Showing posts with label Tản mạn. Show all posts
Showing posts with label Tản mạn. Show all posts

Thursday, March 21, 2024

“TÌNH YÊU MẠNH HƠN SỰ CHẾT”

Cái chết đau đớn. Một câu chuyện xót xa trên báo sáng nay. Vì tình mà một người mẹ nỡ bỏ đói con để vui thú với người yêu trên bãi biển.  Đề bài tôi đặt theo một câu trong chương Châm Ngôn (Kinh Thánh), tất nhiên, ý nghĩa không thể giống nhau.

Một cháu bé ở Ohio chết một mình khị bị mẹ bỏ đi chơi 10 ngày. Quan tòa gọi đây là “hành động cực kỳ tàn nhẫn”.

(An Ohio toddler died after her mom left her home alone while she took a 10-day vacation. A judge called it the ‘ultimate act of betrayal’)

Tiếng khóc của Jailyn (tên cháu bé) vang khắp những con phố lặng ngắt của Cleveland trong đêm tối mịt mờ. Rên la rồi thét gào, cháu bé chẳng có ai đến cứu.

Mẹ của cháu, Candelario, đang đi nghỉ mát 10 ngày ở xa, để con một mình trong củi với vài bình sữa bú. Camera ở cửa nhà hàng xóm còn ghi lại nhiều tiếng thét từng chập của một bé gái 16 tháng tuổi, cả một lần 1 vào giờ sáng khi bà mẹ bỏ đi hai ngày.

Nhưng người mẹ đang ở một thành phố cách đó hàng mấy trăm cây số với bạn trai của mình. Sau vài ngày ở bãi biển, và dừng lại thành phố Detroit, chị ta về nhà và phát hiện con mình đã chết. Cả mười ngày trôi qua.  

Người phụ nữ thừa nhận hai tội danh hôm tháng rồi: một, giết người nghiêm trọng, hai, gây nguy hiểm cho trẻ em.

Ngày kêu án hôm thứ hai, một nhà nghiên cứu bệnh học pháp y cho biết, trẻ con sợ hãi bị bỏ rơi nhất là ở thời gian từ 9 đến 18 tháng tuổi. Bà kể lại những ngày đau đớn cuối cùng của đứa bé trong nước mắt: “Nỗi cùng cực và đau đớn của đứa bé không chỉ kéo dài tính bằng giờ, bằng ngày, mà là cả tuần”.

“Cảm giác bị bỏ rơi nhiều ngày liên tục, cộng với cái đau đớn vì đói khát cùng cực là một thứ đau khổ tôi không nghĩ ai trong chúng ta có thể hình dung được”.

ĐỨA BÉ CHẾT MẤT NƯỚC VÀ GẦY ĐÉT.

Lời tuyên người mẹ tù chung thân của chánh án đánh dấu chương cuối của một vụ án mà những người điều tra mô tả là vô cùng khủng khiếp trong đời hành nghề của họ.

Các viên chức thực thi pháp luật, như thượng sĩ Gomez, không cầm nổi nước mắt khi mô tả tình trạng đứa bé. Anh nói: “Đây là vụ án khắc ghi mãi mái trong trái tim, trong tâm hồn chúng tôi”.

Phụ tá công tố chiếu một đoạn phim an ninh cho thấy người mẹ kéo va li ra xe ngày 6 và trở về nhà ngày 16 tháng 6. Vài phút sau, Candelario gọi 911 (khẩn cấp).

Trong đoạn băng phát lại ở phòng xử, giọng người mẹ rền rĩ: “Giúp đỡ, tôi cần giúp đỡ. Làm ơn, làm ơn, giúp tôi với. Con tôi đang hấp hối”.

Người phụ nữ mặc lại cho con bộ đồ sạch sẽ trước khi đội cấp cứu đến, theo lời viên công tố. Nhưng thay đổi áo quần không che giấu nỗi kinh hoàng mà đứa bé trải qua, và câu chuyện của người đàn bà khóc nức nở kia hé lộ.

Người điều tra cho biết, cháu Jailin nằm trên tấm ra vãi đầy phân và nước tiểu. Chị nói: “Thú vật chăm sóc con của chúng còn tốt hơn”.

Người bé gái khô đét, mắt trũng sâu, môi khô khốc, phân nằm trong miệng, dính trên đầu các ngón tay. Cháu sụt hơn 3 ký lô so với lần cân cuối khi đi khám bác sĩ hai tháng trước.

Các điều tra viên cho biết người mẹ còn bỏ rơi con mình hai ngày trước khi đi nghỉ mát.

CHA MẸ ĐỐ LỖI HÀNH VI CON HỌ LÀ DO BỊ TÂM THẦN

Cha mẹ của người phụ nữ mong tòa giảm án.

