Showing posts with label Xã hội. Show all posts
Showing posts with label Xã hội. Show all posts

Monday, September 16, 2024

HỌC SINH VÀ CỨU TRỢ

Qua nhiều lần cứu trợ thiên tai như bão lũ ở những nơi bị nạn, tôi không thấy sự xuất hiện của đội ngũ học sinh và sinh viên. Hay là chỉ mình tôi không thấy?

Hồi chúng tôi đi học, không có tổ chức đoàn thể trong học đường. Chỉ ở Sài Gòn thì Tổng hội Sinh viên là có tiếng thường gắn với sinh viên y khoa, tổng hội trưởng Huỳnh Tấn Mẫm.

Các tỉnh không thấy tổ chức hội học sinh. Có lẽ hồi ấy, chiến tranh luôn đè nặng cuộc sống nên ít ai quan tâm lập hội. Nhưng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cần sự chung tay của mọi người, thì học sinh được "nhắm tới" đầu tiên. Tôi nhớ lại những năm là học sinh trường Bồ Đề, Hội An.

Ngoài tổ chức Thanh (Thiếu) Niên Phật Tử, học sinh thường tham gia các đợt (nay hay gọi là "phong trào") thiện nguyện. Giúp đỡ đồng bào tỵ nạn chiến tranh và nạn nhân bão lụt là chủ yếu. Học sinh thường tham gia việc phân phối hàng cứu trợ, thường là từ các cơ quan dân sự vụ Hoa Kỳ.

Nơi đến của học sinh là các trại tạm cư "tỵ nạn cộng sản". Họ là những người dân từ các quận (hồi đó không có huyện) tập trung vào vùng "an ninh" gần tỉnh lỵ Hội An, hoặc các quận lỵ. Thời điểm này, chiến tranh chưa khốc liệt. Có nhiều toán thiện nguyện do các huynh trưởng Phật giáo dẫn đầu đến tận nhiều quận vùng xa. Về sau, có một vài học sinh trong đoàn từ thiện bị chết vì đạn lạc hay dẫm phải mìn, việc cứu trở chỉ diễn ra ở thành phố, thực ra là ở ngoại ô Hội An như Ngọc Thành, Lai Nghi, Cẩm Hà (trên) và Cẩm Hà (dưới), khu này  về sau có thêm làng Hồi Chánh, nơi ở của những cán binh cộng sản đã "trở về với chính nghĩa quốc gia".

Tham gia những đợt thiện nguyện ấy thường là vào ngày chúa nhật, ngày lễ, nhất là nguyên ba tháng nghỉ hè. Dẫn đầu vẫn là những huynh trưởng Phật tử. Có cả các chú tiểu. Tôi còn nhớ trường Bồ Đề có chú Trần Văn Đệ, pháp danh Thị Kỉnh, chúng tôi hay gọi là chú Kỉnh. Hiện ông là hòa thượng đang tu hành ở một ngôi chùa VN lớn nhất nước Úc. Chính ông kể lại, từng chứng kiến một vài thành viên đoàn cứu trợ tỵ nạn chiến tranh bị mất mạng vì chiến tranh.

Tham gia thiện nguyện của học sinh tập trung chủ yếu vào cứu trợ bão lụt. Quảng Nam năm nào cũng có không bão thì lụt. Hội An nằm cuối sông Thu Bồn hứng nhiều trận lụt nhất. Những vùng ngoại ô hầu hết đều chìm trong nước lụt. Làm quen nhiều đời với lũ lụt, trừ năm Giáp Thìn, người dân ở đây đối phó rất điềm tĩnh trước thiên tai.

Tuy nhiên, cũng có những gia đình không tránh kịp lên chỗ cao mắc kẹt lại khi nước lụt bao quanh nơi ở. Từ khi quân Mỹ đổ bộ vào VN, khắc phục hậu quả thiên tai thuận lợi hơn. Họ dùng nhiều ca nô đi những vùng có người mắc kẹt để chở họ về chỗ an toàn của Hội An. Nơi xa, họ dùng trực thăng để bốc những người họ quan sát thấy ngồi trên nóc nhà kêu cứu. Dân nghèo thường ở nhà tranh. Nhà nào có Mỹ đến cứu nhà đó kể như mất trắng mái tranh vì sức gió từ các cánh quạt của trực thăng. Sau đó, người Mỹ rút kinh nghiệm. Họ sử dụng dây dài thả người xuống để kéo người bị nạn lên tàu. Sức gió cánh quạt không làm hỏng các mái tranh.

Học sinh chúng tôi được hướng dẫn đứng những chỗ quy định nơi cao ráo để giúp những người từ vùng lũ được ca nô hay máy bay trực thăng chở đến. Hoặc ẵm dùm em bé. Dắt phụ những trẻ con đi được, có em cóng vì ướt thì chúng tôi cõng họ. Hoặc ôm một cái...lồng tre bên trong có một chú heo con. Có người còn cầm theo chiếc...chiếu.

Các nơi họ ở trú qua cơn lụt là trường học của chính phủ hay của các cơ sở tôn giáo như Công giáo hay Phật giáo. Nơi đây, họ được đồng bào mang thức ăn đến như bánh mỳ, bánh ú. Đôi ba hôm lũ rút thì họ lại lục tục trở về. Có vài em học sinh phụ họ một quãng xa trước khi trở lại thành phố.

