Tôi theo đạo kitô nhưng lại sống thâm thấm chút Phật. Trong các điều tôi để ý về Phật pháp, BUÔNG BỎ là hai từ đơn giản nhưng thực hiện rất khó khăn. Thường, ta hay gắn kết cái gì đó - vật chất và tinh thần - trong mọi mặt cuộc sống.
Chiếc smartphone giúp ta lên facebook, chiếc xe tay ga giúp ta đi lại, cái nhà ta đang ở, to hay bé, tất cả như gắn chặt vào đời sống chúng ta. Điện thoại bị giật, xe bị mất cắp, nhà đang ở phải đi nơi khác vì lý do bất khả kháng, tất cả sẽ làm cho chúng ta đau khổ: những vật thân yêu đó không còn bên ta, chúng gắn bó thân thương quá nhưng chúng ta sẽ nhẹ tênh nếu học biết chấp nhận và buông bỏ.
Đó là gắn bó vật chất. Và tinh thần thì sao? Bị vợ, chồng, bỏ rơi ta đi theo tình mới. Người đang yêu say đắm bỗng đột ngột chia tay. Đang là thiếu tướng, anh hùng, bỗng trở thành tù nhân trong cũi sắt. Mất vợ, mất chồng, mất người yêu, mất công danh…tất cả đều gây ra đau khổ. Nhưng nếu người gặp hoàn cảnh ấy nhìn ra, vầy duyên thì đến, thì hợp; hết duyên thì đi, thì tan; quy luật nhà Phật nói thế, có lẽ họ sẽ không đau khổ nữa, cuối cùng họ biết “buông bỏ” - nhẹ nhàng – chứ không phải buông bỏ nặng nề, vì “buộc” phải…buông bỏ.
Tôi là người rất thích thời sự, và theo dõi thời sự hằng ngày là niềm vui từ khi tôi còn bé, học đâu lớp đệ thất, đệ lục. Cứ mỗi chiều tối, đúng 6 giờ 30, tôi qua nhà bên cạnh (nhà tôi không có radio) của một cán bộ “xây dựng nông thôn”, để theo dõi thời sự; hồi đó chúng tôi không gọi nghe radio là nghe đài. BBC là hãng tin người miền Nam thích theo dõi nhất. Tin họ loan đi thật “trung thực” trong suy nghĩ của chúng tôi. Đài phát thanh quốc gia, “tiếng nói Việt Nam phát thành từ thủ đô Sài Gòn”, phải nói là ít người nghe tới, lý do dễ hiểu, họ cũng như đài Hà Nội, “địch thua nhiều, ta thắng to”, dù họ ít thổi phồng con số, có khi khó tin, quá đáng.
Nghe thời sự là cách chúng tôi, thật ra là tôi, thể hiện “lòng yêu nước”: chuyện quốc gia đại sự, không nghe thì nghe chuyện gì. Ngay cả những năm tháng sau 1975, (không rõ người khác thế nào) tôi vẫn theo dõi thời sự; lúc đó “sắm” được một chiếc National cũ ba băng (band) là một nỗ lực phi thường; những năm tháng sau chiến tranh, mọi người còn khốn khổ, chấn động trước biến cố long trời lở đất: Giải phóng miền Nam.
Thời sự lúc ấy không phải từ đài Hà Nội mà từ đài VOA hay đài BBC. Thật kỳ cục, người dân Việt phải nghe đài Việt, để thể hiện lòng yêu nước chứ. Như nhiều người quan tâm thời sự, sống ở miền Nam trước 1975, tôi muốn nghe những tiếng nói “khác” tiếng nói quốc nội, tôi nghĩ là luôn luôn “tô hồng” mọi thứ. Một tiếng nói thống nhất, từ đài huyện, đài tỉnh, đến đài trung ương. Một tiếng nói hết sức mạnh mẽ và hết sức thuyết phục, chi phối tinh thần mọi người dân phải chịu nghe nó mỗi ngày.
Nhưng lúc ấy, tại sao một số người (như tôi) vẫn thích “đây là đài Tiếng nói Hoa Kỳ, VOA, (Voice of America), phát thanh từ thủ đô Hoa Thịnh Đốn”? Hoặc “đây là đài BBC phát thanh từ Luân Đôn, Anh quốc” (hai đài này nghe nói dẹp phần phát thanh tiếng Việt qua radio rất lâu, hơn 10 năm nay)? Người ta muốn nghe một tiếng nói “khác” tiếng nói họ nghe mỗi ngày trên radio (sau dần chuyển qua ti-vi).
