Wednesday, January 31, 2024

BÀI HỌC HÀN QUỐC

Trong lúc thế giới hốt hoảng vì số lây nhiễm, số tử vong do vi rút Vũ Hán mỗi ngày một đáng sợ, ở phần đất Triều Tiên chưa được “giải phóng”, dịch hầu như được khống chế.

Hôm chúa nhật, có 64 ca nhiễm, giảm đáng kể. Trước đó không lâu mỗi ngày chừng 909 ca được ghi nhận. Tỷ lệ người tử vong so với người nhiễm chưa tới 1%, thấp nhất thế giới.

Chỉ có 1 nước khống chế thành công khác là Trung Quốc. Nhiều nước trên thế giới, kể cả Việt Nam, cho rằng thành công của Bắc Kinh nhờ thể chế chính trị: sử dụng “bàn tay sắt” để chống dịch bệnh.

Trái với Trung Quốc, Hàn Quốc không hạn chế mọi mặt quyền ngôn luận, đi lại của người dân, hoặc phong tỏa gây thiệt hại kinh tế, cách thức Hoa Kỳ và các nước châu Âu đang gấp rút áp dụng.

Khi số người chết hiện vượt con số 15.000, các chuyên gia và các quan chức chính phủ xem xét trường hợp Hàn Quốc để rút ra những bài học, nhưng không phải tất cả các quốc gia giàu có hơn họ muốn noi theo. Thật ra, các bài học từ họ chẳng khó mấy, đó là: hành động kịp thời, xét nghiệm đại trà, theo dõi nguồn lây, người lây và sự hỗ trợ của người dân.

Tổng thống 2 nước Pháp và Thụy Điển liên lạc với tổng thống Hàn Quốc để biết rõ các chi tiết trong các cách làm đối với dịch bệnh của họ. Giám đốc WHO cũng khuyến cáo thế giới “hãy áp dụng các bài học từ Hàn Quốc”, và ca ngợi nỗ lực của họ khi khống chế được dịch bệnh (ca Tàu nhiều quá bị chúng chửi, nay quay qua ca Hàn!).

Người Hàn thành công nhiều mặt, có một lý do là họ khiêm nhường chăng? Các giới chức dè dặt tuyên bố: Thành công của họ chỉ là "tạm thời", khiêm tốn (tentative). Họ không dám “nổ”, dịch ở nước mình “ổn định” vì thấy số ca nhiễm, ca chết đang mỗi ngày một tăng trên thế giới. Tái nhiễm hay bùng phát lại dịch bệnh đang là tầm nhìn cẩn trọng đối với họ trong tương lai.

Theo hai tác giả: Max Fisher và Choe Sang-Hun (trên báo The New York Times) có mấy bài học:

1- Can thiệp tức thời, trước khi dịch trở thành cơn khủng hoảng.

Một tuần sau khi ca đầu tiên phát hiện cuối tháng Giêng, chính phủ họp ngay các công ty dược, ra lệnh gấp rút sản xuất hàng loạt các bộ kít thử. Khi số ca chỉ ở 2 con số, hàng ngàn bộ kít xuất xưởng mỗi ngày. Hiện họ có thể sản xuất 100.000 bộ/ngày và đang làm việc với 17 chính phủ để cung cấp chúng cho họ. Chính quyền nhanh chóng áp dụng các biện pháp khẩn cấp lên thành phố Daegu 2,5 triệu dân, bệnh lây lan tại đây xuất phát từ một nhà thờ địa phương.

Họ không hạn chế đi lại của người dân vì biết chắc nguồn gây bệnh do tập hợp đông tín hữu nhà thờ Tân Thiên Địa. Nếu phát hiện trễ nguồn dịch thì không biết việc gì sẽ xảy ra. Một nhà vi trùng học nói với chính phủ của họ như thế.

2- Xét nghiệm sớm, thường xuyên, an toàn.

