Showing posts with label Mạn đàm. Show all posts
Showing posts with label Mạn đàm. Show all posts

Sunday, August 18, 2024

PHIẾM LUẬN VỀ YÊU NƯỚC

(Nhân xem mấy bức ảnh về cờ nước sơn trên mái nhà chụp bằng flycam)

“Yêu nước là tình cảm thiêng liêng, cao quý không một thứ tình cảm nào có thể sánh bằng. Yêu cha yêu mẹ, yêu thầy yêu cô, yêu bạn yêu bè, yêu quê cha đất tổ, thậm chí “tử vì đạo” cũng không thể sánh được với lòng yêu nước”.

Tôi đọc tình cờ câu này đâu đó không nhớ rõ. Định nghĩa yêu nước là tình cảm thiêng liêng, cao quý nghe thuận tai nhưng khi nói “không một thứ tình cảm nào có thể sánh bằng” thì tôi thấy có gì đó chưa thuận tai, không dám nói là không đúng.

Tình cảm là lẽ tự nhiên trong con người, có hay không có, và tình cảm thì không cân đong đo đếm, do đó không thể nói tình cảm này to tình cảm kia bé, bằng cách so sánh.

Tình cảm (yêu hay ghét) là một chọn lựa từ sự tự do, tự nguyện. Không ai bảo tôi phải ghét người này yêu người kia nếu tôi không muốn. Không ai bảo tôi phải yêu nước 99 % và yêu mình 1%, phải hy sinh để bảo vệ nước, nước sẽ mất vì không có ai yêu nước. Tình cảm yêu nước, do đó, phải giữ vị trí “thống soái” hơn các tình cảm khác? (Trật đường rầy 1 chút, Do Thái sống lưu vong gần hai nghìn năm, họ mất nước vì không ai yêu nước?)

Tình cảm dành cho cha mẹ không giống tình cảm dành cho thầy cô, càng không giống tình cảm dành cho bạn bè. Mỗi tình cảm có những sắc thái và biểu hiện riêng. Có một tình cảm “bao trùm” lên các tình cảm khác thì cũng khó nghĩ dù đó là tình yêu nước, thường gọi là ái quốc.

Ái quốc, yêu nước, là một tình cảm thật ra không giống những tình cảm khác nhưng cũng là một tình cảm, một tình yêu, nó cũng cần thể hiện cụ thể, biểu hiện cụ thể, không thể mơ hồ, trừu tượng nhưng không vì thế mà cân đo nó được.

Yêu nước có nghĩa là yêu cái gì cụ thể, làm cái gì cụ thể, không thế thì đâu có khẩu hiệu: “đóng thuế là yêu nước"? Tình yêu nước kiểu này cao hơn hẳn hay bao trùm hẳn thì ai đóng thuế nhiều sẽ yêu nước nhiều? Như vậy, ông ngoại quốc Samsung sẽ chiếm đầu bảng yêu nước.

Yêu nước là tình cảm xuất phát từ tình yêu cha mẹ, anh em, xóm giềng, xóm làng, bờ tre, con sông khi bé ta hay tắm mát…cho đến quê hương ta ở nói chung. Một tình yêu cụ thể.

Một người tham gia cách mạng trước đây lúc 18 tuổi cho đến khi trên 70, khi tôi hỏi lý do vì sao ông chọn lấy hiểm nguy, chọn lấy cái chết, không ở lại vùng “Mỹ, Ngụy” để tránh đạn, tránh bom, ông trả lời “tôi đi theo cách mạng vì cha tôi trước theo Việt Minh bị Pháp bắn chết. Mỹ thế chân Pháp, chúng cũng sẽ làm như thế đối với tôi. Tôi phải cầm súng chống Mỹ”.

Thời chiến tranh, tôi có người anh rể hoạt động cơ sở “cách mạng” trong lòng chế độ “quốc gia”, một tình huống cực kỳ nguy hiểm; ông rất giàu có, con ông ở Sài Gòn, học hành giỏi giang, sau này thành đạt, có người bác sĩ, dược sĩ, có người tiến sĩ, lý do yêu nước sâu xa… là vì vợ ông, tức chị ruột tôi, trước 1954 bị Tây giết khi đang mang thai gần ngày sinh nở cùng một lần với mẹ và em gái ông. Ông yêu chị tôi, yêu gia đình ông, do đó ông mới theo “cách mạng”, rồi mới dẫn đến yêu nước, dù đã trả giá bằng bản thân bị tù đày, tra tấn.

Rõ ràng, không phải vị cán bộ này, hay anh rể tôi, lúc đó được loa phường tuyên truyền lòng yêu nước, hay có một lòng yêu nước nồng nàn đang ấp ủ; ông đã yêu người cha của mình trước tiên cũng như anh tôi, ông yêu người vợ của ông trước tiên; người thì thể hiện tình cảm của mình với cha, người thì với vợ, bị bọn thực dân giết chết, trước khi họ thể hiện lòng yêu nước. Chưa có thống kê khoa học nói về lý do đầu tiên và chính yếu thúc đẩy nhiều người chấp nhận hiểm nguy đi theo "cách mạng", nhưng tôi có thể suy đoán họ yêu cha mẹ, gia đình, yêu xóm giềng, yêu làng xã, yêu quê hương họ ở, họ sẵn sàng xả thân để bảo vệ những cái đó, để tất cả con người và nơi chốn họ ở được bình yên, không bị giày xéo bởi quân xâm lược và chúng ta gọi đó là lòng yêu nước.

Yêu nước xuất phát từ yêu một cái gì đó cụ thể, không thể yêu nước trừu tượng.

Chúng ta nghe câu chuyện về hai nhân vật của Quốc Dân đảng: Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang. Vị thủ lĩnh đẹp trai này bị đưa lên đoạn đầu đài, trước sự chứng kiến (nhờ ngụy trang) của người yêu, cũng là người vợ, nỗi đau đớn pha lẫn căm thù trong lòng cô gái xinh đẹp tuổi đôi mươi này ngút ngàn, chất ngất. Người ta hy vọng sau đó, vị nữ chiến sĩ kiên cường trẻ tuổi này sẽ tiếp tục con đường chống Pháp, để báo thù cho cái chết của chồng và các đồng chí, thể hiện lòng yêu nước vô bờ bến của mình.