Trong một tờ giấy viết sẵn, bà mẹ cho biết con gái bà có vấn đề về sức khỏe tâm thần, như bịnh thần kinh và thường ngất xỉu. Khi ngưng uống thuốc, con bà bị trầm cảm và lo lắng, khả năng suy nghĩ kém sáng suốt. Bà nói gia đình không hay biết chuyện gì đang xảy ra.

Candelario nói trước tòa, chị hằng ngày cầu nguyện sự tha thứ; chị tin Chúa và Jailin tha thứ cho mình.

“Tôi không cố biện minh cho hành động của mình. Nhưng chẳng ai hiểu tôi đau khổ dường nào và những gì tôi sẽ trải qua”.

Trước khi tuyên án, vị chánh tòa trách cứ người mẹ.

Với giọng nghiêm khắc, ông nói Candelario “đã bẫy con mình vào tù” nhiều ngày trong thời gian chị ta đi nghỉ mát.

Ông nói: “Gắn bó giữa mẹ và con là mối gắn bó trong sáng nhất và thiêng liêng nhất. Nó là mối quan hệ dựa vào tình thương, lòng tin, và sự bảo bọc không ngừng…Chị đã phạm một tội cực kỳ tàn ác. Đứa bé cố sống để chờ người đến cứu. Và chị có thể làm điều đó chỉ bằng một cuộ gọi. Trái lại, tôi thấy chị chụp nhiều bức hình trên bãi biển trong khi con chị phải ăn lấy phân của mình để tìm lẽ sống”

Chánh án tuyên người phụ nữ tù chung thân không ân xá.

“Không khác chi cách nhốt Jailyn để con mình phải chết, chị cũng phải sống nốt quãng đời của mình trong tù, mất quyền tự do. Ít ra,chỉ hơi khác một chút, nhà tù còn cho chị cơm ăn”.

Trong giờ luận án, viên trưởng điều tra Powell phát biểu, Jailyn sẽ không bao giờ chìm vào quên lãng. Giọng run run, ông đọc một bài thơ để tưởng nhớ bé gái bất hạnh: (Mỗi câu bắt đầu bằng một mẫu tự, ghép lại thành tên Jailyn- người dịch)

Friday, March 8, 2024

TA VÀ NGƯỜI

John Keats:

            “You are you and I am I.

            You are not in this world to live up to me.

            I am not in this world to live up to you.

           If by chance we meet, it’s beautiful”.

           (Bạn là bạn và tôi là tôi.

            Bạn sinh ra trên đời này không phải để sống vì tôi.

            Tôi sinh ra trên đời không phải để sống vì bạn.

            Nếu có cơ duyên chúng ta gặp gỡ nhau, đó là điều tốt đẹp)

            Những người bạn yêu dấu của tôi trên facebook, hầu hết không gặp mặt nhau, không biết nhau, không có một hoàn cảnh như nhau, tất cả cùng sẵn sàng chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, bàn bạc thế sự nổi trôi, trong một vũ trụ vô hình, một không gian bao la, lãng đãng như có mà lãng đãng như không.

            Tôi dịch đoạn thơ thành mấy câu lục bát, không trọn ý, chỉ một câu thứ hai mà đã “ôm đồm” hai câu thơ của bản tiếng Anh, với mong muốn mượn thơ nói lên nỗi lòng:

            Bạn là bạn, tôi là tôi.

            Không sinh ra ở trên đời vì nhau.

            Cơ duyên ý hợp tâm đầu.

            Đẹp sao không thể nơi nào đẹp hơn.

SHIP

Nếu thời Nguyễn Khắc Hiếu có “ship”, giao- nhận hàng, thì thi sĩ không than thở:

“Muốn ăn rau sắng chùa Hương

Tiền đò thì tốn, con đường ngại xa

Mình đi ta ở lại nhà

Cái dưa thì khú, cái cà lại thâm”.

Rau sắng.

Thiệt ra Tản Đà không hẳn thèm rau sắng. Ông đang nhớ vợ. “ Mình đi ta ở lại nhà “. Không có vợ thì dưa cũng khú, cà cũng thâm. Chẳng buồn ăn uống, dưa cà không có nàng, chàng cũng không màng tới.

Nếu có ship, chưa tới nửa ngày, rau sẽ đến bếp nhà thi sĩ, tươi như vừa hái từ trên cây. Chuyển và giao hàng không phải bây giờ mới có. Bưu điện đã có dịch vụ này từ khi nó xuất hiện. Món hàng, bưu kiện, sẽ tới tay người nhận, nhưng rất lâu. Nào đóng gói, cân trọng lượng, lập tờ khai, nộp tiền cước, nhận biên lai, và chờ hàng đi. Người gởi hồi hộp chờ gói quà đến tay người nhận. Vì có trường hợp bưu kiện “biền biệt kinh kỳ “(mất dấu trên đường đi)- tuy rất hiếm.

