Showing posts with label Giáo dục. Show all posts
Showing posts with label Giáo dục. Show all posts

Sunday, October 20, 2024

DẠY THÊM, HỌC THÊM: Vấn nạn ở Việt nam.

Chúng ta đặt câu hỏi:

- Vì sao phải học thêm?

- Chương trình học chính thống không đáp ứng nhu cầu học hỏi của học sinh?

- Nội dung chương trình học hiện nay đối với học sinh là vừa phải hay ‘quá tải’?

- Dạy thêm để cải thiện mức sống giáo viên?

- Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành không giúp học sinh phát huy năng lực bản thân?

• Học thêm, thực ra đã có tự ngàn xưa. Học thêm dành cho những học không đuổi kịp chương trình. Học thêm cần thiết cho những học sinh nâng cao môn học mình yêu thích. Đây là ý nghĩa của học thêm.

• Học thêm vì học chính thống không đáp ứng nhu cầu học hỏi của học sinh là hết sức vô lý. Vậy, nhà trường lập ra để làm gì?

• Học sinh chỉ học nâng cao khi chương trình nhà trường nhẹ nhàng và không hề quá sức, ta hay gọi là “quá tải”. Có ai không than vãn chương trình học hiện nay không quá tải? Tổ chức học thêm không gây nặng gánh lên vai học sinh, thầy cô, người quản lý?

• Dạy thêm không hề “nâng cao” mức sống của…mọi giáo viên. Lý do: Không phải thầy cô nào cũng có điều kiện dạy thêm.

• Chương trình học hiện nay “không giúp học sinh phát huy năng lực bản thân”, thì duy trì nó làm gì? Tại sao không đổi mới, ngắn gọn hơn, tiến bộ hơn, khoa học hơn? Các nước tân tiến trên thế giới có chủ trương dạy thêm bên cạnh dạy chính thống? Hay họ để việc học thêm, dạy thêm cho xã hội lo? Ở VN, tại sao bộ giáo dục lại phải cưu mang lĩnh vực dạy thêm? Nhiệm vụ quản lý giáo dục hiện nay của họ không “nặng nề” sao?

Theo tôi, dạy thêm và học thêm là nhu cầu có thật, hãy để cho nhu cầu ấy phát triển tự nhiên. Nhà trường không nên dài tay quản lý. Vì là hoạt động ngoài nhà trường, việc quản lý sẽ thuộc về chính quyền sở tại. Bù đầu công việc nhà trường, ông hiệu trưởng không thể quản những việc làm của giáo viên ngoài giờ hành chánh (dạy học ở nhà trường).

Nhà trường chỉ có thể tổ chức dạy thêm (miễn phí hay tự nguyện của giáo viên – càng tốt) một số em không theo kịp bạn trong lớp). Số này có lẽ rất ít. Nhưng nếu số này nhiều, nhà trường nên xem lại chất lượng dạy của thầy hoặc sức học của trò. Lên lớp do năng lực hay vì chạy theo thành tích: Không có học sinh lưu ban?

Đọc bản dự thảo THÔNG TƯ quy định dạy thêm, học thêm của bộ giáo dục, tôi có cảm tưởng sẽ có thêm một chương trình giáo dục song song với chương trình giáo dục chính thống hiện hành trong nhà trường. Công việc dạy thêm, học thêm cũng bài bản ra phết.

Ở trường:

“Tổ chuyên môn tổ chức họp để thống nhất đề xuất với người đứng đầu nhà trường (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) việc dạy thêm, học thêm…”. (Điều 4 điểm 1). “Hiệu trưởng căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn tổ chức cuộc họp với thành phần gồm lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm…” (Điều 4, điểm 2). “Nhà trường công khai việc tổ chức dạy thêm, học thêm…” (Điều 4, điểm 3). “Hiệu trưởng căn cứ nguyện vọng của học sinh xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm (xếp lớp, phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu theo từng môn học ở mỗi khối lớp) (Điều 4, điểm 4).

Ở ngoài:

Nếu là giáo viên ở trường muốn dạy ở ngoài thì phải “Báo cáo Hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết với Hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ được giao…” (Điều 5, điểm 2, mục a). Nếu có dạy thêm học sinh của mình ở trường thì giáo viên phải báo với hiệu trưởng “danh sách các học sinh đó (họ và tên học sinh; lớp đang học trong nhà trường) (mục b). Nếu hiệu trưởng muốn dạy thêm thì phải xin “thủ trưởng” của mình như trưởng phòng giáo dục hay sở giáo dục. (Tội nghiệp cho hiệu trưởng, nghèo đến nổi phải…dạy thêm).

