Monday, January 29, 2024

RAU LỘN HAY RAU TẬP TÀNG?

Tôi không tìm ra trong từ điển hai tên gọi loại rau này. Rau lộn hay rau tập tàng không phải tên một loại rau nhưng là tên của nhiều thứ rau. Đó có thể là: rau mồng tơi, rau má, rau lưỡi, rau đắng, rau dền, rau sam, lá lốt, bù ngót, lá ớt, nhãn lồng (lạc tiên, bầu đường, dây chùm bao)…Người dân quê thời xưa không biết đến rau xà lách, cải bắp, súp-lơ có gốc gác từ phương tây…Rau muống, rau lang…đều phải trồng mới có. Dân cày có khi nghèo rớt mồng tơi lấy đâu có đất mà trồng rau. Họ không có đất nhưng họ có sức lao động: đi khắp vườn nhà, vườn hoang, trên cồn, dưới bãi…để hái những loại rau như thế, và gọi nó là rau lộn, rau tập tàng, một tổng hợp các loại rau dại. Rau của người nghèo.

Rau lộn có hàm lượng dinh dưỡng không? Chẳng ai nghiên cứu và cũng chẳng có câu trả lời nào cả. Hà Nội hay Sài Gòn có ai đi hái rau lộn hay có chỗ hái rau lộn đâu. Nếu có, người dân tri thức ở hai đô thị này sẽ bỏ công nghiên cứu. Không rõ có dinh dưỡng hay không nhưng ngon, phải nói là rất ngon, người dân quê thấy rõ chúng ngon, cả mấy thế hệ mà không bỏ món rau tập tàng. Má vợ gần 90 tuổi cho biết lúc còn nhỏ bà thấy bà ngoại tôi cũng đã đi hái rau “tập tàng”. Không tin bạn hãy ra chợ chiều, như chợ Cẩm Kim (Kim Bồng, Hội An, ngày xưa nổi tiếng nghề mộc. Triều đình Huế làm cung điện đều tuyển thợ mộc Kim Bồng; nay có nghệ nhân Huỳnh Ri chủ nhân xưởng mộc mỹ nghệ, sát chợ) và mua độ 20 ngàn “rau lộn” về nấu canh với hến và nước hến, điều tôi nói ngon về món canh sẽ không ngoa tý nào.

Rau lộn chỉ ngon khi nấu canh với hến và nước hến. Ở Sài Gòn tôi có vô tiệm ăn “Quảng” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và thưởng thức món hến. Nghe nhân viên phục vụ ở đây bảo là hến mang vô từ Hội An. Thật ngon. Tuổi trẻ tôi ở Hội An, món hến, nước luộc hến, món ăn của người lao động, món ăn của người nghèo gắn bó như một cuộc sống đơn sơ nhưng sâu thẳm.

Thỉnh thoảng tôi phải tìm hến để ăn dù là năm bảy tháng mới có dịp thưởng thức hến Hội An. Nhìn chén hến trộn lá hành, ớt đỏ tươi thái nhỏ, bốc khói khi còn nóng, tôi nhớ lại thời thơ ấu ở thành phố nhỏ Hội An; yêu hến yêu phố dù không phải ai cũng yêu món này, “nhạt như nước ốc”, ốc cũng “bà con” với hến. Đối với tôi, hến không hề “nhạt”. Nhưng hến của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không ngon bằng hến Cẩm Kim, nơi tôi đang ở những ngày về quê vợ.

Hến Cẩm Kim đậm đà hương vị. Hến có hai loại: hến thường (hến to) và hến vắt (rất nhỏ). Dân ở Hội An sành ăn đều chuộng hết vắt. Khách du lịch lịch lãm đều chọn hến vắt để ăn với bánh tráng nướng giòn. Nhưng hến và nước hến sẽ ý vị hơn nếu được nấu với rau lộn, rau tập tàng. Nước canh, ngọt hương vị biển, hương vị hến, rau không nhão, không nhạt, không hiểu nhờ nước hến hay nhờ con hến vắt.

Có những món thuộc loại cao lương mỹ vị nhưng không để lại ấn tượng như món canh rau tập tàng. Tôi không có tuổi thơ gắn bó với loại rau này nhưng khi thưởng thức món canh rau tập tàng, tôi cảm nhận được cái ngon của một loại canh, có lẽ trên đất nước Việt Nam này, chưa chỗ nào tôi may mắn được ăn. Hay tôi yêu món canh rau tập tàng này vì đó là nơi có tộc Huỳnh (Hoàng của vợ) nơi chôn nhau cắt rốn của nàng?

Chợ Cẩm Kim là một ngôi chợ quê dù chỉ cách một con sông, qua một chuyến đò là đến Hội An, thành phố nổi tiếng thế giới; những ngày không dịch Covid, ra đường quý vị sẽ thấy Tây nhiều hơn Ta. Chợ Hội An có rau tập tàng không? Tôi không rõ, nhưng ở ngôi chợ quê này, rau tập tàng rất nhiều người bán. Khi cách biệt với phố, quê mãi là quê. Gần nửa thế kỷ chưa có một chiếc cầu hoàn chỉnh nào để nối Cẩm Kim với Hội An, nối quê với thành phố.

Chợ Cẩm Kim còn gọi là chợ Đồn; nơi này trước đây là một đồn Tây?

Một chiếc cầu đang thi công. Nó là niềm hy vọng cho sự nối kết phở, cao lầu Hội An hến nấu với rau tập tàng Cẩm Kim. Vùng quê Cẩm Kim của vợ tôi, cùng với Cẩm Thanh, là vùng Việt Cộng hoạt động sôi nổi thời chiến tranh, bị tàn phá rất ác liệt, ngay cả thời Việt Minh. Mẹ vợ tôi nói, lính lê dương thời Pháp là nỗi kinh hoàng cho dân chúng ở vùng nghèo khổ này, vậy mà các hậu bối “cách mạng” không làm nổi một việc đơn giản nhất, nối kết quê hương nghèo chiến tranh tàn phá với một thành phố giàu có nổi tiếng thế giới như Hội An.

Sơn Chà (chứ không phải Sơn Trà, núi của con khỉ voọc Chà Vá) nghèo khó trước 1975 trở thành giàu có nhờ những chiếc cầu do Nguyễn Bá Thanh chủ trương xây dựng. Cẩm Kim nếu có một chiếc cầu nối với Hội An thì quê hương này sẽ nhanh chóng giàu có, và biết đâu món rau tập tàng sẽ nổi tiếng không khác chi chè bắp, chè đậu xanh đánh, bánh tráng đập, hến trộn xúc bánh tráng của Hội An?

Giàu hay nghèo chắc chắn không thể do số phận. Giàu hay nghèo phải do trí tuệ. Chiếc cầu Cẩm Kim sắp nối một nơi nghèo với một nơi giàu, trí tuệ hiện ra rồi đó. Trễ còn hơn không. Lần sau khi đi du lịch Hội An tôi và những người dân từng sống ở thành phố cổ này sẽ thưởng thức món canh nấu từ rau hấp dẫn, rau của một quá khứ cam khổ, khó khăn, rau Tập Tàng.