Tuesday, January 30, 2024

DUYÊN KỲ NGỘ LÀ DUYÊN TUỔI TÁC

Nguyễn Khuyến đúc kết rất hay: khi về già, gặp nhau thật hiếm, nhưng gặp được nhau sẽ phúc hạnh xiết bao.

Chúng tôi "kỳ ngộ" họa hoằn một năm một lần, có khi cả mấy năm - học sinh Trần Quý Cáp, Hội An ở Sài Gòn.

Thế hệ học sinh ngôi trường cấp 3 duy nhất của tỉnh Quảng Nam trước 1975 nay tản lạc khắp nơi. Hôm qua, một cuộc họp mặt chừng hơn 10 người, có 1 bạn từ Đà Nẵng vào sau khi bỏ nước Mỹ về VN ở, một bạn nữ từ Paris, một đang là công dân  Mỹ. Số còn lại thì rải rác ở một đô thị ồn ả, ít dịp gặp nhau "tuy xa mà gần, tuy gần mà xa".

Ở Sài Gòn, nếu đi họp mặt cựu học sinh với người quen không phải trường mình, bạn sẽ rất hãnh diện nếu trả lời ai hỏi bạn học ở đâu, Trần Quý Cáp, Hội An. "A" người nghe sẽ ngạc nhiên và gọi bạn " huynh trưởng" tức thì.

Trường cấp 3 duy nhất ấy đào tạo nhiều thế hệ học sinh, hiện nay có mặt trên khắp thế giới, vì thành lập rất sớm, ngay khi tôi chào đời 1952. Có thể nói, tinh hoa Quảng Nam, "đất học", xuất phát từ ngôi trường Trần Quý Cáp này. Giáo sư Trần Văn Thọ, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, Phạm Thế Mỹ, nhà nhận định thời cuộc sắc sảo Trần Trung Đạo...nằm trong hàng trăm, hàng ngàn "tinh hoa" đất Quảng, tôi không thể nhớ để kể ra hết.

Học sinh Trần Quý Cáp gặp nhau ở Sài Gòn, thường theo dịp mỗi năm một lần, toàn trường, liên lớp hay cùng lớp, ít nhắc đến thành tích của trường hay của mình dù rất nhiều người thành đạt. Họ hay nhắc đến những kỷ niệm thời còn đi học.

Có khi đó là những buổi qua bên kia sông ăn "bánh tráng đập", thức ăn giản dị, gồm 1 bánh tráng nướng rắc hạt mè đặt dưới một bánh tráng ướt vừa ra lò còn nóng "thoa" dầu phộng béo thơm. Món giản dị nhưng luôn ăn sâu trong ký ức vì chén mắm chấm. "Ngon nhức răng" là cách diễn tả món mắm, cái vị mặn không như muối, vị ngọt không như đường, và mùi thơm không thể tả nổi, chỉ các cô, các cậu học sinh Hội An mới có khả năng  "cảm nhận" cái đặc sắc của mắm trong món "bánh tráng đập".

Hội An xưa hiền hòa, dung dị bởi người ở thành phố "dưỡng già" này hiền hòa, dung dị. Chè bắp là món ăn như thế. Bắp non được "sác" ra (dùng dao bén cắt từng nhát mỏng quanh thân trái bắp), khi nấu gần chín phải đánh "đũa bếp"(que tre to bản, dẹp) thật nhiều, thật nhuyễn, ly chè bắp mới có độ dẻo, độ mềm, độ ngọt, khi ăn vào, người ta cảm nhận được không phải mùi quả bắp non mà cả mùi của cánh đồng bắp đang trổ cờ, xanh mướt, rì rào trong gió, trên những bãi bồi phù sa của sông Hoài ghé qua Hội An một đoạn. Chè bắp ngon vì là sản phẩm của người dân cần mẫn trong không khí chiến tranh: họ mang đến cư dân thành phố hương vị của một vùng quê yên bình, dù đôi khi, qua sông bẻ bắp, có người sẽ không bao giờ  trở về nơi làm ra những ly chè bắp vì một quả pháo, viên đạn vô tình rơi xuống họ.

Chè ngon nhờ nó mang lại yên bình đến người thưởng thức , chè ngon vì giá trị : người tạo ra cái ngon có khi phải chịu rủi ro khắc nghiệt như vừa nói. Chè ngon còn vì nó... rẻ, "vừa" túi tiền học sinh. Chè bắp càng ngon khi may mắn mời được bạn gái đi cùng. Chè ngon khi nhớ lại bàn tay nhỏ mềm của người bạn tuổi trăng rằm, cầm muỗng đưa từng miếng chè màu vàng vô miệng, đôi môi mềm, hàm răng trắng đều đang nhai nhỏ nhẻ, ánh mắt ngây thơ của tuổi học trò.

Hội An còn một món dung dị nữa: chè đậu xanh đánh. Khi đi học về, tôi luôn luôn đảo mắt thèm thuồng nhìn chiếc tủ kính để bên vệ đường, từng hàng ly đặt úp bên trong, phần đáy là đậu xanh "đánh" nhuyễn. Khi ăn, người ta mở tủ lấy ly xuống, cho đá bào nhỏ vào, dùng muỗng khuấy đều, khuấy nhẹ, để chè không rơi ra (tiếc lắm). Đậu xanh hòa với nước đá thành một chất lỏng bắt mắt, thật đáng yêu, và khi cho vào miệng, bạn sẽ thấy hương vị bùi ngọt của đậu xanh hòa quyện với đường mía; những ngày hè oi ả của miền Trung không còn oi ả nữa. Bạn như thấy những thửa đất trồng cây đậu xanh hiện ra trước mắt, màu xanh tươi mát, ly chè đậu xanh đánh nó ngon là như thế.

Những món ăn dung dị như tính tình dung dị của người Hội An, thỉnh thoảng được học sinh chúng tôi kể cho nhau nghe, không biết bao nhiêu lần khi họp mặt, câu chuyện như vẫn mới.

Ký ức của những người lớn tuổi luôn mới như thế hay sao? Các bạn học của tôi, và quý vị, hãy làm mới ký ức đẹp của mình, khi ở vào thời điểm "duyên kỳ ngộ là duyên tuổi tác".