Qua những quy định, tôi thấy vai trò của hiệu trưởng quyền lớn ngút ngàn trong việc “điều hành” dạy thêm và học thêm. Có quyền cao sẽ đẻ ra nhũng lạm. Đó là quy luật. Hãy để các vị hiệu trưởng làm tròn bổn phận của họ trong nhà trường. Bên ngoài, hãy để cho nhà chức trách. Có như thế, nhà trường mới toàn tâm toàn ý trong vấn đề giáo dục.

Nói thêm chỗ này: Có một câu quy định ngắn nhưng tôi thấy là quan trọng, cũng ở mục b này: “…cam kết (với hiệu trưởng) không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm”.

Thông thường, dạy thêm, học sinh đang dạy ở trường sẽ là “mục tiêu” nhắm tới của bất cứ ai được nhà nước cho phép dạy thêm. Thấy có “vấn đề” nên thông tư có nhắc tới hai từ “ép buộc” đối với học sinh. Không. Không bao giờ thầy ép buộc học trò mình học thêm.

Nhưng, giống như trước đây, nông dân đều “tự nguyện” làm đơn xin vào hợp tác xã nông nghiệp, học sinh giáo viên đang dạy ở trường chắc chắn (100%) sẽ tự nguyện học thêm. Cha mẹ sẽ “chú tâm” điều này. Trong huyết quản của phụ huynh luôn chảy câu “Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ hãy yêu lấy thầy”. Học trò giỏi cũng cần phải học thêm cùng với học trò kém. Không thiếu trường hợp học sinh có lực học tập không đạt hạng khá giỏi vì không chịu học thêm với giáo viên dạy mình ở nhà trường. Từ đây, đẻ thêm tệ trạng: dạy thêm và học thêm “lệch lạc”.

Nhưng không phải ai cũng dạy thêm. Người dạy thêm có thu nhập khá nhờ “học trò của mình” sẽ khiến những thầy cô không dạy thêm tâm tư, suy nghĩ. Tốt hơn, học sinh không nên học thêm lớp dạy thêm nếu giáo viên đang dạy học ở trường. Điều này giúp người dạy thêm không mang tiếng “ép buộc” (vô hình) như thông tư lo ngại.

Học sinh các nước tiên tiến có học thêm không? Tôi nghĩ là có. Họ học ở các trung tâm hẳn hoi. Cũng có người “thuê” riêng thầy để học thêm những môn học họ yêu thích.

Riêng ở Phần Lan – nơi tôi có cháu nội ngoại đang học – không có học thêm và dạy thêm. Nhà trường đầu tư hầu như đầy đủ phương tiện phát huy năng lực học sinh từ bé. Các cháu “chơi” nhiều hơn “học”. Đi đón cháu mẫu giáo tôi thấy học sinh ra chơi rất lâu. Các cô giáo đứng quanh sân trường quan sát.

Học thêm không có nhưng học trước là không được. Cháu tôi rất “giỏi toán” trong lớp vì nó học trước ở VN. Cô giáo gửi mail yêu cầu phụ huynh không “tự tiện” dạy trước môn toán cho cháu. Con tôi giải thích lý do. Họ bằng lòng giả thích và nói thêm “Chúng tôi dạy cháu học toán theo phương pháp nhà trường: Cần suy nghĩ chứ không cần đáp án”. Dĩ nhiên, giáo dục mỗi nước mỗi khác. Ta không bì họ nhưng tôi muốn nói học thêm không hẳn là thượng sách.

Để kết thúc bài viết, tôi xin nhắc lại: Nhà trường không nên tổ chức dạy thêm trong trường trừ những lớp phụ đạo học sinh yếu. Hãy để xã hội giải quyết việc dạy thêm, học thêm. Nhà chức trách sẽ hiểu họ sẽ phải làm gì để dạy thêm, học thêm không phải là bận tâm lớn, bận tâm chính, của ngành giáo dục.

Có một điểm làm cho dạy thêm, học thêm thành điểm nóng xã hội: Đó là do chạy theo thành tích. Nếu bỏ được việc phân hạng học sinh ở bậc trung học thì “vấn nạn” dạy thêm học thêm sẽ không còn. Người ta chỉ học thêm để nâng cao môn học nào đó. Đây là nguyện vọng chính đáng. Dạy thêm, học thêm sẽ không tràn lan khi việc dạy thêm và học thêm đi đúng hướng. Bỏ phân hạng (giỏi, khá, trung bình, kém) không có nghĩa là bỏ chấm điểm. Điểm thể hiện việc học của học sinh chỉ có cha mẹ, thầy cô, và bản thân học trò ấy biết như một số nước thực hiện.

