(American lives are in China's hands)
Trung Quốc là quốc gia mà tòa Bạch Ốc gọi: quốc gia “cạnh tranh chiến lược”; quốc gia có nhiều hoạt động gây ảnh hưởng rất mạnh đối với chúng ta; quốc gia mà bộ Ngoại giao Mỹ mô tả là nhà nước độc tài, có nhiều vi phạm quyền con người; quốc gia mà Washington la lối “liên tục trục lợi nền kinh tế Mỹ”; quốc gia bộ trưởng ngoại giao Pompeo gọi lãnh đạo họ là “mối đe dọa chủ yếu tới sức khỏe và đời sống” chúng ta; quốc gia các quan chức chính phủ Trump quy kết đã che giấu sự thật về sự bùng phát dịch bệnh.
Nhưng Trung Quốc lại là quốc gia Hoa Kỳ đang nhờ vả cung cấp dụng cụ để cứu mạng sống người Mỹ.
Như là một số phận trớ trêu – lẽ ra không có – đây là quốc gia, đáng phải chịu trách nhiệm về lây lan đại dịch vì cố tình che giấu giai đoạn đầu bùng phát, bây giờ lại là nước ở vị trí thủ lợi nhờ ảnh hưởng chết chóc do dịch bệnh.
Cộng đồng tình báo Mỹ từng cảnh giác Trung Quốc đã chú tâm mở rộng kinh tế của họ ra toàn cầu. Giờ đây, trung tâm đại dịch chuyển qua Hoa Kỳ với hơn 300.000 người nhiễm Covid-19 đầu tháng 4, sự thiếu chuẩn bị của Trump tạo cho Trung Quốc có một lợi thế mở rộng kinh tế thật nhanh chóng.
Chính quyền Trump lẽ ra phải có một chiến lược đúng lúc, dự trữ đầy đủ và phân phối nhu cầu thiết yếu trước khi đại dịch tàn phá đất nước. Không có gì cả. Càng tệ hại hơn, TT Donald Trump lại lần lữa nhiều tuần lễ, không áp dụng Luật sản xuất thời chiến (Defense Production Act), nhờ nó, ông điều phối trực tiếp vật tư, nguyên liệu cho các nhà sản xuất, để họ chế tạo máy trợ thở và khẩu trang y tế N95. Hôm thứ sáu, ông mới có động thái cắt giảm xuất khẩu dụng cụ bảo hộ an toàn cá nhân – trong khi có hơn 7000 người Mỹ bỏ mạng.
Dù Trump có nhiều động thái mới, Hoa Kỳ vẫn chưa sản xuất đủ dụng cụ đáp ứng nhu cầu y tế cho người bệnh. Thất bại của chính quyền trong sự chuẩn bị cho đại dịch làm cho người dân chẳng có lựa chọn nào ngoài chuyện tự lo cho mình.
Thống đốc New York, Andrew Cuomo, hôm thứ bảy cho biết, chính quyền Trung Quốc sẽ tặng cho tiểu bang 1000 máy trợ thở, và bang đã đặt làm 17.000 chiếc khác. Trong lúc đó, các công dân hãng tư nhân như ông chủ của Patriots là Robert Kraft có được những khẩu trang y tế cực kỳ hiếm hoi đặt làm từ Trung Quốc.
Nhà sản xuất dụng cụ y khoa hàng đầu Trung Quốc cho biết nhu cầu về máy trợ thở, lấy ví dụ, bây giờ phải gấp 10 lần ở các bệnh viện trên trái đất. Dù dữ liệu không phải đáng tin từ nguồn của Tàu, một quan chức Trung Quốc cho thấy họ có 21 nhà sản xuất máy trợ thở, và nói họ có 20.000 máy nước ngoài đang đặt hàng. Với đà này, các đơn hàng mua sản phẩm TQ sẽ tiếp tục lên cao.
Trung Quốc đang bỏ tiền vào túi nhờ một cuộc khủng hoảng họ tạo ra phần lớn.
Đây vừa là mối lợi cho kinh tế, cũng vừa là đỉnh cao tuyên truyền cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Những cuộc tấn công nhằm bóp méo thông tin mới đây tô vẽ Đảng như là nhà lãnh đạo thế giới khi nói tới sự đối phó khủng hoảng, phủ nhận sự thật là Đảng phải trực tiếp chịu trách nhiệm về việc đàn áp thông tin cảnh báo, khiến dịch bệnh lây lan hàng mấy tuần liền.