Đó có thể là lý do vừa qua, tôi nghĩ, những diễn biến bầu cử tổng thống Mỹ, ít ai nghe tin tức phát đi từ đài VN và báo VN. Những tin tức có lợi cho tổng thống Trump thì không sao nhưng bất lợi cho ông thì họ cho là…fake news, tin giả, - từ ngữ Trump rất ưa dùng.
Những người ái mộ tổng thống còn đi khá xa trong nhiều nhận định về cục diện bầu cử. Hầu hết những báo sừng sỏ, lâu đời, có tiếng tăm của Mỹ cũng trở thành báo chí “thổ tả” nếu đưa tin bất lợi cho tổng thống.
Một tin được một số người VN đón nhận hồ hởi: quân đội Mỹ vừa đổ bộ xuống Đức để “tó” trọn ổ nhóm người điều hành máy Dominion gì đó, đã gian lận thay đổi kết quả bầu cử Mỹ, có lợi cho Joe Biden “hay quỳ gối, ngủ gục, già nua, và theo cộng sản”.
Cũng như tôi thời trước - tin VOA, tin BBC - họ không tin báo “chính thống” nữa, kể các báo Mỹ, báo Anh, báo Pháp “thổ tả” đưa tin có lợi cho “bọn” Dân chủ (đảng). Ở một đất nước có chủ quyền không nước nào khác được phép đem quân đội của mình đến để bắt nhóm người nào đó, nước ấy lại là Đức (trừ đặc vụ VN, vô cùng ngoạn mục, qua tận Berlin “tó” Trịnh Xuân Thanh về nước quy tội). Nhưng đó được coi là tin “không thổ tả”.
Một số nội dung tin tức liên quan đến việc giám đốc Cơ quan dịch vụ công gửi thư cho Biden (nhờ báo CNN chuyển giúp) cũng đều là fake news, tin tào lao. Một số người không tin Tổng thống Trump đang “xuống nước”; có lúc ông lỡ tuýt: “Ông ấy (Biden) thắng cử vì cuộc bầu cử bị lũng đoạn” (lũng đoạn, rigged, rất khác bị gian lận, fraud, tuy lũng đoạn có thể và có khi là gian lận); 90 phút sau thấy không ổn, ông tuýt tiếp “ Ông ta đắc cử trong con mắt của đám báo chí Fake News”.
Mới đây, Tổng thống tuyên bố sẽ rời tòa Bạch Ốc “nếu các đại cử tri (nhóm họp ngày 14 tháng 12) bầu Biden làm tổng thống. Nếu thế, họ lầm to”. Trump biết số đại cử tri bầu cho Biden cao hơn ông rất nhiều, chắc chắn Biden sẽ là tổng thống, trừ phi họ “phản” Biden (faithless) quay lại bầu cho Trump, vì họ cảm thấy ông đúng: “gian lận bầu cử”.
Nếu bình tĩnh theo dõi những bước đi của tổng thống, chúng ta có thể thấy ông có vẻ đã tính tới nước nhượng bộ dần dần, tuy ngoài mặt vẫn kiên quyết tuyên bố sẽ đi tới cùng, về mặt pháp lý.
Một số đồng bào VN, trong nước lẫn ngoài nước, vẫn tin tổng thống sẽ không bao giờ chấp nhận thua cuộc. Chẳng qua “Lão Quái” (một danh xưng kính trọng) chơi chiêu “giương đông kích tây”; tổng thống sẽ dành một cú “hồi mã thương” thâm sâu, đầu óc thường không hiểu nổi, thời gian trước ngày tổng thống Mỹ nhậm chức; hồi đó mới biết tài năng tổng thống: ai thắng ai, Trump hay Biden.
Tôi không đi sâu về kết quả ngã ngũ bên nào thắng, bên nào thua. Tôi chỉ nói khía cạnh tâm lý của số người ái mộ Trump, một sự việc chưa từng thấy trong lịch sử VN: một tổng thống nước ngoài chi phối mạnh mẽ và bao trùm, một thời gian khá dài, đời sống tinh thần (có lẽ là đa phần) người VN - già, trẻ, giàu, nghèo, bình dân, trí thức, trong nước, và ngoài nước.
Vì sao?