Háo danh, chạy theo thành tích, nặng hình thức, khiến mọi người (phụ huynh và học sinh) ai cũng muốn tiếng “giỏi, khá” sẽ đẩy giáo dục vào nỗi lo không chính đáng. Thầy cô nào không muốn học trò họ giỏi? Tại sao phải lấy thành tích học sinh để đánh giá thầy cô? Mà thành tích ấy có thật hay ảo? Tại sao xã hội lại chuộng ảo hơn thật? Hay ảo là cái người ta mơ ước để thỏa lòng ước mơ?

Kết luận của tôi: Khi nền giáo dục Việt Nam hoàn chỉnh thì việc học thêm, dạy thêm cũng chẳng cần.

Ảnh: Có thật sự giáo viên phải đi bán hàng, làm cò đất?

Thursday, May 30, 2024

CHUYỆN HAI NGƯỜI MỸ

Vụ xả súng bắn chết hàng chục trẻ em Mỹ có hai cô giáo thiệt mạng vì muốn che chắn cho các học trò của mình.

Đối mặt hiểm nguy, mạng sống mình sẵn sàng hy sinh, mục đích bảo vệ mạng sống của người khác, hành động nghĩa hiệp này xuất phát từ đâu?

Chắc chắn từ giáo dục về lòng nhân ái.

Cũng đối diện với hiểm nguy, hàng chục ngàn người chết, lúc nhắm mắt không được gặp người thân, trở về nhà trong những hũ tro lạnh lẽo; hàng trăm ngàn người dắt díu nhau về quê tránh dịch, trên con đường dài hàng ngàn cây số, cả ngày lẫn đêm, đói khát dọc đường; và trong lúc đồng nghiệp của mình ngày đêm xông pha hiểm nguy trong tuyến đầu chống dịch thì một số y, bác sĩ, trong đó có cả giáo sư, tiến sĩ, giữ trọng trách cung cấp vắc xin ngừa dịch lại nhẫn tâm “đục nước béo cò “, ăn trên nỗi đau của đồng loại. Tù tội phải dành cho họ là lẽ đương nhiên. Câu hỏi đặt ra, còn “đương nhiên” hơn:

Có thể phát hiện tất cả những kẻ đội lốt “lương y như từ mẫu” kia không?

Chắc chắn là không. Chưa bị bắt, vị nào cũng “liêm chính, chí công vô tư “.

Thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh là ba thứ xảy ra thường xuyên trong cuộc sống loài người. Liệu trong tương lai, khi gặp nạn do chúng gây ra, sẽ không còn ai lợi dụng đau khổ của đồng bào để trục lợi, chưa nói tới quay lưng với nỗi đau của đồng loại để “chăm sóc bộ lông của mình”?

Không rõ hai cô giáo người Mỹ này có “học tập và làm theo đạo đức” Washington hay không?

May be an image of 2 people and text that says 'E Trang chủ Mới nhất Podcasts Thời sự Hai cô giáo thiệt mạng khi che chắn học sinh trong vụ xả súng BOOM (31 Cảnh sát và người thân cho biết hai cô giáo Mireles và Garcia đã cố gắng bảo vệ các học sinh trong vụ xả súng trường tiểu học ở bang Texas và bị nghi phạm bắn chết.'

Friday, March 8, 2024

THƯ VIỆN TRUNG TÂM HELSINKI

Ngoài thư viện quốc gia, Phần Lan còn xây một thư viện bề thế khác có tên là Oodi (hoặc là Ode, tiếng Thụy Điển, ngôn ngữ chính thức thứ 2).

Robot xếp sách. Hình giống xe tải.

Oodi được chọn trong 1600 cái tên dân chúng đề xuất vì nó "dễ nhớ, dễ nói, và dễ dịch" (theo nhận xét của một quan chức Phần lan); ngộ nghĩnh, nó không đặt theo tên một danh nhân nào. Thư viện, khánh thành nhân kỷ niệm 100 năm ngày độc lập Phần Lan (6/12/1917), rộng khoảng hai sân bóng đá, gồm 3 tầng, có chỗ chiếu phim, in ấn 3D, xông hơi thư giãn (sauna), nơi chứa sách, chỗ đọc sách, và quẩy giải khát; cả ba tầng đều có thang máy, thang cuốn đi lại. Có một con robot chuyển sách đến các quầy; thấy cách xếp sách, đi lại tránh người của nó, tôi hết sức thích thú.

Kiến trúc thư viện tân kỳ, lạ mắt, và thoáng đãng. Mặt trước các tầng làm bằng kiếng, điểm những chấm trắng như tuyết nhưng không che khuất tầm nhìn từ bên trong.

“LỄ” BẾ GIẢNG: VÀI CẢM NGHĨ

Gọi lễ hơi quá. Buổi bế giảng thì đúng hơn. Buổi, thật ra chỉ là 1 tiếng rưỡi đồng hồ, “lễ và hội”.