Ngày nay, chỉ cần một vài cái nhấp chuột hay vài thao tác vào tin nhắn, vài chục phút sau- nếu ở gần, hay một hai giờ sau- nếu ở xa, một hai ngày sau- nếu xa tít tắp, thì gói hàng, thậm chí lẵng hoa, đến tay người nhận tức thì. Trả tiền trước hay sau, hàng gởi đi đến tận tay người nhận hay người đặt hàng. Nhanh chóng, tiện lợi, an toàn, ship trở thành nếp sống của con người thời đại @.

Ship còn có mặt ở nông thôn hay những vùng quê hẻo lánh. Phổ thông nhất là các món nhậu đến đúng địa chỉ nhờ các chủ quán kiêm shipper. Ship củng cố niềm tin giữa người và người. Có thể mua nhầm hàng qua ship nhưng ship không làm phật lòng ai: không nghe trường hợp nào ship… hàng không tới nơi tới chốn. Những shipper uy tín. Chưa nghe phản ảnh shipper lừa đảo. Lừa khách hàng, shipper chắc chắn phải bỏ nghề.

Tôi nghe nói cụ Hồ Chí Minh rất thích tương bần Nghệ An, một loại nước chấm, nếu không tìm hiểu trước, người ăn có thể…thụt lưỡi vì nó quá mặn, không khác món cà pháo, một quả nhỏ ăn đủ cho một chén cơm nóng. Khi thăm em, chị của cụ thường phải mang theo chai tương bần xứ Nghệ, món ăn quê nhà.

Thời của cụ thật thiệt thòi, chẳng khác thời của Tản Đà: không có ship. Nếu có ship, cụ Hồ và cụ Tản không phải thèm món tương, món rau. Bưu điện thì không thể chuyển nước tương hay rau bó. Từ Hưng Yên xa xôi, nếu Bảo Đại còn sống, mấy chai nước tương Tiến Vua không phải quan quân ngựa xe mang vô tận Huế; vua chỉ cần lên Facebook, bấm vào messenger, a lê hấp, ngày hôm sau có ngay món chấm ngon đặc biệt dân dã này. Và nếu muốn, rau sắng, luộc chấm tương cũng sẽ có ngay: nhờ ship.

Ship vạn tuế!

Sunday, February 18, 2024

MAY MẮN

Trong cuộc sống, may mắn là điều ai cũng mong muốn. Tôi thấy mình may mắn nhất: Quen biết những chú tiểu, tiểu ni khi vừa bước vào lớp đầu tiên bậc trung học, ở thành phố cổ nhỏ bé Hội An. Một trong các vị ấy là ni cô Tân.

Lúc biết cô thì chúng tôi ở vào tuổi "biết vui, biết buồn, biết tương tư". "Ngày nào cho tôi biết...". Bọn trẻ chúng tôi rất ngạc nhiên người đi tu lại...xinh đẹp. Mỗi lần ni cô bước vào sân trường, chúng tôi luôn luôn đảo mắt nhìn, đương nhiên len lén, từ xa. Chúng tôi cứ tưởng mình là Ngọc trong Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng. Ni cô xinh đẹp kia là Lan. Trong tiểu thuyết "diễm tình" nhuốm màu thiền, mối tình chớm nở giữa một chàng trai Hà Nội với cô gái giả trai, có cái tên Lan vừa nam vừa có thể là nữ. Mối tình đẹp. Suốt cuộc đời học sinh, chúng tôi mơ ước đặt chân đến ngôi chùa miền Bắc xa xôi như Khái Hưng mô tả để tìm gặp được Lan.

Và ngôi chùa ấy hiện ra gần 50 năm sau . Một ngôi chùa bề thế nhưng tĩnh lặng nằm sâu bên quốc lộ đi phố biển Vũng Tàu. Lan (tưởng tượng) của chúng tôi ngày nay là vị ni sư đáng kính. Như là vị trù trì ngôi chùa có hàng trăm ni cô, người bạn học chúng tôi vẫn còn giữ những nét thanh tân và thánh thiện như hồi cô là "Lan" trong tưởng tượng của đám học trò mê tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn. Nụ cười của vị sư trưởng không thay đổi.

Người ta già theo năm tháng. Nhưng nụ cười thì không bao giờ già, tôi có nhận xét như thế khi lần đầu gặp lại người bạn ni cô ngày xưa. Nụ cười của vị sư không còn e lệ như xưa. Nụ cười từ bi như đức Phật trên sảnh điện. Nụ cười bao dung của một vị ni tu hành đạo hạnh. Những câu chuyện của ni cô với chúng tôi là những câu chuyện nhẹ nhàng và thanh thoát như những làn hương trầm lẩn quất, tan nhẹ vào không gian, từ chiếc lọ sứ nhỏ trên chiếc bàn trước mặt chúng tôi.