Về sau, chiến sự dần ác liệt. Công việc cứu trợ đồng bào tỵ nạn không còn. Việc cứu trợ lũ lụt không xảy ra nữa. Hầu hết dân chúng đều tập trung những khu định cư quanh thành phố. Hoặc ở nhờ nhà thân nhân. Khá giả hơn, họ thuê nhà thành phố để ổn định cuộc sống. Giá nhà thuê rất nhẹ. Có người cho ở không tiền những gia đình nghèo khổ. Hội An là thành phố nhỏ nhưng nó cưu mang rất lớn những mảnh đời bất hạnh của đồng bào các quận lỵ kéo về.

Thời gian học sinh tham gia công tác thiện nguyện không nhiều. Nhưng thời gian ấy giáo dục học sinh không ít. Cùng chia sẻ những khó khăn bước đầu của đồng bào tỵ nạn chiến tranh, cùng dầm mưa lội nước với những người tỵ nạn bão lụt, học sinh hình thành tức thì trong tâm hồn của mình tinh thần "máu chảy ruột mềm". Những việc làm của các em trước nỗi mất mát hay bất hạnh của đồng bào vùng quê chiến tranh, lũ lụt hun đúc trong trái tim họ lòng yêu quê hương đất nước.

Yêu tổ quốc bằng những việc làm cụ thể, nhỏ nhoi, gần gũi. Họ không yêu đất nước bằng khẩu hiệu to tát, bằng tượng đài nguy nga, bằng những cái bánh chưng khổng lồ, bằng những bát phở vĩ đại.

Chính những lúc đồng bào gặp hoạn nạn mới lộ rõ tấm lòng con người giả-chân. Mưa gió bão bùng chưa dứt hẳn mà một số chị em ăn mặc đẹp đẽ, khiêu vũ trên một đường phố Hà Nội. "Thông điệp" của họ là động viên người thủ đô vững vàng tinh thần chống chọi thiên tai.

Phải chi những người này, mỗi người cầm một cái chổi, quét dọn lá từ những cây ngã đổ chỗ họ nhảy múa. Hành vi dù của một nhóm nhỏ người, không đại diện cho ai, cũng cho thấy có cái gì đó không ổn trong giáo dục con người từ bé.

Không thấy học sinh hay sinh viên trực tiếp tham gia cứu trợ, tôi cảm thấy bùi ngùi, nhớ lại năm tháng chiến tranh ở Hội An, có những lần hăng hái đi theo các huynh trưởng tham gia cộng tác thiện nguyện.

Saturday, September 14, 2024

CỨU TRỢ CHO "CỘNG SẢN" MIỀN BẮC

Ở miền Nam thuở trước ít nhắc đến lũ. Họ chỉ nhắc đến lụt. Như đại hồng thủy nhưng người ta vẫn gọi nó là “lụt năm Thìn” ở Quảng Nam. Vì không có số thống kê chính thức, số người chết và mất tích có thể ở mức 10.000.

 

Tuesday, March 19, 2024

BAO ĐỒNG

Tôi không rõ mấy hai từ này. Nhưng khi lo công việc chi đó không phải của mình, vợ tôi hay nhận xét “ông lo chuyện bao đồng “. Tôi hiểu lờ mờ, hay là “bả” nói tôi “ ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng ”?

Thấy có mấy cái quảng cáo vu vơ trên trang Facebook của mình, ná bắn chim, thuốc diệt cây, tôi giật mình.

Xem cái ná bắn chim hiện đại mà sảng sốt. Đạn bằng sắt. Dây ná mạnh gấp ba lần dây ná cao su thông thường. Sức “sát thương”, nghĩa là sự giết chết chính xác vật nhắm- tức là chim muông- một trăm phần trăm. Clip minh họa cho thấy con chim đổ lông rớt khỏi cành chỉ sau một tiếng tách nhỏ của chiếc na tối tân. Theo tôi, chiếc ná này còn nguy hiểm hơn  nở thần Trọng Thuỷ phỉnh Mỵ Châu đđể Triệu Đà đánh bại An Dương Vương.

Còn nữa, thuốc diệt cây, không chỉ diệt cỏ. Chỉ cần 50 ngàn đồng, một cây to như cây đa Tân Trào, hay bụi tre rậm như tre làng thời trước, cây hay tre cũng tiêu, nghĩa là tàn héo, theo quảng cáo từ năm đến bảy ngày. Xem nguồn gốc, nghe đâu từ Thụy Sĩ. Có in hình nhà bác học hay kỹ sư chi đó là người sáng chế thuốc diệt sinh học này.

Tôi tuy già nhưng mắt không đến nỗi bèo. Trên thân chiếc ná, như nòng súng, và trên gói thuốc diệt thực vật, không thấy tiếng Anh, tiếng Pháp, chỉ thấy chữ Tàu.

Hai loại “vũ khí “ có vẻ vô hại. Diệt cây vì khỏi phải chặt công khổ. Tre, cây lớn, có lẽ cổ thụ, chỉ cần 1 gói thuốc bột màu trắng, bụi tre mất hẳn màu xanh. Tre khô như gặp phải thuốc khai quang của Mỹ. Còn chim chết thức thì sau cái bóp cò như gió thoảng.