Không, bà đã quyên sinh sau khi viết hai bức thư tuyệt mệnh gởi cho cha mẹ mình và cha mẹ chồng, bằng chính khẩu súng lục của Nguyễn Thái Học, trước khi biết bị bắt, đã trao cho. Bà yêu nước hay bà yêu chồng?

Chúng ta không thể kết luận hồ đồ bà chỉ yêu chồng mà không yêu nước. Bà vì nước, và có thể, vì chồng mà yêu nước. Phận nước nổi trôi cùng số phận mỗi con người Việt Nam. Bà là người yêu nước. Tình cảm dành cho chồng của bà ngang hay thấp hơn tình cảm dành cho quê hương nếu người ta có thể “đo đếm” như câu nói ở đầu bài?Tình cảm về chồng, về tổ quốc đều trân quý như nhau, không thể kết luận yêu nước phải bao trùm lên tất cả các tình yêu khác.

Phan Châu Trinh với chủ trương bất bạo động (trong khi có những người thích chủ trương bạo động) có yêu nước không? Tôi hỏi ngây ngô quá?

Phan Châu Trinh yêu nước theo cách của cụ. Cụ yêu nước nhưng không thể hiện lòng yêu nước đó bằng bạo động. “Bất vọng ngoại, vọng ngoại tắc ngu; bất bạo động, bạo động tắc tử”. (Xin nôm na: không vọng ngoại, vọng ngoại tất ngu; không bạo động, bạo động tất tử).

Chọn lựa bất bạo động của chí sĩ trong đấu tranh giành lại độc lập cho đất nước không thể bảo đó là lựa chọn…không đúng đắn, thiếu thức thời. Nếu đọc kỹ lịch sử phong trào chống sưu thuế, dưới tác động của cụ và các đồng chí, phát xuất từ huyện Đại Lộc (quê tôi - theo Lịch sử Quảng Nam của Nguyễn Q. Thắng) dấy lên và lan ra nhanh chóng khắp cả miền Trung, chúng ta thấy sức mạnh của bất bạo động mãnh liệt vô cùng, khi đoàn chống sưu thuế đi đến đâu, dân chúng ùn ùn kéo theo đó, như thác lũ (bây giờ gọi là biểu tình), chính quyền thực dân súng ống đầy mình và họ không dám đàn áp bằng vũ lực. Giả sử phong trào này xảy ra ở Thiên An Môn, hàng chục vạn người bị giết chứ không phải mấy ngàn như năm 1989. Tây bó tay, sau đó mới “bắt nguội” những người cầm đầu.

Đấu tranh bất bạo động này người Ấn áp dụng theo thánh Gandhi có thể xảy ra sau Phan Châu Trinh áp dụng ở Việt Nam.

Tôi đọc sử Quảng Nam và phát hiện ra một chi tiết tôi cũng ngạc nhiên mà nhiều người chưa biết: cha cụ Phan Châu Trinh bị giết dưới tay nhà lãnh tụ phong trào Cần Vương, ông Nguyễn Duy Hiệu, do một sự nhầm lẫn có nguồn tin báo ông theo…Tây.

Chí sĩ Phan Châu Trinh vĩ đại trong những người vĩ đại ở chỗ: không lấy cái chết của cha làm thù hận, quay lại chống những người đã giết cha ông;  và qua cái chết này của cha, Phan Châu Trinh (theo nhận định của riêng tôi) biết đâu đã chọn bất bạo động là phương pháp đấu tranh chống Pháp và rất tiếc cho lịch sử, đấu tranh bất bạo động của cụ không kéo dài được lâu vì cụ sớm qua đời, không người kế tục phương pháp này, và biết đâu, nếu còn sống thêm 10 năm, cụ cũng sẽ thành công như Gandhi, từng sách động biểu tình, và nhất là nhờ tuyệt thực non một tháng, đã giành lại độc lập cho Ấn Độ.

Và tiếng Anh, tiếng của Đế Quốc sau đó được dùng làm ngôn ngữ chính thức của đất nước hơn 1,4 tỷ dân với hơn mấy trăm ngôn ngữ, một lối vận dụng khôn ngoan, về bản chất, không khác chi chủ trương của Phan Châu Trinh “ỷ Pháp cầu tiến”, đã bị một số người lên án, họ cho rằng cụ muốn thỏa hiệp với Pháp.

Cụ Phan Châu Trinh yêu nước và sách lược bất bạo động, cũng là một cách yêu nước, nếu được vận dụng tốt hơn, được nhiều người ủng hộ hơn thời đó, nước Việt Nam biết đâu đã không hy sinh hàng triệu người cho 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ?

Cái chết của người cha không ảnh hưởng, không tác động đến lòng yêu nước, đến quyết định chọn lựa đấu tranh bất bạo động đối với giặc Pháp của Phan Châu Trinh hay sao?

Mọi tình yêu dành cho: cha mẹ, anh em, vợ chồng, bè bạn, cho mọi người thân và tình yêu dành cho quê hương ta gọi là tình yêu nước đều có những giá trị nền tảng riêng và không nên mang ra so sánh tình cảm nào cao, tình cảm nào thấp, như một vật chất cụ thể, có nặng có nhẹ.

Tôi đoan chắc người yêu nước là người yêu mình, yêu gia đình trước tiên. Mình được yêu nghĩa là chăm bồi bổ sức khỏe, gia đình an tâm tiễn con lên đường, hun đúc thêm tinh thần yêu nước. Đau ốm, còi cọc, bước khỏi cửa thì lo nghĩ ai phụng dưỡng mẹ cha, làm sao thanh niên cầm nổi súng mà đánh giặc  nếu chúng bất ngờ tấn công trước?

