What Happens When China Leads the World
The policies and practices of the country’s dynasties offer insights into how modern Chinese leaders may wield their strength.
“Chủ trương và hành động trong các triều đại phong kiến cho thấy lãnh đạo hiện đại Trung Quốc cậy sức mạnh của họ như thế nào”.
Trung Quốc sẽ là một siêu cường loại nào? Đó là câu hỏi của thế kỷ 21. Theo các nhà lãnh đạo Mỹ, như bộ trưởng ngoại giao Mike Pompeo, TQ sẽ là một ác mộng toàn trị tham tàn (a rapacious authoritarian nightmare), muốn hủy hoại chính nền dân chủ; khỏi cần nói, Bắc Kinh không dễ gì đồng ý.
May cho chúng ta, những người tìm trả lời cho câu hỏi, Trung Hoa là cường quốc trong nhiều giai đoạn lịch sử lâu đời; các chủ trương, hành động trong các triều đại lớn giúp chúng ta hiểu các nhà lãnh đạo hiện đại TQ sử dụng sức mạnh đang lên như thế nào, hiện nay và tương lai.
Tất nhiên, xã hội Trung Quốc hôm nay không như 100 năm trước, nói chi cả 1000 năm. Nhưng tôi từng nghiên cứu các quan hệ đối ngoại của đế chế Trung Hoa và mô thức rõ rệt về một thế giới quan không đổi nổi lên, có lẽ định hình các quan niệm và dự phóng sức mạnh của Bắc Kinh ở thế giới ngày nay.
TRUNG QUỐC DỨT KHOÁT KHÔNG PHẢI LÀ MỘT CƯỜNG QUỐC THÁI BÌNH
Trong thông điệp trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm tháng 9, chủ tịch TQ Tập Cận Bình tuyên bố rõ ràng, nhiều lần rằng, họ cam kết phát triển hòa bình, một quan điểm phổ biến, giống các hoàng đế Trung Hoa thời xưa thường tránh sử dụng gươm đao.
Thật sự đúng, các triều đại Trung Hoa có mối quan hệ lâu bền với một số nước láng giềng Đông Á thời gian dài – khác với châu Âu, các đế chế hầu như không ngừng đấu đá nhau. Người Trung Quốc hiện đại thích so sánh các cuộc thám hiểm tìm thuộc địa của người Âu tàn bạo với các cuộc hành trình của đô đốc Trịnh Hòa vào thế kỷ 15. Ông và đội tàu của mình băng qua Ấn Độ Dương, nhưng không chiếm cứ chỗ nào.
Nhưng cái hình ảnh lạ lẫm của chủ trương hòa hiếu này không nhắc tới các triều đại liên lục chiến tranh. Đương nhiên, các cuộc chiến này đa phần để tự vệ, chủ yếu chống lại một nhóm bộ tộc xâm lăng phía bắc. Nhưng khi ở đỉnh cao quyền lực, các hoàng đế cũng trở thành kẻ bành trướng khá hung hãn. Nhà Hán (206 trước công nguyên – 220 công nguyên), nhà Đường (960-1279) đem quân từ Trung Á tới bán đảo Triều Tiên. Nhà Tống đánh chiếm, giật lấy đất từ các nước đối thủ, không mấy thành công.
Thành công nhất là nhà triều đại nhà Thanh (1644-1912), khắc chế, kiểm soát Tây Tạng và chiếm đóng lãnh thổ, ngày nay gọi là Tân Cương. Các hoàng đế nhà Thanh là người Mãn Châu, một chủng người phía bắc, nhưng đất đai họ nắm giữ hồi ấy, bây giờ lại coi như phần lãnh thổ không được tranh chấp của Trung Quốc. (Quân đội Nhân dân của Mao Trạch Đông đã phải giành lấy Tây Tạng, tuột khỏi tay Trung Hoa trong các cuộc biến loạn vì nhà Thanh sụp đổ, trong khi vùng Tân Cương, có quyền tự trị mức độ cao, cũng phải tái sáp nhập).