Tôi phải thở ra khi viết tới đây. Cây ở VN đâu còn nhiều mà phải cần tới thuốc diệt sinh học? Không lẽ, ghét hàng xóm có cây xoài, cây mít, bóng che qua vườn nhà mình, chỉ cần 50k/ gói thuốc, “ân oán “ phân minh? Trồng một cái cây là trồng một hy vọng. Trồng một bóng mát cuộc đời. Thuốc diệt cây để làm gì? Khó nghĩ quá.

Chim muông nhiều là môi trường giàu sức sống. Tôi về quê, và đi nhiều quê khác, chim là thứ ít thấy. Chúng vào lồng cho phóng sinh. Chúng nằm trên bàn cho quán nhậu. Chúng chết dần vì ăn phải cào cào, châu chấu vừa dính thuốc trừ sâu trên đồng lúa. Chim còn đâu?

Vậy mà có ná tối tân như súng xuất hiện ở VN, xứ của chim muông vắng bóng. Trước đây thì súng bắn chim. Nay bị cấm hay không có vì vắng chim, ná bắn chim đời mới tối tân thay thế.

Tứ bề thọ tiễn.

Có nên cấm ná giết chim, hoá chất diệt cây? Không. Không thể cấm nổi. Nhưng chúng cần được kiểm soát.

Chính quyền cách mạng CS trong quá khứ chứng tỏ họ rất mạnh. Nhưng ngày nay, tôi có cảm giác họ dễ dãi quá? Cái gì cũng thoải mái.

Trước đây, nếu họ khắt khe với chiếc cưa máy, gọi là cưa lốc gì đó, thì biết đâu, rừng VN có khai thác, bây giờ vẫn còn cây. Lâm trường có cưa máy, người dân có cưa máy. Chỉ cần 1 cái cưa máy, 10 phút, cây cổ thụ 100 năm trên rừng nằm lăn ra đất, chết ngay. Những cây to mấy người ôm, nếu không có cưa máy, đố ai hạ ngã nó? Năm 1976, cây rừng ở quê tôi- cũng như mọi quê có rừng khác- nếu không có cưa máy, chắc gì bây giờ chỉ toàn rừng tràm bông vàng làm giấy.

Ngày xưa, người Việt khai thác rừng nhẹ nhàng không mãnh liệt như sau ngày “giải phóng “. Với chiếc rìu, con rựa, một cây hai người ôm trên rừng, đốn hạ bao lâu thì hoàn tất? Rất khó. Với cái cưa líu, cưa đợi (truyền thống) cây to, chưa nói cổ thụ, đại thụ, không dễ gì bị tuyệt diệt khi cưa máy xuất hiện. Người VN làm ra cưa máy? Không. Phải nhập. Ai là người cho nhập? Rất dễ trả lời. Có cưa máy, có lòng tham, có sự tù mù, có tiếp tay của lâm tặc, “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” chỉ còn là rừng nghèo rừng kiệt.

Đã không sáng suốt với cưa máy, xin quý vị hãy sáng suốt với thuốc diệt cây, ná diệt chim. Lịch sử sẽ trông chờ . Xin quý vị dè dặt và lưu tâm.

Wednesday, March 13, 2024

Phiếm luận: RƯỢU, UỐNG MẤY CHO VỪA?

(Bài dài lê thê. Ai không uống rượu xin đừng đọc).

Không biết rượu xuất hiện lúc nào trên thế gian này. Nhưng theo tôi, người châu Á – nhất là Trung Hoa và Việt Nam có lẽ là Nhật Bản nữa- gắn bó với một loại nước có men này rất sớm. Rượu đi vào văn hóa rồi văn học. Ở VN thì khỏi nói.

Cao Bá Quát là thi sĩ nổi tiếng bất đắc chí và kiêu ngạo.  Giai thoại trước khi bị chém đầu, ông làm hai câu thơ: Xích sắt cùm lim chân có đế/ Ba hồi trống giục bước thì vương”. Để ý hai chữ cuối của hai câu thơ. Đế vương.

Trước đó, ông coi rượu như thế nào? “Gõ nhịp lấy, đọc câu “Tương tiến tửu”: “Quân bất kiến: Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai, Bôn lưu đáo hải bất phục hồi.” Làm chi cho mệt một đời”.

Lý tưởng sống hưởng thụ (trong có có rượu) gợi ý từ Lý Bạch, say đến nỗi, đi trên thuyền, thấy trăng lồng dưới nước, ông ngã người xuống để vớt, thuyền lật, ông chết cùng bóng trăng. Thật nên thơ. Quá nên thơ đi chứ, nhờ quá say.

Bài thơ nổi tiếng mà Cao Bá Quát yêu thích có đoạn nói về rượu: …”Đãn nguyện trường tuý bất nguyện tỉnh!/Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch/Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh/ Trần vương tích thời yến Bình Lạc/Đẩu tửu thập thiên tứ hoan hước/ Chủ nhân hà vi ngôn thiểu tiền/Kính tu cô thủ đối quân chước/ Ngũ hoa mã,/Thiên kim cừu,/Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu/Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu.

