Wednesday, January 31, 2024

VIRUS CORONA GÂY SUY THOÁI XÃ HỘI

Lời người dịch: Dù còn nghèo, người Việt vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan, không như nước Mỹ giàu có, tỷ lệ người stress vì cô đơn không nhỏ; dịch bệnh khiến họ cô đơn hơn. Cô đơn gây chết người cao hơn hít vào phổi khói thuốc mỗi ngày 15 điếu. Cô đơn rút ngắn tuổi đời. Cô đơn nguy hiểm không kém bệnh béo phì, ngồi bất động cả ngày trên ghế. Nhờ thói quen hay nhậu nhẹt “đông người”, lễ hội quanh năm, và gắn bó gia đình, gia tộc, chỉ số hạnh phúc người Việt cao hơn người Mỹ? “Trốn dịch” hiện nay đang là nỗi lo cho họ, tác hại không phải chỉ về kinh tế mà còn về tinh thần:

(The Coronavirus Could Cause a Social Recession).

Vivek H. Murthy, Cựu bác sĩ trưởng phẫu thuật Hoa Kỳ và Alice T. Chen, bác sĩ nội khoa

Báo Atlantic số ra ngày 22-3-20. NLC dịch.

“Suy giảm kinh tế dễ đo đếm nhưng sự tổn hại đối với quan hệ xã hội không kém phần nguy hiểm”.

Đầu tháng 3, những ca nhiễm vi rút corona chủng mới gia tăng nhanh chóng hơn nhiều ca phát hiện của các bác sĩ ở Mỹ, hai chúng tôi hiểu ra mình và các con nhỏ phải thay đổi lối sống thế nào.

Chúng tôi hủy bỏ các buổi tiệc sinh nhật, các hội nghị y khoa, bỏ đi ăn quán, và cho con cái ở nhà. Chúng tôi chào hỏi nhau không như thường lệ - một việc hết sức khó khăn khi chúng tôi thường hay bắt tay, ôm hôn các đồng nghiệp. Hạn chế ra ngoài làm việc hoặc mua sắm, và cùng hàng triệu người trên thế giới, chúng tôi bối rối với cung cánh mới, phải sống cách ly nhau.

Là bác sĩ, chúng tôi hiểu: giảm tiếp xúc gần gũi con người (human contact) trên khắp hành tinh này là cơ hội tốt nhất để cứu lấy mạng sống. Người ta tập trung nói về Covid-19, mạng sống hàng triệu người có thể bị mất đi, suy thoái kinh tế xảy ra, doanh nghiệp và gia đình phải cắt giảm chi tiêu.

Tuy nhiên, đại dịch còn kéo theo một việc khác: SUY THOÁI  XÃ HỘI (social recession)

Rạn vỡ trong các mối quan hệ xã hội phơi bày nhiều hơn khi sống thiếu đi kết nối giữa người với người kéo dài hơn. Điều này tác động tai hại đến tâm tính, sức khỏe, khả năng làm việc, học hành, và ý thức cộng đồng của con người chúng ta. Y như lực kinh tế mạnh mẽ, chống chọi với những mất mát và gắn kết xã hội sẽ là một nguồn lực luôn phải làm mới, để tất cả chúng ta đối phó các khó khăn gặp phải khi mình là những cá nhân trong cộng đồng xã hội.

Suy thoái kinh tế dễ dàng đo đếm, hậu quả của nó kéo dài ngay cả khi kinh tế bắt đầu phát triển trở lại nhưng suy thoái xã hội mà Covid-19 gây ra rất khó mà đo đếm – khi mọi người trên thế giới đang ẩn sâu sau các cánh cửa đóng chặt, tránh giao tiếp với người khác – những tác hại của nó không hề kém sâu sắc và chắc phải kéo dài.

Cuộc sống không như xưa khi mọi người xa cách nhau. Những người già trong các trại dưỡng lão thiếu vắng người nhà thăm nom. Trẻ con không được nô đùa hay học hành cùng bạn bè trong lớp. Nhiều học sinh, sinh viên sẽ lấy bằng cấp qua học online, không có niềm vui trong các buổi lễ tốt nghiệp, một dấu ấn ghi nhớ suốt đời đối với một số khác. Các cặp vợ chồng phải hủy bỏ hôn nhân dự tính từ lâu. Quá nhiều thứ chúng ta cho là đương nhiên đã bị hoãn lại– đi ăn với bạn bè, tán chuyện trong văn phòng, cổ vũ đá banh, đi nhà thờ, nhà chùa cùng với cộng đoàn tôn giáo.

Suy thoái xã hội đánh dấu bằng nỗi cô đơn, chia cắt, và xa cách.

Trước khi đại dịch chia tách con người với nhau, nỗi cô đơn cũng chi phối khá nhiều.

