Sunday, January 28, 2024

NÓN CỐI VÀ SỰ THẤU HIỂU

“Vì sao đàn ông Việt Nam thích đội mũ cối?” là tiêu đề bài viết trên một tờ báo tiếng tăm. Giật tít là quyền của người viết nhưng người đọc mới có quyền phán xét. Trong chiến tranh, mũ cấp cho bộ đội chưa chắc đủ mỗi người một cái. Thời bình, năm phát hành bài báo 2011, có thật 90% đàn ông thích đội nón cối, có nón cối?

Bài viết cho thấy, tác giả “hứng” rồi viết chứ không phải “nghĩ” trước khi viết. Tôi không rõ ở miền Bắc nhưng khá rõ ở miền Nam, hầu như không đàn ông nào đội nón cối, ngoại trừ các bác tập kết về hoặc các bộ đội phục viên ở lại miền Nam sinh sống. Tất nhiên, tôi không nói thanh niên là bộ đội người Nam hay người Bắc đều đội nón cối. Thế thì “90% đàn ông thích đội nón cối” là con số cho báo cáo hay con số của báo chí? Tiêu đề bài viết còn cho thấy vị tổng biên tập rất xuề xòa, để phóng viên viết đến nỗi du khách (ngoại quốc – ngầm hiểu) “rất khó hiểu”.

Ở đây, tôi không nhấn mạnh “sai-đúng” của con số so với thực tế, không suy giải tính “áp đặt” suy nghĩ cho người khác (có đến 90% đàn ông VN yêu thích nón cối ngay cả bác đạp xích-lô), tôi muốn nói đến mức độ “thấu hiểu” giữa người hai miền đất nước từng bị chia cắt 20 năm bởi chiến tranh. Người viết bài báo này chắc chắn sống quanh quẩn ở thủ đô Hà Nội hay một thị trấn nào đó ở miền Bắc, nơi có thể có người còn đội mũ cối. Anh không biết tí gì về sinh hoạt người dân miền Nam (anh nhận xét hầu hết đàn ông, có nghĩa cả nước, đều yêu nón cối). Nếu là người hiểu biết, hay “thấu hiểu”, phóng viên không thể kết luận “như đinh đóng cột” như thế.

Mang trong mình số phận của những người “thua cuộc” ở miền Nam, bản thân những người tham gia chế độ cũ, con cháu, thân nhân, và những ai sống trong sự “bảo vệ” của VNCH dường như không phải là “đối tượng” tìm hiểu của một số người có chức trách nằm trong phe “thắng cuộc”, những người có thể dẫn dắt “tư tưởng” người dân khắp cả nước. Một vài năm sau chiến tranh, sự hiểu thấu có thể bị hạn chế bởi thái độ chưa chấm hết đối đầu thù nghịch (trong quá khứ đã dẫn đến máu đổ giữa hai bên). Hơn 40 năm sau, sự thấu hiểu nhau giữa Nam-Bắc không còn bị hạn chế như trước? Đất nước thống nhất, non sông nối liền một dải, Nam Bắc “một nhà”, tôi lại đề cập sự “thấu hiểu” như thế, có lạc điệu quá không?

Tôi có quen một nhà báo kiêm nhà văn sống ở Hà Nội trên facebook và gặp nhau cả ngoài đời. Một lần trong câu chuyện, tôi nói vanh vách các bài viết về lịch sử Việt Nam khi tôi là học sinh, vị học thức kia hết sức ngạc nhiên hỏi lại tôi, “giáo dục ngụy quyền cũng dạy học sinh lịch sử Việt Nam hay sao?". Tôi cũng hết sức ngạc nhiên khi nghe anh hỏi tôi câu ấy. Không phải anh thiếu kiến thức. Anh tỏ ra quảng bác rất nhiều vấn đề báo chí, văn chương, các giới văn nghệ sĩ ở thủ đô văn vật. Tôi nghĩ, có lẽ anh không hề quan tâm tìm hiểu, hay không được phép tìm hiểu, giáo dục VNCH, nền giáo dục hình thành nhân cách của tôi cũng như hàng triệu học sinh, sinh viên, thanh niên miền Nam trước 1975. Nền giáo dục yểu mệnh theo vận nước nổi trôi?

Có lẽ tôi không trách anh mà cũng chẳng biết trách ai, chỉ có tiếc là người ta không tạo điều kiện “thấu hiểu” nhau giữa con người VN, và các thế hệ tiếp nối, từng sống dưới hai chế độ chính trị khác nhau trong suốt 20 năm, non sông chia cắt đến nỗi một trí thức cũng không biết từ lớp 1 trở lên, học sinh miền Nam trước 1975 từng học các đoạn viết ngắn: Hai Bà Trưng gieo mình xuống dòng Hát Giang tuẫn tiết, Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán, Ngồi đan sọt mà lo việc nước, Phá cường địch báo hoàng ân…Có lẽ người ta cũng không biết nốt, học sinh miền Nam chỉ học lịch sử đến năm 1945.

Không một dòng nào, một trang nào, sách giáo khoa lịch sử dạy phải “căm thù” cộng sản dù hằng ngày thành phố học sinh ở bị pháo kích, nhà cháy, người chết; xe đò chở khách chạy trên đường bị giật mìn, cầu cống qua lại bị phá hoại; cha anh họ có người bị đối phương giết chết. Và ngay cả lúc là sinh viên, trong học đường, chúng tôi không bao giờ nghe ai đem tên Hồ Chí Minh ra phỉ báng, như Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu từng bị phỉ báng trong sách giáo khoa “ở bên kia”, mặc dù hai vị này từng là lãnh tụ điều hành một nửa đất nước -  hai nền cộng hòa.

Trở lại câu chuyện ban đầu. Không nên dè bỉu nhận xét không đúng: hầu hết đàn ông VN yêu thích nón cối. Chỉ thấy buồn, một sự việc đơn giản như thế, một tờ báo tiếng tăm vẫn nghĩ, vẫn viết “như đinh đóng cột” thực trạng ở Việt Nam, 90% đàn ông đều thích đội nón cối. Người trong một nước mà chẳng biết nhau như thế, thử hỏi làm sao mà yêu cầu “thấu hiểu” những chuyện lớn lao hơn?