TRUNG QUỐC KIÊN ĐỊNH MỘT TRẬT TỰ THẾ GIỚI RIÊNG.
Các quốc gia mà Trung Hoa không, hoặc không thể cai trị bị lôi kéo vào thế giới Trung Hoa bằng một chế độ bang giao và buôn bán nằm trong tay kiểm soát của các hoàng đế. Các vì vua khác phải cống nạp triều đình Trung Hoa, một cách công nhận Trung Hoa bề trên, dù mang tính lễ nghi, vì vậy các hoàng đế mới xem họ là chư hầu. Liệu chế độ cống nạp như thế thực sự diễn ra như một chính sách ngoại giao, áp dụng không đổi, nhất quán, còn là tranh cãi giữa các nhà sử học. Rõ ràng người Trung Hoa thường áp các định chế và thông lệ ngoại giao lên những nước muốn bang giao với họ. Hãy coi đó là trò bang giao do Trung Hoa áp đặt ở Đông Á.
Trật tự này hiếm khi bị thách thức, ít ra là bởi các quốc gia Đông Á lâu đời hơn. Không như châu Âu, các quốc gia nơi này có sức mạnh như nhau, cạnh tranh giành ảnh hưởng, lãnh thổ và buôn bán, Trung Hoa thực sự không có đối thủ. Nói một cách tổng quát, các nước láng giềng chấp nhận sự thống trị của Trung Hoa và tuân thủ quy tắc họ cam kết.
Khi Trung Hoa gặp thách thức, hiển nhiên, họ có thể cậy đến sức mạnh. Nhà Tùy ngắn ngủi (581-816) và nhà Đường, chẳng hạn, trải qua nhiều thập kỷ cố hủy hoại vương quốc hùng mạnh Koguryo ở Triều Tiên. Trịnh Hòa, đô đốc coi là hòa hiếu, đưa quân vào đảo Sumatra (nay là phần của Indonesia) tiến đánh một đối thủ cạnh tranh với vị vua nơi đó vốn là chư hầu Trung Hoa.
Khi người Nhật xâm lăng bán đảo Triều Tiên vào năm 1592, triều đình nhà Minh (1368-1644) đưa quân đến giúp người Triều Tiên đánh đuổi họ. Cuối thập niên 1880, triều đình nhà Thanh tiến hành cuộc chiến giúp nước triều cống Việt Nam chống lại Pháp. Người Trung Hoa còn nắm cách cưỡng chế khác, tỷ như truất quyền quyền giao thương chính đáng đối với những nước bất tuân.
Vì vậy, trong khi Tập Cận Bình tuyên bố trước Liên Hiệp Quốc hôm tháng 9 rằng, Bắc Kinh “sẽ không bao giờ chọn bá quyền, bành trướng, hay gây sức ép” thì lịch sử đã cho thấy Trung Hoa sử dụng vũ lực, hoặc sự cưỡng ép, chống những nước thách thức quyền lực của họ. Điều này có hàm ý đến Việt Nam và các nước Đông Nam Á từng tranh chấp tuyên bố chủ quyền hầu hết vùng Biển Đông, và đến Đài Loan Bắc Kinh xem như một tỉnh ly khai.
Có những chỉ dấu cho thấy TQ sẽ tái lập các hình thái trật tự đế quốc xa xưa một khi sức mạnh của họ bao trùm. Đến 2 lần, Tập Cận Bình triệu tập các phái đoàn cấp cao từ những nước tham gia xây dựng hạ tầng “Sáng kiến một vành đai, một con đường” tham dự các diễn đàn hoành tráng – tuyên dương họ trên danh nghĩa. Ngược lại, các nước không tuân theo mệnh lệnh Bắc Kinh đều bị từ chối lợi quyền của họ. Trung Quốc cấm nhập cảng hàng Canada và Úc trong các cuộc tranh cãi ngoại giao mới đây, và Bắc Kinh nhắm vào các doanh nghiệp Hàn ở Trung Quốc 3 năm trước, sau khi Seoul đồng ý triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Hoa Kỳ, TQ xem như một đe dọa an ninh.
