Tuesday, January 30, 2024

RỪNG VÀNG HAY RỪNG TÀN?

Việt Nam có lợi thế rất lớn về thiên nhiên. Du lịch sinh thái là hướng đi đúng cho phát triển ngành công nghiệp không khói.

Thiên nhiên ở đây là núi rừng. Tôi nói núi rừng quê tôi Quảng Nam. Trừ một số nơi đang được bảo vệ khá tốt như rừng đầu nguồn, hầu hết các vùng còn lại đều không phải là rừng nguyên sinh. Đa phần rừng trồng keo, tràm, một loại cây nguyên liệu, dùng cho kỹ nghệ giấy; cứ vài ba năm, rừng trơ đi vì cây bị cắt sạch. Vận chuyển cây bằng xe cơ giới. Tràm đâu là đường ở đó. Đường đi tận nơi cao nhất có mặt cây tràm, cây keo. Đường không tới vì đồi dốc quá cao thì loại cây trồng này không có. Do đó, mỗi cơn mưa đổ, đất từ đường, từ đồi trọc vì cây mới cắt, theo dòng nước trôi đi. Những con suối, con sông nước luôn đục ngầu, đục còn hơn nước sông Hồng mùa lũ.

Khu du lịch sinh thái đa phần thiết kế dựa vào suối thiên nhiên. Sự có mặt của loại cây làm giấy không lâu dài. Trong lành của các dòng nước suối thiên nhiên không còn "thiên nhiên" nữa vì đất bị cuốn theo nước mưa đổ xuống suối, suối trở nên đục ngầu, chỉ trong mát khi qua mấy tháng nắng.

Đến đây xuất hiện mâu thuẫn giữa người có rừng trồng keo, tràm và người muốn tận hưởng nguồn suối thiên nhiên cây rừng lâu năm đem lại.

Nếu trước đây, rừng nguyên sinh được bảo vệ thật tốt, cây cối khai thác có tính toán, vừa khai thác vừa phát triển rừng, thì ngày nay, ngành du lịch sinh thái sẽ  phát triển thần kỳ, mang lại lợi ích cơ man nào kể. Vì núi đồi bị phá sạch, loại cây " mì ăn liền" (cung cấp nguyên liệu làm giấy) mới xuất hiện. Rừng "ăn liền" này chỉ mang lại lợi ích cho một số người chứ không phải toàn dân, và môi trường sinh thái. "Rừng ăn liền" không thể là nơi sinh sống và phát triển thú rừng, chim muông, cảnh quan thiên nhiên. Không thể áp dụng được nữa câu nói của Quản Trọng (bên Tàu): vì lợi ích 10 năm trồng cây; phải là trồng cây vì lợi ích trăm năm.

Tôi đi tới Đông Giang (huyện Hiên cũ) vùng cực tây của tỉnh Quảng Nam để "thưởng thức" thịt rừng, theo lời mời của đám bạn bè. Ăn thịt rừng là một tội lỗi nhưng đến đây để có dịp tìm hiểu, tôi suy nghĩ như thế và chấp nhận "phạm tội". Heo rừng, nai, mang(mển, trong Nam), cheo, nhím... theo lời chủ quán thỉnh thoảng, chứ không thường xuyên như xưa, mới mua được từ những người "bẫy thú" (săn bắn là phạm pháp, dễ bị bắt). Ngoài heo rừng có được ở Nam Giang (huyện Giằng cũ) chở về đây, toàn bộ thịt thú còn lại đều đánh bắt trộm từ vùng núi giáp Lào và ở bên Lào. Ngay cả loại cá niên ăn rất ngon, chiên giòn chấm muối tiêu rừng (thơm hơn tiêu lốp, miền Nam) người Cà Tu gọi là cá liên, sống trong các khe suối lớn cũng được đánh bắt ở vùng núi giáp biên giới hay qua bên kia biên giới, ướp đá mang về.

Điều đó nói lên 2 vấn đề: môi trường gọi là thiên nhiên cho thú hoang dã, ngay cả cá, không còn là "thiên nhiên" nữa và rừng VN gần tuyệt giống thú hoang dã vì bàn tay con người bẫy thú trộm, dùng điện châm cá, tuyệt diệt dòng giống của loài thủy sản sống trong khe suối. Ăn thịt thú rừng kích thích việc tìm giết thú rừng.

Khi rừng nguyên sinh trở thành "rừng ăn liền" thì môi trường sinh thái sẽ bị đe dọa. Nếu là người lãnh đạo có tầm nhìn, họ nên phục hồi lại rừng bằng những loại cây gỗ quý trước đây, đầy rẫy ở núi rừng Quảng Nam. Nhưng vì không có kinh phí, lại lấy "ngắn cắn dài", việc khôi phục lại rừng có các loại danh mộc từ khi chưa phá như lim, sơn huyết, gõ, kiền kiền, sao, chò, sến, huỳnh đàn, muồng...chỉ là ước nguyện, không thể nào thành hiện thực. Tôi đi qua một địa danh gọi là dốc Kiền, cách Đà Nẵng chừng 30 km đường chim bay. Giờ không còn lấy một cây, dù trước đây là khu rừng toàn cây kiền kiền, một loại gỗ dùng để đóng ghe, không bao giờ hỏng vì nước biển; ngay cả cây chèo thuyền cũng làm từ loại gỗ này, tuổi thọ bền bỉ hơn cả cuộc đời một ngư dân.

Khi nào nhìn lên rừng xanh, xanh mướt, xanh thẫm, chúng ta không còn thấy cây  keo, cây tràm, lúc đó người Việt Nam đã giàu lên, sẽ khỏi lo tuyệt chủng các loại thú rừng, chim muông. Các khu du lịch sinh thái (như Lái Thiêu, Đà Nẵng) có các hồ bơi giữa núi rừng, lấy nước từ con suối lớn, lòng hồ bơi sẽ không còn đọng lớp bùn non bên dưới, nước đục lên nếu đông người tắm; lòng hồ sẽ là cát sạch nếu nước mưa không cuốn trôi đất từ các đồi núi trồng tràm, trồng keo, cứ 3 năm thành "đồi trọc" khi  đến mùa thu hoạch.

Phá hỏng thiên nhiên rất "dễ ", khôi phục thiên nhiên cực kỳ "khó". Trong quá khứ, người Việt Nam đã chọn cái "dễ" vì cơm áo, vì lòng tham, vì không có tầm nhìn, không rõ trong tương lai, thế hệ con cháu chúng ta, họ có còn thừa hưởng cách làm "dễ" của cha ông, hay can đảm chọn lấy cái "khó" để thực hiện một Việt Nam "rừng vàng, biển bạc"?

Ảnh: Hồ bơi lấy nước từ suối ở khu du lịch Lái Thiêu, ngoại ô Đà Nẵng,  nơi trồng nhiều loại cây ăn trái miền Nam.