Saturday, January 27, 2024

TRUNG QUỐC TRƠ TRỌI

(China Alone)

NEW DELHI. Trong bài diễn văn đầu năm mới, chủ tịch TQ Tập Cận Bình tuyên bố, 2020 là năm đánh dấu một “cột mốc quan trọng”. Tập đúng, nhưng không đúng như ý ông ta. Còn xa mới “là bạn với mọi người trên mọi ngóc ngách thế giới”, ông ta khoe khoang trong bài diễn văn, Trung Quốc làm hại nghiêm trọng uy tín mình khắp hành tinh, xa lánh đối tác, chỉ còn giữ mỗi một động cơ: vũ lực thô bạo.  Viễn ảnh bị cô lập có kìm hãm tham vọng đế quốc của Tập hay không thì hãy còn phải xem.

Các sử gia hầu hết xem 2020 là một năm của biến động. Nhờ Covid-19, nhiều nước mới vỡ ra bài học về chuỗi cung ứng chỉ dựa mỗi Tàu; thái độ quốc tế đối với chế độ cộng sản TQ đã thay đổi.

Thủy triều chuyển hướng khi có tiết lộ cho thấy, Đảng Cộng sản TQ che giấu thông tin quan trọng về Covid-19, lần đầu tiên tìm thấy ở Vũ Hán – theo một báo cáo xác quyết bởi tình báo Hoa Kỳ. Tồi tệ hơn, Tập Cận Bình cố tâm làm giàu trên dịch bệnh, ban đầu, bằng cách tàng trữ các dụng cụ y tế - một thị trường TQ chi phối - sau đó, đẩy mạnh các bước bành trướng hiếu chiến, đặc biệt trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, làm thay đổi nhanh chóng bối cảnh địa chính trị trong khu vực, khiến các cường quốc khác đều phải chuẩn bị đối địch với TQ.

Trước mắt, Nhật Bản hiện giờ có vẻ bắt đầu hợp tác với Five Eyes (Năm Cảnh Giác) – liên minh thu thập, chia sẻ thông tin tình báo lâu đời nhất thế giới gồm Úc, Canada, Tân Tây Lan, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Liên minh “Six Eyes” (Sáu Cảnh Giác) sẽ là trụ cột quan trọng đối với an ninh Ấn Độ- Thái Bình Dương.

Ngoài ra, bộ Tứ, gọi là Quad, gồm Úc, Ấn, Nhật, Mỹ đang cân nhắc đẩy mạnh sâu hơn hợp tác chiến lược của họ. Đặc biệt, đây là một thay đổi đáng kể đối với Ấn Độ từng nhiều năm cố làm lành với TQ.

Như cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông O’Brien, mới đây nhấn mạnh: “Càng về sau, người Trung Quốc càng lấn lướt Ấn Độ”. Từ cuối tháng tư, quân đội Giải phóng nhân dân đã chiếm một số vùng Ladakh ở phía bắc Ấn Độ, nung nóng thêm xung đột biên giới từ lâu đang sôi sục. Điều này khiến thủ tướng Ấn ông Narendra Modi chẳng còn lựa chọn nào ngoài việc chuyển hướng.

Modi đang xem xét lời mời Úc tham gia tập trận hải quân Malabar hằng năm với Nhật, Mỹ, Ấn cuối năm nay. Úc rút khỏi cuộc tập trận năm 2008 khi chỉ có hai nước Hoa Kỳ và Ấn Độ. Mặc dù Nhật tập trận lại bình thường vào năm 2015, Ấn dè dặt không muốn mời Úc tham gia, vì lo ngại Trung Quốc. Lần này thì không. Với sự tham gia của Úc ở Malabar, bộ Tứ sẽ có một sân chơi chính thức, thiết thực, cho diễn tập hải quân.  

Hiện tại, hợp tác bộ Tứ đang đạt được một số sức mạnh chiến lược. Tháng 6, Úc và Ấn đã ký Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần hỗ tương, tăng cường khả năng tương tác quân sự, qua các hoạt động quốc phòng song phương. Ấn có một ký kết tương tự với Hoa Kỳ và sẽ sớm có một ký kết với Nhật Bản.

Về phần mình, Nhật mới đây tham gia cùng Úc, Ấn, Anh làm đối tác chia sẻ tin tình báo bằng việc điều chỉnh luật bí mật quốc gia 2014, trước đó chỉ có trao đổi với một mình Hoa Kỳ. Điều này tăng cường hợp tác an ninh Nhật theo luật 2016, xem xét lại hiến pháp sau chiến tranh Thái Bình Dương do Mỹ áp đặt, cho phép Nhật bây giờ có thể trợ giúp đồng minh khi họ bị tấn công.