Bế giảng tổ chức theo từng lớp, không toàn trường, có mời phụ huynh, cả gia đình. Dân Phần Lan rất trọng giờ giấc, không sớm quá và không được trễ. Đi khám bịnh mà trễ 5 phút sẽ bị từ chối khám và phải hẹn lịch, có khi là cả tuần, trừ cấp cứu.

Phụ huynh lũ lượt vừa ngồi vào ghế thì buổi lễ bắt đầu với bài phát biểu chừng 3 phút của cô chủ nhiệm. Nội dung chào mừng khách, chúc mừng học sinh sẽ vào lớp 1 sau một năm học ở trường.

Lớp mẫu giáo (lớn) đâu 16 em mà có tới 4 cô giáo. Các cô tiến hành lễ trước mặt của hiệu trưởng. Cô đọc tên, cô phát bằng, cô phát hoa, cô cuối cùng phát một tấm bìa, một bên vẽ sao băng, bên kia in bài thơ khích lệ có chữ ký 4 cô giáo và hiệu trưởng. Phông sân khấu có nhiều hoạ tiết do các em tự vẽ, mỗi người một cái. Cháu tôi khoe được vẽ ở “trung tâm”, tất nhiên, bố cục do cô gợi ý.

Buổi lễ kết thúc bằng duy nhất bản đồng ca với giọng hát vụng về của những đứa bé mới qua 6 tuổi. Nội dung bài hát: chúc các bạn ra trường khi cổng đóng mùa hè. Đón chào các bạn khi mùa thu cổng trường mở ra. Hãy có những ngày hè vui. Chào các bạn.

Sau lễ, mỗi em nhận một cây kem, ly nước ngọt; bánh quy đặt trên bàn dành riêng cho phụ huynh kèm nước ép trái cây. Vừa ăn vừa uống vừa chào nhau ra về.

Buổi lễ diễn ra “thành công tốt đẹp”.

ĐỌC SÁCH, thời VNCH thế nào?

Thỉnh thoảng tôi bắt gặp một hai trẻ tầm lớp 2, lớp 3, cầm trên tay truyện tranh chăm chú đọc trong quán khi chúng ăn xong trước ba mẹ. Hình ảnh những cháu bé đi với người lớn, thường thường là một cái điện thoại trượt trên tay với các ngón nhỏ nhanh nhẹn bấm bấm, có lẽ các cháu đang chơi games.

Tôi thán phục những phụ huynh nào tập cho con mình đọc sách từ nhỏ thay vì lên mạng.

Các gia đình trẻ bây giờ thường có một hay hai con, không có nhiều con như thế hệ chúng tôi, trước chúng tôi.

Việc giáo dục con không đơn giản như xưa nữa: đến giờ học, cha mẹ chỉ nhắc nhở qua nếu thấy con có thể trễ giờ.

Lúc nhỏ, tôi là một học sinh rất ngu ở tuổi tiểu học. Không ở lại lớp (lưu ban) từ lớp năm cho đến lớp nhất (lớp 1-lớp 5) là thành tích đáng phát bảng “danh dự” (giấy khen) rồi. Ở quê những năm cuối 1950, một cậu bé như tôi chỉ có đi bơi sông, bắn chim bằng ná thun, hoặc chơi “u mọi” (trò chơi trẻ con chia 2 phe, ranh giới vẽ bằng chân xuống một sân đất, thường là sân trường hay nền ruộng mùa hè;  mỗi bên cử người “u” bằng miệng, chạy qua “lãnh thổ” bên kia, nếu bị giữ lại mà hết “u” (hết âm thanh phát ra u u như tiếng sáo) thì ở luôn bên đó. Trò chơi kết thúc khi “đối phương” không còn người, nghĩa là thua. Một lối chơi Rugby nhà quê).

Khi xuống Hội An học, tôi bắt đầu chú tâm hơn, vì bị bạn hữu ở thành phố này chê tôi là “thằng dốt”, “thằng nhà quê”.

Hóa ra tôi đâu phải dốt sẵn, dốt truyền thống, dốt ba đời (theo lý lịch).

Không phải là xuất sắc nhưng tôi luôn luôn nằm trong tốp 5 từ đệ thất lên đến đệ nhất (lớp 6 đến 12) nhờ chăm chỉ “cần cù bù thông minh”.

Một trong lợi thế khi được đi học ở phố là có chỗ mượn sách, thuê sách. Trường có thư viện, loại sách bổ trợ cho học tập, ít có sách “ngoài luồng”.

