Wednesday, January 31, 2024

CHUYỆN SAU NGÀY “GIẢI PHÓNG”

Trong đám bạn thân, tôi có cơ duyên quen 2 đứa: một “quốc gia”, một “cộng sản”.

Ông bạn cộng sản.

Sau 30 tháng 4, tôi ở trọ trong một ngõ hẻm đường Trương Minh Giảng, gần trường đại học Vạn Hạnh. Lúc xin “giấy đi lại” để về thăm gia đình, vừa bước vô văn phòng phường, tôi hết sức ngạc nhiên, khi thấy tay trưởng công an, thằng bạn học cùng cấp nhưng khác lớp dân Quảng Nam, đang chễm chệ ngồi sau bàn “buya rô”, trông thật oai vệ, lẫm lẫm. Hắn hoạt động nội thành mà chúng tôi chẳng đứa nào hay biết.

Tôi định lên tiếng “ê, mi chứng cho tau tờ giấy về quê tí mi”, nhưng kịp im lặng, trước gương mặt lạnh tanh; hắn thấy tôi rồi cúi xuống đống giấy trước mặt, không một lời chào, coi như tôi không có mặt, có lẽ vì đông người bu quanh, đang nghiêm trang và yên lặng đứng chờ xin giấy tờ như tôi.

Cán bộ cách mạng chứ đâu phải thằng M mấy khi, tôi tự nhủ, rồi cầm tờ giấy bỏ lên bàn chờ tới phiên mình. Suốt 30 phút, hắn không nhìn tôi, vẫn cặm cụi làm việc, kể cả lúc trả lại tờ giấy mà vẫn không ngước lên lấy một lần. Cán bộ cách mạng mà.

Tối khuya hôm ấy, khu phố tôi ở có bố ráp của bộ đội, truy tìm một phần tử quấy rối nào đó, dẫn đầu là “ông cách mạng” M ban sáng. Khi tới chỗ chúng tôi trọ, M. đột ngột đi vào nhà, rất lẹ, vì chỗ này nó quen lui tới rất nhiều lần. Chúng tôi mở to cassette, đang “lén” nghe nhạc “ngụy” vì lúc đó rất ghét nhạc “cách mạng”. Đứa nào đứa nấy cũng xanh mặt, M. lấy nón cối xuống, trợn mắt quát chúng tôi: “Tắt đi, tắt ngay, muốn ‘chết’ hả” rồi vội vã quay ra. Độ mấy phút sau, một toán bộ đội đi vào có cả mấy thanh niên đeo băng đỏ đi trước, soát xét giấy tờ tất cả những người có mặt, một lúc sau, họ vui vẻ chào chúng tôi rồi đi ra.

Đến lúc đó tôi mới hiểu thằng M., nhìn vậy chứ không phải vậy, nghĩ lại cảnh ban sáng lúc xin chữ ký của hắn. Nếu không có hắn báo trước, chúng tôi sẽ rắc rối to vì dám nghe nhạc “đồi trụy phản động”. Giữa đám đông hắn cần phải làm mặt lạnh với tôi. Nhờ đóng kịch khá nhuyễn, chứ thân nhau bao nhiêu năm, tôi vẫn không hề biết nó hoạt động cộng sản.

Sau đó một vài năm, hắn được điều về Đà Nẵng làm trong ngành công an, và cho đến nay, tôi chưa hề gặp lại, dù rất nhiều lần về trung; nghe nói lúc hưu, chức nó cũng khá, cán bộ có bằng đại học chính quy được đào tạo ở chế độ cũ mà.

Thằng bạn quốc gia.

Không hên cho thằng này, đang học thì kẹt tuổi, có nghĩa là thừa tuổi theo quy định tổng động viên mùa hè đỏ lửa 1972, phải đăng lính vào trường sĩ quan Thủ Đức, tháng 4.1975 nó vừa thăng chức trung úy chiến tranh chính trị.

Sau mấy tuần rời đơn vị ở Đà Lạt về Sài Gòn, hắn trở lại quê Quảng Nam, trình diện học tập cải tạo ngoài đó. Trước lúc đi diện HO qua Mỹ, hắn kể tôi nghe chuyện lúc mới trình diện.

- Anh tên Tống Văn D., phải không?

- Dạ đúng, thưa đồng chí.  Nghe cán bộ nói với nhau đồng chí, hắn tưởng đó là cách xưng hô tỏ lòng kính trọng.

- Theo địch chống lại nhân dân, giết hại đồng bào, ai là đồng chí của anh - ông ta lên lớp - nói chuyện với tôi mà anh không bỏ kính đen ra hả? Ông cán bộ quát to.

- Dạ, thưa…dạ thưa…(chẳng biết thưa cái gì, hắn lúng túng, nghe ai đó nhắc nhỏ, bèn nói theo)…Dạ thưa cán bộ, bỏ kính ra tôi không thấy đường.

Bạn tôi đeo kính cận hơn 4 độ nhưng có màu đen xanh cho dịu mắt khi đi nắng. Ông cán bộ tưởng đó là kính mát thông thường.

- Lấy ra. Không cãi, không được chống đối. Không thấy đường mà làm tâm lý chiến cho địch, lại lên tới sĩ quan. Anh đừng có mà qua mặt tôi.

- Ký vào đây.

Người cán bộ đưa một tờ giấy, bạn tôi cúi xuống thật thấp, rồi lại cầm tờ giấy lên đưa sát vào mắt, xem là giấy gì, ký chỗ nào.

- Đui hay sao mà dòm sát thế? Lấy kính đeo vào. Mất thì giờ quá.

Bạn tôi vừa sợ vừa tức, nghĩ thầm trong bụng, cách nào cũng bị quát nạt, thân tù có khác. Hơn 3 năm sau, nó ra tù, cái kính đen lịch sử ấy cứ đi theo hắn mãi, cả lúc qua Mỹ định cư.

Gần 40 chục năm sau, khi gặp nhau, tôi hỏi cái kính. Nó cười: “Cũng vui, hồi cải tạo, không bao giờ tao quên cái thằng cộng sản hoạnh họe cái kính. Nhưng năm nào, ngày 30/4 ở Mỹ người ta mít tinh lên án cộng sản, tao lại không thấy còn thù hận, mỉm cười hiểu ra chuyện mi hỏi, bây giờ ai cũng biết kính viễn, kính cận, đều có thể có màu, hồi đó, ít người biết, huống hồ chi mấy ông Việt cộng trong rừng mới ra”. Nói xong nó cười thật to, nụ cười không có gì là oán thán, mấy năm trời bị đày ải, ra tù thì nghe người yêu bỏ đi lấy chồng, một ông cán bộ tập kết già gần tuổi bố cô ta.

Gặp nhau, chúng tôi kể chuyện trên trời dưới đất, không hề nghe nó nhắc đến mấy năm ở trại cải tạo. Cùng tuổi tôi nhưng nhìn nó như đàn ông năm mấy, tóc còn xanh mướt.

Không biết ở Mỹ do sung sướng, hay do mau quên quá khứ, dù đó là quá khứ đau buồn, bị đày ải, mất người yêu, tôi nhìn hắn vẫn trẻ trung, lúc nào trên môi cũng có nụ cười như hồi còn trai trẻ. Không từng ở tù như hắn, tôi đầu tóc bạc phơ, bởi lòng chưa thanh thản như hắn chăng.