Tuesday, January 23, 2024

GIÁO DỤC VNCH

Cảm nghĩ qua tác phẩm KÝ ỨC SƠ SÀI (KUSS ) của Nguyễn Anh Khiêm.

Đây là tùy bút của một thầy giáo gốc Quảng Nam, gắn bó nghiệp dạy học cả một đời người, nay đang bước vào ngưỡng 80. Khi rời ngôi trường Trần Quý Cáp, ở thành phố nhỏ Hội An, vào Sài Gòn theo học đại học sư phạm, Nguyễn Anh Khiêm mang theo mình một hoài bão: tiếp bước các trưởng bối đi trước, xây dựng con người tương lai cho xã hội (một nửa nước) trên nền tảng triết lý “nhân bản, dân tộc, khai phóng”.

Ngày lịch sử 30 tháng 4 năm 1975 đến với đất nước tan nát bởi bom đạn chiến tranh, nhuộm đầy máu hàng mấy triệu sinh linh người Việt. Một biến cố lịch sử chấn động. Mọi nếp sinh hoạt của một nửa nước theo chế độ cộng hòa bị đảo lộn, trong đó có giáo dục. Thầy giáo có dáng người mảnh khảnh, con trai của một "liệt sĩ”chết khi vừa ra khỏi tù, chứng kiến nhiều đổi thay của đất nước từ đau thương bước vào giai đoạn chữa lành vết thương chiến tranh sau ngày thống nhất hai miền. Những ngôi trường yêu dấu đi qua trong đời một thầy giáo.

Và “lịch sử” từ những câu chuyện “mắt thấy tai nghe” được kể lại với một giọng điệu ôn nhu, chân chất, dù đôi chỗ không giấu vẻ u hoài, xót xa, tiếc nuối, không phải là không chua chát của KÝ ỨC SƠ SÀI. Không dám nói to tát, tôi nghĩ thầy là một “chứng nhân thầm lặng nhưng cô đơn, lẻ loi” trước hai nền giáo dục “cộng hòa” và “cộng sản”.

Tôi không phải là người am hiểu giáo dục, tường minh nhận xét một tác phẩm, nhưng tôi rất trân quý sau khi tiếp cận “đứa con tinh thần” của một thầy giáo; một tác phẩm ghi chép những câu chuyện “nhớ đâu nói đó”về một xã hội thầy sống với “nghiệp” (tôi không muốn dùng “nghề”) giảng dạy trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động khi nền giáo dục “cũ”(miền Nam) chuyển qua nền giáo dục “mới”(của cả nước hay của miền Bắc “bên thắng cuộc”).

Tuy không phân ra các chủ đề rõ rệt, theo nhận xét cá nhân tôi, cuốn KÝ ỨC SƠ SÀI chia ra ba phần: (1) quê hương - ở đây là ngôi làng nhỏ ở một vùng núi xa xôi và thành phố cổ Hội An nơi gia đình tác giả sinh sống, một bà mẹ và một em gái lấy chồng nhưng vẫn ở với mẹ; (2) thầy cô, học sinh, các sinh hoạt giáo dục, văn hóa, đời sống trong buổi giao thoa cũ mới, những người gần gũi với tác giả; (3) các nhận định về tiếng Việt (mới) của một thầy dạy văn và cảm nhận văn học đối với các thi sĩ nổi tiếng miền Nam, ưu ái nhất, tri âm nhất, là Tô Thùy Yên.

Tôi mạo muội nói về từng phần một. Tôi nhắc lại lần nữa, những nhận xét này của tôi xuất phát từ tình cảm của một đàn em trước một huynh trưởng cùng quê, cùng trường, từ Trần Quý Cáp đến đại học sư phạm Sài Gòn. Những nhận xét của tôi do đó có tính cách tình cảm nhiều hơn nhận xét văn học về một tác phẩm; tôi là chỉ là một học trò nhỏ về nhận định Văn học.

QUÊ HƯƠNG

Vì cùng quê với tác giả, chỉ bên kia dòng sông, các chi tiết nói về nơi chôn nhau cắt rốn của Nguyễn Anh Khiêm rất chân thật, và có thể nói, chưa tả hết cái thanh bình và nên thơ của một làng quê trước chiến tranh ở vùng rừng núi phía tây Quảng Nam. Nhưng rất đúng như tác giả viết về làng có tên Non Tiên của ông:

“Dòng sông trong veo lượn ngoằn ngoèo dưới chân núi, ngồi trên đò ngang có thể nhìn thấy con tôm bơi lững lờ trong lòng cát trắng. Con sông nhỏ tới nỗi không có tên riêng, chỉ gọi bằng danh từ chung, Sông Con”.

Lúc còn bé, có lẽ cũng như tôi, tác giả rất thích sắm cần đi câu cá bống sau mỗi cây lụt (cách quê tôi gọi trận lụt, trận lũ) nước rút hẳn, ẩn mình trong dòng nước trong như kính, nào bãi cát nối dài bãi cát “nước cạn trong mà chảy xiết, muốn qua làng bên chỉ cần xắn quần lội”. Cá bống, một loại cá hiền hòa nhưng dạn dĩ, không bao giờ bỏ mồi mà đi nếu lũ con nít chúng tôi câu hụt nhiều lần.

