Sunday, January 28, 2024

HẠT ƯƠI

Ươi còn gọi hạt đười ươi, hạt đười ươi. Chưa có cắt nghĩa vì sao hạt này có tên loại khỉ. Vê tác dụng đối với sức khỏe con người, theo y học dân tộc, hạt ươi là một vị thuốc có tính hàn, vị ngọt, mang lại tác dụng giải độc, thanh nhiệt, làm mát gan, loại bỏ độc tố gây hại cho cơ thể ra ngoài. Ngoài ra, hạt ươi còn có tác dụng làm dịu cổ họng, hạ nhiệt, giảm sốt hiệu quả. Đặc biệt, vị thuốc này còn có công dụng hỗ trợ điều trị các bệnh lý về xương khớp rất tốt như đau lưng, thoái hóa cột sống, đau vai gáy, gai cột sống, đau thần kinh tọa, viêm khớp…

Giá mỗi ký năm năm trước đây là 150.000 bán tại rừng nhưng có thể cao hơn rất nhiều khi bán đi nơi khác. Một ngày, người ta có thể thu hoạch cả 10 ký; mùa ươi do đó kéo dài rất ngắn bởi ai ai cũng thi đua đi hái ươi.

Có một điều nghịch lý, càng về sau sản lượng hạt càng thấp: để thu ươi, người ta dùng cưa máy cắt hạ, do cây ươi rất cao, đôi ba chục mét, có những cây to cả hai, ba người ôm. Vùng thu ươi, cây ngã ngổn ngang chồng lên nhau, gấp trăm lần bom Mỹ thả xuống trong chiến tranh. Kiểm lâm là tề thiên đại thánh thì mới có thể quản lý những vùng có cây ươi và ngăn cản người đi hái ươi trái phép.

Vùng núi quê tôi ngày xưa có rất nhiều cây ươi. Khi đến mùa ươi, lá của chúng chuyển qua màu đỏ: ươi chín. Những quả chín khô sẽ rời khỏi cành khi có gió; nhờ có lá yếm che hạt (đài lá) và từ cành rất cao, hạt ươi có thể bay xa vài trăm mét. Đặc điểm khi rơi xuống, đài lá luôn úp kín hạt lúc nằm trên mặt đất, chờ mùa mưa đến, hạt sẽ nẩy mầm thành cây; đây là lý do tại sao ươi sống rất “bầy đàn”, có khi là cả một vùng núi. Cứ bốn năm, người dân sẽ lên núi hái ươi một lần.

Cách hái ươi của ông bà xưa rất khoa học. Những cây ươi chín thường có lá đỏ chuyển dần qua vàng nhạt sắp rụng trơ cành, người ta dùng dây kẽm (sau này) hoặc dây mây (ngày xưa) siết vào thân cây, làm mất đi lớp da bên ngoài. Toàn thân cây, lá chuyển qua màu trắng, hạt ươi rụng, một đôi ngày là hết. Bốn năm sau, vết cắt trên thân sẽ liền lại. Khi thu ươi, người xưa không có cưa máy để cắt gốc ươi. Kỹ thuật tiến bộ đã giết chết những vùng núi có cây ươi. May mắn, nghe đâu có những nơi người ta trồng được ươi, 10 năm thì cho trái.

Những người dùng cưa máy để hạ cây ươi thu hạt, không những tuyệt diệt một loại cây đáng yêu, làm nên núi rừng thiên nhiên, mỗi bốn năm đỏ rực cả một vùng núi, mà họ còn làm hạt ươi mất đi chất lượng: hạt ươi khô sau khi chín trên cây mới thật sự có tác dụng dược lý, ích lợi cho sức khỏe.

Cái lợi làm người ta mờ mắt, kiến tài ám mục, chỉ có ở một số người VN hay ở mọi người Việt Nam? Tôi mong rằng số đó sẽ rất ít. Nhưng cây ươi gần như xóa sổ khỏi núi rừng quê tôi; nay chúng chỉ còn là câu chuyện để dành làm kỷ niệm.