Tiên Phước là thị trấn vừa có núi vừa có sông; sông Tiên, một trong 2 dòng sông chảy "ngược" của Việt Nam, từ đông sang tây. Vùng đất này hết sức đặc biệt; các loại cây như lòn bon (bòn bon), mít, măng cụt, thanh trà, có cả sầu riêng (mới di thực), tiêu, không kể cây tinh dầu như quế, trầm hương, đều cho trái, quả như các nơi nhưng hương vị từng loại, phải nói là "không nơi nào có được".
Tác giả và trầm hương Tiên Phước.
Ví dụ: thanh trà Huế nổi tiếng ngon nhưng hương vị không "đặc biệt" bằng thanh trà Tiên Phước: trái không lớn, các múi nhỏ, trong mọng, khi nhai trong miệng, nhảnh nha, người ăn cảm nhận vị ngọt thanh của bưởi Biên Hòa hay bưởi Năm Roi (Nam bộ), vừa có vị “nhân nhẩn” (hơi đắng), the the của thanh trà Huế, tạo cảm giác vừa ngọt ngào vừa thoang thoảng mùi hoa bưởi, khi nuốt vào chầm chậm. Trưa oi bức như trở nên mát dịu. Hãy nhảnh nha với các tép thanh trà Tiên Phước.
Thanh trà Tiên Phước.
Măng cụt không to bằng măng cụt Nam bộ nhưng ngọt, thanh, đậm đà hơn nhiều. Tôi rất ngạc nhiên khi loại trái cây đặc biệt này có hương vị không giống ở quê hương trù phú miền Nam của nó. Có lẽ đất bán sơn địa Tiên Phước, đất của cây quế, đã đem lại nhựa sống mới cho măng cụt nơi vùng đất mới?
Tôi cũng rất ngạc nhiên, tiêu miền đông Nam bộ giá 50 ngàn một ký, tiêu Tiên Phước giá 500 ngàn một ký. Tôi ăn thử tiêu xanh, quả thực khá lạ, tiêu rất cay nhưng rất dịu, pha lẫn giữa mùi tiêu rừng (mùi tiêu lốp miền Nam) với tiêu thường, có hẳn một hương vị riêng, chỉ khi ăn mới cảm nhận, diễn tả không đủ lời.
Quê Thường Đức của tôi có làng Đoài Sơn nổi tiếng mít trái, mít non. Nhưng khi thưởng thức món mít trộn tại đây, tôi mới thấy, tiếng đồn là sự thật, mít non Tiên Phước, múi mít có hạt nhỏ, cơm nhiều, ít xơ, và đặc biệt vừa giòn, vừa dai. Mít chỉ trộn với đậu phộng rang, rau răm, nước mắm nhưng hương vị của nó tưởng là cao sang lắm. Người Quảng với mít non có duyên rất nhiều:
Bạn về nhắn với bậu (nậu?) nguồn.
Mít non chở xuống, cá chuồn chở lên.
Mít Tiên Phước kho với cá chuồn, tôi nghĩ, người có tuổi Quảng Nam cũng nên ăn một lần trong đời, để thấm đẫm ý nghĩa câu ca dao ở trên, và để hiểu rằng, các món ăn đơn giản mang trong mình lịch sử của những tháng năm nghèo khó xa xưa, cá chuồn và mít non cũng đã đi vào ca dao không khác chi:
Cá chuồn kho với mít non.
Thịt heo, bánh tráng, lòng còn ước mơ.
Nghèo nhưng ngon, đó là các món ăn dân dã, mít trộn này là một.
Tiên Phước còn có món ăn đơn sơ nữa: dưa chuối chát. Quả chuối hột non, gọt sạch vỏ, khứa mỏng quanh thân, ngâm dấm gạo, một đôi ngày, màu trắng đục của ruột chuối đổi màu trắng trong, có mùi thơm, rắc ít ớt bột là ăn được. Các loại dưa gang, dưa cải, dưa cà...thật sự chỉ là "đàn em" của dưa chuối chát (chuối hột).
Chuối hột dầm chua ngọt và trưởi.
Món nữa của làng cổ Lộc Yên, là nem Tiên Phước. Nem đều làm từ thịt heo và heo nuôi vùng núi gọi là heo mọi (tức heo cỏ, hay "heo tộc cặp nách" tránh từ mọi gây chia rẽ sắc tộc). Nêm ăn được khi trở màu đỏ nhạt, ngửi có mùi thơm. Khi lùi vào tro nóng, người ăn sẽ thấy chưa có nem nơi nào có vị như nem Tiên Phước: vừa dai do sợi riềng giã nhuyễn, vừa chua chua do thịt lên men và vừa thơm béo với những hạt mè rang xen lẫn. Quá 9 giờ sáng, bạn hỏi mua để đem về phố cũng không có. Số lượng nem không thể làm nhiều vì loại thịt heo "mọi" này khá hiếm. Thời gian bảo quản không lâu, bỏ tủ lạnh, nem sẽ không ngon như ban đầu.
Nói Tiên Phước mà không nhắc tới trầm hương sẽ là thiếu sót lớn. Trên bức ảnh tôi chụp cùng hướng dẫn viên, cán bộ văn hóa thông tin huyện, các bạn sẽ thấy hai khối trầm phía sau, giá phải là vài tỷ trở lên vì trầm hương này rất đặc biệt: một khối trầm quá lớn, cả đời người, hay nhiều đời người, chưa chắc có ai may mắn tìm ra. Tiên Phước là phước từ cõi tiên.
Chấm dứt bài viết, còn một món, một "món" đặc biệt, không thể "ăn" mà để..."ngắm": các cô gái vùng Tiên Phước. Hầu hết các cô đều có làn da trắng mịn, mái tóc đen mượt. Các ngôi nhà len lỏi trong núi rừng, khe đá, khí hậu nơi đây, và nhất là dòng nước sông Tiên, các cô luôn tắm mát, cộng với đất trời đã đem lại cho họ làn da như những cô gái Sapa hay Đà Lạt?
Không, đó là một phần, tôi nghĩ, nét đẹp của các cô gái nơi đây còn nằm ở nụ cười. Bất kỳ người phụ nữ nào nơi này khi trả lời khách hỏi, họ đều bắt đầu bằng nụ cười hồn hậu, chân phương.
Không thế, ở đây làm gì có dòng sông Tiên. Xưa tiên tắm rất nhiều. Sông Tiên vì thế mới có tên?