Tôi chọn bản dịch của một người đồng hương có thơ in trong sách giáo khoa, Nguyễn Lãm Thắng: “Ta muốn say tuý luý, tỉnh mà chi? / Các bậc thánh hiền xưa đều vắng ngắt/ Duy chỉ còn kẻ uống rượu mới lưu danh/ Thời trước Trần Vương yến cung Bình Lạc/ Một đấu rượu vạn đồng, mặc sức uống thâu canh/ Này chủ nhân ơi! Tiền làm sao thiếu được? / Mua rượu mau! Để nâng chén cùng nhau/Ngựa ngũ sắc, áo lông cừu quý giá/Đổi rượu đi con! ta phá vạn cổ sầu!”

Phá “Vạn cổ sầu” chẳng qua là lấp liếm cho chuyện mê uống rượu.

Rượu không còn là thú vui tao nhã. Thi hào Nguyễn Khắc Hiếu cũng “vinh danh” nó: “Say chẳng biết phen nầy là mấy!/Nhìn non xanh chẳng thấy, lại là say./Quái say sao say mãi thế nầy?/Say suốt cả đêm ngày như bất tỉnh./Thê ngôn tuý tửu chân vô ích,/Ngã dục tiêu sầu thả tự do./Việc trần ai ai tỉnh ai lo,/Say tuý lý bất lo mà bất kể./Giời đất nhỉ, cái say là sướng thế!/ Vợ can chồng, ai dễ đã chừa ngay./Muốn say, lại cứ mà say!”

Tỉnh táo như Nguyễn Khuyến cũng “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt/ Mắt lão không viền cũng đỏ hoe”. Uống rượu dữ quá mắt phải đỏ. Về sau cụ mờ cả hai mắt. Chu Mạnh Trinh chơi khăm, tặng cụ loại hoa có sắc mà không hương. Cụ bực: “Đếch có hơi thơm, một tiếng khà”.

Những “sĩ phu” xưa của Ta và Tàu có lẽ không khác nhau. Ban đầu, uống rượu là một sinh hoạt văn hóa. Nhưng thi sĩ nào cũng thích…say. Nên quá chén. Say có khi làm thơ mới hay? Ấy là tôi chưa kể Thơ say của thi bá Vũ Hoàng Chương. Nguyên một cuốn chớ không phải một bài.

Nhiều người cho rằng Trung Hoa và Việt Nam thời trước bị xâm lược vì vua quan hèn yếu. Tôi nói, chỉ là một yếu tố. Tại vua quan  uống rượu nhiều quá. Rượu đưa lên lễ: Vô tửu bất thành lễ. Uống rượu mới trượng phu: Nam vô tửu như kỳ vô phong.

Nếu họ chừng mực trong việc uống rượu thì chắc chi phương Tây nô dịch nổi họ. Họ say sưa với Nho giáo. Họ say sưa với thơ phú. Họ say sưa ca tụng thánh hiền. Họ say sưa thơ Đường. Sẵn trớn, họ ca ngợi luôn vua Nghiêu, vua Thuấn tận bên Tàu, thời xa lắc xa lơ. Bởi họ Trung Hoa như say rượu.

Chừng mực là cái không có đối với hàng ngũ thi sĩ Trung Hoa và Việt Nam? Rượu chẳng qua là chất gây men tạo hưng phấn. Nó tạo men cho cuộc sống. Nó không phải là lẽ sống. Vậy mà, cả triều đình, cả quan lại, cả giới sĩ phu (elite) đều lấy rượu làm vui và hãnh diện. Ai được ban ngự tửu là vinh dự cả một đời làm quan.

Rượu không những đi vào văn học. Rượu còn đi vào sự sống còn của họ: Đi đánh giặc cũng mang theo rượu. Sức đâu chiến đấu. Giặc mới nổ súng là kéo gươm chạy rào rào.  “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi, / Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi./ Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu,/ Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”.

(“Rượu bồ đào, chén dạ quang/Muốn say, đàn đã rền vang dục rồi/Sa trường say ngủ, ai cười?/Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu!” (Trần Trong San)

Khi tiếng súng nổ vang vào xứ sở, người Nhật thức tỉnh nhưng người Trung Hoa và người Việt Nam vẫn còn say sưa. Họ đang say cái thế giới của họ. Biết đâu trong đó là do say rượu?

Tôi muốn nói sự chừng mực. Say với chính mình không khác chi say rượu. Tự hào, vinh quang, luôn ngó lên trời, không phải là chất men như men rượu là gì?

Người Tây uống rượu không ít hơn người châu Á. Tôi có học một ít văn chương các nước tiêu biểu văn minh thế giới như Pháp, Mỹ, Anh. Các thầy của tôi - những cuốn sách tôi đọc - không thấy có chỗ nào người phương Tây ca ngợi rượu; dù đó là thức uống có thể nói là hằng ngày của họ. Không những không ca ngợi rượu trong thơ văn; họ cũng chẳng xiển dương rượu như các thành phần trí thức VN và Trung Hoa.