Mỗi một vài năm, chúng tôi tìm đến chùa thăm cô sau mấy ngày tết. Nhìn những thảm cỏ xanh nằm xen những lối đi đầy các loại hoa, màu vàng chi phối; nghe thỉnh thoảng trong không gian yên ả tiếng khánh ngân nga và thảng hoặc tiếng chim sáo kêu đâu xa phía sau sân chùa mênh mông rộng, chúng tôi cảm thấy nỗi muộn phiền mỗi ngày chất chồng như biến mất. Sự yên bình trong ngôi chùa theo phái thiền tông của vị ni cô chính là sự yên bình trong lòng chúng tôi: Mỗi lần được hầu chuyện ni cô.

Tuổi trẻ, ni cô có thể là Lan trong lòng của một số học sinh nam mới lớn. Tuổi già, ni cô là nụ cười từ bi hiền dịu. Khi rời khỏi chùa, chúng tôi cứ nghĩ đến nụ cười của đức Thích Ca ngồi tĩnh tọa ở chính giữa sảnh đường. Có lẽ, ngài đang mỉm cười, độ lượng.

Monday, February 12, 2024

THÚ NGHE THỜI SỰ, BÀN THỜI SỰ

Xưa có đệ tứ khoái (tôi không tiện nêu tên) nay có nhiều cái khoái, như rượu bia, thuốc lá nhưng còn một cái khoái nữa là nói chuyện thời sự. Các bà, các cô sẽ có chuyện của họ, các ông các anh sẽ có chuyện của mình: thời sự.

Thời sự thời thượng hiện nay không phải là đại hội đảng ở VN nhưng lại là một ông già (Trump khi dễ gọi là) “ngủ gục” Joe Biden. “Quà tặng” cho vị tân tổng thống là “Luật hải cảnh” hay việc cấm cản một số quan chức Mỹ vào TQ. Các chuyên gia bình luận vỉa hè “quả quyết” Bắc Kinh muốn nắn gân ông già “gần đất xa trời ở…tận nước Mỹ!

Khi cải cách mở cửa, người dân VN mới biết chuyện gì xảy ra trên thế giới. Trước đó, sau 1975, cả nước như ở trong một bức màn sắt, chỉ có thế giới XHCN.

Nhờ có thời sự, người ta mới biết đến cuộc đảo chánh ở Liên Xô, do các tướng lĩnh thiên tả bất bình trước cải cách của Gorbachev, lúc đó đang nghỉ mát ở Crimea, Ukraina. Boris Yeltsin thật oai hùng, đứng bên một chiếc xe tăng, tay cầm loa diễn thuyết hùng hồn trước rừng người biểu tình phản đảo chánh. Trump oai phong bây giờ đâu sánh Yeltsin lẫm liệt thời ấy. Thời sự càng hấp dẫn hơn. Người xem ti vi chứng kiến cảnh họp báo của các tướng lĩnh đảo chính. Gương mặt mấy vị “anh hùng” không giấu nổi sự hoang mang, sợ hãi. Có vị mệt mỏi thấy rõ. Có lẽ đêm hôm trước các vị này thức quá khuya, hay là Vodka quá chén, mừng rỡ nâng ly hay mượn rượu mạnh để trấn an nỗi sợ hãi phe Yeltsin?

Tổng thống Nga Boris Yeltsin.

Thời sự hồi hộp: đôi ba hôm sau, phe phản đảo chánh tuyên bố “tó” được các tay đảo chánh đang trên sân bay định tẩu thoát ra nước ngoài. Trong cuộc đời theo dõi thời sự- trong nước và thế giới, tôi ấn tượng nhất và sung sướng nhất khi Yeltsin ép Gorbachev đọc lệnh giải tán đảng cộng sản Liên Xô, cái đảng lãnh đạo việc chia đôi thế giới, và cùng với “bọn” đế quốc tiến hành chiến tranh lạnh, trong đó có cuộc chiến đẫm máu nhất: chiến tranh Việt Nam. Tôi ao ước, phải chi, cái đảng này bị giải tán sau khi phát xít Đức đầu hàng năm 1945 thì phúc cho nhân loại xiết bao.

Ngày nay, nhờ có internet, mạng xã hội như Facebook, thời sự càng hấp dẫn hơn. Sự việc trên thế giới, như cuộc bạo loạn của đám đông giận dữ xâm chiếm điện Capitol, ở VN, những người quan tâm thời sự đang thấy, như trước mắt, cảnh tượng hấp dẫn, còn hơn xem phim hành động Mỹ.

