Friday, January 26, 2024

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO LAO ĐỘNG CỦA NHẬT BẢN TÁC HẠI QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM NHƯ THẾ NÀO

Lời người dich: Trong lúc một số người Việt ngày đêm lo lắng sức khỏe tổng thống Mỹ thì một người ngoại quốc lại lo lắng cho số phận người Việt lao động tại Nhật Bản. Ít ai biết có hàng trăm người Việt nằm trong số lao động học nghề bỏ mạng ở xứ người. Máu chảy ruột không mềm?

(How Japan’s Labor Trainee Program Hurts Relations With Vietnam)

“Muốn giữ quan hệ nồng ấm với VN, Nhật Bản cần bỏ TITP (đào tạo nghề) gây rắc rối quá lâu, một chương trình bị cáo buộc khuyến khích vi phạm nhân quyền"

Mối quan hệ song phương nồng thắm giữa Nhật Bản và VN vẫn còn nổi một chiếc gai nhọn.

Hình trong bài báo.

Chương trình đào tạo nghề (TITP: Technical Intern Trainee Program) – được cho là sáng kiến của Nhật Bản muốn nâng cao tay nghề lao động ở các nước láng giềng đang phát triển -  liên tục thu hút chỉ trích quốc tế vì nó là “cửa sau” để nhập khẩu lao động rẻ vào nước Nhật, mục đích là đối phó thiếu hụt lao động trong các ngành kinh tế cần tay nghề thấp.

Người Việt hiện nay là số người nước ngoài đến nhiều nhất vào Nhật, với 410.000 năm 2019, chiếm gần phân nửa học viên trong chương trình TITP.

Chương trình liên tục bị chỉ trích từ các nhà hoạt động (nhân quyền) người Nhật, bộ ngoại giao Mỹ, và Liên hiệp quốc vì nhiều báo cáo liên tiếp lạm dụng quyền con người và nhiều cái chết liên quan. Thật sự, từ năm 2014 cho đến nay, có cả thảy 140 người Việt chết tại Nhật, hầu hết trong số người đến Nhật học việc.

Nếu Nhật muốn giữ mối quan hệ nồng ấm với Việt Nam, chính quyền cần bỏ ngay chương trình này.

Chương trình TITP đề ra chính thức vào năm 1993, với mục đích Nhật giúp đỡ phát triển ngành công nghiệp ở các nước láng giềng qua sự chuyển giao kỹ thuật cho các học viên đến từ các nước đó. Học viên, sau đó, sẽ rời khỏi Nhật Bản.

Chọn đặt tên người nhập cư là người “học việc”, không phải lao động nhập cư, các chính trị gia Nhật Bản giải quyết được sự thiếu hụt lao động – tránh một cách khéo léo phản ứng tiềm tàng của các cử tri kiên quyết chống nhập cư – trong khi vẫn giữ tiếng như là một phần hoạt động phát triển trợ giúp lâu dài trong khu vực.

Đối với lao động mới đến, việc huấn nghệ đem lại điều kiện làm được nhiều tiền hơn ở quê nhà, lợi ích huấn luyện chất lượng cao ở Nhật giúp gia tăng cơ hội có việc làm, tay nghề cao, dễ thăng tiến công việc ở VN.

Nhưng tất cả không hẳn như thế.

Không những TITP tự nó hoàn toàn không tác dụng trong việc nâng cao tay nghề học viên sau này – về chuyện thủ đắc kỹ thuật không dễ có trong nước – chương trình đào tạo học viên hoạt động không ai trông ngó. Việc giám sát kém đối với các công ty Nhật Bản tuyển dụng lao động đã dẫn đến tình trạng nhiều học viên nhân quyền bị vi phạm.

Có 70,8 % (trong số 5.966) công ty bị điều tra trong báo cáo của bộ Y tế, Lao động và An sinh vi phạm các quy định lao động. Bộ Tư pháp còn cho biết trong một thông cáo báo chí, 171 học viên bị chết trong chương trình dạy việc giữa các năm 2012 đến 2017 – mặc dù các nhà hoạt động (nhân quyền) nói con số này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Về điểm này, Nhật Bản không thể tiếp tục cố cho  TITP là một sáng kiến đào tạo tay nghề. Ngay cả người đứng đầu đảng Dân chủ tự do, Kimura Yoshio, nói với tờ New York Times: “Chương trình này không khác chi “treo đầu dê bán thịt chó”(a crow white: quạ màu trắng)…Cái chúng tôi thực sự làm - là nhập khẩu lao động”.

Chính phủ Nhật do vậy đã lập một cơ quan giám sát, Tổ chức đào tạo học viên kỹ thuật (OTIT) theo dõi và điều tra các công ty Nhật thu tuyển người học việc, một số cải thiện thực hiện bảo đảm các học viên chương trình TITP có quyền được hưởng lương tối thiểu, cũng như các bảo đảm lao động khác ở Nhật Bản.

