Friday, January 26, 2024

TRUMP THẮNG HAY BIDEN THẮNG

Bắc Kinh đều hy vọng có điều chỉnh lại quan hệ Mỹ-Trung.

Khi bàn giao quyền hành ở Washington, theo truyền thống, tổng thống ra đi sẽ viết một bức thư cho người kế nhiệm, kèm lời khuyên tạo mối thân hữu giữa các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ. George Bush cảnh báo Barack Obama: “kẻ thù sẽ tức giận, bạn bè sẽ gây thất vọng”; đến lượt, Obama giục Trump “duy trì trật tự thế giới đang mở ra ổn định sau chiến tranh lạnh”.

Hễ vị nào bước vào phòng Bầu Dục tháng giêng tới, đương kim tổng thống hay Joe Biden, họ cũng nghe tham mưu, chú trọng vào quan hệ Mỹ-Trung đã định hình thời gian Trump giữ chức.

Nói thật, tổng thống nhậm chức năm 2021 là người đầu tiên trong hai thập kỷ phải đối mặt thách thức ngoại giao lớn nhất, không phải là gia tài đổ nát với hai cuộc đổ quân vào Afghanistan và Iraq nhưng là với một trật tự thế giới mới đa cực, Hoa Kỳ không còn là siêu cường duy nhất.

Trung Quốc ngày nay thách thức vị trí Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất, và với một quân đội hùng mạnh, họ đe dọa quân lực Mỹ hay đồng minh ở một số điểm nóng nguy hiểm. Các nhà quan sát cảnh báo về một cuộc chiến tranh lạnh mới, thậm chí cuộc đối đầu trực diện, hay các trận chiến núp bóng 2 siêu cường.

Dưới thời Trump, Washington đánh TQ bằng thuế quan, cấm vận quan chức TQ và Hong Kong, tăng cường trợ giúp cho đảo quốc tự trị dân chủ Đài Loan. Trong năm, Trump liên tục quy trách nhiệm cho Bắc Kinh về thảm họa dịch bệnh, đóng cửa lãnh sự quán cả ở Mỹ lẫn TQ.

Về phần mình, Bắc Kinh đang tìm cách tái điều chỉnh vào tháng giêng dù cuộc bầu cử kết quả thế nào. Lãnh đạo Bắc Kinh không mong họ là điểm nóng trong cuộc đua tổng thống, thái độ diều hâu chống Bắc Kinh ngày càng gia tăng sự đồng thuận trong hai đảng.

Một chuyên gia nghiên cứu về giới lãnh đạo TQ, Ryan Manuel nói rằng quan hệ với Mỹ “là lỗi cá nhân Tập Cận Bình, và trong nước quy trách nhiệm cho ông ta về sự tồi tệ này”. Ông nói tiếp: “Chính quyền TQ thời điểm này được cho là chờ và đợi, chỉ hành động chính xác tương ứng với thái độ của Mỹ. Bầu cử xong, TQ sẽ khởi động chính sách điều chỉnh”.

Đại sứ TQ tại Mỹ tuyên bố: "Bắc Kinh Mạnh mẽ chống lại, bất cứ tình huống nào, một cuộc Chiến tranh lạnh mới, hay sự chia tách. Chúng tôi cam kết phát triển quan hệ Mỹ-Trung bền vững, sâu sắc”. Ông nói tiếp: “Quan hệ Trung-Mỹ gặp khó khăn nghiêm trọng hiếm thấy trong 41 năm gắn bó bang giao. Giờ đây, quyền lợi thiết thân của nhân dân hai nước TQ và Hoa Kỳ bị tổn hại nghiêm trọng hơn”.

Rạn nứt ấy không chỉ do phía Washington, Trump chỉ làm trầm trọng thêm, mà còn do phía Bắc Kinh từ chính sách ngoại giao ngày càng táo tợn (aggressive), bành trướng quân sự cũng như gieo rắc kinh sợ vì các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng, Hong Kong.

Đại dịch Covid-19, lan rộng khắp thế giới vì sai lầm kìm chế từ ban đầu bùng phát ở Vũ Hán, lại tạo cơ hội cho Bắc Kinh lấn lướt với tham vọng “Hồi sinh đất nước”, khôi phục lại vị trí xa xưa trong lịch sử “Đại Hán”, bị tước mất qua “thế kỷ tủi nhục”, Trung Quốc ngồi chiếu dưới vì các cuộc xâm lược đế quốc và chiến tranh thuộc địa.

