Không ngờ loa kéo được “tham dự” cuộc họp hội đồng nhân nhân thành phố HCM. “Loa kéo” thành "loa kẹo kéo”, vì nó phát âm thanh kéo dài, dai nhách, còn hơn kẹo kéo; cách gọi bỉ bôi sự xuất hiện của một loại amply có loa thùng đa năng, vừa phát ra âm thanh, vừa nhận tín hiệu từ smartphone, trình tấu những bản nhạc, hay điệu nhạc, trên Youtube; Karaoke cũng được loa kẹo kéo này kết làm bạn đồng hành. Công suất các loại loa kẹo kéo phải nói là…”quá cỡ thợ mộc”. Nhiều vụ xô xát, ẩu đả, có khi xảy ra thương vong, cũng bởi âm thanh “đinh tai, nhức óc” này. Nhà chức trách có lẽ đã nhận ra sự tác hại của những “loa phát thanh” quá hổ lốn ấy.
Rất dễ sử dụng, dễ vận chuyển (kéo đi bằng bánh xe nhỏ), dễ đặt để, và nhất là dễ sắm vì giá rẻ, sự có mặt của loa kẹo kéo này có thể nói là “phong trào đồng khởi”. Từ thôn quê cho chí thị thành, đâu đâu người ta cũng có thể nghe, trong tâm trạng hết sức bực bội, những giọng ca đa phần là tru tréo hay tra tấn người nghe, hàng xóm hay thực khách, cả du khách ở làng xã, phố phường, các khu du lịch. Sự xuất hiện của thành phần tra tấn màng nhĩ này xuất hiện có cả non chục năm rồi, bây giờ mới được “chẩn đoán” trên bàn nghị sự của các “đại biểu nhân dân”. Nguồn gốc các loại loa kẹo kéo, không khó để truy nguyên chúng sản xuất từ đâu.
Thói thường, người Việt từ dân cho chí quan đều an nhiên tự tại với thái độ lúc nào cũng “nước tới chân mới nhảy”. Nếu cấm các loại loa thùng phát âm thanh quá lớn thì tương lai số lượng loa sản xuất sẽ đi về đâu? Không lẽ chúng phải phát ra âm thanh “vừa đủ nghe” để khỏi làm phiền đôi tai người khác? “Amply”, có nghĩa là khuếch đại âm thanh, lại trở thành đồ bỏ hay đồ cổ? Đã sắm nó mà âm thanh phát ra vừa đủ nghe thì sắm làm chi? Âm thanh càng to mới càng thỏa thích. Có ai nghe hát từ loa kẹo kéo này với âm thanh nhỏ, vừa đủ nghe, và “dễ chịu” không?
Vì sao người Việt Nam ngày nay, đa phần đều thích cái gì cũng “hoành tráng”, trong đó có âm thanh? Tượng đài, cổng chào, bánh chưng, bánh tét…càng “vĩ đại” càng mới “xứng tầm” thời đại. Âm thanh cũng thế. Một lần lên xe buýt ở Singapore, tôi bất chợt mừng rỡ, gặp được đồng hương, khi cuối xe có “tiếng nói Việt Nam” phát thanh oang oang từ cửa miệng của gần chục cô gái trẻ cười nói vô tư. Âm thanh càng to, dù đó là âm thanh từ giọng nói, trong các cuộc họp, đám tiệc, giỗ chạp, cưới hỏi, thôi nôi, đầy tháng, hội hè, đình đám, đều như càng “khẳng định người nói”!
Loa kẹo kéo – sự xuất hiện của một loại âm thanh đinh tai nhức óc - là phương tiện “khẳng định mình” như thế.
Tiếng hát qua loa kẹo kéo (và karaoke gia đình mở toang cửa) bây giờ không khác “tiếng hát át tiếng bom” dẫu là của người hát biết nhạc, biết hát. Bất hạnh thay, hát như ré, hát như thét, hát “lộn lòng phèo”, được khuếch đại hàng chục lần, trở thành âm thanh tra tấn, không phải cho các người hàng xóm, người gần đó, mà ngay cho gia đình, thân nhân người hát. Thử hỏi, khi cường độ âm thanh mức loa kẹo kéo kia duy trì đến năm bảy tiếng, sức chịu đựng của người nghe sẽ tới đâu?
Người hát qua loa kẹo kéo công suất lớn chỗ đông người không phải là khán giả (và karaoke mở toang), tôi thấy họ:
- Ích kỷ. Họ chỉ biết có mình, không biết người khác thích hay không thích.
- Ít hiểu biết. Cường độ âm thanh cao quá ngưỡng không những tác hại cho người nghe mà cả bản thân họ. Họ không hiểu, vì âm thanh cường độ cực đại (Người Mỹ chĩa các loa phát nhạc cực lớn vào tòa nhà đại sứ Roma nơi Noriega trú ẩn) tổng thống Panama phải đầu hàng, không thể trốn mãi ở đó.
- Coi thường người nghe, hàng xóm. “Ta hát to qua loa khuếch đại, làm gì ta, làm gì nhau, ai dám ‘phạt’ ta?”