Thời sự bây giờ ngồn ngộn thông tin, giả có, thật có, những người quan tâm thời sự rất khó khăn không phân biệt nổi đâu là chân đâu là giả. Chính điều đó làm thời sự trở nên hấp dẫn hơn: các thông tin chính thống đối chọi thông tin phi chính thống. Vàng thau lẫn lộn. Thế là, những người yêu thời sự, quan tâm thời sự chia ra hai phe; lúc ấy, chính hai phe này lại tạo ra…thời sự. Họ múa kiếm xông vào nhau: ôi, thời sự!

Khi dư luận chia ra hai phe như thế về một ông Mỹ tóc vàng, nhà chức trách VN rất nhảnh nha. Họ mỉm cười thích thú, không còn hứng chịu những ta thán, chửi bới của những người quan tâm thời sự. Mỹ nhận lửa chuyển từ VN đổ lên đầu ông Biden hay ông Trump, thay vì bác Cả.

Facebook, bên cạnh YouTube…là diễn đàn phong phú, những người quan tâm thời sự VN lấy đó làm đất dụng võ. Trước đây, có quan chức lo lắng “Họ (ngầm nói thế lực thù địch?) lên mạng chửi không sót một ai”. Mạng xã hội trở thành một nơi mà sự diễn biến hòa bình dễ lan truyền nhất, tại sao nhà chức trách vẫn để nó hoạt động?

Lý do đơn giản: ở đây là “thời sự” chớ không phải “quốc sự”. Thời Pháp thuộc, ai hoạt động quốc sự là ủ tờ mục xương. Khi người ta đổ xô vào thời sự, thì quốc sự không phải lo. Chẳng hạn những tin như “Ngọc Hà có thai” trương lên một tít báo trang trọng như tin “tổng thống Trump bị vợ ‘bỏ rơi’ khi bước xuống sân bay”.

Người cai trị rất khôn ngoan, chuyện quốc sự sẽ nhẹ đi nếu chuyện thời sự được xả cổng: đây là lý do Facebook không bị đóng cửa ở VN, chứ không phải người ta sợ chi "đế quốc" Mỹ.

Facebook là nơi xả stress, xả xú bắp. Các nhà cách mạng trên bàn phím không nguy hiểm bằng các nhà cách mạng trên đường phố.

Thời sự luôn luôn hấp dẫn là như thế. Mỗi chiều, trong các quán nhậu khắp nước, người ta chửi chính phủ mà không sợ bị công an mời; lý do những chuyện thời sự trong các quán nhậu không phải là chuyện quốc sự. Đó cũng là lý do, mật vụ Pháp trước đây sẽ lảng vảng chỗ nào có thanh niên tụ tập uống trà. Thấy thanh niên đang uống rượu, mấy tay mật thám bỏ đi: đám nhậu nhẹt thì không thể làm quốc sự.

Tôi tự dưng nghĩ tới Facebook. Nó làm say con người còn hơn men rượu. Tôi mong Facebook không trở thành Whisky, hay rượu đế, người ta có thể uống thoải mái rồi quên đi quốc sự.

Wednesday, February 7, 2024

ÁI NGỮ

Mình có cơ duyên quen một số chú tiểu (tu sinh Phật giáo) chùa Tỉnh hội (Pháp Hoa) lúc đi học ở Hội An thập niên 60.

Giờ thỉnh thoảng gặp lại vài vị, nay đã vào hàng thượng tọa, hòa thượng, và cũng cơ duyên làm sao, vì biết mình theo ki tô giáo, các vị vui vẻ cho nghe mấy bài thuyết pháp ngắn mà ý nghĩa, trong đó có bài ÁI NGỮ.

Nôm na, ái là dễ yêu. Ngữ là lời nói.

Lời nói đáng yêu, dễ nghe, ấy mà.

Mới buổi sáng chui vô thang máy để xuống đất tập thể dục, gặp ngay một đồng hương.. Quảng Nam (người Quảng mình rất thiệt thà, gặp là hỏi tuổi, cái mà bọn Tây rất cấm kỵ). "Chào. Anh năm nay bảy mấy rồi". Tắt lửa thiệt.

Mình mới sáu mấy mà nhìn cái đầu bạc, gương mặt đầy vết chân cu, ý lộn, chân chim, anh ta tăng mình thêm cả chục tuổi. Hỏi răng không "mất lửa" được chớ. May sao, người phụ nữ đi cạnh, có lẽ là vợ, gương mặt rất khả ái, khi trẻ chắc cũng phải hoa hậu hay hoa khôi chi đó, đỡ lời, khi  thấy mình hơi bối rối chưa kịp đáp. "Anh nói sao chứ nhìn ảnh chừng sáu máy”, nàng nhẹ giọng "còn..."trẻ" mà".

