Sunday, January 28, 2024

HỐ GIANG THƠM, Chu Lai, Quảng Nam.

Con suối lớn chảy len lỏi giữa các tảng đá có vân như ai vẽ, hai bên là vách núi đứng, cây rừng nhiều loại, không cao, hình dáng cong queo, với dây dại đeo bám, già cỗi, gốc rễ cây, dây, đan vào vách núi, tạo thế cho du khách men theo triền dốc, dọc theo khe, tiếng nước chảy róc rách bên dưới, để leo lên nơi có “hố” sâu dưới một con thác cao 4,5 mét nước tuôn xối xả.

Hố nông sâu khá đột ngột, quanh hố là các tầng đá ngầm như bậc thang, khá trơn trợt, chỗ cạn đứng quá ngực, chỗ sâu có thể 5,6 mét, chưa ai lặn tới đáy. Đây là nơi tắm lý tưởng nhất trong hai ba “hố” tắm lý tưởng, bề ngang tầm 5 mét, chiều dài hơn 12 mét. Nếu đứng yên tĩnh một hồi dưới nước chỗ cạn ngang nách, bạn sẽ được các chú cá con lớn dài hơn ngón tay giữa vây lại “mát xa” hai ống chân rất thú vị.

Giang Thơm, theo người địa phương, là suối Giàng (đặt tên theo vị thần như ông trời) hai bên dãy núi có trồng nhiều cây thơm (dứa), người Việt gọi thành Giang Thơm. Leo lên dốc núi dọc theo khe nước lớn rất vất vả, có chỗ phải đi như bò, tay níu gốc cây, gốc dây, khách du lịch gọi vui hố Gian Nan. Nếu muốn thưởng thức cảm giác mạo hiểm và ý muốn khám phá, du khách phải có sức khỏe để leo núi, độ dài gần 200 mét.

Nếu muốn “khỏe” hơn, an toàn hơn, có một con đường mòn chạy dọc theo dòng suối nhưng xa hơn, và cũng phải “tụt” dốc một đoạn ngắn chừng 20 mét để xuống nơi có thể tắm suối. Có một đôi thác nước không có hố sâu chứa nước bên dưới cũng có thể là nơi tắm cảm giác mạnh nhờ dòng nước trên cao đổ xuống. Suối Giang Thơm với đá tảng, đá bàn, có nước chảy róc rách, kéo dài khá nhiều đoạn, là chỗ để du khách khám phá chọn chỗ tắm nếu không thích tắm tại vài hố nước thiên nhiên (như trong ảnh). Lưu ý, cũng có những hố khô, nước khoét sâu 5, 6 mét, không nên đến quá gần chúng.

Giang Thơm cách quốc lộ 1 A chừng 15 km, tính từ ngã ba Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam; đường vào “hố” tráng nhựa, có đoạn đúc bê tông khá rộng, xe hơi có thể tránh nhau, hai bên trồng cây đầy bóng mát. Dù được công nhận là thắng cảnh, hố Giang Thơm vẫn chưa là điểm du lịch hoàn chỉnh; bảng thắng cảnh lại khuất trong cây rừng, khiến du khách khó phát hiện nếu không có người hướng dẫn hay không hỏi đường cặn kẽ.

Ảnh: Hố nhỏ nhưng rất sâu, nước luôn trong xanh, từ nguồn chảy ra không ngừng nghỉ.

Các địa điểm du lịch sinh thái chưa tổ chức bài bản như hố Giang Thơm có một điểm yếu là rác thải từ vỏ bia lon, nước ngọt, túi ny lông…vất khá bừa bãi, vô tội vạ. Rác nhiều như thế làm sao dọn sạch? Tôi hỏi người địa phương và câu trả lời là nhờ thiên nhiên: mùa mưa nước đổ ào ạt, rác sẽ được cuốn đi, trả lại dòng nước, các bãi đá bằng phẳng, nơi ngồi của các du khách đi picnic, tắm suối nước thiên nhiên. Mùa du lịch những tháng nắng nóng, du khách sẽ sống chung với rác và xả rác.

Người Việt Nam được thiên nhiên luôn luôn ưu đãi. Nhưng ưu đãi mãi mãi hay sao? Tôi ao ước “hố” Giang Thơm là một điểm tham quan tắm suối thiên nhiên, hai bên núi rừng xanh ngát, nước suối chảy qua những tảng đá có chỗ dựng cao, có chỗ bằng phẳng nơi thử thách của những người yêu thích leo núi sẽ giữ mãi cho mình nét đẹp thiên nhiên ban tặng. Một ngày ở đây, du khách sẽ một ngày hạnh phúc, hòa mình với thiên nhiên.

Lưu ý: Nếu thời tiết quá oi bức, du khách nên đi vào buổi sáng sớm; người muốn tắm hố Giang Thơm cần biết bơi, nếu không phải mang theo áo phao, hoặc đi chung với người biết bơi. Thức ăn và thức uống phải mang theo. Mang gà ướp muối ớt vào đây tìm củi nướng, trên bãi đá bên khe suối, vừa thưởng thức vừa nhảy xuống tắm ở hồ bơi, nước luôn luôn tươi mới và mát mẻ.

Nhóm đi không nên quá 10 người. Nhớ không nên mang cần câu hay lưới bắt cá; hãy để những bầy cá nhỏ thỉnh thoảng tiếp xúc với chúng ta, cùng con người tắm suối, cùng sống với thiên nhiên, dẫu chỉ là một ngày ngắn ngủi.