Thi sĩ thường có trí tưởng tượng phong phú. Đây là ví dụ: “Dưới gót chân sen rụng đầy hoa gạo”(*). Không một làn gió thoảng, hoa vẫn có thể rụng bất ngờ. Hoa các loại thường nấn ná khi lìa cành, nhưng hoa gạo thì không. Hoa đỏ to bằng nắm tay rơi thẳng đứng xuống đất, dứt khoát, mạnh mẽ, và chẳng chút luyến lưu lúc rời cành, bịn rịn chia tay nhiều nụ hoa khác, đang đỏ chói, rực rỡ trên cao.
Nếu ví hoa gạo như một võ sĩ Nhật Bản, thì việc rút gươm ra kết liễu cuộc đời, hoa rời cành, đầy dũng khí, chẳng một chút ưu tư, suy nghĩ. Cái chết nhẹ tợ lông hồng của những bông hoa gạo. Thi sĩ tả cô gái đi trên thảm hoa gạo thật lãng mạn, gót sen “lãng đãng như gần như xa”, “Hoa đỏ tươi như là màu xác pháo Ngày lấy chồng em khoác áo cô dâu”.*
Đối với tôi, cây gạo, hoa gạo không nên thơ như thế. Cây gạo của tôi là cây gạo của ký ức, của tuổi thơ, cây gạo của trở về, sau một chuyến đi xa. Có dịp đi nhiều nơi ở miền Bắc, vào cuối tháng giêng (âm), tôi thấy rất nhiều cây gạo, hoa nở đỏ rực một vùng trời, khi xe chúng tôi đi qua. Tôi thấy tiếc cho quê mình Thường Đức ( tây Quảng Nam), giờ không còn những cây gạo cổ thụ như ở Bắc.
Lúc còn bé, tôi thấy rất nhiều cây gạo mọc trên những vùng đất phù sa ven sông. Cây gạo to, cao sừng sững, thường đứng một mình, tàng cây có những cành vươn ra như một dũng sĩ, che chở những người nông dân, trong những trưa hè nắng nóng, dưới bóng che của mình, một buổi nghỉ giữa trưa để có chút không khí mùa hè mát mẻ.
Mùa trổ bông, hoa gạo đỏ rực cả một vùng trời. Lá rụng lúc nào không rõ, chỉ thấy bông gạo chi chít trên mọi cành lớn nhỏ, dày đặc bên nhau như tranh chỗ đứng. Dưới gốc gạo mùa hoa nở, một thảm hoa đỏ tươi; hoa gạo dường như không thấy héo, hoặc sẫm màu; hoa lúc nào cũng đỏ như thi sĩ tả, đỏ như chẳng hề phai. Hoa giữ lòng son trung trinh như thế nên hoa chọn rơi cách lìa đời như một người quân tử, thẳng từ trên cao xuống đất, “Bao năm qua mộc miên chẳng nhạt phai. Như máu con tim chàng trai một thuở.” *
Cây gạo là nơi làm tổ của nhiều loài chim. Tôi thấy chim cưỡng, quê tôi gọi là cà cưỡng, rất nhiều. Cưỡng là loài chim nhân hậu thật thà. “Uổng công cà cưỡng tha mồi. Nuôi con (của) tu hú, lớn rồi bay đi”. Đây là loài chim thích chọn nơi ở cao hơn các loài chim cu, chim cắt, chim nhồng, chim sáo…Thời ấy không có súng săn, người không nhiều, trẻ con chỉ sử dụng ná thun, để “bắn chim”, nên những loài chim sinh sống trên những cây gạo, không bao giờ sợ hãi những viên đạn bằng sỏi, nhặt ở ven sông, bắn chim của lũ trẻ con chúng tôi. Cây gạo với những cánh tay giang rộng, hoa gạo đầy dẫy, chim tha hồ bay lượn vào ra trên những cành cây cao. Cây gạo là thế giới của các loài chim. Cây gạo ríu rít tiếng chim, cây gạo xôn xao với những cánh chim bay lượn. Cây gạo mùa xuân.
Nhưng ký ức về cây gạo của tôi không hẳn chỉ có thế. Ký ức về cây gạo của tôi là ký ức tuổi thơ, cây gạo đầu làng, hình ảnh thân yêu, báo cho tôi biết, mỗi lần đi đâu thật lâu mới trở về; từ chỗ bến xe về nhà phải băng qua một cánh đồng lúa mênh mông, trên con đường đất xa lắc xa lơ, hơn ba cây số, đứa trẻ 8, 9 tuổi như tôi nhác thấy bóng cây gạo xa tít, lòng mừng khấp khởi, sắp sửa đến nhà dù phải gần một giờ cuốc bộ. Sắp đến nhà nhờ thấy cây gạo đầu làng hiện ra trong mắt. Nếu cuối tháng giêng thì cây gạo đã ra đầy hoa đỏ hiện ra trong nắng ấm, phía xa sau cây gạo là màu xanh của núi, màu sáng dịu của trời cao, màu trắng toát của những đám mây như báo hiệu sắp đến mùa hè. Một bức tranh quê.