Đọc sách bắt đầu từ bắt chước các bạn đọc sách. Nó đọc mình đọc, sợ chi. Tôi may mắn có người bạn ( mới mất tết năm trước) thằng Phạm Gia Tuấn. Một tay “mọt sách”. Nhà hắn ở gần tiệm chụp ảnh Huỳnh Sau. Bố trước là trưởng ty công an thời ông Ngô Đình Diệm, “thất sủng” sau 1963, có một tủ sách khá phong phú đối với tôi thời đó. Tất cả các sách thuộc nhóm Tự Lực Văn Đoàn có gần như đủ ở tủ sách này. Ông rất nghiêm nhưng sau đó biết tôi đến con ông để mượn sách đọc, ông cởi mở hơn, thi thoảng mỉm cười khi tôi lên tiếng chào ông mỗi khi lên lầu để vào chỗ bạn tôi đang đọc sách hay học bài gì đó.

Học sinh nghèo từ quê ra làm gì có tiền mua sách. Mượn sách đọc là may mắn lắm rồi. Bảo vệ những cuốn sách đa phần giấy vàng ố là nguyên tắc “sống còn” nếu bạn muốn được cho mượn sách lâu dài.

Có một “nguồn” sách nữa đó là tiệm cho thuê sách. Tôi có một người bạn hiện đang ở chỗ cho thuê sách trước kia, trên đường Trần Phú. Nhà anh ta giờ làm nơi du lịch nhà cổ, mỗi lần vào xem mỗi người 50 ngàn đồng (10 năm trước), khách tây khách ta nườm nượp.

Sách thuê ở tiệm này đa phần là tiểu thuyết, chiếm đầu bảng là các loại tiểu thuyết kiếm hiệp, còn gọi là “truyện chưởng”. Sách in trên giấy vàng, chữ không rõ mấy nhưng đọc được. Mỗi ngày 1 hay 2 đồng gì đó mỗi cuốn. Chính chỗ cho thuê này, vì sợ tốn tiền, lũ học sinh chúng tôi buộc phải “ngốn” cho nhanh một hai hay ba ngày một cuốn, đặng trả ít tiền mướn; tiền trả cao hơn nếu kéo dài ngày đọc sách. Nhờ “đồng tiền liền khúc ruột”, chúng tôi lại may mắn có thói quen đọc sách tốc độ như các đường cao tốc hiện nay.

Những nhân vật trong truyện kiếm hiệp thường đẹp như Tây Thi nếu là nữ, và hơn diễn viên Hàn Quốc nếu là nam. Thế giới trong truyện chưởng là thế giới của sự tưởng tượng, mênh mông, đi từ tây sang đông, từ nam lên bắc, một đất nước không biết bao nhiêu là thắng cảnh nối thắng cảnh; nay đang ở Tây Tạng mai đã có mặt ở Động Đình Hồ,  hay trên các đỉnh núi của Thiếu Lâm Tự, khi độc giả nam biến mình thành Trương Vô Kỵ, Lệnh Hồ Xung, độc giả nữ tưởng mình là Triệu Minh (Triệu Mẫn) hay Nhậm Doanh Doanh đẹp hoa nhường nguyệt thẹn. Nàng Nghi Lâm tu hành cũng si tình. Bất giới Hòa Thượng cũng yêu đương tá lả.

Đắm mình trong thế giới ấy, lũ học sinh chúng tôi được đắm mình trên những trang giấy, những quyển sách, những bộ sách. Vốn từ ngữ có chút “giang hồ” ngày càng nhiều trong vốn ngữ vựng của chúng tôi. Nhà trường biết chúng tôi, em nào cũng có “luyện chưởng” (đọc sách kiếm hiệp) nhưng không cấm. Ngay các thầy các cô, lúc vui vẻ, cũng kể chuyện Cô gái Đồ Long cho học sinh chúng tôi nghe, nữa là.

Nhưng một trong những định hướng học sinh đọc sách “chính thống” (những cuốn của nhóm Tự Lực Văn Đoàn cùng những tác phẩm “kinh điển” thời tiền chiến) là cách thức “thuyết trình”.

Lớp từ đệ thất (lớp 6, hay đệ lục tôi không rõ) bắt đầu làm các buổi thuyết trình trước lớp. Các tổ (thường học sinh ngồi 2 hay 3 bàn học gần nhau) phụ trách một tác phẩm như Hồn bướm mơ tiên (Khái Hưng) hay Đôi bạn (Nhất Linh)... Tổ sẽ phân công các công việc: tìm sách, đọc (ai cũng phải đọc), ghi ra nhận xét về tác phẩm, tác giả, lập một dàn bài thuyết trình, cử một trò chữ đẹp chép bài viết, một “thằng miệng mồm” có giọng tốt để trình bày trước lớp. Khi trình bày xong, các học sinh trong tổ sẽ thay nhau trả lời những câu hỏi của các bạn khác đặt ra, câu nào “bí” thầy chủ nhiệm môn văn sẽ gỡ bí giùm.