Wednesday, February 7, 2024

KÍNH THƯA CÁC NGÕ HẺM hay bệnh sĩ nguy hiểm hơn bệnh tim.

Ai mới đến Sài Gòn tìm nhà, các ngõ hẻm là nỗi kinh hoàng nếu nhà cần đến nằm sâu, hàng năm bảy lần “quẹo “, có khi chưa tìm ra. Hẻm chồng hẻm, trước 75, dân chúng có số nhà luôn luôn gọi xuyệt (gạch xéo, sur, tiếng Pháp). Ví dụ: 28/18/8 = 28 xuyệt 18 xuyệt 8 . Có nghĩa nhà này nằm ở con hẻm thứ ba.

Cũng sau 1975, khi dự hội nghị, khán giả nghe gì nhiều nhất: kính thưa.  Kính thưa các vị tai to mặt lớn có mặt trong hội trường. Kính thưa thiếu sẽ gặp phiền toái, nếu có chức sắc nào đó quên nêu tên, nghĩa là không được kính thưa. Có câu chuyện vui. Ở Nam bộ, trong cuộc họp, anh em ở đây khá thân mật, gọi nhau bằng thứ bậc gia đình: kính thưa anh Hai (một anh hai), kính thưa hai anh Ba, kính thưa ba anh Tư, kính thưa bốn anh Năm, và kính thưa năm anh Sáu...nếu có quá nhiều vị cùng thứ tự khi ra đời.

Do đó, thành ngữ “kính thưa các ngõ hẻm”, có nghĩa là quá nhiều, khi có anh dân Nam bộ than phiền cái gì đó...họ thấy “đủ thứ trên đời”.

Hiếu danh, có người còn gọi hơi nặng, háo danh, là đặc tính không phải bây giờ mới có. Ngày xưa, ở nông thôn phong kiến, làm chức hương, chức xã, là vinh dự, cả khi không còn làm. Nếu là lý trưởng (ấp trưởng) người làng sẽ gọi ông Xã, nếu tên Xệ, sẽ là ông Xã Xệ. Các vị đỗ đạt cao: Tú tài, cử nhân, cả đời cái danh ấy theo họ, cho đến chết vẫn còn. Tú Xương (nhà thơ); cử Nhu (trong bài: Giám khảo khoa này bác cử Nhu/ Thật là vừa dốt lại vừa ngu/ Văn chương nào phải là đơn thuốc/ Chớ có khuyên xằng, chết bỏ bu).

Bây giờ, cái danh ấy còn tuyên xưng dữ dội hơn. Bằng thạc sĩ, tiến sĩ chứng nhận trình độ người có nó về môn học, ngành học. Nó không phải là chức tước. Có ông huyện trưởng ghi bảng danh để trên bàn làm việc: thạc sĩ chủ tịch huyện Nguyễn (chi đó).

Có một vị, lúc còn sống, khi chưa lên chủ tịch nước, mới còn là bộ trưởng, trong cuộc tiếp đón ông, người ta trương tấm phông to: “Chào mừng ủy viên bộ chính trị, giáo sư tiến sĩ bộ trưởng bộ...”

Có lẽ người được chào đón không để ý lắm câu ca tụng nhưng người dựng tấm phông ấy rất lấy làm hãnh diện.

Công lao đóng góp cho xã hội là cái cần vinh danh không phải tước vị. Chính vì nặng tước vị, chúng ta thấy nhiều người bị cách “cái chức không còn “ của ai đó bị kỷ luật. Cách cái “nguyên”, cách cái “cựu “ không hợp lý: không khác Trump bị đàn hặc...truất phế, khi ông không còn làm tổng thống, ở Mỹ.

Sĩ diện ăn sâu trong huyết quản người VN. Nhà có hai nơi quan trọng nhất: bếp và cầu tiêu, nếu ở Mỹ. Ở VN, quan trọng nhất, đó là phòng khách. Cái căn phòng ít sử dụng nhất nhưng được trang bị sang trọng nhất, hoành tráng nhất. Một ngày, tiếp khách bao nhiêu người, bao nhiêu lần, trong khi chỗ ăn, chỗ ị ngày nào cũng sử dụng.

Cái bệnh sĩ ấy còn ăn sâu trong lãnh vực giáo dục. Danh hiệu thi đua, xếp hạng giỏi dở, trường đạt chuẩn thấp cao ...là quan tâm hàng đầu, trong khi chất lượng giáo dục: thành quả đào tạo một học sinh, một sinh viên có ra đời tự nuôi sống mình, còn là vấn nạn.

Bệnh sĩ có mặt nhiều nơi, nhưng giáo dục phải là nơi cần loại bỏ nó trước nhất. Khi giáo dục có tính nhân bản, dân tộc và khai phóng, bộ máy cái này sẽ sản sinh ra tất cả thành quả khác cho xã hội, thành quả trồng người có nhân cách, có trí tuệ, có độc lập tư duy.

Nhiều người gặp nhau, không nói chuyện thiết thân, chỉ bô bô...bác tôi, chú tôi, bà con tôi...làm chức nọ chức kia. Thậm chí còn khoe cả người của huyện "tôi", hay tỉnh tôi làm đến ủy viên trung ương.

Họ làm chứ “tôi” có làm đâu mà nổ? Hay bô bô như thế để khẳng định mình...đẳng cấp?

Bệnh sĩ chết trước bệnh tim, không chừng.

Monday, February 5, 2024

VẨN VƠ THỜI DỊCH BỆNH

Nhiều người lẫn lộn phong tỏa (lockdown) với giãn cách. Chính phủ rất khéo léo sử dụng cái tên chỉ thị 15 và chỉ thị 16 để phân biệt cấp độ “nghiêm ngặt” áp dụng với xã hội trong thời gian đối phó dịch bệnh.

Có hai luồng suy nghĩ hiện nay: phong tỏa xã hội và sống chung với lũ (vì corona sẽ không biến mất khỏi mặt đất như đậu mùa). Cái nào cũng có cái hay riêng. Với điều kiện y tế hiện nay, cơ sở chữa trị và vắc xin thiếu, phong tỏa là lựa chọn bất đắc dĩ và phải làm.