Mỗi làng quê tôi thời xa xưa nằm cách nhau bằng những cánh đồng ruộng xa ngái, xanh ngát. Từ làng này đi sang làng khác trên một con đường đất, hai bên là những cánh đồng, nếu vào giữa vụ, đó là những cánh đồng xanh mướt, cánh đồng của những đám mạ non, nhìn như sóng lượn, khi có những làn gió nhẹ lướt qua.
Khi đi đâu thật lâu mới về lại làng mình ở, cây gạo hiện ra đằng xa, như một người thân yêu đứng chờ: sắp tới nhà rồi. Cây gạo mang lại tin vui, niềm vui trở về. Niềm vui ấy thường lặp lại mỗi lần khi đi đâu xa như thế. Trẻ con, đi khỏi nhà vài ba cây số, trở về nhà, con đường như dài ra đằng đẵng, cây gạo hiện ra, con đường như ngắn lại: sắp về nhà, sắp đến nhà. Cây gạo bên đường quê tôi như thế có lẽ xuất hiện hàng trăm năm trước. Thân gạo to mấy người ôm, có mặt ở đầu làng lúc nào không rõ, nhưng hẳn phải là xa lắc xa lơ trong quá khứ, lúc 10 tuổi cha tôi đã thấy nó, cũng mấy người ôm, như ông nói.
Vì sao ngày xưa làng mạc lại có những cây cổ thụ như thế? Do người ít, đất còn thênh thang. Cây gạo thường rất to, diện tích tán lá phủ quanh gốc có khi cả 2 sào trung bộ (1000 mét vuông). Đất làng nên không ai phải băn khoăn về sự có mặt của một cổ thụ che rợp quá nhiều đất. Người dân quê sống gần gũi thiên nhiên, văn minh cơ khí chưa phát triển, làng quê chưa có ánh sáng điện đường, những cây to như cây đa, cây gạo, thường được cho là có hồn ma quấn quít gắn bó như đó là ngôi nhà của họ. Cây đa dựa thần, thần dựa cây đa, là có thực, hiểu theo nghĩa đen. Đời này sang đời khác, thế hệ này qua thế hệ khác, cây gạo đầu làng của tôi to lớn, hùng vĩ, trường tồn nhờ ai ai cũng kính sợ “cây cao bóng cả” nơi ở của thần linh.
Trước chiến tranh kết thúc vài năm, người ta thấy cây gạo vẫn còn. Và sau đó không ai nhớ vì sao một cây gạo to lớn như thế lại mất đi. Cuộc sống sau 1975 ngày càng khốn khó, cái đói chi phối con người, sự có mặt hay không có mặt của cây gạo tuổi hàng trăm năm, chứng kiến không biết bao nhiêu thăng trầm của ngôi làng, không quan trọng bằng sự có mặt của những chén cơm cứu rỗi?
Thời gian rất lâu, chưa có dịp về quê, tôi không hiểu tỏ tường số phận cây gạo đầu làng ấy. Sau đó, mỗi lần về thăm mồ mả cha ông, trên con đường cái quan dẫn về ngôi làng yêu mến, nơi tôi chôn nhau cắt rốn, cây gạo không còn hiện ra nữa. Tôi không hình dung làng tôi ở đâu phía xa xa trên con đường dài tít tắp khi bước xuống bến xe. Niềm vui rộn rã 60 năm trước giờ đây chỉ còn là nỗi bùi ngùi khôn tả: cây gạo không còn. Cha mẹ tôi không còn. Ngôi nhà xưa cũng không còn ngoài thửa đất đầy cỏ dại và những bụi chuối, cháu tôi trồng, để “giữ đất” ông bà. Ngôi làng nhỏ nhoi nằm dưới cây gạo cũng không còn như xưa. Tất cả đều thay đổi khi dân làng thay đổi cuộc sống của mình.
Dẫn con cái về quê thắp nhang mồ mả cha ông, tôi có nhắc đến cây gạo thuở xưa ở đầu làng, lòng đầy hoài cảm. Chúng mỉm cười. “Cây gạo mất đi là lẽ thường tình, có gì mà ba phải tư lự”. Vâng, đâu có gì là mãi mãi, dẫu đó là cây gạo gắn bó tuổi thơ. Cây gạo từng là “nơi trở về” của tôi thời thơ ấu.
(*) Thơ Nguyễn Đình Huân.