Nghe đơn giản như thế nhưng chúng tôi tập quen với việc đọc, ghi chép, nhận xét, và “tranh luận” với các bạn khác trong lớp. Đến lượt các tổ khác sẽ thực hiện tuần tự tùy đề tài sách thầy chủ nhiệm chọn hoặc chính chúng tôi chọn với sự bằng lòng của thầy.

Việc “thuyết trình” trong lớp duy trì cho đến hết bậc trung học (trừ  thi tú tài 2, lớp 12,  môn Triết thay môn Văn).

Tự tìm tòi sách, tự đọc sách đã hình thành một thói quen cho học sinh chúng tôi. Cả một đời học sinh chúng tôi chưa bao giờ biết lấy một “bài văn mẫu” nào cả, và cũng chưa bao giờ nghe nhà trường buộc học sinh phải đọc sách loại này, loại sách kia; khái niệm sách “đồi trụy”, “phản động” không mảy may biết đến. Tự do đọc sách. Tự do tìm tòi đề tài đọc. Tự do đọc cả những truyện có nội dung na ná như “phim chiếu cho người từ 18 tuổi trở lên, cấm trẻ em” thường ghi trước rạp chiếu bóng khi phim có những cảnh nhạy cảm như ôm hôn hay hơi hở hang nơi mông, nơi ngực.

Chúng tôi là những học sinh không bao giờ nghe giảng chính trị trong lớp và cũng không có bất cứ một chương, một khóa nào ở trường học nói về chính trị trong khi đất nước lúc ấy đang có chiến tranh, đang có “cộng sản”, đang có “quốc gia”.

Đọc sách lúc đó là niềm vui của học sinh, sinh viên chúng tôi.

Bây giờ học sinh, sinh viên, có quá nhiều niềm vui: Smartphone, games, phim Hàn, ca nhạc, bóng đá, facebook, có cả bia Tiger và thịt chó nữa.

Học sinh và sinh viên, tầng lớp nắm vận mệnh, tương lai dân tộc, bây giờ có quá nhiều niềm vui như thế, không hiểu họ có bỏ một số thời gian cho việc đọc sách hay không, tôi không được rõ lắm, nhưng rất rõ, họ rất ít có thời gian, vì chương trình học ở trường, học thêm ở các trung tâm, ở nhà, rồi nào đội, nào đoàn, nào đảng…đè nặng lên đôi vai của họ rất nhiều.

Chỉ nhìn một học sinh cấp một thôi: một va li sách vở kéo lè kè như va ly hành lý xách lên máy bay, đủ thấy học sinh bây giờ học hành khổ sở, tất bật thế nào.

Bill Gates là ông trùm Internet, cả thế giới xài vi tính có Windows của ông nhưng ông lại là người xài vi tính ít hơn đọc sách. Điều đó nói lên vi tính chưa hẳn thay được sách (cho đến lúc này) đối với “bộ-óc-vĩ-đại-vi-tính” ấy.

Chúng ta ao ước được thấy nhiều hơn những người cha, người mẹ trẻ, luôn cho con cái năm ba tuổi trở lên của họ làm quen với sách (ảnh, chữ) trước khi làm quen với smartphone và dân tộc này sẽ hồng phúc biết bao nếu những đứa trẻ ấy thích lướt sách như (không mong hơn) lướt web.

Những người trẻ thành đạt, mong ước khi vào thăm căn nhà sang trọng của họ, tôi được may mắn nhìn thấy cái tủ trang trọng, hoành tráng, chứa đầy sách chứ không chứa đầy những chai rượu tây đắt tiền.

PHỈNH CON NÍT ĂN CỨT GÀ

Không rõ thành ngữ này phát sinh từ lúc nào nhưng người ta thường dùng nó để phê phán người lừa gạt ai một cách trắng trợn và thô thiển. Nhưng trên mạng lưu truyền câu chuyện cho là từ sách giáo khoa. Nội dung như sau (xem ảnh):

“Bạn An dũng cảm”.

“Cô giáo rải một đống phân gà trước mặt cả lớp và yêu cầu các bạn nếm thử. Cả lớp đều rất sợ hãi! An cũng vậy. Nhưng cô giáo đã động viên và hướng dẫn giúp An tự tin nếm thử phân gà, nhờ vậy mà An nếm phân gà một cách dễ dàng. Khi nếm qua rồi, An thấy phân gà không đáng sợ như mình nghĩ và An quay lại động viên các bạn để các bạn dũng cảm như An. Cuối cùng, cả lớp đều dũng cảm nếm hết đống phân gà”.

