Sunday, January 28, 2024

MÙA COVID, MÙA YÊU THƯƠNG VÀ THẤU HIỂU

Covid là dịch, coi như giặc, “dẹp dịch như dẹp giặc”, bảo yêu thương, thấu hiểu, đúng là hâm, quá hâm?

Covid xuất hiện đảo lộn trật tự thế giới. Không có nó, Trung Quốc và Hoa Kỳ luôn mong cho người dân nước này du lịch nước kia, càng nhiều càng tốt. Nay cũng vì covid, quan hệ hai nước có tiền nhiều nhất thế giới trở nên u ám như trời không có nắng. Kinh tế xây dựng bao nhiêu năm của nhân loại như đổ sông đổ biển. Từ tỷ lệ phát triển “dương” % nay có nước “âm” phần trăm.

Covid không phải là loại dịch mang lại nhiều cái chết khủng khiếp nhưng ai cũng sợ nó khủng khiếp. Nước Mỹ tiến bộ nhất cũng trên 157 ngàn người bỏ mạng. Nhưng so với dân số, số người chết đứng hàng thứ sáu sau cả nước Anh. Tỷ lệ người chết so với người nhiễm vi rút tính đến hôm nay chỉ khoảng 3,2%, tức 100 người dính covid thì chỉ có hơn 3 người chết, không phải ai xét nghiệm dương tính đều phải chết.

Nhưng vì sao người ta sợ nó một cách khủng khiếp?

-Nó là sát thủ vô hình và vô tình. Chỉ đứng gần nhau, người ta cũng có thể bị cách ly, theo dõi 14 ngày, chưa kể có khi 1 tuần sau, vô bệnh viện thở bằng máy trước khi trút hơi cuối cùng. Từ thằng dân cho chí tổng thống, covid không phân biệt đối xử một người nào. Nó rất song phẳng. Ai cũng có thể bị quơ một lưỡi hái nó mượn của tử thần.

-Tốc độ lây lan khủng khiếp, nghe nói, nay có thể nhanh gấp 3 mức lây so với lần đầu xuất hiện.

-Hành động ngăn chặn covid của con người lại làm cho con virus này thêm phần khủng khiếp: một người dính nó, có khi cả trăm, cả ngàn, cả chục ngàn người gần đó, hay liên quan đến nó, đều phải bị cách ly xã hội (cụm từ này tự nó có “lịch sử rùng rợn” rồi – tù nhân lãnh án tử thường được báo diễn tả nhẹ nhàng “sẽ bị cách ly khỏi xã hội vĩnh viễn”, tức đi bán muối). Mọi sinh hoạt xã hội sẽ bị ngưng trệ vì sự cách ly ngăn ngừa dịch lan tràn.

-Trong mùa dịch bệnh, cha mẹ, vợ chồng, con cháu, bà con, thân tộc, bạn bè, người hàng xóm…ai cũng có thể là “con bệnh” (như ai đó giả sử) cần phải đề phòng. Cha mẹ mang lại cuộc sống cho con nhưng cha mẹ (mắc dịch, nhiễm vi rút) cũng có thể mang lại cái chết cho những người mình rứt ruột sinh ra. Hành vi âu yếm trước đây như ôm hôn, bắt tay, kề tai thầm thì những lời yêu đương (nếu là trai gái đang yêu) nay phải bị chấm dứt – không biết đến bao giờ. Cha có chết vì dịch thì con cũng đứng xa mà khóc, không cầm được tay, nghe trăn trối những lời cuối khi trút hơi thở vĩnh biệt cõi trần.

-Trước đây khi mắc bệnh, người ta trông cậy đến y tế, đội ngũ bác sĩ, y tá. Họ là những thiên thần áo trắng, vị “cứu tinh” của bệnh nhân. Bệnh viện là nhà thương mang lại nối kết con người với con người; nhưng bây giờ (ở một vài địa phương) bệnh viện cũng có thể là nơi chia cách con người: không ai được đến, không ai được đi (ngoại trừ những trường hợp quá đặc biệt) vì quỉ covid đã ám một nơi chốn mang trong mình một nhiệm vụ cao quý: cứu người. Thêm vấn nạn: covid cũng đã cướp sinh mạng thiên thần áo trắng (Bs Lượng, Vũ Hán).