Kinh tế TQ phát triển trước cả dịch bệnh dù có chiến tranh mậu dịch với HK. Họ vượt qua các cơn bão phong tỏa, khống chế dịch tốt hơn nhiều nước, đặc biệt các nước lớn như Mỹ, Ấn và Brazil. Đối với nhiều người ở TQ, đặc biệt giới lãnh đạo, điều này khẳng định mô hình chính trị, quản lý kinh tế từ trung ương xuống là đúng, nhất là, đời sống dân chúng dần dần ổn định trong nhiều tháng nay.

Dưới thời Tập, quân đội nhân dân TQ lớn mạnh hết mức, dù ngân sách quốc phòng còn kém Mỹ. Các tháng gần đây, PLA (quân đội nhân dân) có nhiều động thái gây hấn ở Biển Đông, dãy Hy-mã-lạp-sơn, cũng như đe dọa đồng minh Mỹ, Đài Loan. Họ còn đẩy mạnh tuyên truyền ẫm ĩ nhân kỷ niệm 70 năm cuộc chiến tranh Triều Tiên mà họ gọi là “Kháng Mỹ, viện Triều” ngay trong lúc Trump vừa đe dọa TQ phải “trả giá đắt cho việc gây ra dịch bệnh.

Trái lại, nhiều quân đội, không hẳn chỉ có Mỹ, thấy ra năng lực của họ ảnh hưởng ngay vì hậu quả đại dịch. Ngày 13 tháng 10, Tập Cận Bình đi kiểm tra binh chủng hải quân nhân dân TQ trong chuyến đi xuống phía Nam; ông nhắc nhở cấp chỉ huy “tập trung chuẩn bị chiến đấu và khả năng tác chiến” cũng như “cảnh giác cao: sẵn sàng chiến đấu”

Nhà phân tích, cựu quan chức ngoại giao, ông Jeff Moon: “Không thể nào quay lại bang giao Mỹ-Trung thời Obama nữa, bởi vì thái độ bài TQ ở Mỹ đang dâng cao”. Ông Moon nói thêm: “Hành vi ngang ngược của TQ đi đến mức không thể ngờ được trong thời “Chiến binh lang sói” (Wolf Warrior) khi liên hệ chính sách ngoại giao cố tình hiếu chiến và gây sự (combative) các quan chức theo đuổi dưới thời Tập Cận Bình.

Chuyên gia về TQ, ông Nick Marro, thuộc cơ quan tình báo kinh tế, đồng ý đổ vỡ quan hệ đều đến từ hai phía.

Ông nói: “TQ đang cố giữ mối quan hệ ngưng tồi tệ nhưng chẳng biết làm gì để nó tốt hơn. Quá nhiều mâu thuẫn cả hai đang có, không chỉ thương mại, mà còn đụng tới vấn đề Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương, và Biển Đông. TQ coi những vấn đề này là “cấm kỵ” (red lines) trong khi đó, dư luận trong nước, với không khí sặc mùi tự tôn dân tộc, trói chặt tay chân lãnh đạo TQ; bất kỳ động thái xuống nước nào cũng bị coi như ‘đầu hàng’ áp lực của phương Tây”.

Hầu hết giới quan sát đều đồng ý nếu Biden đắc cử tổng thống, như thăm dò cho thấy, ông ta sẽ theo đuổi chính sách ít công khai hung hăng hơn về TQ, dù cho cơ bản, ông cũng hồ nghi Bắc Kinh không thua gì Trump.

Ông Moon tiếp: “Biden sẽ theo cách hành xử xưa nay, dựa nhiều vào cộng đồng trong nước, vào đồng minh truyền thống của Mỹ, đưa ra các quyết định thận trọng về các vấn đề Mỹ-Trung”, đối nghịch các chính sách thất thường của Trump về Bắc Kinh.

“Cách xử lý vấn đề chú trọng vào khuôn khổ cam kết song phương chính thức, tiên lượng được, giúp điều phối lại không khí giao hảo bằng cách củng cố toàn diện mối quan hệ Mỹ-Trung, tránh khả năng hiểu lầm có thể dẫn đến leo thang xung đột”.