Tôi nghĩ, họ uống rượu chừng mực. Không thể “say túy lúy đêm ngày như bất tỉnh”. Không chừng mực thì không nghiên cứu: whiskey liều lượng bao nhiêu cho đàn ông, đàn bà. Kể cả liều lượng rượu vang và bia. Phải biết liều lượng bao nhiêu là phù hợp (tôi không nói tốt) cho cơ thể.

Ông cố uống, ông nội uống, ông cha uống, ông con uống, cả làng uống, mạnh ai nấy uống và không bao giờ khuyên và buộc bản thân, con cháu uống bao nhiêu là đủ.

“Thê ngôn túy tửu chân vô ích/ Ngã dục tiêu sầu thả tự do” (Tản Đà). Vợ có khuyên uống rượu chẳng lợi gì, chồng cũng chẳng thèm nghe. Ổng muốn tự do. Ngày nay, nếu uống vô độ sẽ tự do vô nhà thương chữa xơ gan; tự do vô nhị tỳ vì gan “đẻ” ung thư.

Tây uống rượu gì? Nói thật, người Trung Hoa chưa chắc nhiều loại rượu ngon như người Pháp, người Mỹ, người Anh. Rượu của họ chưng cất truyền thống, tinh vi, khoa học. Rượu cất xong có thứ để trong hầm vài năm, chục năm, vài chục năm. Rượu càng để lâu dưới đất càng ngon và do đó càng đắt tiền.

Nhưng so việc uống rượu, Tây có khác Ta không? Rất khác. Họ muốn uống loại rượu mình chọn. Họ uống rượu nhưng không nhậu rượu. Không như ta, gặp một chai rượu Tây, kiếm ra một chai “cuốc lủi” ngon (thấy trong cuốn hồi ký NĐM), nhạc sĩ V.C, nhà văn Ng. T, hay T.H. xúm ngay lại mà uống, mừng rỡ, hít hà. Họ không có nhiều lựa chọn các loại danh tửu. Được uống rượu ngon là mừng dù chỉ là một thứ cuốc lủi “vô danh tiểu tốt”. Rất cám cảnh. Say túy lúy là đủ rồi. Rượu thấm trong dòng máu người Việt, không chỉ giới bình dân.

Ngày nay, người Việt uống rượu ít hơn bia, nhưng không đồng nghĩa ít uống.  Bia có độ cồn nhẹ hơn. Và có lẽ ngon hơn vì được ủ men nhiều cách và nhiều loại bia. Nhưng mấy ai định cho mình uống mấy lon là vừa, là ngon, nghĩa là còn cảm nhận hương vị bia?

Tôi chắc chắn ít người uống vừa phải. Uống cho đã. Đó là khuynh hướng của người quen bia rượu.

Một số người bị lôi cuốn bởi cái “thói” tự hào. “Nó uống được ta uống được”. Người không uống nhiều trong bàn nhậu bị chê là “không manly- nam tính”. Đó là suy nghĩ trong đầu những người uống rượu bia vô độ. Lấy tửu lượng cao làm thành tích là “tàn dư” của thói quen “tự hào”. Ai uống không say hay lâu say thường được người trong bàn nhậu nể phục. Ép nhau uống rượu (bia) chính là cách “phát huy” thói tự hào hảo ấy.

Sunday, March 10, 2024

CẤM XE MÁY?

Tình cờ đọc tin về hội thảo giao thông thành phố Sài Gòn, một phó giáo sư, tiến sĩ nêu tham luận đại ý: cấm hẳn xe máy, không thể để cái nghèo "đe dọa" chúng ta trong quy hoạch giao thông thành phố. Ông còn nói chính xe máy là thủ phạm gây tai nạn giao thông nhiều nhất. Cấm tiệt xe máy là tốt nhất. Trước cũng nghe một tiến sĩ khác hiến kế: cứ để xe máy thiệt nhiều , khi không lưu thông được người dân sẽ chọn lựa phương tiện công cộng.

Thật sự ngưỡng mộ những nhà thông thái.

Tôi không ý kiến nữa vì ý kiến cư dân mạng quá nhiều và quá đủ. Tôi không phải là phó giáo sư, chỉ là phó thường dân, đề xuất suy nghĩ mọn về vấn nạn giao thông thành phố.

Trước mắt phải xác định nếu không giải quyết nạn kẹt xe, Sài Gòn sẽ là một thành phố đáng sợ chứ không phải đáng sống. Hậu quả mỗi ngày, mỗi người chúng ta đều rõ: ô nhiễm, tốn kém thì giờ, công sức, và nhất là sức khỏe, có ý kiến cho rằng với lượng khí thải do xe cộ mỗi người dân già trẻ đều hít phải khí độc tương đương khói của 1 bao thuốc lá.

Giải quyết giao thông không thể chỉ giao cho sở giao thông, mà phải giao cho người đứng đầu thành phố, miễn ông ta được cấp cao hơn giao toàn quyền quyết định.

1- Phải tiến hành khảo sát: xã hội học (xem vì sao người ta chạy xe ra đường quá nhiều, chạy để làm gì, ai là người đi ngoài đường nhiều nhất...), dân số học (xác định mật độ dân số từng vùng của các quận, đẻ dễ nắm số lượng người giao thông), kinh tế học (xem việc chạy xe có liên quan đến hoạt động sản xuất không, nhiều hay ít...)...Để đề ra phương hướng điều tiết giao thông hợp lý. Và phải lập một ủy ban quản lý giao thông công đầy năng lực.

