Ngày ông Táo về trời những năm gần đây được nhà nước tổ chức trọng thị như một nghi lễ truyền thống. Trước đây, đúng hơn, trước " đổi mới", nghi lễ, thực ra là tục lệ ông Táo về trời được xem là tục lệ mê tín, dị đoan. Những ông tổ cộng sản không tin vào tất cả những gì không có chứng minh trên cơ sở khoa học.
Ông Táo thực sự có hay không có? Xưa ông Táo lem luốc vì ở bếp than, nay mặt mũi bảnh bao nhờ núp trong bếp ga, bếp điện, bếp từ, bếp hồng ngoại...
Sự nhận thức được những vị tiền bối, đội ngũ kế thừa, thay đổi từ chỗ chối bỏ quay sang công nhận, như tục đưa ông Táo về trời, là một bước tiến dài đáng trân trọng. Dần dần những gì đẹp đẽ, quý báu của truyền thống tốt đẹp từ cha ông được phục hồi.
Những năm sau 1945, ở một số tỉnh trung bộ, ngay như Quảng Nam, tại quê làng Trung Đạo của tôi, chùa, đình trung ( dạng như nhà văn hóa bây giờ), miếu Ông (hiện nay còn nền miếu rộng gần ngàn mét vuông, nằm giữa cánh đồng lúa bát ngát), miếu Bà, nhà thờ tộc của dòng họ Nguyễn chúng tôi lập sau những năm tháng từ Nghệ An vào sinh sống (thời chúa Nguyễn Hoàng), tất cả đều bị đập nát và đốt cháy bằng những bó rơm khô và những bó cây rang (loại cây bụi, phơi khô dùng thả tằm bò lên làm kén). Đình trung là kiến trúc lớn nhất, cha tôi kể lại, cháy gần 15 ngày chưa dứt; những mái rui lợp ngói, cột gỗ lim, kèo, trính gỗ kiền kiền, các cánh cửa gỗ mun...bắt lửa rất chậm nhưng cháy rất lâu.
"Tiêu thổ kháng chiến". "Phá đi chứ không thì bọn tây lên chúng lấy chỗ trú quân". Đó là những lời giải thích. Những kiến trúc cổ như thế nếu còn cũng sẽ bị bom Mỹ, mìn VC phá sập, trong chiến tranh khốc liệt sau này. Nói chỉ để nhớ mà thôi. Đó là về văn hóa.
Về kinh tế, chúng ta hiện giờ có cuộc sống no đủ hơn trước. Lúc " bao cấp", xây dựng CNXH, thời kỳ đánh đổ tư sản, mại bản, tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp, dân chúng cả nước đều chấp hành, và tất cả, cũng đều đói meo râu, không chỉ dân thường mà có cả những cán bộ, công nhân viên nhà nước, xã viên hợp tác xã. Sự đổi mới kinh tế sau đại hội VI đã đem lại diện mạo kinh tế như hiện nay, dù còn những điều chưa thỏa mãn tất cả nhưng cũng đã có bước tiến dài trong đời sống mọi người dân.
Cái gì đã làm các nhà lãnh đạo thay đổi suy nghĩ cũ, tiếp thu tư tưởng mới? Dân. Vâng, chính người dân. Người ta thấy ra nguyên lý " dĩ dân vi bản". Họ được tham gia vào "quản lý" đất nước về kinh tế. Họ được có tiếng nói về văn hóa ông cha, về đời sống tâm linh của mình, về tôn giáo, về niềm tin...
Nhưng về chính trị, người dân được có tiếng nói "tự do" như kinh tế, văn hóa không? Không khó để có câu trả lời. Có người bảo dân đã được làm chủ qua lá phiếu bầu hội đồng nhân dân, bầu quốc hội. Đúng, nước nào cũng rứa. Nhưng liệu không là đảng viên, người dân có quyền ứng cử vào những vị trí như thế hay không? Có nhưng cực hiếm.
Có khoảng 4 triệu đảng viên ( bao nhiêu phần trăm được tham chính?) và hơn 90 triệu dân không đảng. Nếu nhà nước mạnh dạn và đủ tự tin, muốn đất nước phát triển tốt đẹp như văn hóa, kinh tế, hãy để người dân tham gia cùng mình quản lý đất nước trong lĩnh vực chính trị. Do điều kiện lịch sử Đảng (viết hoa từ đây) không thể chia sẻ quyền lực cho ai khác, nhưng với dân thì sao?
Ông Võ Văn Kiệt có lần đề xuất: 51 phần trăm quốc hội do Đảng, 49 phần trăm cho người ngoài Đảng. Đề xuất của vị "thủ tướng đổi mới" nếu đúng như thế thì phúc hạnh cho dân tộc này biết bao.
Đa đảng tôi thấy ở miền Nam trước 1975 cũng..."lôi thôi" lắm. Do chiến tranh, và nhất là do dân trí lúc đó, đảng phái mọc như nấm, báo chí Sài Gòn hay gọi một vài tổ chức chính trị là" đảng xôi thịt".
Trước mắt, một Đảng cũng không sao nhưng cần được người dân không Đảng hợp tác trong việc quản lý đất nước.
Hình ảnh ông chủ tịch nước, tổng bí thư, thả cá ngày ông Táo về trời khiến tôi suy nghĩ.
Vị lãnh đạo cao nhất nước đã có suy nghĩ thức thời, không như các vị tiền bối cộng sản, trước đây còn cho tôn giáo là loại " thuốc phiện"( Các Mác) huống chi tín ngưỡng - tục lệ thả cá đưa ông Táo về trời. Trách nhiệm một công dân có " quyền bầu cử", tôi có những suy tư như thế.