ hoặc sợ hãi cây cao bóng cả, “ Thần dựa cây đa”?

Khi cái ăn ám ảnh, con người khó mà nghĩ chuyện khác, dù có liên quan truyền thống hay văn hóa như bảo tồn những cây to bóng cả, có tuổi thọ hàng mấy trăm năm như cây gạo, cây đa ở quê- loại cây tán lá rất to, hoa màu bên dưới khó mà phát triển.

Tôi vui mừng không phải cây đa quê nhà làng Trúc Hà được công nhận là di sản quốc gia. Tôi mừng quê tôi không còn thấy tán lá quá to của nó che chắn hàng ngàn mét vuông đất màu mỡ, nếu không có nó, mỗi năm thu lợi biết bao nhiêu là hoa màu thiết yếu cho cuộc sống.

Cây đa không tranh sống với con người vì con người yêu quý nó. Con người no đủ. Dân quê tôi không còn ám ảnh bởi cái ăn. Đó là niềm vui, theo tôi, còn lớn hơn cây đa của họ được công nhận là di sản quốc gia.

(*) Thuộc xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh của Phạm Duy Hiền)

Thursday, February 29, 2024

Du lịch SÔNG CÙNG

Quê tôi tên Thường Đức. Các bác ở Bắc vào lập đài chiến thắng ghi thành Thượng Đức. Trên khắp nước VN, không có nơi nào lập một lúc 2 tượng đài chiến thắng như ở quê tôi. Số liệt sĩ hy sinh để đánh chiếm quận lỵ Thường Đức gần 1000 (năm 1974). Sự khốc liệt của chiến tranh làm quê tôi hoàn toàn kiệt quệ khi hòa bình lập lại - 1975.

Gần 50 năm sau, quê tôi, thật đáng mừng, đang trở thành điểm đến của du khách. Khu du lịch sinh thái Cổng Trời khai trương ngày 29 tháng 4 có số lượng khách tham quan rất đông với giá vé 200, 400 ngàn(bao ăn buffet)/người chứng tỏ tiềm năng du lịch của một vùng quê từng là nơi khói lửa, đạn bom.

Trên đường đến Cổng Trời chừng 29 km là điểm du lịch sinh thái Sông Cùng, nằm trên quốc lộ 14 (cũ).

Từ quốc lộ vào Sông Cùng đúng 2km. Có khoảng 400 mét chưa đổ bê tông nhưng xe con vẫn vào được. Khe suối nước trong veo, mát lạnh, có chỗ nước sâu hơn 2 mét dành cho ai biết bơi. Các chỗ khác nước cạn hơn, trong lòng suối cát, thi thoảng thấy cá con bơi lội tung tăng.

Wednesday, February 7, 2024

RƯỢU HỒNG ĐÀO HAY RƯỢU BÁCH NHẬT?

Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm

Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say.

Hồng Đào truyền thống?

Mỳ Quảng nổi tiếng chứ rượu Quảng không thấy tên tuổi ở các nơi. Rượu không nổi tiếng sao rượu đi vào ca dao? Có nhiều lý giải về rượu Hồng Đào, nhưng như nhiều người dân Quảng, tôi chưa biết có địa danh nào sản xuất ra một loại rượu “huyền thoại” ấy, ngay cả ngày nay, có một loại rượu sản xuất “độc quyền “, có tên Hồng Đào, trên chai ghi rõ bằng tiếng Anh, Vietnam specialty wine, với nhãn hiệu độc quyền.

Tôi có thưởng thức loại rượu này một lần và không uống lại, lý do cơ thể không dung nạp thức uống có độ cồn cao gấp 8 lần bia, chứ chẳng phải rượu không ngon. Tôi có biếu bạn thân người Nam. Họ khen ngon vì lịch sự. Có lẽ gu rượu của họ không giống gu rượu của người uống ở nơi xuất phát  Hồng Đào, dù họ từng biết qua các loại rượu Tây.

