Ở Hội An, tên các đình, miếu, đền, hội quán, đa phần là chữ Hán. Chùa Âm Bổn là cái tên, ai cũng nghĩ do người Minh Hương đặt cho.
Trước đây, người dân phố Hội có câu giới hạn địa lý phố cổ, "Thượng chùa Cầu, hạ Âm Bổn".
Thật ra, 2 kiến trúc này không phải là chùa. Chùa thì phải thờ Phật. Hai nơi nay không thấy có tượng phật Thích Ca. Đích thân đọc bảng chú dẫn thời gian, phương thức thành lập "chùa", tôi thấy ghi hội quán ông Bổn. Ông này có thể là người đầu tiên thành lập hội quán hoặc có thể hội quán thờ ông thần Bổn Mạng, gọi gọn là ông Bổn?. Kiến trúc này, người ta nói, mang toàn bộ phần thiết yếu từ lục địa Trung Hoa. Người Minh Hương đều có lối sống gắn bó qua các bang hội. Khu vực xây hội quán là một vùng trũng nước, sen dại mọc khá nhiều.
Hội quán có ba gian chính thờ ba vị: tả thờ ông Phước, hữu thờ ông Thần Tài, giữa thật bất ngờ, giờ tôi mới biết, lại thờ Phục Ba tướng quân tức Mã Viện, người bức hại Hai Bà Trưng phải nhảy xuống Hát giang tuẫn tiết. Lúc nhỏ, tôi học " Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt", nghe thầy giảng, Mã Viện cho xây trụ đồng khi xâm chiếm nước ta, khắc câu như trên mang ý: trụ đồng ngã, dân Giao Chỉ tiêu vong. Bị nô dịch, do tuyên truyền "ngu dân", dân chúng nhiều đời, kẻ đi qua, người đi lại, ai cũng ném vài cục đất vào cho trụ khỏi ngã, đặng dân tộc không bị diệt vong.
Sau này, thời nhà Minh xâm lược, trụ đồng được nhắc lại; sứ giả Giang Văn Minh trước khi bị triều đình nhà Minh giết chết, kiêu hãnh đáp lại câu đối ngạo mạn của giặc: "Đồng trụ chí kim đài dĩ lục" bằng câu: "Đằng giang tự cổ huyết do hồng" (Trụ đồng- biểu hiện quyền uy phương Bắc- cho đến nay vẫn còn rêu bám"; Sông Bạch Đằng - nơi chôn xác bọn giặc bay - từ xưa đã nhuộm máu hồng).
Tinh thần dân Việt chống quân xâm lược Tàu rất cao, không phải bây giờ mới có, như "chống Pháp, chống Mỹ", nhưng lại "mờ nhạt" trong lịch sử cận đại ở học đường; giới chức trách vì lý do nào đó - có thể là quý trọng tình hữu nghị keo sơn, lý tưởng tương thông (cộng sản) - chú trọng nhiều vào hai đế quốc to, nhất là đế quốc Mỹ, "ít" để ý cái ông đế quốc còn to gấp bội mấy ông kia.
Cái gì liên quan đến "kẻ thù", nhất là kẻ thù xâm lược, dù là trong quá khứ, đều bị "lên án" thậm chí bị phá hủy. Trong chiến tranh chống Pháp, đền, chùa, miếu, đình, biểu trưng cho thể chế quân chủ chuyên chính (hay gọi gọn là phong kiến)...hầu hết đều bị san bằng trong vùng "tự do", dưới cái tên rất hay "tiêu thổ kháng chiến". Tôi rất ngạc nhiên, hội quán ông Bổn, Hội An, thờ kẻ thù truyền kiếp của dân tộc là Mã Viện vẫn trường tồn qua nhiều biến động lịch sử chiến tranh.
Tôi nghe nói, sau 1975, học sinh hay viên chức, được chính quyền khuyến cáo, không nên đến đây nhang khói, cầu khấn, vì "chùa" có tiếng "linh thiêng". Gần đây, một số du khách người Bắc (XHCN khá kiên định) đã "địt mẹ, đéo bà" khi lỡ mua vé vào đây tham quan. Tham quan gì cái chỗ thờ "thằng giặc". Họ lập luận, và lập luận đúng.
Có hai nơi thờ hai ông có "quốc tịch" Trung Hoa: Quan Vân Trường (chùa Ông, sát chợ Hội An) và Mã Viện, chùa ông Bổn) cùng cung đường.
Nhiều người ái quốc luôn lên án việc thờ Quan Công, một ông Tàu chẳng công trạng gì cho VN, nay lại thêm ông Mã Viện, kẻ "thâm thù" trong lịch sử dân tộc.