Tôi thấy bức ảnh này sử dụng không biết bao nhiêu lần và qua không biết bao nhiêu người, có thể là hơn một năm nay.  Xin lỗi, có vài chủ trang gọi là “hiểu biết” cũng đăng với lời chú thích cay đắng, mũi dùi chĩa về bộ giáo dục.

Thế giới ảo nhưng quy luật không bao giờ ảo. Làm sao tin vào câu chuyện in như thế trong sách? Hết việc thử thách hay sao mà cô giáo mang đến lớp cứt gà? Cứt đựng trong cái gì? Cứt gà lấy ở đâu? Ở thành phố, cô giáo sẽ đến trại nuôi gà để xin cứt gà? Ở nông thôn, tìm mấy chỗ phân của gà trong vườn rộng đâu phải dễ. Rải cứt gà trước lớp là ở chỗ nào? Lấy tay hay lấy gì để rải? Học sinh đều biết rửa tay sạch trước khi ăn cơm hay rửa tay thường xuyên để ngăn bớt vi trùng. Học sinh bốc cứt gà lên nếm rồi lấy nước ở đâu để rửa? Cứt gà bỏ vào miệng thì không có vi trùng, không có trứng sán, không có chất cặn bã từ thức ăn thối rữa?

Mười người đọc thì có mấy người tin đó là một bài trong sách giáo khoa? Ăn cứt gà là hành động dũng cảm? Cô giáo nào lại ngu muội như thế ? Vậy mà có người thấy bức hình lại tin. Sau khi đọc, tha hồ các lời bình phẩm hầu hết là chửi sách giáo khoa “ngu”, người làm giáo dục ngày nay không còn gì để nói.

Trí tuệ nhân tạo sẽ làm những việc ngoạn mục hơn rất nhiều những bức ảnh được photoshop như thế. Ích lợi của mạng xã hội là rõ ràng. Nhưng nhận xét những gì mạng xã hội đem lại tùy thuộc vào người sử dụng nó- những người phải luôn luôn tự do suy nghĩ. Tự do suy nghĩ dễ sáng suốt hơn nô lệ suy nghĩ hay suy nghĩ "bầy đàn".

Vì sao một số người lại dễ dàng tin vào một câu chuyện vô lý cực kỳ như thế? Tôi nghĩ một phần do tính cả tin. Trước đây người ta tin ở báo, tin ở đài, nay tin ở mạng. Nhưng cái lý do để tin câu chuyện bỉ ổi trên phát xuất từ tình cảm yêu ghét. Không bằng lòng một số việc trong ngành giáo dục thì khi nảy ra cơ hội nền giáo dục ấy có khiếm khuyết chỗ nào, người ta chăm chăm vào nó để phê phán và chỉ trích thậm chí chửi bới. Việc làm này rất tốt. Có như thế sự vật mới ngày càng hoàn thiện. Nhưng, trong lúc phê phán, người ta cũng nên bình tĩnh và sáng suốt. “Phỉnh con nít ăn cứt gà” không thể là thành ngữ diễn tả một sự việc có thật được đưa vào sách giáo khoa.

Fair play, chơi đẹp, trong bóng đá nên được tôn trọng trên thế giới ảo đang ngày càng chi phối đời sống con người ở thời đại giả như chân và chân như giả, hoặc lộng giả thành chân.

Thursday, February 29, 2024

Bài phát biểu 50 NĂM HỌP MẶT TRƯỜNG

Kính thưa:

- Quý thầy, quý cô.

- Quý quan khách.

- Quý bạn học thân mến.

Được vinh dự đại diện cựu học sinh Bồ Đề niên khóa 1965 đến 1975, tôi xin phát biểu cảm tưởng nhân buổi họp mặt trân trọng và hiếm có nầy.

54 năm là cả quãng đời khá dài đối với thầy, cô, và tất cả chúng ta đang ngồi ở đây, trong hội trường này.

Thời gian đổi dời  dâu bể, thời gian đằng đẵng cách xa, nhưng các thầy, các cô, các bạn từ mọi nẻo đã tề tựu về đây, vui vẻ hớn hở tay bắt mặt mừng, rôm rả không ngừng những  câu chuyện về  thời còn đi học ở ngôi trường này.

Vui mừng và xúc động xiết bao khi nhìn thấy thầy, thấy cô, và thấy nhau, những người của gần nửa thế kỷ trước.

Thầy cô vẫn còn đây, thầy cô vẫn là hình ảnh yêu quý như mấy chục năm trước chúng em từng yêu quý thầy cô.

Ở tuổi trên dưới 80 mà thầy cô vẫn vui, vẫn nhớ đến chúng em, nhớ đến ngôi trường này.