2- Xác định xe máy là cần thiết cho việc đi lại (đa số dân xử dụng) nhưng phương tiện công cộng (xe buýt, xe điện, ...) phải là chủ đạo. Hạn chế xe cá nhân để mở rộng xe công cộng. Thành phố phải chuẩn bị vốn để đầu tư thật cấp bách thật to lớn, cho phương tiện công cộng để dần dần phương tiện này nhận lãnh vai trò chính trong giao thông đô thị. Khuyến khích, tạo điều kiện cho nước ngoài vào đầu tư metro như ở Singapore.

3- Tuyên bố "tình trạng khẩn cấp" về giao thông, nghĩa là sẽ áp dụng một số biện pháp có thể phạm luật: chẳng hạn ngưng ngay việc cấp phép lưu thông mới cho xe hơi, xe máy. Tất cả xe không mang bảng số TP đều sẽ dần dần chấm dứt lưu thông khi thành phố cảm thấy phương tiện giao thông công cộng đảm nhận được vai trò của mình. Những cư dân ngoại tỉnh đều phải sử dụng phương tiện giao thông công cộng khi làm việc, sinh sống ở thành phố.(Dĩ nhiên, lúc này xe buýt phải nhiều).

Xe con từ 4 đến 7 chỗ lưu hành theo bảng số xe chẵn, lẻ theo ngày chẵn, lẻ. Trừ xe công vụ như chữa cháy, cảnh sát, cứu thương, hay những dịch vụ cấp thiết quốc gia. Ngưng ngay việc cấp mới giấy phép cho xe taxi, Uber, Grab. Nhưng khi thấy bí bách thì có thể nới lỏng chút đỉnh. Chỉ cho phép đổi xe cũ sang xe mới. Những xe cũ (xe hơi, xe máy) sẽ được chính phủ thu mua và bán lại cho những địa phương ít xe cộ hơn. Những phương tiện vận chuyển vật tư "rắn" như vật tư xây dựng, kể cả xe thô sơ, đều phải hoạt động ban đêm, từ 11 giờ tối đến 4 giờ sáng, trừ những khu vực, phương tiện sản xuất quan trọng, có cân nhắc cho phép lưu thông ngoài giờ đó.

4- Việc hạn chế giao thông trên chỉ thực hiện khi thành phố có đủ xe buýt, xe điện, và hệ thống xe công cộng này đã trải đều thành phố. Bắt buộc đi xe buýt đối với tất cả sinh viên, viên chức, công chức nhà nước, các học sinh từ tiểu học trở lên, hạn chế việc đưa đón bằng xe cá nhân, trừ những người có công việc đặc thù như cảnh sát, công an, hay các vị trí chóp bu của quận huyện, thành phố.

 Muốn có hệ thống xe buýt đều khắp thì vỉa hè cần giải quyết rốt ráo: thành lập một công ty quản lý vỉa hè trực thuộc thành phố. không thể có "cát cứ sứ quân cho vỉa hè. Nếu chưa sử dụng hết thì phân cho hộ dân có mặt tiền sử dụng một khoảng không gian nhất định, và phải đóng phí, tùy vị trí buôn bán. Những người bán hàng rong cần phải đăng ký, sử dụng một loại xe thô sơ có những mẫu quy định, và phân bổ ra các trục đường thuận tiện. Dần dần quy hoạch họ vào những khu nhất định.

Vỉa hè không thể là nơi muốn bán cái gì cũng được, muốn chiếm bao nhiêu cũng được, và muốn làm gì cũng được. Phải dành vỉa hè cho người đi bộ đến trạm xe buýt, xe điện... Nới rộng hàng năm số đường đi bộ ở khu vực trọng yếu. Các trạm xe buýt phải thoáng, rộng, mát, không thể để như hiện nay, người đi xe buýt như những kẻ nghèo bị gạt ra ngoài lề xã hội.

5- Dời ngay xe lửa ra ngoại thành, sử dụng chỗ của đường ray làm đường lộ, ga xe lửa thành bến xe buýt. Xe lửa chả lợi gì mà gây cản trở giao thông thành phố rất nhiều. Hàng trăm giao lộ xe lửa chạy qua là hàng trăm ách tắc giao thông. Dời tất cả cơ sở sản xuất có quy mô lớn, vừa ra khỏi trung tâm thành phố. Nhà nước xây nhà xã hội bán rẻ, cho thuê để công nhân khỏi phải dùng xe máy đi làm.

6- Mời nước ngoài đầu tư tàu điện ngầm, hoặc hợp tác, hoặc giao hẳn họ xây dựng, điều hành, chuyển giao. Sự có mặt của loại hình giao thông này phải là mục đích cuối cùng cho giao thông đô thị.

7- Về lâu về dài, tất cả các cơ quan hành chính thành phố đều phải tập trung về một chỗ, có nhà công vụ, nơi sinh hoạt cho viên chức, công chức. Hai cơ quan đảng, chính phủ nên nhập làm một, nhằm giảm biên chế, tăng lương gấp đôi, gấp ba, và đất, nhà, hiện đang sử dụng hoặc chuyển sang mục đích phục vụ công cộng như xây nhà mẫu giáo, công viên, hoặc bán đấu giá lấy tiền nộp ngân sách.