TRUNG QUỐC XUẤT KHẨU GIÁ TRỊ TÀU
Một lý do hỗ trợ cho quan điểm TQ là một siêu cường hòa bình (a benign superpower): chính sách ngoại giao không cần nguyên tắc đạo lý. Khác với Hoa Kỳ, nỗ lực truyền bá các giá trị tự do cho mọi người, TQ không quan tâm đến việc đổi thay thế giới, có thể nói thêm, họ chỉ muốn kiếm tiền từ thế giới. Một vài sự thật chứng minh. Người Trung Quốc hài lòng không kém khi bán mạng lưới 5G Huawei cho nước Nga chuyên quyền cũng như nước Đức dân chủ, chẳng một lời ta thán.
Mặc dù, theo lịch sử, người Trung Hoa tin rằng văn hóa của họ có sức mạnh khai hóa – có thể biến man rợ thành văn minh. Chính Khổng Phu Tử nghĩ như thế. Trong Luận Ngữ, vị hiền triết vĩ đại nhất Trung Hoa bày tỏ ước muốn được sống với người man di. Có người tò mò hỏi làm sao ông chịu được các tập quán man rợ của họ. Không chút lo lắng, Khổng Tử đáp: “Nếu người quân tử ở với họ, lỗ mãng có còn được không?”.
Thực tế mà nói, các vị quan xưa của Trung Hoa thật sự không kỳ vọng thế giới “trở thành người Hoa”, nhưng họ muốn xiển dương nền văn minh của mình. Các nghi lễ đón tiếp các sứ giả diện kiến trong cung điện được tổ chức khá uy nghi. Các quan lại nhà Đường xây ký túc xá cho sĩ tử nước ngoài muốn học thơ văn Trung Hoa trong các trường quốc tử giám nổi tiếng vương triều. Các cuộc viễn du của Trịnh Hòa, trên hết, là muốn chứng tỏ sự vĩ đại của Trung Hoa: Người ra lệnh cho các cuộc viễn du, Minh Thành Tổ, mường tượng người dân vùng Nam Ấn “phủ phục” và “ngước nhìn Hoàng Thiên, mọi người cúi đầu mà khấn: ‘Phước hạnh xiết bao, thần dân nguyện ước sự khai sáng được các bậc thánh hiền Trung Hoa soi dẫn”.
Người Trung Hoa cũng hiểu có liên quan giữa văn hóa và quyền lực. Các dân tộc khác hiển nhiên ngó về Trung Hoa, một xã hội tiến bộ hàng đầu châu Á, khi xây dựng vương quốc của mình, thoải mái bắt chước quy tắc, luật lệ, tổ chức cai trị, hình thái văn chương, nghệ thuật, và nhất là chữ Hán. Sự gắn bó văn hóa chung như thế vẫn duy trì ảnh hưởng Trung Hoa trong khu vực, ngay cả khi Trung Hoa rơi vào suy thoái.
Tập biết rất rõ điều đó, ông muốn xây dựng sức mạnh mềm TQ bằng việc nâng cao giá trị Tàu, cả về truyền thống lẫn về hiện đại. “Sự thật chứng minh, đường hướng và chế độ của chúng ta…đang thành công”, ông từng nói, “Chúng ta nên phổ biến sức mạnh văn hóa của mình ra khắp thế giới, mọi lúc và mọi nơi, cùng những giá trị đương đại, sức hấp dẫn trường tồn của văn hóa Trung Hoa”.
Đây chính là mục tiêu hình thành các Viện Khổng Tử và các chương trình của nhà nước, nhằm quảng bá ngôn ngữ và văn chương Trung Hoa. Sau nỗ lực tiêu diệt coronavirus (được cho là) vượt trội của Bắc Kinh, các quan chức Trung Quốc, các cơ quan truyền thông nhà nước đã không ngừng huênh hoang hệ thống cai trị (độc tài) của họ là ưu việt, đồng thời, gièm pha nước Mỹ (dân chủ), chế nhạo cách đối phó đại dịch của nước này.