Sống chung với lũ sẽ chẳng áp dụng được: lý do, chả có lãnh đạo nào dám “đánh cược” sự nghiệp chính trị của mình với quyết định táo bạo ấy như thủ tướng nước Anh mới đây khi chủng biến thể delta đang ghé thăm Vương quốc.

Phong tỏa sẽ làm cho hoạt động xã hội ngưng trệ. Xã hội tiến bộ là xã hội có hoạt động nhộn nhịp, cả ngày lẫn đêm. Nơi nào mang lại của cải xã hội nhiều nhất là nơi đó hoạt động ồn ào liên tục nhất. Sài Gòn là một ví dụ. Phong tỏa gây thiệt hại có đo đếm được ở thành phố năng động nhất nước này? Không thể đo đếm được. Sau 14 ngày nữa, nếu dịch không giảm, liệu có vài đợt 14 ngày nữa không? Chẳng thánh nào nói trước. “Thi đua 15 ngày nữa hết F0” là lời nói biểu hiện quyết tâm, không phải lời nói chín chắn và khiêm cung.

Tôi trải qua 90 ngày sống trong tình trạng vừa giãn cách vừa phong tỏa ở miền Trung. Dân Sài Gòn sẽ trải qua những trải nghiệm mà tôi đã trải qua.

Dịch bệnh làm con người xa cách nhau. Cha mẹ sẽ không đến thăm con, thăm cháu và con cháu cũng không dám đến an ủi hỏi han ông bà cha mẹ. Tất cả phải tuân thủ “gia đình cách ly gia đình, xã phường cách ly xã phường”. Lẽ đáng, những lúc “hoạn nạn” gia đình phải là chỗ dựa cho nhau. Đằng này không. Phần ai nấy lo lấy thân. Ai cũng có thể là F0, nghĩa là, ai cũng có thể gieo mối “hiểm họa” cho nhau. Vậy nên, mọi người đều phải “ ái nhi viễn chi”.

Con người không còn giữ mối thân tình như trước. Cha mẹ có thể là “kẻ địch” của con nếu họ mang mầm bệnh đến cho ngườihọ rứt ruột sinh ra. Chưa kể nếu cha chết vì covid chưa chắc con tận mặt cầm tay người thân giờ phút cuối.  “Ra xe tiễn cha đi. Chưa bao giờ buồn thế. Trời mùa đông cô-vi, suốt đời làm chia ly. (*)

SÀI GÒN KHÔNG THỂ GIỐNG CÁC TỈNH

VNExpress có bức ảnh chụp Gò Vấp ứ đọng hàng ngàn người chờ xét giấy thông hành covid trên một con phố dài. Người ken dày người, xe ken dày xe. Corona sẽ đi đâu? Người chờ soát giấy và người kiểm tra giấy, cả hai đều lo lắng không khác nhau: làm sao cho mau chóng lưu thông.

Sài Gòn là đô thị hình thành rất sớm. Hệ thống giao thông chằng chịt nhất Việt Nam. Tôi có mặt ở Sài Gòn từ năm 1972. Cho đến nay, tôi vẫn thường hay hỏi đường đi. Tôi có thể ví đường lớn là động mạch, đường nhỏ là tĩnh mạch, đường hẻm (ngõ, ngách) là mao mạch. Sài Gòn sống nhờ có nhiều mạch máu.

Sài Gòn cũng là nơi hội tụ của người từ Bắc, từ Trung, và từ các tỉnh miền Nam. Vì sao người ta không ra thủ đô Hà Nội hay thành phố Đà Nẵng để sinh sống mà lại vào Sài Gòn? Tôi không nói Sài Gòn bao dung và rộng mở. Sài Gòn là nơi người giàu nhất và người nghèo nhất có thể sống nhờ nó.

Người nghèo thành phố và người nhập cư chiếm gần như áp đảo số dân thực sự của Sài Gòn. Thời dịch bệnh phải phong tỏa, người có ăn ngồi nhà vẫn không đói nhưng người nghèo không ra khỏi nhà sẽ đói. Các tổ chức tư nhân, các cá nhân từ thiện không đủ sức cưu mang họ. Ra đường là lẽ sống đối với họ dù cho ra đường không theo quy định là phạm luật. Không có người nghèo nào gan dạ ra đường để bị phạt tiền (ngoại trừ các người chạy bộ, đạp xe có thói quen tập thể dục từ lâu).

Có người nói dân Sài Gòn không ý thức “giãn cách” bằng dân các tỉnh, thành phố từng cách ly, từng phong tỏa chống dịch. Không. Họ rất ý thức nên mới đứng chờ ở chốt kiểm soát. Nếu vô ý thức, họ sẽ đi vào các ngõ hẻm để tránh kiểm soát. Sài Gòn có hàng vạn đường hẻm. Có đủ bảo vệ để chốt chặn hay không?

Nếu không linh hoạt biện pháp chống dịch với Sài Gòn, khó mà ngăn tình trạng phá vỡ quy định giãn cách của chính phủ, như qua bức ảnh. Và, tôi có thể ví, nếu chặn được các mạch máu của cơ thể thì mới có thể ngăn được người ra đường ở Sài Gòn. Nên lưu ý, chỉ người nghèo mới ra đường. Họ ra đường để đi tìm miếng cơm trong thời buổi khó khăn dịch bịnh này.

Sunday, February 4, 2024

CÁCH LY TẠI NHÀ VÀ CÁCH LY TẬP TRUNG: Cái nào nhân văn hơn?

Năm ngoái, VN nổi tiếng thế giới nhờ chống dịch. Vị trí xếp hạng thuộc top ten các nước. Nay, Nikkei xếp VN chống dịch chót bảng. Vì sao?