Khi tiến hành xây dựng những gì liên quan đến đường sá như đào cống, nới rộng đường, lắp đặt cáp quang, dựng trụ điện ... đều phải làm 3 ca, không nghỉ ngày nào kể cả ngày lễ.

8- Để người dân bớt căng thẳng khi lưu thông ngoài đường, đề nghị nghiêm cấm phát loa ầm ĩ, treo cờ phướn rợp đường, các bảng quảng cáo, bảng hiệu đều phải nằm dọc theo mặt tiền nhà, tức dọc lề đường, không được nằm ngang trên khoảng trống của vỉa hè. Việc dựng bảng tuyên truyền nên dẹp ngay vì không ai vừa chạy xe vừa ngó chúng bao giờ, ngoại trừ muốn gây tai nạn vì phải đọc những câu khẩu hiệu dài ngoằn. Chỉ có bảng chỉ dẫn đường được phép có mặt trên các lề đường để hướng dẫn giao thông mà thôi.

9- Nghiên cứu lưu lượng người lưu thông bằng tin học, quan sát xe cộ đi lại bằng vệ tinh để có biện pháp phân luồng, phân làn, thiết lập thêm đường một chiều, những điểm hay kẹt xe phải luôn luôn có cảnh sát túc trực điều hành.

10- Đẩy mạnh và phát triển giao thông đường thủy vì Sài Gòn có rất nhiều kênh rạch, thuận tiện cho loại hình vận chuyển bằng tàu thủy. Cần lập lại trật tự việc lấn chiếm bờ kênh, bờ rạch, nạo vét thông suốt, khuyến khích đầu tư vận chuyển đường thủy.

11- Ngày tết đường phố SG vắng tanh. Dân nhập cư về nhà ăn tết. Bảng số xe gần 1 phần 4 là của các tỉnh. Kinh tế SG phát triển nhờ công sức của lao động nhập cư. Nhưng chính sự có mặt của họ cùng với chiếc xe máy làm mật độ xe lưu thông tăng cao. SG cùng các tỉnh lân cận phối hợp tổ chức phát triển các ngành kinh tế phù hợp, thu hút và giữ chân họ "ly nông, bất ly hương", và đây là hướng tốt nhất để giúp SG tránh "bội thực" lao động.

12- Một điều cuối cùng là giáo dục văn hóa giao thông ngay lúc trẻ còn học mẫu giáo. Các em sẽ tập đi xe công cộng, các em sẽ ý thức được tính tập thể, lịch sự trật tự từ nhỏ. Và người lớn chúng ta nên gương mẫu trong việc lưu thông, nên tập quen với xe buýt, ý thức nhân đạo sẽ hình thành từng chút, người giàu sẽ đi xe buýt chứ không chỉ người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Khi số lượng xe cá nhân giảm đi, phương tiện công cộng sẽ chiếm chỗ cho việc đi lại cho xã hội, người dân thành phố sẽ đi bộ nhiều, tốt cho sức khỏe, sẽ kỷ luật hơn, lên xuống xe trật tự, lòng nhân ái được nhân lên, qua những việc nhỏ như nhường chỗ cho người già, trẻ em, phụ nữ có thai.

Đến một lúc nào đó, đi xe buýt nhanh hơn, đúng giờ hơn, rẻ tiền hơn, tiện nghi hơn là đi xe hơi, xe máy, người dân sẽ tự nguyện bỏ dần xe cá nhân thì thành phố sẽ bớt ô nhiễm, ra đường sẽ không còn cảnh đánh nhau vì va quẹt, thành phố không còn những con đường ngập tràn xe máy nhích từng chút, nhả khói xe đầy trời. Việc đi lại dễ dàng sẽ giảm đi rất lớn sự lãng phí cả tinh thần lẫn vật chất do kẹt xe gây ra.

Tất nhiên, những biện pháp trên chỉ áp dụng cho một số quận nội thành dân cư nhiều. Những quận khác có thể áp dụng biện pháp khác mềm dẻo hơn, miễn là việc chuyển đổi mô hình vận chuyển cá nhân sang công cộng không ảnh hưởng đến đời sống, sức sản xuất của thành phố to nhất nước, năng động nhất nước, và quan trọng là đóng góp ngân sách nhất nước.

Chỉ cần nhìn giao thông, người ta đánh giá trình độ phát triển của một thành phố, một đất nước. Lúc đó, cấm xe máy hay không cấm xe máy sẽ không quan trọng. Quan trọng là lựa chọn của người dân nhưng ngay bây giờ, quyết tâm của những nhà quy hoạch là quyết định cuối cùng.

ÔNG TÁO, BÀ TÁO, VÀ NHỮNG CON CÁ CHÉP.

Hình ảnh biểu tượng của các vị lãnh đạo quốc gia trong việc thả cá chép ngày 23 tháng chạp như là cách thể hiện lòng nhân ái " phóng sanh". Có thực sự phóng sanh hay lại là gián tiếp sát sanh? Có bắt mới có thả. Không bắt lấy đâu mà thả? Bắt chim, bắt cá, và thả chúng, để được tiếng phóng sanh. Có nên như vậy không?