Hạnh phúc nào sánh bằng, đối với chúng em đây?

Càng hạnh phúc chúng em càng  ngậm ngùi nghĩ đến nhiều thầy cô đã nằm sâu trong lòng đất, đã từ giã cõi đời này, chúng em không bao giờ được gặp lại.

Thầy cô chúng em người còn đây hay đã khuất luôn nhắc nhở chúng em không bao giờ quên, ở những lớp học này, ở ngôi trường này, trong năm tháng chiến tranh, chúng em đã lớn lên, được dạy dỗ, được yêu thương; những lời giáo huấn của thầy cô lúc ấy luôn là hành trang thân thiết trên con đường đời của tất cả chúng em.

Ngồi ở đây, chúng em vẫn không quên những người thầy, người cô, đang sinh sống ở những phần xa xôi nhất của trái đất.

Kính thưa thầy cô,

Nhân dịp gặp gỡ này, chúng em gởi đến thầy cô trong nước và  ngoài nước lòng tri ơn chân thành của những ông cựu học sinh, những bà cựu học sinh, có người đã phơ phơ đầu bạc, mấy chục năm trước, là những cậu bé, cô bé, tóc còn mướt xanh, nay xin hứa vẫn còn là học sinh bé nhỏ, ngoan ngoãn của các thầy cô những năm tháng còn lại của cuộc đời.

Học sinh chúng em cũng không quên ơn những vị tu sĩ Phật giáo, cùng những nhân sĩ trí thức, đã sáng lập ra ngôi trường tư thục cấp 2 và cấp 3 đầu tiên của tỉnh Quảng Nam năm 1965.

Thời buổi loạn ly của chiến tranh, cái chết luôn cận kề mọi người dân thời ấy, các vị đã hy sinh tài năng, công sức, xây dựng một ngôi trường khang trang cho mọi học sinh  không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, dành cho những học sinh không may mắn như những học sinh may mắn khác được vào học trường công.

Chúng em xin gởi lời tri ân đến những vị còn sống và thắp nén nhang tưởng nhớ những vị không còn, chúng em không quên đạo lý ăn quả nhớ người trồng cây

Xin  quý vị cho phép tôi thưa chuyện cùng các bạn học của mình.

Thưa các bạn,

Năm tháng in hằn những nếp nhăn sâu thẳm trên mỗi gương mặt của chúng ta.

Năm tháng của già nua tuổi tác, của những thăng trầm cuộc sống.

Nhưng năm tháng khắc nghiệt ấy đã không thể làm héo đi những nụ cười lúc mới gặp, chúng ta vừa dành cho nhau: những nụ cười tươi của ngày xưa thân ái.

Kỷ niệm thời đi học ở ngôi trường này đã ùa về trong lòng mỗi học sinh: kỷ niệm của những trang lưu bút ngày xanh, kỷ niệm của những lần thức khuya bên ngọn lửa hồng đêm cắm trại, kỷ niệm của những mối tình học trò e ấp tinh khôi giữa  những chàng trai, cô gái tóc xõa ngang vai, những tà áo trắng phất phơ bay trên những con đường đi hoc, kỷ niệm của biết bao bài thơ, những bức thư tình non dại, viết ra mà không hề được gởi đi…

Thưa các bạn, càng vui  chúng ta càng bùi ngùi nhớ đến một số bạn không có dịp hiện diện trong buổi họp mặt này, hay những bạn đã vắng bóng khỏi cuộc đời, xác thân chôn trên  đất liền, hay vùi sâu dưới biển, qua tao loạn và năm tháng chiến tranh.

Cuộc sống là như thế: Cái này mất đi để có cái khác được sinh ra. Cái sinh ra đó là tình yêu thầy trò, tình yêu  bạn hữu, một tình yêu cao thượng.

Thưa quý thầy cô, thưa quý quan khách, và thưa các bạn,

Trong những sự kiện quan trọng của cuộc đời chúng ta, ngày họp mặt hôm nay sẽ là ngày đáng nhớ nhất, ngày chúng ta kỷ niệm sự ra đời của một ngôi trường 54 năm về trước, một ngôi trường đã dìu dắt chúng ta chập chững những bước đi đầu tiên trong cuộc sống, dẫu là cuộc sống riêng tư, tất đều mang đậm những dấu ấn của yêu thương, yêu thương của  thầy cô, và các bạn, những năm tháng của tuổi học trò.

Trước khi dứt lời, cho tôi lần nữa được thay mặt tất cả cựu học sinh Bồ Đề xin gởi lời chúc sức khỏe đến quý thầy, quý cô, quý quan khách, và tất cả các bạn.

Xin kính chào và cảm ơn tất cả quý vị.