Toan bực mình vì ông chồng cô ta chê mình gìa hóp, định bụng ngậm thinh, nhưng thấy câu trả lời của chị vợ anh ta...dễ thương quá, bèn đổi giận làm vui, hớn hở nở nụ cười không thể nào tươi hơn. "Tôi mới 68 cô ạ". Tôi phát âm chữ "cô" hết sức nhẹ nhàng như xuống giọng trong khi hát karaoke, đầy âm điệu. Cô vợ anh ta mỉm cười, ôi nụ cười, chết thật, mấy ngày  ăn ngủ tôi cũng còn nhớ.

Rõ ràng già là quy luật. Nhưng có ai nhắc cái quy luật nghiệt ngã ấy đối với mình, mình cảm thấy "buồn ơi là sầu"( mượn chữ của  Nguyễn Nhật Ánh).

Cũng một nhận xét, không rõ anh chồng hay chị vợ đúng, nhưng phản ứng tâm trạng của mình chuyển từ thái cực nầy sang thái cực khác, trong trường hợp nầy là, bực dọc  sang vui vẻ.

Tháng 3 âm này, về Trung, mong gặp lai mấy vị cao tăng bạn hữu, hỏi thử lời cô vợ ông đồng hương kia có phải là ÁI NGỮ không.

Mà mình vui cả tuần.

Monday, February 5, 2024

DỊCH, CÒN NÓI BỊNH

Rất áy náy khi đang dịch COVID mà tôi lại nhắc bịnh, ung thư . Số người mắc, người chết vì ung thư ngày càng nhiều ở Việt Nam. Một chuyên gia đầu ngành về ung thư, giáo sư Nguyễn Chấn Hùng: “Ung thư biết sớm chữa lành. Ung thư để trễ trở thành nan y”. Giám đốc bịnh viện K Trung ương, giáo sư Trần Văn Thuấn (2017): Số bịnh nhân ung thư chữa lành chiếm 40%, tức 10 người chết 6; thế giới từ 70-80%, vì người Việt thường phát hiện quá trễ.

Tôi mắc ung thư năm 60 tuổi (2012) ở giải đoạn 3, chỉ một bước nữa là đoàn tụ ông bà. Và tôi chữa lành. Chắc chắn nhờ bịnh viện, nhưng thật sự nhờ nỗ lực bản thân. Trong cuốn sách (hình) tôi nhắc đến 2 người cùng bịnh, và cả hai đều không còn. Họ chỉ hơn nửa tuổi của tôi, có người ở giai đoạn 1- rất dễ chữa. Lý do vừa chữa anh ta vừa uống rượu đế (theo thói quen), không tự nâng cao thể lực và tinh thần. Ung thư không giống các bịnh khác. Càng chữa, cơ thể càng suy sụp, không phải vì bịnh, mà vì thuốc chữa bịnh. Thuốc làm giảm tế bào ung thư, đồng thời giảm luôn khả năng đề kháng của cơ thể.

Chiến đấu vượt qua căn bịnh khủng khiếp trong gần 6 tháng, đối với tôi là một nỗ lực phi thường. Và, đó là những gì tôi gởi gắm trong cuốn sách của mình. Biết đâu trải nghiệm của tôi cũng không vô ích đối với quý vị quan tâm sức khỏe của mình: phòng bịnh hơn chữa bịnh.

Sunday, February 4, 2024

CHỐNG DỊCH “BÌNH DÂN”

Bình dân thường thấy trong “quán cơm bình dân” hay “hớt tóc bình dân”. Sắp sống chung với COVID, lời quê của tôi cũng muốn đóng góp dông dài.

Có một cái cực kỳ quan trọng ít được chú ý: Tâm thế con người trước vi rút corona. Sợ hãi chiếm trọn tinh thần dân chúng khi chính quyền phát động “chống dịch như chống giặc”. Mỗi người dân là một pháo đài. Pháo đài tất phải cần súng đạn, cần bắn nhau với địch.

Sợ hãi càng lớn khi người ta thấy nước Mỹ tiên tiến hàng ngàn người chết vì dịch mỗi ngày. Ở Ấn Độ truyền thông cho biết người chết không đủ củi để thiêu. Ngày nào trên Facebook cũng có lời chia buồn người chết vì COVID. Thân nhân đưa người bịnh vào nhà thương và có người bịnh trở về trong hũ tro cốt khó, khăn mới tới được nhà. Rồi các khu cách ly FO, F1 mọc lên, người tiếp nối đi vào, đi ra.

Thời gian cách ly rồi chuyển qua bịnh viện dã chiến, tôi để ý: có người rất lo lắng (đa phần người lớn tuổi), có người “tỉnh bơ” (thanh niên), và thành phần “vô tư” nhất: trẻ em. Ba mẹ chúng bảo, một hai ngày đầu chúng hơi sốt, các ngày sau, chúng làm như chẳng có gì xảy ra dù xét nghiệm dương tính. Bố mẹ chúng sốt, nhức đầu, ho, sổ mũi…cũng vài hôm rồi hết. Cần cảnh giác và quan tâm y tế: người có bịnh nền (tiểu đường, ung thư, tim mạch…), và người quá béo phì. Vừa ra khỏi bịnh viện sau 23 ngày chữa trị COVID, vợ tôi (bệnh nền, 69) chứng kiến có 5 người qua đời cùng thời gian trong cùng một phòng. Tất cả họ có bịnh nền và khi đưa vào đó đều khó thở, bác sĩ cho thở oxy tức thời.

