Sunday, January 28, 2024

ĐỘNG VI BINH, TỊNH VI DÂN

Việt Nam là nạn nhân bị xâm lược cả ngàn năm của bá quyền Trung Quốc. Người dân lúc nào cũng ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Động vi binh, tịnh vi dân, chiến tranh thành lính, hòa bình thành dân. Tiền nhân chúng ta khái quát “chiến tranh nhân dân’ như vậy từ rất xa xưa trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Người dân quê yêu quý người chiến sĩ, thời kháng chiến chống thực dân Pháp:

“Hò rì, gò tắt, hò quanh

Dừng trâu đứng lại tiễn anh lên đường”. (*)

Ngày xưa như thế, ngày nay thì sao? Trên đất liền, chiến tranh nhân dân tỏ ra hết sức hiệu quả. Trên biển, nếu có chiến trận, động vi binh được không? Thế trận nhân dân bây giờ bắt đầu bằng việc “Trao tặng cờ tổ quốc cho ngư dân”, đặng “khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của tổ quốc”.

Trung Quốc tuyên bố  chủ quyền gần 80% diện tích biển Đông, ngay trước mũi của đất nước Việt Nam. Sự có mặt của hàng chục, hàng trăm ngàn ngư thuyền cắm cờ Việt Nam chắc chắn là “nỗi lo” cho láng giềng hữu nghị.

Ngày 22 tháng 1 năm 2021, Bắc Kinh thông qua Luật hải cảnh, cho phép sử dụng “mọi phương tiện cần thiết” kể cả vũ khí để ngăn ngừa và ngăn chặn tàu bè nước ngoài. Sau vài hôm, một đội tàu chiến của Hoa Kỳ thực thi nhiệm vụ thường xuyên, “tự do lưu thông hàng hải” đi trên biển Đông. Chắc chắn Trung Quốc không dám ho he với Mỹ.

Vậy, nước nào là đối tượng đầu tiên cho việc TQ có thể “sử dụng vũ khí”? Không khó để có câu trả lời. Hàng trăm ngàn lá cờ trao cho ngư dân VN, chắc chắn có hàng trăm ngàn ngư thuyền: bất cứ tàu nào lưu thông trên biển đều phải cắm cờ quốc gia mình. Trước đây, tàu thuyền ngư dân bị đâm chìm; bây giờ có cần như thế không? Khỏi cần. Bây giờ không cần đâm mà chỉ có bắn, nếu ngư dân trên ngư thuyền không nghe lệnh, rời khỏi “lãnh thổ” mênh mông của Bành trướng; biển ta thành ao nhà của họ.

Năm 1974, Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, mấy chục binh sĩ VNCH tử trận. Cái chết của các liệt sĩ ấy không ngăn được mưu đồ bành trướng. Năm 1988, một phần của Trường Sa cùng chung số phận, nhiều liệt sĩ bỏ mạng nơi biển đảo vì không được "nổ súng trước” với lực lượng hùng hậu của bạn vàng yêu quý

.

Góa phụ của tử sĩ trận chiến Hoàng Sa 1974.

Và, gần như toàn bộ biển Đông, cửa ngõ ra thế giới, bị đe dọa bây giờ bằng vũ khí, thái độ của Việt Nam sẽ như thế nào đây? Phillipines vừa ra công hàm phản đối hành động ngang ngược của bá quyền Trung Quốc. Đài Loan thì sao? Bà tổng thống Thái Anh Văn phản ứng ngay lập tức khi tàu oanh kích của TQ bay qua không phận tranh chấp. Các máy bay chiến đấu cất cánh “nghênh địch”, bám sát tàu đối phương. Nhìn qua ảnh, chiếc tàu như châu chấu đang bám theo chiếc xe. Châu chấu đá xe, đá một cách dũng mãnh.

Cờ cũng là sức mạnh?

Mai đây, nếu có một hay nhiều ngư thuyền Việt Nam làm “vật tế thần” cho Luật hải cảnh (tôi đoán là sẽ xảy ra không chóng thời chầy), liệu có chiến thuyền nào của Việt Nam có động tác như máy bay chiến đấu của Đài Loan hay không? Hay chỉ dừng lại chỗ phát cờ và ảnh bác Hồ cho ngư dân để họ đi khẳng định chủ quyền đất nước?

Người dân Việt Nam có quyền được biết thái độ rõ ràng và dứt khoát từ nhà chức trách. Không thể nhịn nhục quá lâu để bá quyền luôn lợi dụng “được đằng chân lân đằng đầu”. Đài Loan mạnh hơn VN không? Tại sao họ cang cường như thế.

(*) Ca dao mới.

Ảnh: Tổng thống Đài Loan bà Thái Anh Văn.