Rượu ngon nhưng chưa tạo ra tiếng tăm cho tương xứng với tên rượu đi vào ca dao, đi vào “văn học”. Có lẽ có nơi cũng chưa biết nhiều về loại rượu này. Ngay cả ở Đà Nẵng, tôi phải đi nhiều chỗ mới mua ra Hồng Đào. Không biết do hút hàng hay do ít hàng?

Tôi hơi thất vọng, không những Hồng Đào Quảng Nam, mà cả Vang Đà Lạt, Gò Đen Long An, Nàng Hương hay Vodka Hà Nội...không loại rượu nào được coi là “quốc tửu “ như  Whisky,  Sake, Mai Quế Lộ, hay Soju ...

Nói gần nói xa, không qua nói thật. Tôi muốn rượu “Hồng Đào ca dao” của tôi phải khác kia (ác nỗi, cái tên trong ca dao bị lấy mất để làm tên riêng có cầu chứng).

Mỗi mùa Xuân, độ ba tháng trước Tết, ở quê tôi Quảng Nam, người dân ngày xưa thường làm rượu từ nếp, gọi là Rượu bách nhật.

Nếp mùa thật ngon (gần 6 tháng mới thu hoạch), nấu thành xôi, để nguội, trải lớp mỏng lên nia (dụng cụ sảy lúa) rắc men ngọt (khác men rượu chưng cất), sau đó sắp từng lớp trong một cái khạp (bé hơn cái lu), đậy kín bằng nắp.

Muốn rượu ngon hơn, người ta đào đất lên, chôn  hũ rượu xuống, lấp lại thật kỹ. Thời gian này thường không có lũ lụt. 100 ngày sau, bách nhật, hũ đào lên, nhớ cẩn thận, kẻo mất rượu uống Tết nếu người đào vô ý, phang lưỡi cuốc vào nó.

Cơm nếp rục thành bột trắng đục, đọng dưới đáy hũ. Hãy lóng lấy hai phần nước bên trên, rượu bách nhật. Nước rượu có màu hổ phách, rất thơm, dù chưa uống chỉ mới ngửi. Mùi thơm ngào ngạt men rượu. Muốn nặng đô, người ta cho thêm ít rượu nếp cất 40 độ, để có rượu nồng nàn hơn.

Nhưng nếu không pha, quý vị sẽ thưởng thức một loại rượu nhè nhẹ, vương vấn mùi thơm cả khi chưa nhấm, còn đặc biệt hơn cả Sake Nhật Bản. Tôi từng làm và tôi từng thưởng thức.

Nhưng nếu chỉ lấy phần rượu bên trên mà bỏ đi phần cơm rượu nát nhuyễn bên dưới, người quê tôi không nỡ; họ bèn lấy tất, cho vào chai, mỗi lần uống, lắc chai thật mạnh, lúc này, rượu sẽ có màu trắng sữa, sền sệt, uống hơi ngọt và say khá lâu nếu thấy ngon mà uống nhiều. Các cô rất thích uống loại rượu này, vừa nhẹ, vừa thơm, họ dễ ửng hồng đôi má, và lúng luyến xuân tình.

Rượu Bách nhật luôn có mặt, hầu như trong mỗi gia đình người dân xứ Quảng, những ngày Xuân thời thanh bình, chưa có chiến tranh. Hồi ấy, rượu ít ai nấu, trừ loại rượu chưng cất công nghiệp của hãng SICA, người ta hay gọi rượu đế (quốc?).

Người dân quê bỏ công làm rượu Bách nhật để mời nhau trong mấy ngày Xuân. Rượu không hề bán phổ biến như bây giờ. Uống rượu đế thường là giới lao động, một đôi ly "giải xương cốt" sau một ngày làm việc cật lực, hay là các cụ, cuối tuần gặp nhau khề khà đôi chung rượu. Học sinh và sinh viên tôi chưa hề thấy họ uống rượu.