Năm 2018, tổ chức gia đình Kaiser/một nghiên cứu của báo The Economist cho biết, 22 % người trưởng thành ở Mỹ phải vật vã với nỗi cô đơn. Một nghiên cứu của AARP cùng năm cũng cho biết 35% người trên 40 tuổi đều cảm thấy cô đơn.

Nghiên cứu của hãng bảo hiểm Cigna năm 2018 và 2010 ghi nhận tỷ lệ người cảm thấy cô đơn cao hơn 50%, đặc biệt ở những người mới trưởng thành. Những con số như thế khác nhau rất nhiều cho thấy việc đo đếm những suy thoái xã hội khó khăn mức nào. Tuy nhiên, đa phần các con số, người thành niên chống chọi với nỗi cô đơn nhiều hơn người nghiện thuốc lá hay mắc bệnh tiểu đường. Và điều này không phải duy nhất ở Mỹ. Úc, Vương quốc Anh, Đan Mạch, Hà Lan, và nhiều nước nữa, nhận ra vấn đề sâu xa và lan rộng, đã khởi sự các sáng kiến chống lại vấn nạn cô đơn, để thức tỉnh quần chúng, đẩy mạnh các hoạt động cộng đồng.

Cảm giác cô đơn còn nguy hại hơn một cảm giác tội lỗi. Cô đơn ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng hoàn thành công việc, ý thức viên mãn của mỗi người chúng ta. Như thuở sơ khai, chúng ta là  những người săn bắn, hái lượm, với sự gần gũi, niềm tin tưởng, cơ hội sinh tồn được nhân lên nhiều hơn.  Khi chúng ta chia cách khỏi cộng đồng, chúng ta dễ gặp hiểm nguy, điều đó tạo ra tình trạng căng thẳng (stress) trong cơ thể. Trải qua hàng ngàn năm, phản ứng đối với căng thẳng do sự cô đơn đã ngấm sâu trong hệ thống thần kinh con người.

Trong ngắn hạn, căng thẳng vì cô đơn là một biểu hiện tự nhiên thúc đẩy chúng ta tìm đến con người, không khác chi đói hay khát khiến chúng ta tìm món ăn, thức uống. Nhưng khi nỗi cô đơn kéo dài quá lâu, nó trở nên nguy hiểm vì nó đặt chúng ta vào trạng thái cô đơn mãn tính (chronic). Các nhà nghiên cứu nhận thấy cô đơn mãn tính liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch, mất trí, trầm cảm, và lo lắng. Nó còn quan hệ với tuổi thọ thu hẹp. Cô đơn gây ra cái chết cao hơn béo phì hay lười vận động. Tác động chết người tương đương với hút 15 điếu thuốc mỗi ngày.

Cô đơn kéo dài có nhiều nguyên do – xa cách trong việc đi lại; công nghệ buộc làm việc một mình; lối sống văn hóa định hình bởi đam mê quyền lực, giàu sang, và danh tiếng.

Khi trẻ con được hỏi cha mẹ mong mỏi nhiều nhất đối với chúng là gì, chúng trả lời cha mẹ đánh giá cao nếu chúng tử tế với người khác. Càng dành ít ưu tiên cho việc gần gũi với con người, chúng ta càng để chất lượng tương tác của chúng ta suy giảm, “cơ bắp” xã hội (social muscle) của chúng ta càng trở nên teo tóp. Cũng giống như cơ cắp thông thường, không vận động sẽ làm cơ bắp yếu đi. Điều này làm khó khăn hơn đối với sự gắn kết nhau có chất lượng tốt hơn.

Đó là lý do tác động chủ yếu của sự xa lánh nhau (physical distance) đáng lo ngại biết chừng nào. Cách ly bắt buộc, ngay cả tạm thời, cũng sẽ đe dọa làm yếu đi “cơ bắp” xã hội, vốn đã oải nhược vì các sức mạnh chia cắt dù với mục tiêu tốt đang có ở thế giới hiện đại này.

Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, mỗi người đều có một vai trò – không chỉ làm chậm đại dịch Covid-19 mà còn tránh bớt sự suy trầm xã hội. Hai chúng tôi tin rằng con người chúng ta không chỉ duy trì các mối quan hệ xã hội trong thời gian phải sống xa nhau như thế này, mà họ còn có thể củng cố mạnh hơn những quan hệ đó. Hãy thử xem bốn phương sách như sau:

Thứ nhất, bỏ ra ít nhất 15 phút mỗi ngày để nói chuyện với người thân (ngoài những người bạn đang sống cùng). Dùng hội thoại bằng video với họ, nhờ đó bạn có thể nhìn thấy họ, nghe họ nói, điều này đem lại một trải nghiệm đầy nhân ái trong sự nối kết. Bạn cũng có thể làm như thế khi nhìn nhau ăn trưa hay ăn tối. 15 phút mỗi ngày đâu nhiều nhặn gì, nhưng nó giúp bạn cảm thấy thoải mái tức thì, bạn như đưa dây phao cứu sinh cho thế giới bên ngoài.