Trong lúc Hoa Kỳ đang vật vã ngăn chặn vi rút, chữa trị người nhiễm, thiếu thốn vật tư y tế, thì Trung Quốc, tuyên bố đã “khống chế dịch”, đang sản xuất vật tư ở nhịp độ Hoa Kỳ không thể làm được. Sau nhiều tháng phong tỏa, TQ đang khởi động mạnh mẽ bằng cách lấp đi những khoảng trống kinh tế trong khi người Mỹ chúng ta lại ngất ngư với việc khống chế vi rút. Họ có cả một chiến lược còn chúng ta thì... NO.
TQ cũng có nhiều đòn bẩy chính sách ở nước ngoài hơn bao giờ hết trong lịch sử gần đây. Chúng ta đã “nhãn tiền” cái trò chơi này. Chiến tranh ngôn từ giữa quan chức Mỹ và Trung Quốc đã lắng đi mấy ngày gần đây. Pompeo đã đúng khi nói lên người Trung Quốc phải chịu tội (culpability) trong cuộc khủng hoảng này. Nhưng sự khăng khăng của ông, và cả Tổng thống, khi nhắc đến “Vi rút Trung Quốc” hoặc “Vi rút Vũ Hán” lại đang tịt ngòi (misfire) về nhiều mặt.
Không những nó có thể làm bùng lên kỳ thị chủng tộc không đáng, mà nó còn đưa ra một thông điệp lộn xộn đến phần còn lại của thế giới, đặc biệt ở chỗ Trump lại khen TQ trong nỗ lực ngăn chặn vi rút hồi giữa tháng giêng.
Chuyện rồi cũng xong, Hoa Kỳ khăng khăng gọi Vi rút Vũ Hán trong thông cáo chung G7 – không được thành viên khác đông ý – làm kết cục G7 chẳng ra được một thông cáo chung. Chúng ta làm rạn nứt khối G7 trong khi đoàn kết hết sức thiết yếu trong lúc này.
Giờ đây, khi mạng sống người Mỹ đang tùy thuộc vào Đảng Cộng sản Trung Quốc (nguyên bản viết hoa - ND) đồng ý xuất hàng y tế đến Hoa Kỳ, cuộc chiến ngôn từ đang dịu lại. Người dân Mỹ không biết liệu Trung Quốc có đổi chác gì với chính quyền Trump hay không. Nhưng có một điều hiển nhiên là TQ biết rõ chính quyền Trump đang cực kỳ lo lắng đến việc cứu mạng sống người Mỹ - và rằng Hoa Kỳ cần giữ cho Đảng Cộng sản TQ hài lòng để họ thực hiện mục tiêu đó.
Vì CCP (đảng cộng sản TQ) chỉ đạo kinh tế TQ, họ có khả năng điều phối thương mại, sản xuất, để phục vụ nhu cầu quốc gia.
Chúng ta từng hiểu cách thức này trong cuộc chiến thương mại quá khứ, khi chính phủ họ can dự vào các biện pháp trả đũa, ví dụ như, nhà nước thanh tra không cần thiết, gây chậm trễ trong việc thông quan đối với các công ty Mỹ đang hoạt động tại TQ.
Điều này áp dụng y chang trong đại dịch – TQ có quyền cắt giảm hay làm chậm đi xuất khẩu vật tư y tế xuất đi từ TQ, những thứ mạng sống người Mỹ đang hết sức cần. Họ chơi canh trên chúng ta (They have us over a barrel).
TQ ở trên cơ khi các quốc gia khác đang vật vã đối phó đại dịch. Trong lúc đó, Đảng Cộng sản TQ đang cố làm ở nước ngoài y như trong nước – thủ lợi bằng chuyện láo toét (sell a false narrative).
Họ đang sử dụng mọi công cụ theo ý mình để lan truyền thông tin sai lạc, thổi phồng sứ mạng của họ trong việc chiến đấu chống đại dịch, che giấu nguồn gốc vi rút, và nhiều thứ nữa.
Chính quyền Trump và các quan chức khác cần phải làm mọi cách để cứu lấy mạng sống người dân, ngay từ lúc này. Nhưng họ nên ý thức rằng, dựa cậy vào Trung Quốc sẽ gây một hậu họa khôn lường.
Một thực tế đáng sợ là chính quyền (Trump) đã đặt mạng sống người Mỹ vào tay người Trung Quốc.
Bài của Samantha Vinograd, nhà phân tích an ninh quốc gia của CNN. Là một cố vấn cấp cao tại Viện Biden, Đại học Delkn, không quan hệ gì cựu tổng thống Biden. Cô từng phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thời Barack Obama và Bộ Tài chính thời George W. Bush.