Ông còn nói, các vấn đề trọng đại khác vẫn không giải quyết nổi. “Sau nhiều thập kỷ đối thoại, hợp tác về nhiều vấn đề rộng lớn song phương, TQ vẫn khư khư không chịu thay đổi, đổi mới chính sách, đáp ứng quan tâm của người Mỹ. Mô thức điều chỉnh (chính sách), vì vậy, không thể nào được Hoa Kỳ chấp nhận”.

Ông nói tiếp: “Sự khác biệt thuộc về chiến lược nhiều hơn. Biden sẽ tận dụng nhiều hơn chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc nội ở một số lĩnh vực Mỹ cho là TQ gian lận (cheat), tận dụng nhiều hơn đồng minh Hoa Kỳ”.

Trở lại cách tiếp cận TQ mềm mỏng như thời Clinton là không thể, vì hai đảng (Cộng hòa, Dân chủ- ND) đều ghét (hostility) Bắc Kinh cũng như đều phẫn nộ về các vấn đề Tân Cương hay quân sự hóa ở Biển Đông.

Cuộc bầu cử tổng thống 2012 nổi lên đề tài Nga hay TQ nước nào đối trọng với Mỹ. Không ai không đồng ý, Bắc Kinh cho thấy họ thách thức lớn hơn nhiều, mọi sự chùn bước trước thách thức này sẽ bị coi là nhu nhược, mặc cho hiện nay, thất bại rõ ràng, chiến lược Mỹ đang theo đuổi không thay đổi hành vi của Bắc Kinh.

Trong một bài xã luận, Tân Hoa Xã viết: “Thổi phồng ‘mối đe dọa TQ’ là ‘âm mưu định sẵn’ trong các cuộc bầu cử phổ thông ở Mỹ”. Trong khi Bắc Kinh lớn tiếng ta thán bị đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ tấn công, thì ở trong nước họ ra tay đàn áp chính trị. Lãnh đạo TQ hy vọng, một khi phiếu đã bầu, Trump hay Biden đều thấy thoải mái hơn để tìm đến giọng điệu hòa hoãn hơn.

Bốn năm qua, Trump vừa sửng cồ vừa xuống nước với TQ, lúc ca ngợi Tập, hồ hởi thỏa thuận thương mại; lúc thì gọi Bắc Kinh là kẻ thù số một của Mỹ, bắt họ chịu trách nhiệm về tất cả tai ương trên thế giới.

Điều này phản ảnh sự chia rẽ trong đội ngũ của Trump, có những người coi quan hệ TQ là quan hệ với một quốc gia lớn về kinh tế; có những người phái diều hâu, dẫn đầu là “khắc tinh” của Bắc Kinh (bête noir) bộ trưởng ngoại giao Mike Pompeo.

Những ai muốn quan hệ hàn gắn sẽ hy vọng xoay trục về các người hòa hiếu với TQ trong nhiệm kỳ thứ 2 của Trump, nhưng Marro, nhà phân tích kỳ cựu cho rằng điều ấy không xảy ra.

Ông nói: “Thương mại thỏa thuận giai đoạn 1 có được vì tổng thống Trump lo âu cho việc tái đắc cử của mình; thỏa thuận nghiêng về tránh thuế quan tương lai, vấn đề có thể gây ra cú “hồi mã thương” (blowback) trong bỏ phiếu, hơn là biểu trưng có thay đổi thực sự quan hệ kinh tế Mỹ-Trung”.

“Tuy nhiên, nếu TT Trump tái cử, ông sẽ không bị hạn chế tay chân trong nhiệm kỳ 2. Điều này khiến ông thoải mái cấm đoán thêm về đầu tư hay nguồn tài chánh giữa công ty Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đây sẽ là thiệt hại kinh tế cả TQ lẫn Mỹ - chưa kể nó làm trật hướng hồi phục kinh tế thế giới kỳ vọng trong năm tới – nhưng những cân nhắc đó trước đây không ngăn cản được ông”.

Ý kiến ở TQ chia rẽ sâu rộng, không rõ Trump hay Biden, về lâu về dài, sẽ tốt hơn cho nước họ. Mục đích cuối cùng TQ muốn là ổn định trên tất cả cái khác; các mối quan hệ rạn nứt nhiều trong 4 năm qua đến nỗi còn cái gì sót lại, thì thật ra, chỉ là mối quan hệ đã đổ vỡ.

                                                          Trên CNN 26 tháng 10 năm 2020. Nguyễn Long Chiến dịch.