Người ta thường nghĩ “chơi luật rừng” là chơi không có luật, chơi không đúng luật, chơi kiểu mạnh được yếu thua. Luật rừng thường kèm theo sức mạnh. Không kèm sức mạnh, luật rừng trở thành vô dụng. Nai, mển (mang), cáo, chồn, heo, gấu… đều bị anh chúa tể sơn lâm khuất phục nhờ sức mạnh “cọp beo”.
Tôi lân la hỏi chuyện những người dân sống gần như cả đời với rừng thì được biết, luật rừng rất chi là rõ rệt, không phải ỷ mạnh là hơn. Trong rừng, cây đứng của chung, cây nằm có chủ (tôi nói rừng khi chưa xuất hiện ông kiểm lâm). Cây nằm không phải là cây ngã do trốc gốc vì bão hay gốc bị mối mọt phá hỏng. Cây đó có người đốn hạ. Thậm chí, cây nào có dấu băm bằng rựa hay bằng rìu – một ký hiệu có ai đó thấy trước và “xí phần” – người đến sau không được động đến vì cây đã “có chủ”. Tất nhiên, người đi rừng không bao giờ “đánh dấu sở hữu” mọi cây họ chọn. Cây đánh dấu sẽ có giá trị “trong ngày” và không có hiệu lực cho các ngày hôm sau.
Khi phát rẫy trồng hoa màu ở một ngọn đồi, người ta chỉ làm đến đỉnh đồi và dừng lại ở đó, nhường phần cho ai ở phía bên kia đồi phát lên; không có chuyện từ đỉnh phát xuống chân đồi lấy trọn ngọn đồi làm của mình. “Luật rừng” duy trì như thế từ đời này sang đời khác. Không có trường hợp “chơi hết” ngọn núi, ngọn đồi như bây giờ.
Luật rừng “quy định” nhiều chuyện nhỏ nhặt hơn. Vào rừng đốn cây ở lại nhiều đêm, người ta không bao giờ tự tiện “ị” xuống khe, suối mà phải mang rựa, rìu theo, dùng thay cuốc, giấu kỹ phần thải loại của mình. Khi về, trại dựng để ở, làm bằng lá lợp, sập nằm, kể cả đá kê làm ông táo…đều phải để nguyên, không được phá; người ta hiểu để cho ai đó vào rừng sử dụng về sau.
Người xưa “sở hữu” rừng cũng đều theo “luật rừng”. Có những vùng núi mọc rất nhiều cây dầu - cây cho một loại nhựa trong suốt, gọi là dầu rái, dùng để trét ghe hay phết lớp mỏng bên ngoài nón lá để ngăn nước mưa. Phần núi cây dầu khai thác có chủ gọi là “vườn dầu”, thường có đường biên “ước lệ” quy định giữa những người khai thác dầu với nhau, khi là một con khe, khi là “bằng mắt” mà không có hàng rào hay cọc mốc rõ ràng.
Tất nhiên, dù khai thác dầu (gọi là hơ dầu, dùng ngọn lửa đưa qua miệng cây, khai thông các mạch gỗ, nhựa cây chảy ra đọng ở phần khoét sâu vào thân cây gọi là máng dầu) không cùng một lần, không ai “ăn cắp” (lấy trộm nhựa dầu ở vườn khác). Mọi người đều phải tuân thủ luật rừng.
Đốt rừng trồng cây tràm “ngắn ngày".
Vùng núi quê tôi phải nói là mênh mông, phong phú các loại cây rừng thuộc hàng danh mộc từ rất xa xưa. Nhờ luật rừng, người dân khai thác rất trật tự tài nguyên thiên nhiên mang lại. Không hề có vụ thưa kiện nào liên quan đến rừng nhờ ai cũng tôn trọng luật rừng, truyền từ đời này đến đời khác, thế hệ sau cho chí thế hệ trước.
Luật rừng ấy có còn duy trì đến ngày nay hay không? Xin trả lời ngay: không. Luật rừng bây giờ được thay thế bằng luật pháp. Rừng hiện nay từ chân núi đến đỉnh núi đều có chủ, với giấy chứng nhận quyền “sử dụng” rừng được pháp luật bảo hộ.