Thả cá, thả chim, để  chúng trở về với thiên nhiên là điều nên làm, vừa bảo vệ môi trường, vừa tỏ lòng hiếu sinh cho những sinh linh bé mọn. Nhưng làm gì để có chim, có cá để thả? Tôi thấy nhiều người nhử chim sẻ bằng keo dính chuột. Hàng chục chú chim đáng yêu đã sa vào bẫy, không phải vì cái ăn mà vì tiếng kêu đồng loại qua một thiết bị điện tử phát ra không khác tiếng chim, có lẽ là tiếng chim gọi bầy. Chết vì đến với nhau, chết vì đồng cảm với tiếng  gọi nhau, thảm thiết vậy sao?

Những chú chim sẻ vô tội, đáng thương, vùng vẫy bởi dính keo, cất lên những tiếng kêu van nài, bi thiết và ai oán.

"Về bán cho quán nhậu à?".

" Không, bác ạ. Nhậu giá chim đâu bằng bán để  người ta  phóng sinh".

Một cái nghề "phóng sanh"... sinh lợi. Còn những chú cá? Chắc chắn không thể tình cờ mà cá được bắt giữ để phóng sinh. Hoặc mua từ chỗ nuôi, hoặc bắt từ thiên nhiên. Thiên nhiên, tức sông hồ, ngày nay còn là nơi trong lành để những chú cá chép, xinh đẹp như trong hình, sinh sống nổi hay không? Chắc là không rồi.

Mua để thả, liệu những chú cá nuôi, quen khuôn khổ tù túng, có thích nghi với môi trường bên ngoài vốn đã ô nhiễm, hẳn còn cao hơn nơi nuôi sống chúng? Liệu những chú cá chép xinh xắn đáng yêu có vui mừng được trở lại thiên nhiên hay là buồn bã thở những hơi cuối cùng và đau khổ lìa trần, trước sự hân hoan của những người  nhân ái đã ra tay cứu độ cho mình?

Việc làm của những vị có trọng trách trong xã hội luôn có những tác động rộng lớn trong dân chúng.

Phóng sinh đúng nghĩa  thể hiện tấm lòng nhân đạo và đức tính bao dung.

Thiện ý của các vị là trả về thiên nhiên những gì vốn của thiên nhiên, hành động nhân ái vì cộng đồng.

Đó có thể là việc làm mang một thông điệp khác: sinh vật như chim, như cá , ta còn yêu quý, huống chi con người, cùng máu đỏ, da vàng, cùng đồng bào ruột thịt, sao không thương yêu nhau.

Nhưng sẽ phúc hạnh cho nhân dân nhiều hơn nếu các vị có thể làm thêm vài việc cụ thể :

1- Cấm ngặt đánh bắt cá trong mùa sinh sản những loại cá có số lượng nhiều, cần thiết cho đời sống con người. Và không được đánh bắt cá còn quá nhỏ mới trưởng thành. Việt Minh thời trước, ở quê tôi Quảng Nam, nghiêm cấm nông dân sử dụng dụng cụ đánh cá có mắt lưới quá nhỏ (gọi là "tủ", tựa như mùng  ngăn muỗi) khiến cá con có thể bị tận diệt.

2- Xử lý nghiêm những người sản xuất và người sử dụng ắc quy điện thế cao mục đích đánh bắt cá (gọi là chích điện) hiện nay rất "đại trà" ở một số vùng thôn quê.

3- Nghiêm trị người sử dụng chất nổ đánh cá, kể cả ngoài biển khơi.

4- Thu mua, hoặc tịch thu tất cả các loại súng săn bắn chim. 50 năm trước, cò, quạ, chim các loại, so với bây giờ nhiều hơn, hay ít hơn? Những con cò, những cánh cò bay lả, bay la, chỉ còn trong văn học, hay có còn cũng chỉ còn trên bàn nhậu, người ta đã dùng bẫy để bắt cò làm mồi và bán cho các quán.

5- Nghiêm cấm tất cả các quán nhậu bán các loại chim bắt từ    thiên nhiên, không cứ những loại chim quý hiếm, nằm trong sách đỏ.

Ta có gà, có vịt, có chim nuôi như cuốc, bồ câu... ( thực ra, ăn thịt loài chim biểu tượng hòa bình và  hiền lành này là quá bất nhẫn)... Cứ gì phải ăn thịt chim, những con chim đáng yêu, thân thuộc với con người.

Những việc như thế được quý vị quan tâm chỉ đạo thực hiện sẽ bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống con người, giúp con người càng gần gũi, càng yêu mến thiên nhiên, do đó sẽ càng yêu mến nhau hơn.

Quý vị sẽ thấy "phóng sinh" những chú cá chép vừa qua là cử chỉ hết sức nhân văn. Chứ thả cá,  thả chim,  sau này chúng chết sống ra sao không rõ, thì tội nghiệp cho chúng nó, và cũng tội nghiệp cho chúng ta, những người  tưởng là tốt bụng. Phóng sinh khi đó sẽ đích thực là đức hiếu sinh.