- Coi thường pháp luật (âm thanh quá mức độ cho phép), coi thường người khác, ích kỷ, ít hiểu biết, kẻ hát hò qua loa kẹo kéo còn chứng tỏ người nghe (nạn nhân của âm thanh cực lớn) có thái độ khá cam chịu. Thôi kệ. Ráng chịu. Ai vô đó, cũng đều là hàng xóm, nói mất lòng, dù có trường hợp vì nhắc nhở hát nhỏ lại mà bị đâm chết.
Thói cam chịu của người VN có thể hiện hữu trong suốt gần 1000 năm nô lệ giặc Tàu? Những cuộc nổi dậy bị đàn áp đẫm máu trong lịch sử đã khiến người Việt Nam xưa trở nên cam chịu rồi truyền đến bây giờ? Cũng không hẳn. Trước 1975, ở miền Nam, người dân nhất là giới học sinh, sinh viên không hề tỏ ra cam chịu. Họ góp phần làm sụp đổ chế độ chính trị bằng cách xuống đường biểu tình. Trong kháng chiến chống Pháp, một số trí thức chấp nhận tù đày, chết chóc để chống lại sự áp bức của thực dân. Họ còn lôi kéo người dân tham gia với họ ngày càng nhiều. Người Việt cam chịu hay sao?
Tính cam chịu bây giờ dường như là bản chất của người Việt Nam? Mỗi khi hàng xóm “tra tấn” bằng âm thanh của loa kẹo kéo, phản ứng của người bị nghe, phải nghe, thế nào? Làm thinh và cam chịu.
Nhưng nếu không cam chịu bị tra tấn bởi loa kẹo kéo, thì ai là người mà họ cậy trông? Pháp luật. Khi âm thanh phát ra ảnh hưởng sức khỏe, sự yên tĩnh nghỉ ngơi, người tạo ra âm thanh ấy cần được chế tài bởi pháp luật. Hàng xóm dùng loa kẹo kéo phát ra âm thanh quá mức cho phép, “nạn nhân” (thường là hàng xóm) phải có địa chỉ để họ gọi đến. Chỉ cần một máy đo âm thanh, kẻ “phạm luật” sẽ bị xử lý tức thì. Ở Helsinki, con gái tôi nói, mùa đông giá rét, nhà nào có con nhỏ mà không thỉnh thoảng dắt chúng ra khỏi nhà, để làm quen với nhiệt độ âm, sẽ bị hàng xóm gọi điện đến báo cảnh sát. Ở VN, kẻ phá vỡ sự yên lặng, tra tấn hàng xóm bằng âm thanh loa kẹo kéo, vẫn an nhiên như nhiên? Họ vẫn thoải mái kéo loa ra hiên hát theo mức độ rượu bia nốc vào nhiều ít?
Đối với nhà chức trách? Họ có trách nhiệm gì với sự xuất hiện của một loại loa phóng thanh có mặt ở mọi miền đất nước, từ xóm quê hẻo lánh đến thành phố phồn hoa; từ trong các căn nhà cá nhân đến các nơi vui chơi, chỗ nhậu nhẹt, quán giải khát?
Một đất nước người dân tôn trọng pháp luật, nhà chức trách thực thi pháp luật, ở đây là vấn nạn âm thanh loa kẹo kéo, đất nước ấy mới là nơi đáng sống, đáng yêu. Thả lỏng cho loa kẹo kéo lê la khắp phố phường, người dân nhận xét nhà chức trách thế nào?
Người Việt Nam rất giỏi ứng biến. Gặp tình huống khó khăn, họ ứng phó rất hiệu quả. Nhưng thấy trước tình huống, họ lại không giỏi bằng đối phó tình huống. Giờ đây, loa kẹo kéo, karaoke, hiện diện trong cuộc họp hội đồng thành phố Sài Gòn, đó là cách ứng phó.
Phải chi khi chưa bị “tác hại” của loa kẹo kéo, người ta thấy trước được tác hại của họ, hay thấy tác hại một hai năm sau khi chúng xuất hiện.
Khi âm thanh quá mức, gây “rối loạn” yên tĩnh xã hội, nhà chức trách “vào cuộc”, tôi chợt nhớ đến câu nhắc nhở của phát thanh viên nữ đài Sài Gòn trước 1975 mỗi 12 giờ trưa hay 10 giờ tối nói trên radio: “Xin quý thính giả vặn âm thanh vừa đủ nghe để khỏi làm phiền hàng xóm đang cần sự nghỉ ngơi sau giờ làm việc”.
Chiếc radio là cháu kêu loa kẹo kéo hay dàn karaoke khủng bằng ông cố, có khi là ông tổ, xét về công suất phát ra âm thanh, nhưng nhà chức trách “Ngụy” vẫn quan tâm đến đồng bào mình. Đài tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ thủ đô Sài Gòn đã tắt sau 1975, nhưng tiếng nói dễ thương - câu nhắc nhở trên - vẫn còn mãi mãi trong trí nhớ, không những chỉ mỗi mình tôi. Tiếng nói của một phụ nữ phát thanh đẹp gái, đáng yêu – tài hoa nên mệnh yểu?