Tuesday, January 30, 2024

AI CŨNG GÙ

Vụ gian lận điểm ở Hòa Bình lại dấy lên dư luận, sôi nổi còn hơn lúc bị phanh phui năm ngoái.

Hình ảnh một số  "bị can" tổ chức gian lận bước ra khỏi tòa, có cảnh sát đi kèm, như một cuộc đón tiếp các cầu thủ đem lại chức vô địch đá banh. Gương mặt của họ hớn hở, hành động xấu xa coi như chẳng xi-nhê. Có gì mà lăn tăn.

Có cô giáo (bị can) còn nhận định: "Nâng điểm thi (gian lận điểm) không nguy hiểm cho xã hội". Một nhà giáo dục khác:  "Ai cũng gù, mình thẳng lưng là khuyết tật".

Bị can cười tươi khi ra khỏi tòa.

Chúng ta không thể căn cứ vào hình ảnh và "tuyên ngôn" của các ông bà ăn cắp lòng tin - bằng gian lận điểm - mà phán xét cả một nền giáo dục, hay một xã hội, đã xuống cấp đạo đức.

Tôi xin nói khía cạnh nhận thức của những người, vừa vi phạm pháp luật vừa vi phạm đạo đức, phản ánh một thực trạng: cái xấu là phổ thông, cái tốt là...cá biệt. Không như thế, những kẻ phạm tội trên lại bào chữa cho tội lỗi của mình, với thái độ chẳng có gì là cắn rứt lương tâm. Họ có là phần nổi của tảng băng chìm? Cơ chế tạo ra họ, hay họ làm hỏng cơ chế?

"Nhân chi sơ, tính bản thiện. Tính tương cận, tập tương viễn". Con người sinh ra tính bổn thiện, do thói quen, do ảnh hưởng xã hội, cái tính thiện càng xa dần bản chất? Jesus bên ky-tô- giáo: Chỉ những ai như con trẻ mới vào được nước Chúa. Ý ngài nói con người phải trong trắng như trẻ mới có thể lên thiên đàng. Vì chưa bị nhiễm thói tật xã hội, trẻ con lương thiện hơn. Xã hội nhiễu nhương, giáo dục sẽ làm phần việc của mình: ngoài việc nâng cao hiểu biết để sống, nó còn giúp con người trở lại bản chất trong trắng của trẻ thơ.

Chúng ta không bàn luận ý nghĩa của bức ảnh, các câu nói để đời, của các người "giáo dục" làm chuyện phi giáo dục. Chúng ta muốn biết con người cá nhân hay cấu trúc hình thành cá nhân làm xã hội tốt lên hay xấu đi?

Chính con người, thời thượng chính trị một chút, "nhân sự" quyết định xã hội, hay xã hội quyết định con người, ở đây là "nhân sự"? Cơ cấu điều hành xã hội tốt sẽ sản sinh ra nhân sự tốt hay ngược lại? Nói nôm na, thể chế quyết định nhân sự hay nhân sự quyết định thể chế? Tôi thường hiểu: thể chế cùng con người quyết định tương tác, nhưng thể chế là nền tảng, con người là xúc tác.

Dân chúng trước 1986, năm "đổi mới", đều khốn đốn vì đói, dù đất ruộng còn nhiều, dân khoảng 2/3 so với bây giờ. Vì sao hết đói? Khi giao ruộng cho dân, trả lại cái quyền sử dụng truyền đời của họ, tức theo quy luật tự nhiên, gạo không những đủ ăn mà còn xuất khẩu tha hồ. Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong (thuận lẽ trời thì còn, trái lẽ trời thì mất). Thiên, tôi hiểu còn là lẽ trời, quy luật vũ trụ.

Người ta lo lắng chọn lựa "nhân sự" là điều dễ hiểu. "Thực nhân tài" mới "cứu nhân tai". Một thể chế mà tệ tham nhũng, hối lộ, cửa quyền, làm ít, xài to, xuống cấp nhiều mặt, cần phải có một "nhân sự" cấp cao cứu vãn tình thế, mong ước không chỉ của các vị ở Hà Nội, mong ước còn là của cả nước.

Nhưng nếu không thay đổi cách tuyển chọn "nhân sự" một cách triệt để,  mà chỉ "cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư", "học tập và làm theo" (không biết bao nhiêu năm), liệu trong tương lai, đất nước có vị nhân sự nào xuất hiện như một Lý Quang Diệu của Singapore? Những tiêu chuẩn nhân sự đưa ra rất cao, chú trọng nhiều vào đạo đức cá nhân, sự liêm khiết, lòng trung thành, những tiêu chuẩn khó mà đo đếm. Ông bà xưa: tri nhân, tri diện, bất tri tâm. Biết người, biết mặt, ai biết được tâm.

Theo tôi, muốn có "nhân sự" tài đức vẹn toàn, sự chọn lựa  phải ở hai phía: đảng và dân. Chỉ một bên chọn, nhân sự không thể như ý muốn mọi người.

Nhân sự đó sẽ giải quyết bài toán hóc búa, một "bị can" gian lận điểm tuyên bố như một tổng kết triết học: "Ai cũng gù, mình thẳng lưng là khuyết tật".

Câu nói bất chợt để biện bạch, bào chữa cho sai phạm thì có thể thông cảm. Nhưng nếu đó là một tổng kết rút ra từ thực tế, bài toán dành cho "nhân sự tối cao" tương lai chắc sẽ hết sức cân não, hóc búa bội phần.

Gù được như Tể tướng Lưu gù thì vạn phúc;  gù như trong câu tổng kết kia thật quan ngại, quan ngại, quá quan ngại.