Đặc điểm ban đầu COVID ít lây lan. Phong tỏa, khoanh vùng, cách ly, truy xét nguồn lây: rất thành công. Ngày nay, biến chủng Delta còn hơn ma quỷ. Chỗ nào cũng có mặt nó. Nước có tốc độ chặn dịch khá hiệu quả như Mỹ cũng ngắc ngư vì biến thể mới, huống hồ Việt Nam.

Biện pháp chống dịch cũ có hiệu quả cho tình huống mới, không ai có câu trả lời chắc chắn. Mọi thứ ngổn ngang phía trước. Sài Gòn áp dụng biện pháp chống dịch phải nói là quyết liệt nhất nước, nghiêm ngặt nhất từ trước tới nay. Số F0 có giảm đi theo sự nghiêm ngặt, quyết liệt hay không?

Một trong các biện pháp ngăn chặn dịch là cách ly. Liệu nhà nước có đủ sức, đủ chỗ, để cách ly tập trung số F0 không dừng mỗi ngày? Cách ly 10 F0 cần bao nhiêu người đứng ra tổ chức? 1000 rồi 10.000 người sẽ cần bao nhiêu? Nào chỗ ở, chỗ ăn, chỗ sinh hoạt, nào phải theo dõi sức khỏe của mỗi F0. Một gánh nặng nhà nước phải è vai ra vác. Và nhà nước sẽ vác đến bao giờ khi phải “sống chung với dịch”?

Cách ly để dịch không lây. Phong tỏa để xét nghiệm đại trà. Tại sao lại phải nhốt chung những người “nghi F0” vào một chỗ để sàng lọc lại bằng CT-PCR? Tôi từng chứng kiến mỗi ngày, nơi cách ly trung chuyển, những người dương tính qua test nhanh ở phường (khu đỏ) lại âm tính, hàng chục người trả về nhà do kết quả xét nghiệm PCR>30. Vậy, có bao nhiêu người “dương tính giả” trở thành dương tính thiệt vì chung đụng mấy ngày với “F0 thứ thiệt” để chờ xét nghiệm chính thức? Tôi chưa nói tới điều kiện sinh hoạt cách ly tập trung. Tất cả địa phương tổ chức cách ly đều có đủ cơ sở cho sinh hoạt của hằng mấy trăm người, già có, trẻ có, người khỏe mạnh , người thể trạng gầy yếu? Có tuân thủ đúng giãn cách theo quy định cho số người lên đến mấy trăm, có nơi cả ngàn? Ở Bình Dương các F0 tập trung giành giật thức ăn, hình ảnh khá đau lòng.

Khi người lập ra chính sách (ở đây là cách ly tập trung) không nằm trong nhóm F0, họ khó hình dung ra đủ nỗi nhọc nhằn và phức tạp của cuộc sống “cách ly tập trung”.

Trong một gia đình, thành viên tuần tự vào khu cách ly theo thời gian phát hiện dương tính ở phường. Cha có thể ở một nơi. Mẹ ở một chỗ. Có gia đình cách ly gần hết chỉ còn một hai con nhỏ không dương tính cũng phải đi theo. Ở nhà ai chăm? Tôi từng gặp một người mẹ không nhiễm COVID phải đi theo “nuôi” người con 5 tuổi dương tính. Liệu sau một thời gian, người mẹ có thoát khỏi COVID khi phải ở chung với những người đã nhiễm? Cũng có người mẹ trẻ phải để con còn đang bú ở nhà cho bà ngoại vì gia đình chỉ một mình chị dương tính đi cách ly. Mỗi ngày chị phải nặn bỏ sữa trong khi đứa con ở nhà khát sữa! Sau một ngày nhớ con, chị quyết định gọi chồng ôm con vào cho chị. Đứa bé sống với mẹ dương tính, không rõ sẽ thế nào.

COVID khủng khiếp không phải ở chỗ gây chết người (ung thư, tim mạch, tai nạn giao thông…không gây chết người nhiều hơn ư?). Nó khủng khiếp ở chỗ huỷ hoại tinh thần con người khi phải xa cách nhau, phải ly tán nhau trong cơn hoạn nạn, và người thân yêu ruột thịt xem nhau như…địch. Bất cứ ai cũng có thể mang đến nguồn lây cho người khác.

Cách ly tập trung vừa là gánh nặng cho nhà nước vừa là gánh nặng cho gia đình người bị cách ly. Sinh hoạt hằng ngày trong gia đình dù trong mùa dịch vẫn tạm ổn: liệu cơm gắp mắm cho quá cơn bĩ cực. Cả một gia đình F0 ly tán trong các khu cách ly, sinh hoạt thiếu thốn, lạ chỗ ngủ nghỉ, thể xác, tinh thần của họ có còn đủ sức để đối phó con vi rút mỗi ngày tấn công cơ thể? Khi đi cách ly, họ có dụng cụ để nấu nước xông mỗi ngày? Cúm trong người của họ tự do phát tán qua các cơn ho cho người khác, kẻ có tải lượng vi rút nhiều không nhiễm thêm cho người có tải lượng vi rút ít? Không ai chắc chắn sống chín mười người trong một căn nhà tập trung mà không lây bịnh cho nhau, ngoài COVID.

Ở nhà và ở cách ly, nơi nào có thể hỗ trợ người nhiễm chống lại dịch bịnh tốt hơn?

Ăn uống không đúng giờ thường lệ như ở nhà. Ăn những món ăn “tập thể” ( hàng ngàn suất cơm như nhau). Không có điều kiện ăn những thứ có ích để nâng đỡ cơ thể. Tôi chứng kiến gần phân nửa số người trong phòng lúc tôi cách ly, cả ở bịnh viện dã chiến, không ăn hết nửa phần cơm được cấp. Không phải cơm thiếu dinh dưỡng nhưng họ nói không hợp khẩu vị, không ăn nổi. Không ăn nổi lấy sức đâu mà đương đầu với vi rút, chưa kể lúc đói thì chưa thấy cơm (hàng ngàn người, phục vụ đúng giờ không xuể) và lúc no thì cơm đã tới. Bạn có muốn ăn canh cũng không có. Bạn muốn xin thêm một nửa trái ớt cũng không được. Tôi thích ăn ớt. Có bữa phần ớt của tôi chưa tới 1/4 quả. Tôi phải liếm nó mỗi lần đưa cơm vào miệng. Nhai “mụn” ớt kia thì cả bữa cơm vứt đi hay sao? Tôi có sữa Ensure mang theo. Những người khó khăn hơn thì sao?

