Tuesday, January 30, 2024

ỐC SINH VIÊN

Tôi thấy một quán nhậu bán các loại ốc lại ghi ốc sinh viên. Tôi nghĩ có một loại ốc mới ngoài ốc hương, ốc đá, ốc bươu… Sinh viên chắc là một loại ốc mới được phát hiện sau này. Nhưng không phải, quán bán ốc giá thấp, sinh viên có thể ăn, hợp túi tiền.

Ốc bán giá thấp, sinh viên có thể ăn được, gọi là ốc sinh viên. Ta thấy nhiều tên: quán cơm sinh viên, phòng trọ sinh viên, giặt ủi sinh viên…

Nhà nhạc gia tôi gần trường đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Trên quãng đường không quá 200 mét, tôi đếm có tới hơn 5 tiệm làm chìa khóa, trong đó có một tiệm ghi “làm chìa khóa sinh viên”. Bạn tôi dạy cao đẳng kinh tế kế hoạch giải thích vì sao có nhiều chỗ sửa, làm chìa khóa ở phố này. Sinh viên trọ học ở đây rất đông. Họ hay đánh mất chìa khóa nên nhiều chỗ làm chìa khóa nổi lên. Ban đầu tôi tưởng ở khu phố này an ninh không được tốt nên người dân sử dụng quá nhiều ổ khóa. Nghề sửa ổ khóa, làm chìa khóa phát triển. Bạn có thể bỏ quên xe không khóa cổ trước nhà ở khu vực này mà không sợ xe bị mất trộm. Không hiểu an ninh tốt hay người dân tốt.

Tại sao các chỗ sửa ổ khóa, làm chìa khóa lại ghi sửa ổ, làm chìa sinh viên?

Sinh viên ở đây có ý nghĩa là rẻ.

Tôi từng là sinh viên. Trước 1975, mỗi tháng tôi nhận 3000 đồng học bổng của trường đại học sư phạm. Xăng lúc ấy 21 đồng một lít. Với số tiền đó tôi có thể mua 142 lít xăng. Số tiền đủ mỗi tháng nếu tôi ăn quán. Nhưng để tiết kiệm tiền, tôi có thể ăn cơm ở quán cơm xã hội, không tiền hay ít tiền, cơm “tự do”, nghĩa là bới bao nhiêu chén cũng được. Sĩ quan nếu muốn vào ăn các quán này đều phải cất “lon” (cấp bậc) vào túi áo. Sĩ quan không được phép vào những nơi “tồi tàn” như quán cơm xã hội.

Tôi không thường vào các quán này vì đông người. Chờ rất lâu mới tới phiên mình. Có khi chờ một hai tiếng, cơm không còn. Nhịn đói. Tôi bèn chọn quán ăn cơm bình dân có tên là Ba Toong. Tôi không tìm hiểu tại sao chủ quán cơm bình dân lại lấy một cái tên như vậy. Đến quán, bạn phải kiên nhẫn đứng chờ, khi có sinh viên nào đứng dậy, bạn phải sà vào ngay, nếu không, sẽ có sinh viên khác chiếm chỗ tức thì. Sinh viên Quảng Nam đa phần đều ăn ở quán này vì rẻ và vì bà chủ là người Quảng Nam tuổi trên 70 răng rụng gần hết.

Sinh viên thời ấy rất nghèo vì đa số từ các tỉnh về Sài Gòn học tập. Quán ăn rẻ hay quán cơm xã hội là “cứu cánh” cuộc đời sinh viên. Gần nửa thế kỷ sau, sinh viên vẫn còn nghèo. Tôi không hiểu tại sao. Cái gì rẻ cũng liên quan sinh viên: phòng trọ sinh viên, cơm sinh viên, giặt ủi sinh viên, làm chìa khóa sinh viên, ốc sinh viên…Ôi, hiền tài quốc gia, sao mà rẻ rúng.

Ở Sài Gòn, tôi chưa thấy hình thành làng sinh viên. Đà Nẵng cũng vậy. Hai địa phương này đều có quy hoạch làng sinh viên nhưng cả hai chỗ chưa có làng sinh viên hoàn chỉnh. Ở nước ngoài, campus (giống như làng sinh viên) là một niềm hãnh diện cho quốc gia của họ. Hàng trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp mỗi năm tham gia vào đội ngũ Grab bike, Grab car, và đội ngũ thất nghiệp hay làm trái nghề, khác nghiệp. Sinh viên là hiền tài, mà hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Hiền tài chi mà tội nghiệp, trước 1975 (ở miền Nam) thì có thể hiểu vì chiến tranh, và tại sao sau 1975  đến nay, sao vẫn còn "ốt dột". Từ 1975, sinh viên có cuộc sống tuềnh toàng. Không tuềnh toàng sao đến bây giờ có ốc Sinh viên?

Ốc để bán giá rẻ cho sinh viên chứ không thể có “ốc sinh viên”. Hiền tài quốc gia mà làm ốc thì đất nước này bò mãi hay sao?