Nhìn hình bên dưới, phần tường còn lại không thể gọi bức tường. Bề dày chừng 43 cm, tương đương một thước ta, (thước mộc), bề đứng chưa quá 6 tấc, và bề dài hơn một mét, đây là phần còn lại của tòa miếu Ông, bị Việt Minh cho phá hủy năm 1946, trong chiến tranh chống thực dân Pháp, thời kỳ tiêu thổ kháng chiến.
Miếu Ông nằm trong hàng loạt di tích lâu đời khác của làng Trung Đạo, nơi sinh cơ đầu tiên của tộc Nguyễn chúng tôi từ Nghệ An vào, có lẽ sau thời châu Ô và châu Rí là của cầm cưới công chúa Huyền Trân. Tổ tiên từ "vùng đất học" của chúng tôi đã gầy dựng những công trình không khác nơi họ chôn nhau cắt rốn: đình trung, chùa, miếu Bà, và tất nhiên cả từ đường Nguyễn trường. Ông tổ khai cư, khai canh, Nguyễn Trường Sanh, về làng Mạng Lâm, Phù Lưu Trường, Nghệ An "lén" mang hài cốt thân phụ Nguyễn Trường Thọ vào.
Ông nội tôi kể lại với con là cha tôi ( sinh 1905), các kiến trúc ấy ông từng thấy khi lên 9, 10 tuổi, tuổi có thể nhận biết. Ngày xưa, các tư liệu đều ghi bằng chữ Hán, chữ "thánh hiền". Mỗi năm một lần chạp mả, người ta mới được giở "phú ý" (gia phả) ra xem, ghi thêm tên con cháu mới sinh trong năm.
Các sắc phong, di chỉ của triều đình ban cho làng cũng được giữ kỹ lưỡng, đương nhiên, tất cả cũng đều bằng Hán tự. Chính vì kính sợ tiên nhân, chẳng ai dám hỏi, hay tìm đọc các dữ liệu của họ tộc, cũng có nghĩa là của làng; Trung Đạo của tộc Nguyễn, Hà Tân (quê mẹ nghệ sĩ hài Hoài Linh) của tộc Ngô, hay Trúc Hà của tộc Tăng...Đương nhiên, làng xuất hiện nhiều tộc sinh sống khi trải qua nhiều đời.
Chính tại "sợ" ông Hán tự, chữ của "thánh hiền" này, hậu duệ chúng tôi không rõ năm xuất hiện các kiến trúc văn hóa thuần túy của làng, của dòng tộc nơi đất mới. Nhưng đây không phải lý do chính, lý do chính là của ông "tiêu thổ kháng chiến". Phá hết, đốt hết, kể cả các tư liệu bằng Hán tự, lưu trữ như tôi nói.
Nhiều làng quê của chúng tôi nằm trong vùng "tự do", không nằm trong vùng "bị chiếm" (Tây kiểm soát) nên các kiến trúc cha ông chúng tôi dày công gầy dựng phải bị phá hủy, không để bọn giặc Pháp lấy làm chỗ trú đóng mỗi lần "đi càn" (hành quân tiêu diệt VM) vùng tự do.
Thật sự, bọn Pháp không khi nào ở lại lâu nơi đây. Họ không thể ở vào vị trí bất lợi, địa danh quận Thường Đức sau này, vì du kích và người dân trốn lánh ở những cánh rừng sẽ xuống núi bao vây đánh úp nếu họ trụ lại. Tiêu thổ kháng chiến - đồng không, nhà trống - chẳng tác dụng với bọn Pháp có đầy đủ xe, tàu chở quân dụng, yểm trợ mỗi lần hành quân. Họ đâu cần lương thực, chỗ trú đóng. Việc phá hủy các công trình công cộng như chùa, đình, miếu, từ đường... để chống địch là lý do kém thuyết phục. Còn ngôi nhà tư nhân của những người hết sức giàu có thì sao? Nhiều người sở hữu ngôi nhà còn to hơn đình trung (nơi hội họp) tại sao không bị phá hủy?
Phong kiến, có lẽ 2 chữ này là động cơ sâu xa, khiến các công trình xây dựng nhiều đời của làng mạc bị san bằng, đập phá - không phải chỉ mỗi ngôi làng của ông bà chúng tôi, cả hàng chục làng như thế, một vùng hết sức rộng lớn, "vùng tự do".
Cha tôi tham gia Việt Minh, làm trưởng ban đỡ đầu Dân Quân vùng "bị chiếm" (vùng Tây kiểm soát, có các chiến sĩ thoát ly tham gia kháng chiến trong vùng của chúng tôi), chứng kiến cảnh tiêu hủy các công trình công cộng đó.
Vì lợp ngói, tường xây bằng vôi trộn nhớt cây bời lời (quê tôi hồi xưa nhiều vô kể) dày như trong ảnh, và các cột gỗ lim, gỗ trai, gỗ mun...đứng "dày đặc", nhằm chống đỡ trính, xuyên to lớn (đà ngang, đà xiên) bên trên có đòn tay đóng rui mè (lách, xi-don) lợp ngói âm dương, việc đốt cháy kéo dài cả tháng, mới tiêu hủy toàn bộ các công trình. Rơm làm bổi, bên ngoài chất chà rang (loại cây bụi nhiều cành nhỏ, dùng thả kén nuôi tằm), và củi khô; lửa thiêu cháy các cây gỗ, trính, xuyên, đòn tay, rui mè làm sập phần ngói âm dương xuống tung tóe trên nền gạch; sự tiêu hủy "tàn tích phong kiến" đã "thành công tốt đẹp". Đá tảng, gạch, ngói chưa bể; cột, kèo, đòn tay, cửa gỗ, ban thờ...còn chưa cháy hết được dân chúng tranh nhau lấy về nhà khi lửa chưa tắt hẳn; những làn khói u buồn bay lên, tổ tiên chúng tôi hẳn phải nương theo làn khói ấy, ngậm ngùi rời bỏ chốn trần gian đầy tục lụy. Đó là kết cục tang thương của miếu Ông làng Trung Đạo.
Khởi đầu cuộc cách mạng đấu tranh giai cấp bằng việc tiêu hủy những công trình "phong kiến" thuở ấy báo hiệu nhiều biến thiên còn kinh hoàng, khủng khiếp hơn về sau, không chỉ có vật chất, mà cả mạng sống, hàng triệu sinh linh.
Tôi đứng nhìn phần tường vôi còn lại, che khuất dưới hai cây duối mọc hoang dại, um tùm, tăm tối, lòng buồn vời vợi. Ngôi miếu Ông hùng vĩ của dòng họ Nguyễn làng Trung Đạo chúng tôi đôi ba năm nữa sẽ không còn một dấu vết nào, tất cả sẽ thành tro bụi.
Mấy chục năm xây dựng quê hương qua nhiều cuộc "cách mạng", ấp văn hóa, làng văn hóa, mọc lên nhan nhản, có ai xây lại được những ngôi đình, ngôi chùa, ngôi miếu - cội nguồn một phần văn hóa Việt Nam, như ông bà chúng tôi đã làm cách đây mấy trăm năm?
Phá dễ, xây khó, nhất là xây dựng giá trị văn hóa đích thực, chứ không phải trương cái bảng, xây cái cổng, có một quyết định hành chính, mọi nơi đều trở thành... văn hóa.