Cách ly tập trung còn làm người ta dễ mất nguồn sống: việc làm. Thời dịch bịnh, còn làm việc qua mạng là còn may mắn và là cứu cánh cuộc sống. Hàng chục ngày cách ly, công ty, nhất là làm cho công ty nước ngoài, có ai cho bạn làm gián đoạn công việc của họ không? Thiếu người là thay ngay. COVID chưa làm khốn đốn nhưng mất việc là khốn đốn ngay.

Cách ly tập trung có lợi thế 2 thứ: “Bóc tách” F0 ra khỏi cộng đồng và xử lý bịnh nhân chuyển nặng.

Liệu cách ly F0 tại nhà, hai việc đó không giải quyết được?

Ở bịnh viện dã chiến, F0 không phải là bịnh nhân. Họ không được thăm khám từng người và nhận thuốc như trong bịnh viện. Như trong đạo công giáo, lúc rao hôn phối, vị linh mục thường dõng dạc: “Ai thấy đôi này có gì ngăn trở thì hãy tỏ ra”. Ở đây, F0 thấy có gì  trong cơ thể “thì hãy tỏ ra” bằng cách gọi điện cho bác sĩ. Sau khi ăn rồi ngủ, ngủ rồi ăn, tôi thấy F0 mừng rỡ khi có danh sách “xuất viện”. Bịnh viện “tầng 1” (dã chiến) này cũng chẳng có thuốc chữa đặc trị COVID, ngoài vitamin C hay hạ sốt, những loại thuốc ở nhà ai cũng sẵn, kể cả máy đo oxy.

Tại sao ở nhà, có trạm y tế lưu động, các F0 lại không tiếp cận tham vấn của bác sĩ mỗi khi cần? Tôi thấy điều này khả thi. Mỗi ngày cách ly ở nhà, có người qua số điện thoại này (ảnh) đều gọi hỏi thăm tôi và bảo có cần hỗ trợ gì không về súc khỏe.

Khi thấy nhà nào có điều kiện cách ly hãy tạo điều kiện cho họ cách ly. Đây là cách làm ở các nước tiến bộ. Hay là, cách ly tại nhà, không “làm đẹp “con số thi đua: Khu vực tôi không để lây nhiễm, dễ tạo thành tích, vì số F0 được “tống tiễn” tất cả vào khu cách ly?

Vấn đề nữa: cách ly tại nhà dễ lây dịch ra cộng đồng? Vì sợ như vậy, có địa phương dùng khoá khoá cổng dù người trong nhà chỉ là F1, F2. Cũng vì bảo vệ thành tích, trước đây có tỉnh từ chối nhận đồng hương về quê tránh dịch. Nếu tiếp xúc gần đều lây, tại sao trong gia đình người nhiễm dịch, người không? Nhiều người không ra khỏi nhà hàng tháng nhưng vẫn dính COVID?

Theo tôi, không nên cách ly tất cả F0. Cần phân loại. Những người già trên 65 tuổi, người bịnh nền, có thể tự nguyện đi cách ly. Không nên “hốt “ cách ly. Làm như vậy sẽ khiến người dân trốn xét nghiệm đại trà, ảnh hưởng sức khỏe chung. Hãy phát que thử cho dân,hướng dẫn họ tự xét nghiệm. Nếu dương tính, hãy hướng dẫn họ cách thức săn sóc mình, cấp thuốc cần thiết, và thường xuyên liên lạc y tế nếu có bất thường xảy ra.

Việc cách ly tập trung, nếu muốn duy trì,  cần để dân tự nguyện. Những người ở khu “ổ chuột”, kinh tế khó khăn, có thể chọn vào chỗ cách ly nếu họ muốn.

Khi nhà nước bớt “bao cấp “ cách ly tập trung, họ sẽ có nguồn lực tập trung cho việc chữa trị F0 dễ trở nặng. Việc “sống chung” với dịch bằng 5K sẽ khiến cuộc sống thời dịch bịnh “dễ thở hơn”. Khi không còn quá sợ hãi dịch lây lan, người dân, nhà nước, sẽ bình tĩnh giải quyết mọi vấn đề một cách sáng suốt hơn, thông thái hơn. Thành phố sẽ không còn là pháo đài đầy kẽm gai, đêm xuống không một bóng người, hàng chục triệu dân không ai hồi hộp, lo lắng, lo sợ “khi nào tới số mình” bị cách ly.

Sống chung với dịch giống như sống chung với lũ. Có ai dẹp lũ, có ai dẹp dịch? Có dẹp nổi không?

Khi tinh thần người dân ổn định, vững vàng, không “giặc “ nào họ phải sợ. Và khi người dân có quyền tự do trong đối phó dịch bịnh (cách ly tại nhà, tự giác hạn chế lây lan) với sự hỗ trợ y tế đầy đủ, chắc chắn Sài Gòn sẽ trở lại năng động, lấy lại sức sống như xưa. Sài Gòn khỏe, cả nước khỏe. Sài Gòn vẫn có sức sống riêng. Đừng làm “bầm dập “ Sài Gòn với quá nhiều thử nghiệm, không phải vì khoa học mà vì duy ý chí và kiêu ngạo cộng sản.

Ảnh: Cảnh giành phần ăn khu cách ly tập trung F0 Bình Dương.

GIẤY ĐI ĐƯỜNG: Nghĩ về lòng tự trọng.