Rượu Bách Nhật mỗi năm làm một lần vào dịp Tết nên rượu khá hiếm, không thấy ai bày bán. Cả trăm ngày chờ đợi mới có rượu uống, đó là lý do ngày nay ít còn ai nghĩ tới cái loại rượu màu hổ phách, mới ngửi đã ngào ngạt hơi men. Các vị tiền bối Quảng Nam bèn đặt cho nó cái tên rượu Hồng Đào (chưa nhấm đã say) để nhớ tới rượu Bồ đào trong câu thơ nổi tiếng “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi”?

(Thơ Vương Hàn:

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,

Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi.

Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu,

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.

Trần Trọng San dịch:

Rượu bồ đào, chén dạ quang

Muốn say, đàn đã rền vang dục rồi

Sa trường say ngủ, ai cười?

Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu!

Monday, January 29, 2024

RAU LỘN HAY RAU TẬP TÀNG?

Tôi không tìm ra trong từ điển hai tên gọi loại rau này. Rau lộn hay rau tập tàng không phải tên một loại rau nhưng là tên của nhiều thứ rau. Đó có thể là: rau mồng tơi, rau má, rau lưỡi, rau đắng, rau dền, rau sam, lá lốt, bù ngót, lá ớt, nhãn lồng (lạc tiên, bầu đường, dây chùm bao)…Người dân quê thời xưa không biết đến rau xà lách, cải bắp, súp-lơ có gốc gác từ phương tây…Rau muống, rau lang…đều phải trồng mới có. Dân cày có khi nghèo rớt mồng tơi lấy đâu có đất mà trồng rau. Họ không có đất nhưng họ có sức lao động: đi khắp vườn nhà, vườn hoang, trên cồn, dưới bãi…để hái những loại rau như thế, và gọi nó là rau lộn, rau tập tàng, một tổng hợp các loại rau dại. Rau của người nghèo.

Rau lộn có hàm lượng dinh dưỡng không? Chẳng ai nghiên cứu và cũng chẳng có câu trả lời nào cả. Hà Nội hay Sài Gòn có ai đi hái rau lộn hay có chỗ hái rau lộn đâu. Nếu có, người dân tri thức ở hai đô thị này sẽ bỏ công nghiên cứu. Không rõ có dinh dưỡng hay không nhưng ngon, phải nói là rất ngon, người dân quê thấy rõ chúng ngon, cả mấy thế hệ mà không bỏ món rau tập tàng. Má vợ gần 90 tuổi cho biết lúc còn nhỏ bà thấy bà ngoại tôi cũng đã đi hái rau “tập tàng”. Không tin bạn hãy ra chợ chiều, như chợ Cẩm Kim (Kim Bồng, Hội An, ngày xưa nổi tiếng nghề mộc. Triều đình Huế làm cung điện đều tuyển thợ mộc Kim Bồng; nay có nghệ nhân Huỳnh Ri chủ nhân xưởng mộc mỹ nghệ, sát chợ) và mua độ 20 ngàn “rau lộn” về nấu canh với hến và nước hến, điều tôi nói ngon về món canh sẽ không ngoa tý nào.

Rau lộn chỉ ngon khi nấu canh với hến và nước hến. Ở Sài Gòn tôi có vô tiệm ăn “Quảng” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và thưởng thức món hến. Nghe nhân viên phục vụ ở đây bảo là hến mang vô từ Hội An. Thật ngon. Tuổi trẻ tôi ở Hội An, món hến, nước luộc hến, món ăn của người lao động, món ăn của người nghèo gắn bó như một cuộc sống đơn sơ nhưng sâu thẳm.

Thỉnh thoảng tôi phải tìm hến để ăn dù là năm bảy tháng mới có dịp thưởng thức hến Hội An. Nhìn chén hến trộn lá hành, ớt đỏ tươi thái nhỏ, bốc khói khi còn nóng, tôi nhớ lại thời thơ ấu ở thành phố nhỏ Hội An; yêu hến yêu phố dù không phải ai cũng yêu món này, “nhạt như nước ốc”, ốc cũng “bà con” với hến. Đối với tôi, hến không hề “nhạt”. Nhưng hến của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không ngon bằng hến Cẩm Kim, nơi tôi đang ở những ngày về quê vợ.

