Tin tức phong thanh ngày 31/8 có thể chấm dứt biện pháp “cách ly” tại Đà Nẵng là tin tức hết sức phấn chấn đối với tôi, một công dân đang kẹt trong “vùng dịch”.
Có dịp quan sát, tôi thấy các biện pháp ngăn chặn của nhà chức trách ở đây khá quyết liệt và đồng bộ, có cả việc “phát phiếu” đi chợ; ban đầu có người chế giễu như “tem phiếu” thời bao cấp. Hạn chế giao tiếp, cách ly xã hội (social distance) là biện pháp “số một” trong lúc chưa sử dụng được vắc-xin ngừa covid-19.
“Đoạn trường ai có qua rồi mới hay” (*). Sống trong vùng dịch, quý vị mới thấm thía nỗi ngăn cách và trân quý khi sống tự do ngoài vùng dịch. Người thân yêu dẫu là cha mẹ cũng không thể thăm viếng nhau. Đau đớn hơn: cha, con, ông, bà, chồng, vợ, bạn hữu…ai cũng có thể là người mang theo “thần chết” trong mình – vi rút corona. Bản năng sinh tồn là bản năng mạnh nhất chứ không phải bản năng bầy đàn (sống quây quần quanh nhau). Người dân bị cách ly tự mình tìm những việc làm “khuây khỏa” cho bản thân, cho gia đình.
Thế giới internet thật diệu kỳ. Người ngoại quốc, cùng hoàn cảnh cách ly, tìm ra cách giúp con người giam hãm trong nhà, bằng ứng dụng WindowS wap. “Người tù covid” có thể nhìn thấy qua điện thoại thông minh hay laptop của mình hình ảnh sinh động, đa dạng thế giới ảo bên ngoài, dù đang ngồi co ro trên sô pha trong phòng khách.
Nhưng thế giới ảo cũng là thế giới ảo; làm sao bằng thế giới thật. Thế giới dù cỏn con cũng là thế giới thật, đáng yêu - trong một quán cà phê có vài chậu hoa lan, mùi thơm thoang thoảng, có âm thanh nhè nhẹ nhạc hòa tấu, hay giọng ca mượt mà, thánh thót, sang cả của Thái Thanh, có tiếng nói nho nhỏ, tiếng cười râm ran của một hai người bạn thân, nhất là các bạn nữ tươi nguyên xuân sắc.
Thế giới tầm thường cũng là một thế giới thật. Đi bộ dọc các con đường bờ sông Hàn, bạn sung sướng được nghe những tiếng ly tách va chạm, tiếng ơi ới zô zô, tiếng cười sảng khoái…của những người người dân hay du khách; một hình ảnh trước đây có khi thật nhàm chán, tầm thường, đôi khi khó chịu nhưng bây giờ, thời covid-19, hình ảnh ấy sao quá đỗi thân thương! Những con phố vui của một thành phố du lịch trở thành những con phố buồn. Đà Nẵng vắng hoe, lặng tờ, im ắng như một thành phố vừa qua một trận bom nguyên tử.
Tổn hại kinh tế có bằng hay lớn hơn tổn hại tinh thần cho con người bị cô lập trong hoàn cảnh phập phồng lo sợ bóng ma dịch bệnh? Không có một thống kê nào chính xác mà cũng chẳng thống kê nổi, nhất là những tác động tinh thần của con người bị cách ly xã hội.
Con số người nhiễm vi rút Corona ở VN cho đến hôm nay là 1.040. Số ca khỏi bệnh 677 (chiếm 65% trên tổng số người bệnh), số tử vong 32 (tỷ lệ khoảng 3% người bệnh, đa phần có bệnh nền nguy hiểm, covid khiến cái chết mau hơn vì có số người chết xét nghiệm 3, 4 lần âm tính – theo báo cáo). Một thành quả đáng trân trọng, đáng tri ân, nhất là với các đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế ngày đêm làm việc.
Biện pháp mạnh trong khống chế, ngăn ngừa dịch bệnh không phải chỉ VN hay Trung Quốc mới áp dụng. Tại Đức, một đất nước dân chủ, biện pháp nghiêm ngặt được áp dụng đến nỗi ngày hôm qua, dân chúng họ biểu tình như “nổi loạn”. Theo BBC, thủ đô Berlin bắt trên 300 người ném gạch đá vào cảnh sát trong số hơn 38.000 người biểu tình chống lại các biện pháp hạn chế sinh hoạt thường ngày của người dân. Đức phạt ai không đeo khẩu trang ở những nơi bắt buộc, cao nhất là 59 ero (khoảng 1,6 triệu VN đồng). Nghiêm cấm tổ chức sự kiện tụ tập đông người cho đến hết năm nay. Nhờ mạnh tay, Đức có số chết thấp hơn Nga, Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Ý, với tỷ lệ so với người mắc là 3,8% (cao hơn VN).
Nhưng người Đức cũng hiểu cấm như thế chỉ là giai đoạn. Biện pháp cách ly và biện pháp thúc đẩy kinh tế đối với họ có lẽ quan trọng như nhau. Bà thủ tướng tuyên bố: “Chúng ta phải sống chung với vi rút này một thời gian dài nữa. Dịch vẫn còn nghiêm trọng”, và mùa đông dịch sẽ nguy hiểm hơn.
Ảnh: Cảnh biểu tình ở thủ đô nước Đức. Vài hình ảnh thư giãn trên WindowS wap.
Chống dịch bằng cách phong tỏa (lockdown), cách ly xã hội (social distance) là biện pháp “ưu tiên nhất” và là biện pháp dễ thực hiện nhất – chỉ cần một cái lệnh của nhà chức trách qua một thông báo ngắn.
Nhưng vừa ngăn dịch hiệu quả và vừa mở rộng hoạt động sinh hoạt của người dân, giúp họ bươn chải sinh kế trong thời covid, là nhiệm vụ hết sức khó khăn cho nhà chức trách. Chứ không phải chỉ mỗi câu: “hãy áp dụng biện pháp đã làm ở Vũ Hán cho Đà Nẵng” là xong.
Chính khó khăn xã hội càng lớn đòi hỏi tài năng nhà chức trách càng cao.
Làm “như Vũ Hán” không cần chi tới giáo sư tiến sĩ, và nếu là tôi: a lê hấp – làm ngay không quá một nốt nhạc, không bạo liệt, không hiệu quả tức thời hơn TQ thì cũng không thua họ; “không đẹp không ăn tiền”.
(*) Nguyễn Du.