Điều hàm ý là, Trung Quốc ngày nay sẽ ưa thích nước nào giống họ, không khác chi các hoàng đế thời xưa. Thời phong kiến, các nhà cai trị Trung Hoa có khuynh hướng ưu ái ngoại bang nào “ảnh hưởng Tàu nhiều hơn”. Thế kỷ thứ nhất, nhà sử học Ban Khứ phát triển khái niệm “thế giới bên trong” – gồm những xã hội ảnh hưởng văn minh Trung Hoa – và “thế giới bên ngoài” gồm những nước man di, khó dạy (incorrigible barbarians) vẫn còn mờ mịt trước ánh sáng Trung Hoa.
Đám đông bên trong thế giới ấy được đối xử hiền hòa hơn, tham dự gần hơn công việc của người Hoa. Điều này cho biết, cuối cùng, TQ sẽ ủng hộ các chế độ cùng tâm thế (trắng ra là toàn trị) như họ. Họ làm đúng như thế, bằng cách kết thân các chính phủ phi dân chủ (illiberal) như Bắc Hàn, Iran, Belarus, Venezuela.
TRUNG QUỐC CHỈ CHẤP NHẬN bang giao NÀO HỌ CHI PHỐI ĐƯỢC.
Dù khá kỳ quặc, người Tàu tự coi họ cao hơn các dân tộc khác, tin tưởng nền văn minh của họ mới thực là văn minh. Điều này hình thành cơ sở cho một thế giới quan, trong đó người Tàu đứng vị trí đầu bảng. Họ không tin vào các quan hệ bình đẳng, ít nhất nói về tính chính danh và ý thức hệ.
Trật tự thế giới, với luật lệ và quy tắc của họ, đặt nền tảng nguyên lý người Hoa là “đẳng cấp”, mọi người phải chấp nhận. Thói thường, khi người Hoa ở vào thế yếu, ngay cả vào thế cân bằng, so với cường quốc khác, thường là yếu thế quân sự, họ rất ghét điều đó và họ quyết chiếm lại thế thượng phong thường thấy một khi họ đủ sức để thay đổi cuộc chơi.
Ngày nay, chuyện ấy đang xảy ra lần nữa. Mối hận sỉ nhục do cường quốc phương tây mang lại – từ cuộc Chiến tranh nha phiến đến những cái người Trung Quốc gọi các “hiệp ước bất bình đẳng” tước đoạt chủ quyền của họ - Trung Quốc đang nâng cao sứ mệnh lấy lại thế thượng phong. Như Tập Cận Bình đã nói, Trung Quốc “sẽ không bao giờ dung thứ bất kỳ quốc gia bắt nạt nào”
Đó là mục tiêu đằng sau rất nhiều chính sách hiện nay của ông, từ việc xây dựng các năng lực quân sự quy mô đến các chương trình chính quyền tài trợ nhằm mục đích giúp Trung Quốc bắt kịp phương Tây về công nghệ. Càng ngày, nền ngoại giao Trung Quốc biến thành răn đe khi đối mặt với những thách thức từ các nước, có khi Hoa Kỳ, Ấn Độ, có khi Australia.
Cái rất rõ từ nhận định lịch sử Trung Hoa, đó là: người Tàu không chỉ muốn họ là cường quốc – mà còn tin tưởng họ xứng đáng là cường quốc. Nhiều thế kỷ qua, người Trung Quốc cho rằng chủ quyền của họ là cai trị “tất cả dưới bóng Hoàng thiên”(“all under Heaven.”). Vì điều kiện kỹ thuật và vị trí địa lý, Trung Quốc từng hiện diện chỉ ở tầm khu vực. Nhưng giờ đây, nhờ thời toàn cầu hóa, ảnh hưởng của Bắc Kinh có thể vươn đến mục tiêu cao chót vót.
Ảnh trong bài.
MICHAEL SCHUMAN, đăng trên The Atlantic, ngày 5 Tháng 10 năm 2020. Nguyễn Long Chiến dịch.