Thursday, January 25, 2024

CHIẾC CHÕNG TRE

Người Nam gọi giường tre, người Trung tôi gọi chõng tre.

“Tập tễnh người đi, tớ cũng đi

Cũng lều, cũng chõng cũng đi thi

Tiễn chân cô mất ba đồng lẻ

Sờ bụng thầy không một chữ gì” (*)

“Chõng” đi vào văn chương nhiều hơn “giường”.

Lúc học lớp 7 (đệ lục), “chõng tre” là đề tài tranh cãi của tôi và thầy dạy văn, “giáo sư” Nguyễn Đình Hiến. Đoạn trích bài đọc từ Bướm Trắng của Nhất Linh có nhắc đến chiếc chõng tre. “Trương KÉO chiếc chõng ra ngoài sân, dưới bóng cây xoan tây. Nằm soãi người, chàng nhìn lên cành, đàn chim ri đang ríu rít gọi nhau trong các tán lá xanh nõn”. Tôi nhớ đoạn văn ấy như thế. Thầy hỏi, tại sao Trương, nhân vật trong đoạn văn trích, lại KÉO chiếc chõng và không vác nó ra hiên. Tôi nhanh nhẩu đưa tay trả lời: vì chõng rất nặng, thưa thầy. Thầy giải thích, không phải, chõng không nặng, Trương phải KÉO mà không VÁC vì chàng mắc bệnh ho lao, người rất yếu.

Theo truyện Bướm Trắng, đúng là Trương bị ho lao. Người ho lao rất yếu. Tôi không “phục” cách trả lời của thầy. Chiếc chõng tre dềnh dàng, chỉ có thể kéo, không thể vác. Thầy cười, giải thích tiếp. Trò không thấy, ngày xưa, sĩ tử đi thi đều mang chõng? Trò đọc Lều Chõng của Ngô Tất Tố, trò không hiểu, với chiếc chõng, người ta có thể mang đi bộ từ Quảng Nam ra đến Huế, thi hội, thi đình hay sao? Tôi vẫn gân cổ cãi thầy. Rằng sĩ tử đi có người hầu theo, mấy người không có. Vác chõng không phải việc của “học trò” (sĩ tử), “Ai ơi chớ lấy học trò. Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm” (mấy ổng làm biếng lắm, ai mà vác chõng. Tôi suy nghĩ trong bụng).

Hơn sáu mươi năm sau (một đời người!), tôi mới “công nhận” thầy tôi nói đúng. Vợ tôi vừa mới mua cho chồng 1 chiếc chõng tre Củ Chi, nằm nghỉ trưa rất mát, của một người “đi bán dạo”. Người đàn ông xấp xỉ tuổi tôi, ốm nhom nhưng gân guốc, “vác” chõng tre bên hông bằng vai, ghé vào thanh tre cột giữa chõng. Mỗi ngày ông vác bộ từ bến xe Miền Đông (chõng đưa từ Củ Chi xuống) tới chợ Thủ Đức, theo các con phố, đến những ngõ hẻm dẫn vào vài khu vực người ở còn thưa thớt, của một thành phố vốn “nông thôn” đang trở mình thành đô thị; ông nói ông có thể đi bộ hơn vài chục cây số với chiếc chõng trên vai, nếu không bán được cái nào trong ngày.

Rõ ràng, người ta có thể vác chõng đi dễ dàng. Vậy mà lúc bé, tôi dám cãi lại thầy tôi, Trương kéo chiếc chõng do không vác được, không phải chàng ốm yếu vì bệnh lao.

Trẻ con chúng tôi được giáo dục trong môi trường “có thể cãi” lại thầy mà không lo sợ bị thầy “đì” vì dám cãi người lớn, có khi bị mắng là “vô lễ”, “trứng đòi khôn hơn gà”, hay dám “bận áo quá đầu”.

Cung cách giáo dục đó ảnh hưởng tâm trí tôi cho đến ngày nay: có những lúc, tôi hay đi ngược lại suy nghĩ của đám đông hùng mạnh. Tôi nghiệm ra, nếu "gió chiều nào theo chiều đó", cuộc đời sẽ “thuận buồm xuôi gió”. Nhưng tôi lại không. Nhiều người yêu mến tôi trên facebook bỗng quay ra “ghét” tôi, thậm chí bảo tôi “treo cổ chết đi”, khi ý kiến của tôi đi ngược lại ý kiến của họ.

Cứ theo suy nghĩ đám đông hay suy nghĩ độc lập, không sợ bị chỉ trích khi đi “ngược đời”? Đôi khi tôi tự hỏi mình. Con người vốn sống hợp quần. Một trong năm bản năng con người là: sống bầy đàn. Mọi con vật đều đi theo con vật đầu đàn, nó đi đâu, các con khác phải theo, để giữ vững trật tự, ổn định xã hội. Con nào “lạc bầy cố tình” không dễ gì sống nổi với đám đông bầy đàn.

Tính “bầy đàn” là một cách gọi trần trụi theo khoa học; cách gọi trân trọng hơn là tính “tập thể”, tính “quần chúng”. Tập thể và quần chúng thì…vô địch rất lâu trong lịch sử VN. Ở trong môi trường ấy, mọi người đều sống và suy nghĩ theo chuẩn mực chung, quy tắc chung của tập thể, của quần chúng. Khó có ai sống khác, suy nghĩ khác, ông Nguyễn Văn An là một ví dụ.

Khi còn đương chức chủ tịch quốc hội, ủy viên bộ chính trị, ông sẽ không bao giờ dám phát ngôn: “lỗi hệ thống”, “vua tập thể”, trong một thể chế XHCN, ông và đồng chí mình hy sinh và đeo đuổi, nếu không muốn bị thất sủng.

Có lẽ khi rũ bỏ danh lợi, vinh quang, ông trở về con người thật, nói ra suy nghĩ thật của mình. Ước chi, lúc còn tại chức, ông nêu ra nhận xét ấy để người ta suy nghĩ, đi tới những cải cách toàn diện, để có một cơ chế tốt đẹp hơn, không còn “lỗi hệ thống”. Có lẽ ông không như tôi (so sánh hơi phạm thượng) trưởng thành trong môi trường “hay cãi”; khi đương chức, ông “cãi” có mà về vườn trước tuổi hưu.

(*) Thi sĩ Trần Tế Xương.