Hàn Quốc cho xét nghiệm nhiều người để truy tìm vi rút corona, hơn 300.000, so với tỷ lệ đầu người, gấp 40 lần ở Mỹ. Xét nghiệm là biện pháp trung tâm, giúp phát hiện sớm người nhiễm, làm giảm sự lây lan, người nhiễm được điều trị sớm. Đó là lý do tại sao tỷ lệ người chết khá thấp.

Để tránh quá tải ở bệnh viện, trạm y tế, 600 điểm xét nghiệm được bố trí để rà soát càng nhiều người càng tốt. Y bác sĩ ít có nguy cơ lây nhiễm từ người mắc vi rút.

50 trạm xét nghiệm ở các bãi đổ xe. Người trong xe không phải bước xuống. Họ được phát một bảng câu hỏi kê khai, quét nhiệt, và một que thử lấy nước miếng. Quá trình diễn ra 10 phút, vài giờ sau là có kết quả. Nhân viên y tế tiếp xúc que thử qua găng tay dầy gắn vào vách kính trong phòng cách ly, hầu tránh lây nhiễm cho họ.

Dân chúng được hối thúc xét nghiệm bằng những tin nhắn nếu họ có những biểu hiện nghi nhiễm vi rút. Những người nước ngoài phải tải 1 app vào điện thoại, được hướng dẫn tự kiểm tra nếu họ có những triệu chứng đáng ngờ. Văn phòng, khách sạn, các công trình dân dụng khác sử dụng camera tầm nhiệt phát hiện những ai bị sốt. Nhiều cửa hàng ăn chỉ tiếp nhận ai sau khi kiểm tra thân nhiệt của họ.

3- Truy tìm tiếp xúc gần, cách ly, và giám sát.

Khi có ai dương tính với vi rút, nhân viên y tế sẽ truy tìm những nơi bệnh nhân đến, tiếp xúc ai, để tìm đến xét nghiệm họ, và nếu cần, cách ly ngay người nghi nhiễm, cách thức gọi là “truy tìm tiếp xúc” (contact tracing). Cách này giúp xác định được vi rút sớm, tách người nhiễm khỏi cộng đồng, không khác chi một bác sĩ mổ lấy một khối u trong cơ thể, ngăn chặn lây sang chỗ khác. Các quan chức y tế theo dõi “lộ trình” người nhiễm thông qua các cuộn băng ghi hình từ camera, những con số từ thẻ tín dụng, ngay cả dữ liệu GPS trên xe, và điện thoại di động. Họ điều tra bệnh như cảnh sát điều tra tội phạm.

An toàn sức khỏe cộng đồng đặt trên quyền tự do riêng tư cá nhân. Khi dịch bùng nổ quá mức, nhắn tin hàng loạt cho dân chúng là biện pháp cấp bách. Các trang web, điện thoại, luôn được cảnh báo nơi ca bệnh được phát hiện tại địa phương mình ở, đôi khi lộ trình người nhiễm bệnh được cho biết hằng giờ, hằng phút, họ đi xe buýt nào, lên xuống ở đâu, khi nào, ngay cả họ có mang khẩu trang hay không. Nếu ai có tiếp xúc gần, họ được khuyến khích báo về trung tâm đối phó dịch bệnh.

Dân Hàn Quốc chấp nhận xâm phạm quyền riêng tư như một sự đánh đổi an toàn không nhiễm bệnh. Những ai tự cách ly mà bỏ đi ra ngoài có thể đối diện mức phạt lên tới 60 triệu tiền VN. Bằng cách phát hiện bệnh, đối phó sớm sự lây nhiễm, tách những ca nhiễm nhẹ vào trung tâm chăm sóc đặc biệt, Hàn Quốc giúp bệnh viện trống chỗ chữa trị những ca bệnh nặng hơn.

4- Tranh thủ sự chung tay, hỗ trợ của quần chúng.

Lực lượng y tế không thể bố trí rộng khắp, không có đủ dụng cụ quét thân nhiệt người dân mỗi ngày, người dân Hàn Quốc đều có ý thức chúng tay dập dịch.