Khi xét giấy người ra đường thời chống dịch, nhà chức trách muốn “trắc nghiệm” sự “trung thực” của công dân. Rõ ràng, xét giấy để chế tài người lợi dụng ra đường không chính đáng. Muốn biết ai vi phạm, hàng trăm, có khi hàng ngàn người cần phải được kiểm tra. Tề Thiên Đại Thánh cũng không thể giữ trật tự: tuân thủ giãn cách.

Nếu ở nước tiên tiến, người ta sẽ “kiểm tra” bất chợt, đột xuất. Em nào vi phạm sẽ bị phạt nặng. Chẳng ai phải “soát” giấy từng người. Vì sao? Nhà chức trách tin tưởng người dân. Ở các nước toàn trị, chỉ chính quyền mới đáng tin, không phải người dân.

Trước 1975, VNCH, chưa phải là chế độ “tiên tiến” nhưng họ tin tưởng người dân. Bất cứ ai xin vào làm công chức nhà nước, lý lịch không quan trọng. Người xin việc chỉ cần một giấy chứng nhận, không phải của chính quyền, mà của toà án, gọi là phiếu lý lịch số 3, nội dung chính: chứng nhận đương sự không can án, nghĩa là, chưa lần nào phạm tội (nặng hoặc nhẹ). Một người muốn vào làm cho một cơ sở của người Mỹ, họ chỉ cần “bảo lãnh” của 2 viên trung sĩ người Việt, bằng chữ ký, chứ không phải bằng con dấu của ủy ban nhân dân xã (qua lý lịch). Người ta tin vào hai con người cụ thể, mà không tin vào chính quyền.

Đây là kẽ hở và cũng là lý do, nhiều tình báo đối phương thâm nhập và leo cao trong guồng máy chính quyền. Lòng tin bị lợi dụng.

Ngày nay, mọi chứng nhận từ chính quyền mới là công nhận chính thống, chính thức, có giá trị. Bản thân công dân không đáng tin cậy nếu thiếu công nhận của chính quyền. Và đây chính là lý do cần phải có giấy đi đường trong thời phong tỏa. Ai cũng có thể là “người vi phạm”. Nếu không, cần cấp giấy, soát giấy làm gì?

TINH THẦN XUỐNG, COVID SẼ LÊN

Tôi là người có duyên với bịnh viện nhiều lần, lần đậm duyên nhất là mắc ung thư. Tôi vượt qua nhờ bác sĩ nhưng có người nhờ bác sĩ như tôi, họ lại ra đi vĩnh viễn. Không phải tôi có tinh thần thép nhưng tôi mau thích nghi hoàn cảnh: ở đây là bịnh nan y. Ban đầu tôi rất sợ hãi. Về sau, tôi can đảm hơn nhờ “sống chung với lũ”. Sợ cũng chết, không sợ cũng chết, tôi nghĩ như thế về căn bịnh của mình. Từ đó tôi có thái độ khác hơn, nghĩa là “chấp nhận” hơn. Tôi nghĩ, sống chung với lũ không đồng nghĩa bó tay trước lũ.

Chủng Delta (COVID) hiện nay đe dọa an nguy con người khắp thế giới. Ai cũng gặp kiếp nạn không cứ người Việt Nam.

Chúng ta sợ COVID nhưng chúng ta có tránh nó được không? Chắc chắn phải sống chung với nó. Điều đó không có nghĩa bó tay với nó. Sống chung như thế nào? Chắc chắn không thể như khi nó chưa xuất hiện. 5 K và vắc xin: chính là cách sống chung buộc phải thực hiện. Thấy phong tỏa cứng “chỉ thị 16+”, nhiều người đồng tình. Thà “đau đớn” một thời gian mà vượt qua dịch bịnh. Nhưng phải “đau đớn” bao lâu? 1 tháng, 3 tháng, 9 tháng, hay một năm? Không ai có câu trả lời chính xác, kể cả chính phủ, người quyền lực nhất nước.

Nhiều người nói, không chống được dịch, ngồi yên trong nhà, và ngậm miệng lại, để nhà nước chống dịch”. Có người còn quả quyết: hãy tránh ra một bên, cho người khác chống dịch.

Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội chống dịch thế nào? Dân có ai không tuân thủ, có ai dám cản đường? Dịch đã bó tay chưa?

Có người bảo nước nào cũng phải phong tỏa kể cả các nước tiến bộ như Úc, Anh. Họ không hiểu phong tỏa ở các nước này khác phong tỏa như Trung Quốc, Việt Nam. Chúng ta “ai ở đâu ở đó”. Họ: không được ra khỏi nơi cư trú 5 km. Ai vi phạm phạt 1500 đô la. Không được tụ họp quá 10 người. Quán bar, nơi khiêu vũ, tiệm làm móng, quán nhậu…cấm hoạt động. Nhà thờ nhóm họp không được quá 30 người. Xe buýt chở không quá số lượng quy định: chỉ được 1/3 như thường lệ. Các siêu thị bán hàng buộc người mua phải đứng cách nhau 2 mét, mọi người buộc phải mang khẩu trang…

Lockdown của họ “dễ thương quá”. Vì sao? Họ không muốn người dân bí bách vì giãn cách chống dịch. Họ nuôi dưỡng sức dân, nói nôm na, họ muốn dân cảm thấy thoải mái khi cùng chính phủ chống dịch. Tôi không nói nước Mỹ. Nước này rất “phản động”. Có một vị giám mục (không phải linh mục đâu nha) nói trong các bài giảng, tín đồ đừng có chích vắc xin. Vắc xin có thứ làm từ nhau thai, “vô nhân đạo” lắm. Dân Mỹ còn “phản động” hơn: Có người biểu tình chống nhà trường bắt con họ mang khẩu trang. Chích vắc xin thưởng tiền họ cũng mặc.

COVID đối với họ không là “cái đinh” gì. Ngăn chặn dịch phải theo ý dân. Mỹ thành công trong chống dịch nhờ nhiều…người “phản động”. Nghĩa là, dân vi bản. Quan dĩ dân vi bản.