Hiểu cái nguy hiểm của COVID để đối phó nó hiệu quả. Hiểu biết sẽ bớt sợ hãi.

Lo sợ và bình tĩnh (hoặc không ý thức về bịnh như trẻ con) cái nào có ích lợi hơn? Tâm thế dân chúng đóng vai trò quan trọng trong việc đối phó dịch bịnh. Nhìn nước Nhật trong đại nạn sóng thần, chúng ta hiểu vì sao họ chóng vượt qua thảm trạng. Với hệ thống hùng hậu truyền thông, việc củng cố tinh thần người dân trong đại dịch đối với nhà nước là…chuyện nhỏ như con thỏ. Xem phóng sự Ranh Giới trên VTV để rơi nước mắt, để sợ hãi COVID và xem một đoạn phim bày tỏ sự can cường của bịnh nhân vượt qua cơn bịnh, cái nào có tác dụng cho tinh thần người dân? Nếu xem Ranh Giới để hiểu khổ nhọc của đội ngũ y bác sĩ, vậy khi chưa có COVID, họ không khổ nhọc hay sao? Không cần tuyên truyền, người dân vẫn trân quý sự hy sinh thầm lặng của hàng chục ngàn người áo trắng ngày đêm đối diện với hiểm nguy để giành lại sự sống cho đồng bào trong cơn hoạn nạn.

Tôi có lần nói đến “dân khí” trong chống dịch. Tôi lặp lại: Dân khí mạnh, COVID yếu. Thế thôi. Làm thế nào để nuôi dưỡng dân khí đối phó với dịch bịnh? Công việc này không phải người dân tự làm mà được. Họ cần truyền thông chính đạo. COVID không lạ lẫm với con người gần 2 năm nay. Những gói thuốc A, B, C cấp cho những F0 cách ly tại nhà quan trọng không kém những túi gạo, gói rau gửi tới những gia đình chịu tổn thất vì phong tỏa. Cho phép đi lại an toàn đối với người chích đủ 2 mũi, người chữa khỏi F0, dần dần nơi lỏng phong tỏa “cứng” bằng 5K để duy trì mạch sống xã hội và “ai ở đâu ở đó “ (rất nghiêm ngặt nhưng số F0 ngày nào cũng “ổn định“) cái nào có ích lợi hơn trong chống dịch? Đi lại, lưu thông, không nguy hiểm. Đi lại, lưu thông không an toàn (tạo lây lan dịch) mới nguy hiểm. Đi lại bằng công nghệ có bất lợi hơn đi lại bằng giấy phép?

Trong chữa trị đông y, các vị thuốc luôn vừa có“bổ” (nâng đỡ cơ thể) vừa có “tả” (đánh vào bịnh trong cơ thể). Chống dịch” bình dân” chính là chống dịch theo nguyên tắc như chữa bịnh đông y: Vừa bổ vừa tả.

5K chính là tả. Vắc xin và “dân khí” là bổ. Chắc chắn hàng rào kẽm gai không ngăn chặn được dịch. Hiểu biết mới là thành trì vững chãi. Trong kitô giáo có châm ngôn khá hữu ích: “Sự thông sáng sẽ giữ gìn ngươi” nhưng cũng có câu : “Chớ khôn ngoan theo con mắt của mình”. ( Buồn quá làm thầy giảng đạo một tý, mong quý vị lượng thứ).

Wednesday, January 31, 2024

NGƯỜI MỸ KHỜ KHẠO?

Đây là nhận xét của một số người Việt lần đầu tiên tiếp xúc với người Mỹ khi họ hiện diện đông đảo ở Việt Nam năm 1965

Lúc mới qua, họ cần một số lao động phụ giúp xây dựng các lán trại ở một vài vị trí tại Đà Nẵng. Khi có "cai" Mỹ giám sát, lao động người Việt làm rất hăng hái, cần mẫn, nhưng khi họ đi chỗ khác, mọi người ngừng việc, móc thuốc ra hút, nói chuyện phiếm câu giờ. Mỹ nó “khờ” lắm. Họ kháo với nhau như thế. Đủ giờ, đủ tuần, đủ tháng, lãnh tiền, chủ Mỹ không hề phàn hà công việc nhanh hay chậm, chất lượng hay không chất lượng.