Cây thiên nhiên như lim, gõ, kiền kiền, chò, mùn, sơn huyết, sơn sừng, huỷnh, huỳnh đàn, sến, mít nài, xoay (có trái xoay)…chỉ còn trong các câu chuyện kể của các người có tuổi, người già, từng gắn bó với núi rừng trùng điệp. Sự xuất hiện của loại cây “ngắn ngày”, còn gọi là mì ăn liền như keo, tràm (nguyên liệu làm giấy Trung Quốc tiêu thụ hầu hết) làm đảo lộn…luật rừng.
Có người không rõ bằng cách nào sở hữu hàng vài chục hectare, có người gần như cả mấy ngọn núi; có người chỉ sở hữu đôi ba mẫu, đa phần gần chân núi. Chỉ có “người giàu” mới có khả năng trồng cây ngắn ngày này ở những nơi cao của núi rừng. Càng lên cao khả năng trồng keo tràm của người “kém thế” càng hạn chế. Trồng thì dễ nhưng khai thác thì khó. Người ta làm những con đường cho xe tải thu hoạch cây, chạy zigzag ôm theo các ngọn núi. Từ xa, người ta có thể nhìn thấy các con đường trơ đất đá, hiện ra như mạng nhện, chìm nổi trong các ngọn núi phủ tràm keo, những con đường chở cây, được con người dùng máy ủi ra ra từ rất nhiều năm.
Đến đây, quý vị sẽ thấy, có “nhiều người” (quần chúng) hay “ít người” (kẻ lợi thế) sở hữu những vùng núi cơ man nào tràm và tràm, nào keo và keo?
Rừng nguyên sinh (như trước đây khoảng trên 20 năm) có phân tầng sinh thực rất rõ. Trên là các loại cây cao. Kế đến là các loại cây thấp hơn. Thấp nữa là các cây nhỏ hơn, chen lẫn với dây rừng bò chằng chịt. Cấu tạo rừng nguyên sinh là mái nhà cho các sinh vật khác như heo, mển, nai, voi, thậm chí cả cọp, các loài chim muông sinh sống, chen lẫn các con suối, con khe, quanh năm nước chảy róc rách. Cả một thế giới núi rừng sinh động.
Rừng là máy điều hòa không khí. Rừng là nguồn sống phong phú che chở con người. Nhiều người Việt đi du lịch các nước bảo tồn nhiên nhiên khá tốt, đều so sánh, ước chi 30 năm trước núi rừng VN được giữ gìn đến bây giờ như họ. Ngày nay, cây được trồng lại khắp nơi nhưng lại là loại cây ngắn ngày, cứ 4 hay 5 năm phải cắt tiệt, đốt sạch để trồng lại.
Chu kỳ núi trọc đến núi có cây quá ngắn, hệ sinh thái do đó cũng phải đổi thay. Ngày xưa, mưa có thể cả tuần, có khi vài tuần, lũ, lụt có xảy ra nhưng rất “tuần tự” “nhẹ nhàng” không hổ lốn, cuồng bạo như bây giờ. Có mưa là có nước tuôn xuống như trút. Những con đường lấy gỗ, những núi đồi có tràm keo, không đủ sức giữ lại nước, điều tiết nước như rừng nguyên sinh. Các dòng sông tiếp nước từ suối khe núi rừng ngầu đục mỗi khi có một trận mưa lớn, chưa kể mưa dài ngày. Rừng tràm, rừng keo không phải là nơi ở của thú rừng kể cả chim muông giả sử thú rừng, chim muôn đang hiện hữu.
Rừng keo tràm đang mang lại “phở” cho người giàu, “cơm” cho người thường, và “cháo” (làm mướn) cho người nghèo ở những vùng có nhiều rừng núi. Nhưng rừng ấy trồng những loại cây trước đây từng có, điều đó có thể thực hiện được không? Thật khó, vô cùng khó, không khác chi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, có người đang mơ tưởng.
Cần làm lại luật phát triển núi rừng theo hướng trở về với thiên nhiên: tràm keo không phải là lựa chọn duy nhất. Đến đây, tôi lại nghĩ ngược đời: hay là áp dụng lại LUẬT RỪNG như ông bà chúng ta thuở trước? Nhưng rừng như thời ông bà còn đâu mà áp dụng?