Friday, January 26, 2024

LŨ HẾT, ỒN ÀO SẼ TRÔI THEO?

(Tản mạn về “hiện tượng Thủy Tiên”)

Người Việt Nam ngày nay không còn bị ám ảnh bởi cái ăn như thời xưa? "Một miếng thịt làng bằng một sàng thịt chợ". Trong tiếng Việt, không thiếu từ ngữ diễn tả những dịp trọng đại trong đời sống con người bắt đầu bằng chữ ĂN: ăn Tết, ăn cưới, ăn hỏi, ăn giỗ kỵ, ăn đầy tháng, ăn thôi nôi…

“Cái ăn” len lỏi vào cuộc sống không phải chỉ của người bây giờ, thời Khổng Tử cách đây ngót 2500 năm đã có. Ví dụ rõ nhất từ bản thân vị Vạn thế sư biểu: Ngài bất ý từ bỏ quê hương, trôi dạt khắp thiên hạ để rao giảng đạo đức, sau một lần bị nhà vua chia phần thịt ít hơn các lần trước. Hậu thế dè bỉu ngài quá chú trọng miếng ăn nhưng cũng có người cảm thông, không phải miếng ăn mà chính là sự quan tâm, kính trọng của nhà vua đối với ngài giảm sút. Tôi không rõ hiền triết Socrates bên trời Tây có coi trọng miếng ăn như hiền triết Khổng Khâu ở trời Đông hay không.

Cuộc sống con người ngày nay có khá hơn trước, không phải ám ảnh bởi thiếu ăn, nhưng trong tâm thức, tôi nhận xét, có lẽ cái ăn còn lẩn khuất đâu đó trong phần sâu kín của tâm tưởng con người. Hiện tượng bún quát, cháo chửi (không rõ chấm dứt chưa?) là chỉ dấu cho tâm thức ám ảnh ấy. Người ta chịu khó sắp hàng dù thời tiết nóng, như bên trời tây xếp hàng lên xe buýt, kiên nhẫn chờ tới phiên có một bát bún nghi ngút mùi thơm, tự tìm một chỗ ngồi thuận tiện, và sung sướng thưởng thức các món ăn mà khi chế biến, người chủ quán cao giọng quát tháo người phụ việc, có khi chính thực khách vì lỡ lời than chậm trễ; bằng nụ cười cảm thông, người ăn tự an ủi: có món ngon là quý rồi.

Tôi có lần cùng với bạn hữu tò mò tìm quán có “mắng, chửi” để thưởng thức xem món ăn đặc biệt thế nào mà người ta chịu khó nghe mắng, nghe chửi để được ăn. Đến nơi, chúng tôi vội bỏ đi sau 10 phút chờ đợi: ăn vàng cũng chẳng ham chứ đừng nói ăn phở. Người miền Nam không quen “lối phục vụ” như thế.

Có người bảo ở Hà Nội mới có bún mắng, cháo chửi còn Sài Gòn thì không. Có người cực đoan hơn còn bảo “người Bắc họ thế”. Những người này chưa tìm hiểu, người Sài Gòn, người miền Nam cũng là người từ Hà Nội, từ miền Bắc vào mấy trăm năm trước (bây giờ còn nhiều không kém). Tổ tiên họ từ miền Ngoài vào miền Trong. Người Bắc 54 di cư chiếm nhiều tình cảm của người Nam vì đa phần họ làm ăn chăm chỉ và một sự thật là: văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, có cả học giả, giáo sư… đa số là người Bắc. Các quán ăn như phở, bánh cuốn, chả giò… người Bắc làm chủ, đâu có thiếu ở Sài Gòn và các thành phố lớn ở miền Nam, những quán ăn ngon nổi tiếng, đâu thấy mắng chửi mà người ăn vẫn nườm nượp.

Tôi thấy hiện tượng “bún mắng, cháo chửi” (mong là nên chấm dứt) chỉ xảy ra ở xã hội một thời gian dài…”kiểm soát” cái ăn bằng “tiêu chuẩn” lương thực. Nếu ở miền Nam trước 1975 có chế độ tem phiếu, mấy bác Việt Cộng nằm dưới hầm bí mật sẽ đói meo râu, gạo đâu dư mà nấu cơm cho các bác, ai cũng mười mấy cân thóc, không đủ ăn, lấy đâu mà nuôi giấu mấy bác cả chục năm trời. Cái ăn kiểm soát được thì mọi cái sẽ kiểm soát rất dễ dàng. Người chi phối cái ăn sẽ chi phối xã hội. Nhân viên ở các cửa hàng lương thực thời bao cấp quyền uy không thua một số quan chức ngày nay. Hơn 20 năm thôi, “văn hóa tem phiếu” tác động rất sâu trong tâm hồn người Việt.

Cha con không thể thăm nom lâu ngày khi đến nhà của nhau nếu không “ôm” theo tiêu chuẩn lương thực. Noel, tiệc sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, giỗ chạp, tiệc tùng, liên hoan…hoạt động thông thường của một xã hội tình người làm sao có được khi ai cũng có “tiêu chuẩn” lương thực không đủ ăn cho bản thân?

Cái ăn ám ảnh từ bậc hiền triết đóng góp cho văn minh phong kiến Trung Hoa, (vẫn  còn ảnh hưởng không nhỏ lên nếp sống một số hậu duệ của tiền nhân qua 1000 năm đô hộ) cho đến ngày nay, liệu còn có kéo dài nữa không? Khi thấy có người, cả vài bậc “phụ mẫu chi dân” đặt vấn đề về số tiền của Thủy Tiên (trên 150 tỷ) do người khác đóng góp để cứu trợ đồng bào bị nạn trong lũ lụt, thiên tai, tôi suy nghĩ cái ám ảnh quá khứ về miếng ăn có lẽ vẫn còn, tất nhiên, qua lớp áo công bằng xã hội, phù hợp luật pháp. Đồng bào giao cho cô ta lòng tin thì họ đã giao trọn vẹn, không băn khoăn, sao người khác lại đặt vấn đề về số tiền đó?  Còn cô ta có giữ lòng tin ấy hay không lại là chuyện khác, chuyện lương tâm của cô, chuyện pháp luật lên tiếng nếu có khuất tất, không nên đánh đồng với một  MC- người của công chúng, "nổi tiếng" (hay điều tiếng?) trước đây.

“Khủng hoảng" làm từ thiện (hay hiện tượng Thủy Tiên) thực ra sẽ qua đi nhẹ nhàng nếu đất nước có được các tổ chức thiện nguyện (không phải nhà nước lập ra)– ta hay e dè gọi bằng một cái tên “nhạy cảm chính trị”: tổ chức xã hội dân sự (civil society), thường thấy “ê hề” ở những nước “tư bản giãy chết”. "Ám ảnh cái ăn" sẽ không còn, không làm nhân cách con người nhỏ lại,  sẽ không choáng chật chỗ trong đầu óc, làm méo mó suy nghĩ của một số người về những điều to tát hơn - lòng bác ái: "miếng khi đói  bằng gói khi no", "lá lành đùm lá rách", "bầu ơi thương lấy bí cùng".