Như thế, các nước dân chủ vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương đang hình thành gắn kết chiến lược sâu hơn trong nỗ lực đối phó lại hành động xâm lấn ngày càng tăng của TQ. Bước tiếp hợp lý đối với các nước này là nắm một vai trò phối hợp, đồng bộ nhiều hơn nhằm thúc đẩy an ninh khu vực rộng lớn hơn. Vấn đề còn lại là lợi ích an ninh Mỹ, Úc, Ấn, Nhật lại không hoàn toàn giống nhau.

Với Ấn Độ và Nhật Bản, đe dọa an ninh từ TQ đặt ra gay gắt và cấp thiết hơn, với thái độ hung hăng của TQ chống Ấn Độ, và họ thường xuyên gia tăng xâm nhập vào vùng biển Nhật Bản. Hơn nữa, là nước duy nhất trong bộ Tứ giữ vị trí phòng thủ trên bộ, Ấn Độ còn phải đối mặt viễn cảnh xung đột nghiêm trọng với TQ trên biên giới ở Hy mã lạp sơn.

Trái lại, Hoa Kỳ chưa bao giờ nghĩ đến chiến tranh trên bộ với TQ. Mục tiêu hàng đầu của họ là chống lại thách thức địa chính trị, ý thức hệ, và kinh tế đối với vị trí hàng đầu của Hoa Kỳ. Theo đuổi của Mỹ về mục tiêu đó sẽ là di sản chính sách đối ngoại ảnh hưởng nhất đối với tổng thống Donald Trump.

Trong khi đó, Úc phải có hành động cân bằng khéo léo. Trong lúc muốn bảo đảm giá trị và ổn định khu vực, họ vẫn phải duy trì phụ thuộc kinh tế vào TQ, nước chiếm một phần ba hàng nhập khẩu của mình. Vì vậy, ngay cả theo đuổi gắn bó hơn với bộ Tứ, Úc cũng đã từ chối lời mời của Mỹ tham gia tuần tra hàng hải ở biển Đông. Như bộ trưởng ngoại giao, Marise Payne, tuyên bố mới đây, Úc “không có ý định làm tổn hại” quan hệ với TQ.

Tuy nhiên, nếu TQ tiếp tục theo đuổi chiến lược bành trướng, sự tránh né như thế sẽ không còn biện hộ được nữa. Bộ trưởng quốc phòng Nhật Taro Kono mới đây tuyên bố “sự đồng thuận trong cộng đồng quốc tế” rằng TQ “phải trả một giá đắt” cho chủ nghĩa xét lại võ biền ở biển Đông, biển Hoa Nam, dãy Hy mã lạp sơn, và Hong Kong. Ông ta đúng – khi nhấn mạnh “giá đắt”.

Cho đến khi cái giá của chủ nghĩa bành trướng còn vận dụng, Tập Cận Bình sẽ vẫn dấn bước, tìm cách khai thác chính trị mùa bầu cử, sự chia rẽ, phân cực trong các nước dân chủ lớn. Các cường quốc dân chủ lớn ở Ấn Độ- Thái Bình Dương phải không cho điều đó xảy ra, có nghĩa là cái giá để TQ không còn vận dụng mãi.

Machiavelli (1) viết một câu nổi tiếng: “Thà (họ) sợ hãi  (mình) hơn là được yêu mến”. Người ta không sợ Tập bằng thù ghét ông ta. Điều đó sẽ có ý nghĩa nhỏ bé, trừ phi các nước dân chủ Ấn Độ- Thái Bình Dương cùng chung tay hành động, đề ra phương sách ngăn chặn TQ bành trướng, điều phối chiến lược an ninh của mình, đóng góp xây dựng trật tự khu vực dựa trên luật pháp. Tầm nhìn của các nước ấy phải được làm sáng tỏ, chuyển thành một sự tiếp cận chính sách rõ rệt, hậu thuẫn bởi một sức mạnh có tính chiến lược thực sự. Nếu không như thế, Tập Cận Bình sẽ tiếp tục sử dụng vũ lực thô bạo để gây bất ổn Ấn Độ - Thái Bình Dương thêm nữa, biết đâu không là một cuộc chiến tranh.

Ảnh trong bài: Tổng thống Mỹ, thủ tướng Nhật, thủ tướng Ấn.

Bài viết của BRAHMA CHELLANEY(2) Aug 21, 2020. Nguyễn Long Chiến, dịch.

(1) Triết gia chính trị người Ý đầu thế kỷ thứ 16, nổi tiếng thế giới với tác phẩm Quân Vương. Kinh nghiệm cho ông thấy, chính trị luôn đi kèm với sự lừa dối, phản bội và tội ác (theo Wikipedia).

(2) Giáo sư dạy Nghiên cứu chiến lược, trung tâm Nghiên cứu chính sách, ở New Delhi, Ấn Độ, thành viên Học viện Robert Bosch, Berlin, Đức.