Chính quyền Hàn Quốc thừa nhận để khống chế dịch, người dân cần được thông tin kịp thời, trung thực, sự cộng tác của người dân là yếu tố quan trọng.

Đài truyền hình, các thông báo nơi xe buýt, tàu điện ngầm, trên điện thoại không ngừng cảnh báo người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài, nơi có đông người chỗ nào, lịch trình duy chuyển mỗi ngày…Các thông điệp gởi đi như trong thời chiến tranh, khơi lên ý thức của cộng đồng.

Thăm dò cho thấy người dân ủng hộ các nỗ lực của chính phủ, tin tưởng cao, hốt hoảng ít, và không nhiều đồn đoán hoang mang.

“Niềm tin từ quần chúng là kết quả cao của nhận thức dân sự, sự hợp tác tự nguyện làm tăng sức mạnh những nỗ lực của chúng tôi”. Đó là lời của thứ trưởng ngoại giao cho báo chí biết tháng này.

Các quan chức đánh giá cao hệ thống chăm sóc y tế quốc gia, đủ khả năng chữa trị nhiều ca bênh ngặt nghèo, và những luật lệ ban hành kịp thời, ngân sách trang trải đủ phí tổn trong việc khống chế dịch bệnh, điển hình khuyến khích những người chưa có triệu chứng nhiễm vi rút hăng hái tham gia các xét nghiệm tầm soát không mất tiền.

BÀI HỌC HÀN QUỐC, KHÓ HAY DỄ?

Thành công của Hàn Quốc với phương pháp và công cụ ngăn chặn dịch không rắc rối vì bị phạm luật, đòi hỏi công nghệ cao, hay quá sức tốn kém. Trong số 7 quốc gia bị dịch hoành hành, 5 nước giàu hơn Hàn Quốc. Các chuyên gia cho biết có 3 trở ngại, chẳng có cái nào liên quan tới công nghệ hay tiền bạc.

Dân Hàn Quốc xếp hàng mua khẩu trang trong lúc dịch lan chóng mặt ở thành phố Daegu, nơi có nhà thờ Tân Thiên Địa

Một: đó là ý chí chính trị. Nhiều chính phủ khá ngần ngừ, không áp dụng các biện pháp đồng nhất, họ không nhìn thấy nguy cơ khủng hoảng do dịch bệnh gây ra.

Hai: ý chí quần chúng. Niềm tin trong xã hội ở Hàn Quốc cao hơn nhiều một số nước, nhất là nền dân chủ của các nước phương Tây, bị trói buộc bởi sự phân cực quyền hành và tác động dân túy... ( hầu kiếm phiếu của các cử tri)

Ba: thời gian: Thời gian là vấn đề quyết định. Một số nước phương Tây từng “câu giờ' với dịch bệnh. Nhận thức chậm chạp, ích kỷ. Tổng thống Braxin còn bô lô bô loa, dịch bệnh là do "thế lực thù địch" thổi phồng nhằm trút phế ổng.

Các nước quá chậm trễ khi đối phó với dịch, không khẩn trương như Hàn Quốc đã làm để ngăn dịch hiệu quả.

Trung Quốc trả một giá khá đắt cho nền kinh tế đang khốn đốn của họ và của cả thế giới, tai hại hơn, nhân loại đang ngồi trên chảo lửa cùng vì chính quyền TQ: ban đầu thờ ơ với sự bùng nổ dịch ở Vũ Hán, Hồ Bắc, để rồi sau đó họ mới quyết liệt vào cuộc. Phải chi họ biết sớm, dập sớm, "bắt chước" sớm chú Hàn Quốc!

 Nhân viên y tế sát trùng một chiếc cầu đi lại.

Mỹ hiện nay đang bối rối. Một cựu giám đốc cơ quan FDA (dược và thực phẩm Mỹ) phát biểu: “Có lẽ chúng ta mất đi cơ hội thành công như ở Hàn Quốc. Bằng mọi cách, chúng ta phải tránh đi thảm họa đang xảy ra với người Ý”. Mỹ cũng "run ăn" sao.