Hến Cẩm Kim đậm đà hương vị. Hến có hai loại: hến thường (hến to) và hến vắt (rất nhỏ). Dân ở Hội An sành ăn đều chuộng hết vắt. Khách du lịch lịch lãm đều chọn hến vắt để ăn với bánh tráng nướng giòn. Nhưng hến và nước hến sẽ ý vị hơn nếu được nấu với rau lộn, rau tập tàng. Nước canh, ngọt hương vị biển, hương vị hến, rau không nhão, không nhạt, không hiểu nhờ nước hến hay nhờ con hến vắt.

Có những món thuộc loại cao lương mỹ vị nhưng không để lại ấn tượng như món canh rau tập tàng. Tôi không có tuổi thơ gắn bó với loại rau này nhưng khi thưởng thức món canh rau tập tàng, tôi cảm nhận được cái ngon của một loại canh, có lẽ trên đất nước Việt Nam này, chưa chỗ nào tôi may mắn được ăn. Hay tôi yêu món canh rau tập tàng này vì đó là nơi có tộc Huỳnh (Hoàng của vợ) nơi chôn nhau cắt rốn của nàng?

Chợ Cẩm Kim là một ngôi chợ quê dù chỉ cách một con sông, qua một chuyến đò là đến Hội An, thành phố nổi tiếng thế giới; những ngày không dịch Covid, ra đường quý vị sẽ thấy Tây nhiều hơn Ta. Chợ Hội An có rau tập tàng không? Tôi không rõ, nhưng ở ngôi chợ quê này, rau tập tàng rất nhiều người bán. Khi cách biệt với phố, quê mãi là quê. Gần nửa thế kỷ chưa có một chiếc cầu hoàn chỉnh nào để nối Cẩm Kim với Hội An, nối quê với thành phố.

Chợ Cẩm Kim còn gọi là chợ Đồn; nơi này trước đây là một đồn Tây?

Một chiếc cầu đang thi công. Nó là niềm hy vọng cho sự nối kết phở, cao lầu Hội An hến nấu với rau tập tàng Cẩm Kim. Vùng quê Cẩm Kim của vợ tôi, cùng với Cẩm Thanh, là vùng Việt Cộng hoạt động sôi nổi thời chiến tranh, bị tàn phá rất ác liệt, ngay cả thời Việt Minh. Mẹ vợ tôi nói, lính lê dương thời Pháp là nỗi kinh hoàng cho dân chúng ở vùng nghèo khổ này, vậy mà các hậu bối “cách mạng” không làm nổi một việc đơn giản nhất, nối kết quê hương nghèo chiến tranh tàn phá với một thành phố giàu có nổi tiếng thế giới như Hội An.

Sơn Chà (chứ không phải Sơn Trà, núi của con khỉ voọc Chà Vá) nghèo khó trước 1975 trở thành giàu có nhờ những chiếc cầu do Nguyễn Bá Thanh chủ trương xây dựng. Cẩm Kim nếu có một chiếc cầu nối với Hội An thì quê hương này sẽ nhanh chóng giàu có, và biết đâu món rau tập tàng sẽ nổi tiếng không khác chi chè bắp, chè đậu xanh đánh, bánh tráng đập, hến trộn xúc bánh tráng của Hội An?

Giàu hay nghèo chắc chắn không thể do số phận. Giàu hay nghèo phải do trí tuệ. Chiếc cầu Cẩm Kim sắp nối một nơi nghèo với một nơi giàu, trí tuệ hiện ra rồi đó. Trễ còn hơn không. Lần sau khi đi du lịch Hội An tôi và những người dân từng sống ở thành phố cổ này sẽ thưởng thức món canh nấu từ rau hấp dẫn, rau của một quá khứ cam khổ, khó khăn, rau Tập Tàng.