Thứ hai, làm sao cho thời gian bạn bỏ ra với người khác không làm bạn phải chia trí. Nếu cùng sống với người khác, hãy tham gia những phút giây gặp gỡ, tránh bớt internet, tivi, hay hàng loạt công việc vạch sẵn. Luôn ở tư thế sẵn sàng sẽ giúp bạn một không gian chia sẻ, khiến người khác cảm thấy tương tự như bạn. Khi đến với nhau qua hình ảnh, cố gắng để tâm câu chuyện đang nói, làm như thể hai người ngồi đối diện nhau. Ngó nhau trực diện không làm cho bạn phải liếc nhìn vào Instagram hay hộp thư điện tử. Khi không bị xao lãng, chúng ta tương tác với nhau sẽ giá trị hơn. Đặc biệt khi thời gian chúng ta có hạn, giá trị càng thêm ý nghĩa.

Thứ ba, thực hành những phút giây sống một mình. Sống một mình, không phải là sống cách ly hay cô độc, đó là một cảm giác thư thái, ngay cả vui tươi, khi bạn làm bạn với chính mình (in your own company). Nhưng cũng không phải dễ đâu. Công nghệ hoàn toàn chiếm lĩnh không gian tĩnh lặng (white space) đời sống chúng ta mỗi ngày – những giây phút trống vắng khi trên đường đi đến chỗ làm hoặc đợi một người bạn ở một quán ăn.

Hãy bắt đầu từ cái nhỏ nhất. Tìm một vài phút giây mỗi ngày để gạt qua một bên công nghệ và việc làm, tận hưởng những phút giây tĩnh tại. Bạn có thể dùng những giây phút này để ngồi thiền, cầu nguyện, hay đi bộ một mình trong một khung cảnh thiên nhiên. Bạn nên tự cho mình cái quyền nhận biết bất cứ những cảm giác rắc rối nào đang ngự trị trong tâm trí. Bạn có thể nhớ đến một cái gì, hay nhớ đến một ai đó bạn muốn tỏ lòng biết ơn. Bạn tôi, Vivek, có một vị cố vấn ngành y, thường đứng trước cửa phòng bệnh nhân, hít một hơi thở thật sâu trước khi vào phòng, ông dùng những giây phút ấy để nhắc nhở bản thân, biết ơn xiết bao khi may mắn tham gia chữa trị bệnh nhân của mình. Những phút giây ấy cho chúng ta một cảm nhận kết nối tốt hơn với tha nhân rất nhiều.

Thứ tư, chìa tay ra, giúp đỡ tha nhân. Khi phục vụ tha nhân, không những thiết lập một cầu nối với họ, chúng ta còn tự nhắc nhở mình hãy còn giá trị đối với nhân quần xã hội. Gọi điện hỏi han một người già hàng xóm. Giúp giao thức ăn đến cửa nhà của một đồng nghiệp phải vất vả đi làm xa, đang tự chăm con nhỏ. Đối xử với lòng vị tha và thấu hiểu khi các thành viên gia đình nào đó nóng nảy hơn hay vô tâm hơn những lúc bình thường. Và nên nhớ, tạo cho người khác cơ hội để phục vụ bằng cách nhờ họ trợ giúp cũng là một cung cách cống hiến.

Ảnh của JOHN TAGGART / THE NEW YORK TIMES / REDUX.

Trong thời gian có đại dịch Covid-19, cứu người là ưu tiên hàng đầu, kế đến mới là hạn chế thiệt hại kinh tế. Chú trọng tình cảm con người nhiều khi không phải là mối quan tâm hàng đầu đối với đám đông. Tuy nhiên, quan hệ với người khác là nền tảng, dựa vào đó, con người tạo ra những cuộc sống khỏe mạnh, đủ đầy, và vì vậy, chúng ta phải bảo vệ cuộc sống ấy khi nỗi lo âu một xã hội suy thoái đang lù lù đến, ngày càng hiển hiện.

Thực sự, nếu cơn khủng hoảng có thể kéo đi bức màn che đậy khoảng trống của nỗi cô đơn đã sẵn trước đại dịch; nếu khủng hoảng có thể nhắc nhở những sợi dây ràng buộc xã hội lỏng lẻo khiến tất cả chúng ta dễ bị tổn thương; nếu khủng hoảng có thể buộc chúng ta làm việc cật lực hơn để củng cố các kết nối giữa con người trong cuộc sống, chúng ta thật sự đã vươn lên mạnh mẽ hơn, kết nối với nhiều người, hơn bao giờ hết.