Quê tôi là vùng bị tàn phá nhiều nhất qua 2 cuộc chiến tranh; gần như không còn ngôi nhà nào sau 1975. Và người chết, không thống kê nổi, ngoại trừ liệt sĩ.
Mùa tránh dịch, tôi hay tha thẩn đến những nơi ít người. Đền Trường An là một; nơi này, năm 1949, Việt Minh đánh hạ thành công đồn Núi Lở của Pháp. Nay là đài tưởng niệm những người bỏ mình trong chiến tranh, đương nhiên, không phải là tất cả dân thường và người ở phe "thua cuộc".
Công trình khá hoành tráng. Đài tưởng niệm nằm giữa, phía sau là nhà bia hình bán nguyệt, có mái ngói giống đình, chùa, như bảo bọc lấy đài cao; đứng xa ở giữa nhìn vào, cả hai công trình trông giống một đóa hoa sen đang nở..
Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng rất "có duyên" với các tượng đài quê tôi; nhưng công trình Tràng An này có lẽ không có "dấu ấn" của ông; mô típ chàng du kích, gương mặt chữ điền, ánh nhìn nảy lửa, với cánh tay vạm vỡ, cầm chặt lấy cờ giương cao. Nữ du kích thân hình tràn trề sức sống, bên một du kích khác, cầm lấy khẩu súng AK như xốc tới, gương mặt cũng quyết tâm giết địch, không kém anh du kích. Tất nhiên, mô típ quen thuộc: quả đạn B41 như mũi tên, chực phóng vào đồn đối phương. Đây là tượng đài "hùng vĩ", nằm trên ngọn đồi, trước đây là quận lỵ Thường Đức (không phải Thượng Đức, theo giấy tờ hành chính cũ).
Đền Tràng An ở huyện Đại Lộc có tượng đài hoàn toàn không có "tính chiến đấu" như thế.
Một người đàn ông, bên một người phụ nữ, hai người đều ôm hoa sen; bên trên họ cũng một người đàn ông có lẽ trẻ hơn, hai tay dang rộng, có dáng chữ V (Victory, chiến thắng?), những chú chim bồ câu bay từ tay này sang tay kia, chứ không phải vũ khí dữ dằn thường thấy ở tượng đài của tác giả Phạm Văn Hạng tại Thường Đức (tác giả cả hai tượng đài chiến thắng xây dựng trước sau, khá gần nhau).
Tượng đài này không lớn, hình nhân vật nhỉnh hơn cỡ người thật một chút, nhưng tính thẩm mỹ khá rõ rệt, thông điệp mang lại đầy tính nhân văn, gương mặt họ có nét hiền hòa, pha lẫn vẻ đăm chiêu.
Không đăm chiêu sao được. Trong nhà bia hình bán nguyệt, dáng dấp một cánh sen, hàng ngàn người chết có tên trên hàng chục tấm bia đá màu đen. Tôi lấy máy ra cộng: 7262 người của các xã trong huyện, chết nhiều nhất là xã Đại Thắng (1070). Số người chiến đấu từ các nơi chết tại địa phương là 1486, có cả người quê quán Hà Nội, Quảng Ngãi, khắp nơi từ miền Bắc. Tổng cộng số người chết: 9748. Ở tượng đài chiến thắng Thường Đức tôi thấy ghi tên 921 người (chiến sĩ của 2 sư đoàn và 1 trung đoàn, chiếm giữ một quận lỵ, sau 11 ngày đánh nhau chí tử).
Nếu cộng gộp, số người bỏ mình trong chiến tranh ở quê tôi, phạm vi một huyện, chỉ tính các liệt sĩ là 10.669. Ôi, con số đau đớn quá!
Số thường dân, số binh lính VNCH chưa thống kê được, mà cũng chẳng thấy ai thống kê - hay chẳng cần thống kê - số người chết trong thời gian sôi bỏng nhất (1965 đến ngày ký kết đình chiến đầu năm 1973) ở một vùng quê nếu tính tất cả, ôi sẽ thật khủng khiếp.
Là một người không tham gia cầm súng, sống sót sau chiến tranh ác liệt, một mình thơ thẩn trong căn nhà tưởng niệm tĩnh mịch, đọc tên những người chết trên bia đá, trong đó có một vài người cùng làng, tôi cảm thấy bùi ngùi thương cảm. Các bác, các anh, các chị đem lại chiến thắng, liệu có ai trong số này, có tên mà không có xác, còn bia mà hài cốt không còn?
Chiến thắng đẫm máu!
Quý vị có tên nằm đây, những người khác chết khi đánh nhau, người chết vì tên bay, đạn lạc, vì bom mìn của hai bên, là bao nhiêu? Máu họ có phải là máu Việt Nam, hay máu ngoại lai, máu thù địch?
Lòng nặng trĩu khi lặng lẽ bước xuống bậc tam cấp, tôi bất chợt thấy như dịu lại: bức tượng ba người khiêm nhường đứng ghé bên khu tưởng niệm với hoa sen, chim bồ câu; gương mặt họ bao dung, thấu hiểu, và đầy nhân ái.
Người chết đi để có hòa bình hay chết đi để làm nên chiến thắng?
Tượng tưởng nhớ người chết, cầm hoa, thả chim bồ câu, và tượng có thân hình vạm vỡ, lăm lăm khẩu súng trên tay gân guốc, hình ảnh bức tượng nào tỏ ra yêu thương hơn?