-Tổn thất vật chất do dịch gây ra có thể đo đếm, phục hồi được, một ngày nào đó; tổn thất tinh thần có đo đếm được không, và bao lâu thì con người có thể phục hồi lại được?

Người ruột thịt cũng có thể là kẻ sát nhân nếu lây dịch cho người khác. Chúng ta không rõ thời gian cách ly chấm dứt khi nào khi dịch bệnh hiện nay chưa có dấu hiệu được kiềm chế, nhất là đợt tái bùng phát lần này.

Nỗi sợ hãi càng lớn khi hai thành phố dẫn đầu đất nước trong tâm trạng lo âu, sẵn sàng lao mình vào cuộc chiến, chống “kẻ thù địch” xâm nhập âm thầm, len lỏi, chực chờ cơ hội bùng phát, tàn phá trái tim, lá phổi của quốc gia.

Tổ quốc có “sa” vào nguy cơ bùng phát dịch hay không? Chưa ai có thể chắc chắn trả lời được. Nhưng mỗi người dân đều có câu giải đáp, tôi chắc chắn như thế, nếu:

-Tự bảo vệ mình: rửa tay thường xuyên theo hướng dẫn. Không ra ngoài khi không thật cần thiết. Nên cử mỗi nhà một người, tự nguyện ra ngoài, xử lý các nhu cầu thiết yếu cho đời sống gia đình hằng ngày. Người này cần tự bảo vệ mình như mang khẩu trang, rửa tay sau tiếp xúc, đứng xa người khác 2 mét nếu được...

-An ủi, động viên nhau, nhất là các bậc trưởng thượng lớn tuổi như ông bà, cha mẹ đang cách ly, giãn cách.

-Tạo cho mình các niềm vui nho nhỏ trong thời gian cách ly hay giãn cách xã hội (social distance) như lên face (nhớ đừng phát tán những gì mình không chắc chắn đúng, hay gây hoang mang, lo sợ cho người khác); đọc sách, báo. Chơi đàn, thậm chí học đàn, hay ca hát (nhớ đừng hát vào các loa kẹo kéo đinh tai nhức óc).

-Ăn uống, tập thể dục, nâng cao thể trạng. Khi tiếp xúc ai (tốt hơn nên ngưng tiếp xúc) phải nghĩ đến bản thân (có thể lây vi rút) và người khác, nhất là người cao tuổi có bệnh nền (bị ta lây cho họ).

-Cách ly hay giãn cách xã hội cho đến lúc này là biện pháp hữu hiệu nhất ngăn ngừa dịch bệnh trong khi chưa có vaccine. Mọi người phải xác định như vậy.

-Sau cơn mưa trời lại sáng. Nghĩ như thế chúng ta sẽ không bi quan hay hoang mang, sợ hãi. “Số khá, bĩ rồi thời lại thái. Cơ thường, đông hết hẳn sang xuân (*)

Mùa Covid, mùa yêu thương, mùa thấu hiểu, sẽ có ý nghĩa vô cùng to lớn nếu chúng ta làm những việc “tầm thường” như tôi vừa nói. Tầm thường vì mỗi ngày chúng ta đều nghe, và ai ai cũng biết, cũng nói.

Nếu cách ly tốt, giãn cách tốt, giữ vệ sinh cá nhân tốt trong thời gian có đại dịch, chúng ta đã yêu trọn vẹn bản thân, nhờ đó, mới có thể yêu gia đình, đồng bào, đồng loại, không cần phải đao to búa lớn hay phải “ngạo nghễ Việt Nam”.

(*) Nguyễn Công Trứ;

Ảnh: vô rừng tránh Cô Vi.