Thành lập hơn 70 năm, phạm vi hoạt động trên 130 nước, từ Mỹ, đến châu Âu, châu Á, châu Phi, khắp thế giới, nổi tiếng với những kết quả thăm dò dư luận, nhất là ở Mỹ thời gian có vận động tranh cử tổng thống, viện Gallup là một mô hình rất cần cho chúng ta hiện nay.
Một viện hoặc một "cơ quan" chính thức nào tương tự đã có ở Việt Nam hay chưa, không rõ.
Khi một quan chức bảo rằng chủ trương gì đó được "nhân dân đồng thuận cao", không rõ họ căn cứ vào cơ sở nào, vào cái gì.
Nhân dân này ở đâu, bao nhiêu người? Nếu dựa vào một số cử tri được tiếp xúc với họ thì cũng không thể nói được nhân dân đồng thuận cao.
Nhân dân phải là 40 triệu người trên 18 tuổi cơ, chứ mấy chục người hay mấy trăm người trong một hội trường "chọn lọc" cử tri thì "nhân dân đồng thuận cao" chưa phải là tuyên bố thuyết phục.
Có thể bảo "nhân dân phấn khởi" như trước chiến dịch bài trừ tham nhũng hiện nay. Chẳng cần thăm dò, hay bỏ phiếu, "phấn khởi" là có, là đúng, tâm trạng dân chúng hiện nay trước giặc nội xâm này.
"Dĩ nhất suy chi"(lấy 1 mà suy), hoặc "suy bụng ta ra bụng người", có thể cảm thông được; ai mà không căm ghét kẻ đục khoét quốc gia, làm mất lòng tin nhân dân đối với nhà chức trách.
Sắp tới, dự luật đặc khu sẽ được thường vụ quốc hội xem xét, và chắc chắn, một thời gian nào đó sẽ được đưa ra biểu quyết thông qua.
Giả sử luật thông qua sau khi đã điều chỉnh với sự tham khảo ý kiến các đỉnh cao trí tuệ, thì cũng xin đừng nói "nhân dân đồng thuận cao".
Vì chưa có luật trưng cầu dân ý, là 1 trong 40 triệu công dân VN, tôi cũng "đồng thuận cao" nếu biết rằng có một cuộc thăm dò dư luận vô tư, như thằng cha Gallup Mỹ thường làm, cho biết kết quả...100 % bà con được hỏi đã giơ tay ủng hộ luật đặc khu. Nhưng viện thăm dò đó đừng có ai nhảy vô..."định hướng", đó nghe.