Chỉ cần 2 trung sĩ người Việt chứng thực là lao động được nhận làm những công việc liên quan đến phục vụ đời sống quân nhân Mỹ ở các căn cứ quân sự, không cần phải lý lịch có chứng nhận của chính quyền. Những “lao động” phổ thông có người trở thành cộng sản mà Mỹ cũng vô tư, mù tịt.

Hồi chiến tranh, thành ngữ “sướng như làm sở Mỹ” có nghĩa làm việc lè phè, không năng suất, thu nhập cao.

Lính Mỹ còn “khờ” hơn khi rất tin tưởng, quyến luyến trẻ con. Làm như khi xa nhà, họ nhớ con cái ở nước Mỹ xa xôi. Không thiếu những bốt gác, sam lính ở, trẻ con ra vào như nhà mình nếu “làm quen” được họ. Chúng còn được cho kẹo, bánh, trích từ ra-xông (phần ăn) của lính Mỹ. Những câu chuyện trẻ con lấy cắp súng hay lựu đạn đem cho “Việt cộng” là có chứ không phải tuyên truyền. Những người lính Mỹ này ngây thơ, không hề nghĩ trẻ con cũng có em “hoạt động cách mạng”.

Lính Mỹ, nghe bạn tôi kể, cũng rất “khờ” ở chỗ, khi có người bị thương, kể cả Việt cộng, nếu gần họ, họ đều điều máy bay trực thăng đến chở đi cấp cứu ở các bệnh viện, như dân thường.

Một số người Việt gọi những hành động như vậy là “khờ khạo” nhưng theo tôi, không hẳn thế. Bản chất của người Mỹ có lẽ là tin người, quá mức đến nỗi cả tin.

Không cả tin thì làm sao tất cả những ông lớn trong nền kinh tế hùng mạnh của Mỹ lại chọn Trung Quốc là nơi họ gởi trọn cả trứng, những quả trứng đẻ ra vàng? (Tất nhiên vì lợi nhuận trước hết). Đến khi hữu sự, họ mới té ngửa, những thứ “vặt vãnh” như máy trợ thở, khẩu trang y tế, họ cũng phải nhờ vả đến Trung Quốc (thống đốc bang New York: nhận 1000 máy khuyến mãi, để đặt hàng 17.000 cái khác).

Chưa hết, con vi rút Corona ràng ràng xuất hiện tại Vũ Hán, TQ khăng khăng không phải do họ gây ra, còn bắn tiếng nhịp nhàng là do quân đội Mỹ đem đến. Ăn nói toàn ngoa ngôn ngụy ngữ. Rồi những bộ xét nghiệm, khẩu trang dỏm bán ra cho một số nước đang có người khốn khổ vì dịch bệnh.

Trước đó, cơ mang nào kể, các bí quyết công nghệ mũi nhọn, Mỹ có là Tàu có. Thậm chí đi sau đẻ muộn, Huawei còn làm mưa làm gió trên thế giới, nuôi tham vọng lật đổ Apple.

Có bao nhiêu “tai mắt” của Tàu ở Mỹ? Tình báo Mỹ có nắm hết hay chưa? Không nắm xuể. Nếu nắm kỹ, một khoa học gia đã không bị bắt vì nhận cả triệu đô la Mỹ, cộng tác với tình báo TQ.

Khi Nixon và Kissinger qua Bắc Kinh nói chuyện với Mao Trạch Đông chưa tới 45 phút (phân nửa dành cho phiên dịch), người Mỹ thật thà nghĩ đã có một người bạn, lôi kéo được một sư tử “đang ngủ” về phía mình.

Ngày vui ngắn chẳng tày gang , gần 50 năm sau, vi rút Vũ Hán khống chế cả thế giới, nước Mỹ cũng không nằm ngoài số phận.

Trong lúc ở Washington, Trump đang bối rối, không còn lên tay xuống ngón, một mặt đối phó “fake news” của báo chí khống chế dư luận Mỹ, và sự chống báng “ác liệt” của phe dân chủ, một mặt gồng mình chống đỡ vi rút Vũ Hán, thì ở Bắc Kinh, Tập Cận Bình đang ngồi rung đùi uống trà, nheo mắt cười cợt mấy chú Sam đang vật vã, thiếu máy trợ thở, khẩu trang y tế (những thứ Mỹ coi thường không để ý tới), với số người nhiễm vi rút, số người tử vong, tăng lên chóng mặt mỗi ngày.

Mỹ có câu: A friend indeed is a friend in need, (dịch nôm na: sa cơ mới biết bạn hiền). Nay, Mỹ đang khốn đốn vì vi rút không phải của mình tạo ra, thì kẻ “xuất khẩu” nó đang ra điều kiện nọ kia, lên giọng nhân đạo dạy đời.

Khi qua cơn đại dịch, tôi đoán, Mỹ sẽ chứng tỏ họ không “khờ khạo” như một số người (tôi nêu trong bài) từng suy nghĩ.