Tổng thống Trump là hình ảnh của một Lục Vân Tiên thời @, “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” (*). Nếu văn chương chút nữa, ông cũng có thể ví (về một khía cạnh nào đó) như Từ Hải: “Râu hùm hàm én mày ngài/ Vai năm tấc rộng lưng mười thước cao”. “Giang hồ quen thói vẫy vùng/ Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”. Nhất là: “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai (**)”.
Không những thế, ông còn có thể ví như Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (cái này là tôi tưởng tượng ra), ba lần đánh tan quân Nguyên xâm lược (nay có thể sửa lại thành “quân bành trướng xâm lược”) bằng cách đánh “dập mõm” kinh tế Tàu với thuế quan nặng khủng, kể cả việc bật đèn xanh cho Canada “bắt sống” công chúa Huawei - niềm hãnh diện tót vời về công nghệ cao của Tập Cận Bình.
Ngoài việc “quét sạch đầm lầy” trong nước, trước quần hùng và bá quan văn võ (đại hội đồng Liên hợp quốc), Hiệp Sĩ dõng dạc tuyên bố: “Chủ nghĩa cộng sản (ám chỉ ông Tàu) đem lại đói nghèo và áp bức”. Hào Kiệt còn lên án vi-rút Corona là “china virus” đang gây hại nước Mỹ, phát sinh lén lút ra khắp thế giới từ Vũ Hán.
Tình cảm nồng nàn, sục sôi, chống bành trướng của một số người chuyển thành tình cảm yêu mến vô vàn vị Anh hùng dân tộc… (Mỹ). Hình ảnh tổng thống gắn chặt vào trái tim của những người ái mộ ông nhiệt liệt. Donald Trump chiếm trọn tình cảm của người Việt chống Tàu + đến thế.
Đến đây, tôi quay lại phần đầu bài viết: BUÔNG BỎ. Nếu Donald Trump tiếp tục làm tổng thống sau thành công ở tòa án tối cao liên bang (hiện chưa thấy đưa hồ sơ lên, hay tôi chưa biết), đó sẽ là tín hiệu tốt lành: lòng ái mộ ông được đền đáp xứng đáng.
Nhưng nếu Biden làm tổng thống, những người ái mộ Trump có đau khổ không? Tôi chắc chắn là có; đau khổ sẽ dai dẳng vì tức tối với suy nghĩ, “bầu cử gian lận” đã kết thúc sự nghiệp của một thần tượng; một thần tượng chưa từng có từ trước tới nay - một nhân vật chính trị người Mỹ tóc vàng.
Tôi thấy chỗ này Phật pháp rất hữu dụng: BUÔNG BỎ. Trump đến, Trump đi, Biden đến (rồi cũng sẽ đi) Dân chủ đến, Cộng hòa đi…lúc nào đó sẽ ngược lại, tất cả là lẽ vô thường trong cuộc sống. Nếu khu trú mãi mãi vào hình ảnh thần tượng, con người sẽ rất đau khổ, vì thần tượng không thể… sống mãi. Ai đó hô khẩu hiệu thần tượng “đời đời sống mãi” cũng chỉ là hô khẩu hiệu. Không ai sống đời đời cả; giỏi lắm chừng 3 đời là hết date.
Huyền thoại (legend) bóng đá Maradona từng thu hút hàng tỷ người trên hành tinh cũng vừa mới ra đi. Nếu thần tượng Donald Trump có ra đi (khỏi cái vòng danh lợi – “Cái vòng danh lợi cong cong/ Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào” (***) cũng là lẽ thường tình.
Người ta than khóc cho huyền thoại bóng đá nhưng đôi ba hôm nữa, họ sẽ lau khô nước mắt. Khóc nhiều sinh đỏ mắt, tốn tiền mua thuốc "Rohto mát lạnh". Đối với Donald Trump cũng vậy, hãy “lau khô” nước mắt nếu thật sự ông ấy ra đi (khỏi tòa Bạch Ốc) trong nay mai.
Người Việt Nam nên trở về tính lạc quan vốn có của mình: hãy bước tới, có thần tượng bên cạnh, hay không có thần tượng, cũng cứ vững bước. Đất nước phát triển nhờ những người bình thường như chúng ta chớ không phải nhờ thần tượng. Thần tượng cũng chỉ là thần tượng.
(*) Nguyễn Đình Chiểu;
(**) Nguyễn Du;
(***) Ca dao VN.