Các nước như VN hay TQ, chính phủ muốn dân phải tuân thủ theo họ để dân nhận được những điều tốt đẹp hơn. TQ phong tỏa Vũ Hán bao lâu? Hơn 2 tháng rưỡi, họ khống chế được dịch bịnh. Chúng ta thấy cảnh họ bắt người trốn dịch thảy lên xe như súc vật nhưng chúng ta không thấy họ lo cho những gia đình bị cách ly các hàng hoá thiết yếu trong thời gian “ai ở đâu, ở đó”. Cách đây 1 tháng, tôi đọc trên báo Mỹ, họ chích vắc xin cho dân: 100 người là 135 mũi. Nghĩa là có 100 người chích 1 mũi và 35 người chích 2 mũi. Công nghệ chế vắc xin của họ theo truyền thống, làm vi rút yếu đi, chích vào cơ thể tạo sự đề kháng chống lại vi rút. Nó không hiệu quả bằng vắc xin phương Tây nhưng có tác dụng: họ không phải vật vã như nhiều nước trên thế giới kể cả phương Tây nhờ kết hợp phong tỏa với vắc xin.

VN có lẽ học cách chống dịch của TQ. Tôi cho, nếu có học, chỉ một phân nửa: Phong tỏa nghiêm ngặt. Vắc Xin thì chưa. Phong tỏa để đẩy mạnh vắc xin. VN rất khó khăn trong tiếp cận vắc xin. Chỉ còn dựa vào phong tỏa.

Câu hỏi lớn: Phong tỏa đến bao giờ?

Chi cho bằng: “Sống chung” với dịch. Hãy mở ra kinh tế. Chắc chắn số nhiễm sẽ tăng, số chết sẽ nhiều. Nhưng khi nhà nước tập trung nguồn lực chữa trị, số tử vong sẽ giảm. Thay vì dồn sức cho: xét nghiệm đại trà, quyết liệt cách ly, đưa F0 vào các bịnh viện dã chiến…chúng ta cho các FO “khỏe” cách ly tại nhà (có đến 80%), chú ý 15 % có triệu chứng nhẹ đến trung bình, đưa số 5% có thể chuyển nặng vào bịnh viện. Cho những người có điều kiện được ra đường, được tham gia vào phục vụ lợi ích công cộng, để họ duy trì dòng chảy cuộc sống: người chích đủ 2 mũi, người từng là F0 chữa khỏi.

Quan trọng nhất: Hãy chú trọng đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, và các cơ sở tiếp nhận người bị COVID có thể trở nặng. Hãy “chơi “ lại COVID, không thụ động trốn tránh nó bằng “giấy đi đường”, bằng ngăn sông cấm chợ. Cấm đi đường làm gì khi không ai dại đến nổi ra đường “không mục đích chính đáng “ để bị phạt, bị khó dễ. Họ ra đường để giải quyết bức bách nào đó cho gia đình, cho bản thân, hay phải làm công việc xã hội phân công cho họ. Cũng có kẻ lợi dụng ra đường để thực hiện “phi vụ” nào đó. Vì một số ít không tuân thủ mà chính quyền phải buộc xác nhận giấy nọ, giấy tê, lập trạm này, trạm khác, các nhân viên công lực vừa vất vả, vừa có nguy cơ lây nhiễm cao, và dân khổ, chính quyền cũng chẳng sướng gì . Chưa kể tập trung xin giấy lại là cơ hội cho dịch bịnh lây lan.

Khoanh vùng cách ly, tầm soát vi rút bằng cách xét nghiệm đại trà, bóc tách FO, thực hiện hiệu quả không? Nếu có F0 thì sẽ cách ly tập trung để ngăn ngừa dịch bịnh? Rất hay, đó là khi chưa có biến thể Delta, dịch chưa tiềm ẩn trong cộng đồng. Quy định của bộ y tế: Sau một lần ngoáy mũi lấy dịch, người thao tác phải sát trùng tay. Đến người thứ sáu, người lấy mẫu phải đổi găng tay mới. Nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi đổ từ đầu chí chân, làm việc trên 8 giờ một ngày, ngày nào cũng đối diện với “địch” (COVID), họ có còn đủ sức, đủ tỉnh táo để tuân thủ quy định của bộ y tế? Và khi sơ ý vì quá mệt, hơi thở của người nhiễm vi rút không dính vào tay người lấy mẫu để “đi” vào mũi người kế tiếp, kế tiếp? Chen nhau để đi xét nghiệm không là cơ hội cho vi rút lây lan?

Vì sao, người ta không phát các que thử cho mỗi gia đình, hướng dẫn học cách thử? Tôi thấy rất đơn giản. Có người bảo, có người sẽ không thử. Họ không thử là vì dương tính họ sẽ bị “hốt “ đi cách ly. Họ dính vi rút nhưng được cách ly tại nhà, được y tế theo dõi tình hình sức khỏe, chỉ có ai điên mới không tự làm xét nghiệm. Phát que tự xét nghiệm sẽ giúp y tế bớt gánh nặng. Tự xét nghiệm sẽ giúp người không tụ tập dễ lây lan.

Nói tóm lại, nhà nước đừng suy nghĩ như thời bao cấp: Mọi cái từ cây kim sợi chỉ đều phải lo cho dân. Mấy chục năm XHCN, các vị có lo cho dân bằng chính họ hay không?

Đối phó dịch cũng không khác. Cái nào dân lo được hãy để họ lo. Cái họ không lo được nhà nước phải lo: Bịnh viện tiếp nhận COVID có nguy cơ trở nặng. Những phương tiện cứu sống bịnh nhân mà người dân không có: Bình thở oxy, máy xét nghiệm PCR, vắc xin…

Nhưng điều quan trọng hàng đầu: Hãy làm cho người dân không cảm thấy bức bách, sẵn lòng cùng chính phủ, chung tay chống lại dịch bịnh. Hãy dỡ bỏ ngay “ngăn sông cấm chợ” và những hàng rào kẽm gai.

Tinh thần lên, COVID xuống. Rất đơn giản.