Hai ông "bá vơ" này sao có đền thờ, lại là đền thờ hoành tráng?
Lịch sử có những giải thích của riêng nó. Hội An, hay những thành phố lâu đời, đều có đóng góp của những người Trung Hoa bỏ quê hương, đến đây lập nghiệp. Cuộc sống nơi đất khách quê người đầy gian nguy, thử thách. Họ phải sống nương tựa vào nhau, vật chất và tinh thần.
Người Minh Hương Hội An nổi tiếng giỏi làm ăn buôn bán. Các khu phố cổ trọng yếu đều là nơi họ sinh cơ, lập nghiệp. Các công trình " phúc lợi công cộng" về tinh thần như đền thờ, hội quán, nhà thờ tộc họ, ngay cả trường học, đều là của người Hoa, nằm ở những vị trí đắc địa.
Người Hoa Hội An đến đền, hội quán, nơi thờ tự...để chiêm bái, cầu khấn, có thể nhiều hơn đến chùa thờ Phật; nhà thờ càng hiếm hơn.
Quan Công trở thành vị Thánh có thể ban phúc, lộc, thọ cho họ, và Phục Ba tướng quân (Mã Viện) cũng thế. Niềm tin thần thánh của họ mạnh mẽ không khác niềm tin tôn giáo. "Thằng giặc" của Việt Nam không làm họ băn khoăn khi thờ cúng; họ coi đó là vị thần Bổn Mạng, theo tin tưởng của mình.
Họ có học lịch sử VN và biết rõ ràng, hai vị vua nữ trung liệt bị chết dưới tay Mã Viện, mở đầu cho gần 1000 năm đô hộ giặc Tàu, chỉ chấm dứt khi Ngô Quyền phá tan quân Nam Hán năm 930.
Họ vẫn thờ Mã Viện, Phục Ba tướng quân, ở "chùa" ông Bổn, không phải vì ông ta đem lại thời gian nô dịch gần ngàn năm cho người Tàu, mà vì ông ta là thần hộ mệnh cho họ, hàng trăm năm trước. Lịch sử chính trị (của người Việt) trở thành lịch sử "tôn giáo" (của người Hoa): Mã Viện là vị thần hộ mạng, nằm ở chính điện, được nhang khói, thờ phượng quanh năm.
Nếu "chùa ông Bổn" tọa lạc ở một địa phương khác như Nghệ An hay Hà Nội thì thế nào? Tôi nghĩ rằng, ngôi đền thờ này đã tan tành "xí quách" trong thời gian biến động như cải cách ruộng đất ở miền Bắc.
Tại sao, ngôi đền gần 200 trăm năm, thờ Mã Viện vẫn tồn tại ở Hội An?
Đây là câu hỏi tưởng khó nhưng rất dễ trả lời: người Hội An có tinh thần khoáng đạt, bao dung, hiểu biết. Họ hiểu vị thần tên gọi Phục Ba tướng quân kia là niềm tin tâm linh của cộng đồng người Hoa, một sắc dân đóng góp to lớn về vật chất và tinh thần cho diện mạo phố cổ được vinh danh thế giới. Có công trình "cổ" nào ở Hội An không mang dấu ấn người Hoa sinh cư ở đất này mấy trăm năm nay?
Ngôi đền ông Bổn nhắc nhở quá khứ đau thương của dân tộc vì thờ một "đại giặc" vẫn tồn tại trong cộng đồng người Việt và người Hoa ở cái thành phố "lạ lùng" này. Điều đó nói lên cái gì?
Nếu "kiên định lập trường địch ta" thì 2 ngôi đền cần phải đập bỏ vì thờ Quan Vân Trường và Mã Viện. Quá khứ Hội An sẽ mất đi 2 di tích lâu đời. Niềm tin tâm linh trong cộng đồng người Hoa sẽ ra sao? Sự đoàn kết Việt Hoa thế nào?
Phá dễ hơn xây. Lịch sử VN sẽ còn nhiều di tích quý giá nếu không xuất hiện cái chủ nghĩa cộng sản một thời áp dụng thẳng tay. Và Hội An sẽ không còn cái "chùa" ông Bổn này đâu.
Đền ông Bổn biểu hiện lòng bao dung, sự đoàn kết, và tầm hiểu biết của người Hội An, cả những người trước và sau 1975.
Ai còn "địt mẹ, đéo bà" khi viếng ngôi đền này cũng nên tỏ ra khoáng đạt như người Hội An, con dân Quảng Nam, tỉnh có bà mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất nước.
Hội An giá trị không phải chỉ ở phố cổ, giá trị còn nằm ở chính con người Hội An. Có con người, có tất cả, dẫu đó là phố cổ.
Đền ông Bổn, ảnh tác giả chụp.