Nhật bản còn ký một bản Ghi nhớ hợp tác với hầu hết các nước gởi người học việc, có cả Việt Nam năm 2017. Hai nước cam kết bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các thực tập sinh trong thời gian họ ở Nhật.

Sau nhiều năm đứng ở Hạng 2 trong con mắt của bộ Ngoại giao Mỹ, Nhật cuối cùng vượt lên Hạng 1 vào tháng 6 năm 2018 trong "Báo cáo buôn người" nhờ vào thành tích đó.

Thật tiếc, thành quả này lại kéo dài không lâu.

Vào cuối năm 2018 – đâu khoảng thời gian sau bản ghi nhớ ký kết – 9.052 người học việc bỏ trốn khỏi xưởng làm, hơn phân nửa số này là người Việt. Với đội ngũ 350 nhân viên, tổ chức OTIT không đủ sức đối phó với các vấn nạn lạm dụng học viên ở các chỗ làm việc, trong một chương trình số lượng người vào học việc mỗi ngày một đông.

Thiếu quyết tâm hoặc hỗ trợ chính trị theo dõi các chương trình đã bỏ mặc các vấn nạn này không giải quyết được. Không những không phát hiện nổi một trường hợp cưỡng bức lao động (forced labor) trong chương trình TITP năm 2020, Nhật cũng chẳng bao giờ làm thế cho đến giờ này, mặc cho hằng hà các báo cáo về chuyện này từ các người học việc lan tràn khắp nơi. Năm nay, Nhật lần nữa bị xuống Hạng 2 vì thất bại không giải quyết các vấn đề nhân quyền trong chương trình TITP.

Trong khi chương trình dạy học việc này có thể phục vụ mục tiêu chính trị trong nước – giải quyết nạn thiếu hụt lao động khi vẫn làm hài lòng các cử tri chống lao động nhập cư – sự căng thẳng nó đặt lên quan hệ Nhật- Việt đã có một tác động.

Khi một trường hợp nhiễm bệnh đặc biệt xảy ra vào năm 2018, liên quan 4 học viên chương trình TITP được lệnh đi dọn vệ sinh vụ nhiễm phóng xạ nguyên tử ở Fukushima mà không có sự bảo vệ đúng mức của công ty phái họ đến, tòa đại sứ VN đã phải can thiệp. Vị đại sứ khuyến khích các nhà hoạt động (nhân quyền) đề cập sự ủng hộ của chính phủ VN đối với các nạn nhân khi đưa vụ việc lên chính quyền Nhật Bản.

Ở cuộc họp thượng đỉnh G20 tổ chức tại Osaka năm ngoái, thủ tướng VN ông Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề với thủ tướng hồi ấy là Abe Shinzo phải làm cái gì đó về tình hình bất lợi của những lao động người Việt sinh sống và làm việc ở Nhật Bản. Vấn đề vẫn còn được Hà Nội lưu tâm và cần được xử lý thận trọng.

Một bí mật nữa để tiếp tục chương trình (dạy nghề) TIIP là sự kiện một kế hoạch nhập cư mới của Abe – hiệu lực từ tháng 4 năm ngoái, nhắm đến thu hút thêm 345.000 “lao động biết nghề” (“semi-skilled workers”) đến Nhật -  cho phép chương trình (nói chon ngay là) nhập cảnh và sử dụng lao động nước ngoài, cái mà chương trình TITP nhiều lần thất bại.

Thăm dò của hãng tin Kyodo thực hiện trước dự luật nhập cư thông qua cho thấy 51,3% dân chúng Nhật Bản ủng hộ gia tăng nhập cư, nêu ra lý do đối phó sự thiếu hụt lao động do dịch bệnh đem lại. Nhiều người tin rằng chấp nhận nhập cư sẽ gia tăng vì Nhật đối diện áp lực một xã hội dân số già nua trực diện hơn trong những năm đến.

Với con đường nhập cư thay thế này, sự chấp nhận ngày càng tăng của lao động nước ngoài ở Nhật Bản nói chung và việc Nhật Bản đã được chứng minh là không có khả năng khắc phục các vấn đề nhân quyền nổi bật do TITP đặt ra, hoàn toàn không có lý do gì khiến chính phủ Nhật Bản tiếp tục điều hành chương trình đào tạo người học việc. Nhật Bản đang phải đối mặt với sự cạnh tranh trong việc thu hút lao động nước ngoài khi các nước láng giềng Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc cũng phải vật lộn vấn đề xã hội già hóa.

Tân Thủ tướng Suga Yoshihide không thể mạo hiểm hơn nữa đối với mối quan hệ song phương với Việt Nam vì thất bại của TITP. Đã chọn Việt Nam là điểm đến trong chuyến xuất ngoại đầu tiên của mình, chúng ta hy vọng Suga sẽ chấm hết vĩnh viễn cái chương trình này.

Bài của Serena Ford­ trên báo The Diplomat. October 08, 2020