Có một số anh chị gọi là "có học", nôm na đã qua đại học, cho rằng quyết định bác kháng nghị của viện Kiểm sát nhân dân tối cao của giám đốc thẩm Tòa án nhân dân tối cao về tử tù Hồ Duy Hải là đúng, vì Hồ Duy Hải đã nhiều lần nhận tội trước tòa sơ thẩm và tòa chung thẩm.
Chúng ta không nhắc tới hành trình 12 năm đi tìm công lý cho con của bà mẹ kiên cường, bán cả ngôi nhà để đi khắp nơi, gõ cửa khắp chốn, gởi hàng trăm lá đơn kêu cứu. Hãy nói về lời nhận tội.
Tôi xin kể hầu quý vị 2 câu chuyện, nhớ đã đọc trong một bài báo in ở Sài Gòn, quãng một vài năm sau “đổi mới” 1986, không nhớ ở báo nào.
Câu chuyện HIẾP DÂM
Cô gái trẻ khá xinh trên đường gần tới nhà vào một đêm rất khuya; vừa vào hẻm tối, không một bóng người, nhà nào cũng tắt đèn ngủ, cô bị một thanh niên từ bóng tối xông ra ôm chặt, vật ngửa cô xuống, đè thật mạnh, kéo rách cả quần, làm chuyện đồi bại, trong tiếng kêu thét không thành tiếng, miệng cô bị nhét giẻ. Sau một hồi quần quật, tên côn đồ bỏ đi, cô gái đứng dậy, với chiếc quần trắng vấy một ít máu, thất thểu về nhà kêu cửa, hốt hoảng kể lại cho mẹ mình nghe. Sau đó sự vụ được điều tra. Gia đình nghi cho anh thanh niên gần đó, từng ngỏ lời yêu đương cô gái, nhưng cô hãy còn lưỡng lự, tuy vẫn có cảm tình, hai người quen nhau từ nhỏ.
Anh thanh niên được mời đến đồn công an lấy lời khai. Anh thành khẩn nhận tội, khai thật, vì quá yêu nên sinh tà tâm, làm chuyện trái ý muốn cô gái. Hồi đó không điều tra chặt chẽ như bây giờ, phải có chứng cứ rõ ràng. Phiên tòa được mở có gia đình cô gái, nhưng vì tôn trọng sự riêng tư, cô gái được phép không có mặt. Án dành cho anh thanh niên tội hiếp dâm, nhưng thành khẩn, nhân thân tốt, 5 năm tù ở. Anh không kháng án.
Trong thời gian chờ thụ án chính thức, anh nhờ gia đình liên lạc với cô gái, xin được cưới cô làm vợ sau khi mãn tù, với suy nghĩ ngây ngô, trinh tiết đời con gái bị lấy mất, cô khó mà lấy chồng, hơn nữa anh thật bụng yêu cô. Cô gái từ chối thẳng thừng vì oán hận, cái việc quá bất ngờ, quá bạo liệt, cái đêm kinh hoàng hôm đó.
Anh thanh niên bèn bảo gia đình kêu oan xin kháng án. Anh không hiếp dâm cô gái, vì đêm đó anh trực ca, có giấy tờ chứng thực của cơ quan anh đang làm việc. Vụ án được điều tra thêm, và xử lại với tình tiết “ngoại phạm” khá thuận lợi cho chàng trai. Cô gái lần này được mời tới dự và thật may mắn, cô ta mô tả với chánh tòa, người đàn ông đêm đó khá cao to, tay đầy lông lá, không nhỏ người, tay nhẵn trụi như nghi phạm, anh bạn hàng xóm.
Tòa hỏi bị cáo, sao lại nhận cái tội mình không phạm, thì được anh thưa: Tôi vì quá yêu cô ấy, tôi nghĩ bị mất trinh vì hiếp dâm, cô sẽ khó lấy chồng, tôi tình nguyện làm chồng. Cả tòa đều cười cái anh chàng dại gái mà lú lẫn.
Tòa tuyên anh vô tội. Lúc ra về, cô gái nhìn anh với cặp mắt ngạc nhiên, vừa trìu mến, vừa thương cảm. Bài báo không nói sau đó hai người có lấy nhau hay không, vì cô gái có một bào thai trong bụng.
Câu chuyện GIẾT NGƯỜI. Thời gian sau 1986 vài năm.
Một bí thư huyện ở một vùng quê vác súng đi săn chim. Loại súng săn quốc phòng, bắn ở cự ly rất gần có thể gây chết người. Một lần, ông nằm dưới một triền dốc cao, cách ông 50 mét, nòng súng nhắm vào một con chim lớn đang đậu ở một cành tre thấp, vắt ngang đồi dốc. Chim vào tầm ngắm, ông bóp cò súng, vừa lúc một cậu bé cỡi trâu bên kia đồi chạy tới, té liền xuống đất, chết tức thì. Ông hốt hoảng ôm đứa bé về cơ quan công an huyện, trình báo sự việc rủi ro ngộ sát. Vì là quan chức cao nhất địa phương, ông không bị đưa ra xét xử, năm đó hình như mới ban hành luật hình sự. Ông bị mất chức cho về vườn.
Nửa năm sau, có một sinh viên trường đại học công an đến điều tra thực tập ở địa phương đó. Nghe kể câu chuyện về vụ viên bí thư bắn nhầm đứa trẻ bằng súng săn chim, anh hết sức ngạc nhiên. Súng bắn chim ở cự ly xa như thế không thể gây chết người. Anh và công an huyện mở lại cuộc điều tra, xin gia đình quật tử thi để khám nghiệm. Đúng như nhận định của viên sĩ quan trẻ tuổi, thông minh: trong sọ của cháu bé có một đầu đạn AR15. Cháu bé chết do viên đạn lạc, không phải do viên đạn của súng săn. Viên cán bộ địa phương được minh oan trở lại chức vụ.
Hai câu chuyện có thật hay là do hư cấu của tác giả bài báo, quá lâu tôi không rõ, đưa ra một thông điệp: người nhận tội chưa phải là người phạm tội, cần có điều tra tỉ mỉ, tìm ra chứng cứ gây tội. Ở đây, hoàn cảnh hai câu chuyện, nghi can đều nhận tội thành khẩn, tự nguyện, không cần điều tra.
Nhận tội do tự nguyện, chưa nói nhận tội vì bị mua chuộc, ép cung, mớm cung, bức cung, không phải là chứng cứ để tòa khép tội bị can. Do đó, pháp luật “trọng chứng hơn trọng cung” là pháp luật sáng suốt.