“Lũ cá bống cát mập tròn, thân trắng trong, kho tiêu ăn với cơm gạo mới thơm lừng”. Lúc còn nhỏ ở quê, chúng tôi thường ăn gạo lúa mới, mùi gạo “lúa mùa” thơm ngát ( gần 6 tháng, không như lúa ngắn ngày năng suất cao sau này), ít khi nào ăn gạo lúa cũ để qua nhiều vụ mùa.

Có lẽ ít người biết, vùng quê Thường Đức của chúng tôi, thịt rừng những năm trước 1960 còn dễ mua hơn thịt bò “nấu cháo cho người ốm” - quê tôi nuôi nhiều trâu hơn bò. Dọc bìa rừng, buổi sáng tinh mơ, người ta có thể thấy những con mang (mển) gặm cỏ, thảnh thơi trên các đồi cỏ non xanh nõn như trong truyện cổ tích.

“Thịt rừng gần như không ngớt, không thịt con này thì con kia, kể cả cọp, gấu… Chúng tôi đã sống trên chốn địa đàng mà bấy giờ đâu nhận biết”.

Vì sao rừng ngày xưa còn giữ được nét hoang sơ như từ khi có rừng, bao nhiêu thế hệ cha ông chúng tôi, ai sinh ra cũng thấy rừng như thế? Có lẽ dân số thưa thớt nhưng lẽ chính là ý thức bảo vệ thiên nhiên của người xưa; vùng chúng tôi sống, thiên nhiên đây là núi, là sông, là thú rừng sinh sống bên cạnh con người.

Quý vị sẽ nghe tác giả giải thích: “Từ làng đi khoảng một cây số là đến bìa rừng với ba ngọn đồi chắn ngang gọi là Núi Cấm, tức cấm chặt cây. Ai chặt phá sẽ bị phạt giam, tịch thu dao rựa (vì dân nghèo không có tiền), lệnh cấm rất nghiêm, hiếm có ai vi phạm”.

Bây giờ luật không nghiêm hơn sao? Rât nghiêm là đằng khác, nhưng ý thức người dân rất quan trọng: một bộ phận muốn “khai thác” rừng chứ không muốn “nuôi dưỡng” rừng. Quý vị thấy biết bao nhiêu là sản phẩm cây gỗ quý hiếm có mặt trong những ngôi nhà sang trọng ở thành phố; những chiếc bàn, chiếc ghế, như những ngai vàng thời vua chúa. Nhiều nhà có các bậc thang bộ, các tay vịn lên xuống, gỗ toàn lim xanh, gõ đỏ.

“Rừng xanh ngút, mỗi mùa một mùi hương hoa dại khác lạ, chim muông đông đủ, khe suối dồi dào, dòng chảy hiền hòa hiếm khi nổi giận, không nghe từ “lũ quét” bao giờ”.

Ngày nay thì sao? Có lẽ không chỉ có mỗi quê tôi mà thôi. Các nơi khác, tôi không được biết, nhưng chắc chắn không khác quê chúng tôi nhiều; và nói lên những nhận xét đúng sự thật về quê hương luôn là nỗi xót xa, không chỉ của mỗi mình tôi, hay của tác giả, mà của cả nhiều người cùng quê hương tôi.

Nhìn cảnh sạt lở gây chết người vừa qua ở miền Trung, sau các ngày mưa dầm dai dẳng, chúng ta không khỏi đau lòng; cảnh con người chôn vùi trong đất chuồi, cho đến nay vẫn không tìm ra thân xác.

Thiên nhiên trả lời tàn nhẫn cho con người rất gần, rất rõ, và rất xót xa. Với núi rừng, con người đối xử bạc bẽo như thế; còn với ruộng đồng, con người cư xử ra sao, khi người nông dân bao đời sống gắn bó với mảnh đất, cha ông họ không biết bao thế hệ đổ “mồ hôi nước mắt” gầy dựng nên một thửa vườn, mảnh ruộng?

“Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” những năm sau ngày “giải phóng” ở nông thôn là “hợp tác xã” nông nghiệp. Cha chung không ai khóc. Từ những thửa đất màu mỡ, nhờ nước mang phù sa theo các cây lụt đem đến ruộng đồng, người nông dân bao thế hệ, từ đời ông bà tổ tiên cho đến đời họ, sống yên lành không hề lo nghĩ đến cái ăn.

Quý vị nào chưa ở nông thôn những năm hơp tác xã, không ai tin người nông dân phải ăn đói quanh năm suốt tháng, năng suất lúa không có vì người ta chỉ mong “ăn công điểm” (cách tính công sức lao động) chứ không muốn “ăn lúa”: canh tác tập thể khiến con người nghĩ ra nhiều cách để có nhiều điểm (mục đích nhiều lúa- theo suy nghĩ nông cạn) bằng cách làm dối trong ruộng đồng, điều chưa từng xảy ra cả mấy trăm năm ngày ông bà chúng tôi từ Nghệ An, Hà Tĩnh, vào lập cư ở vùng quê mới Quảng Nam.

Một sào ruộng (500 mét vuông) cần cấy trong một buổi với hai hay ba “công cấy”, người ta chỉ hí hoáy, như nàng tiên Cóc truyện cổ tích, cấy trong 2 tiếng đồng hồ: ngoài bờ bụi lúa dày, bên trong bờ xa xa, các bụi lúa thưa dần, thưa dần – cho xong việc, mỗi sào 50 điểm công cấy (định mức cho 5 công lao động), chẳng hạn.

Năng suất cấy thưa như thế, thóc thu hoạch đào ở ở đâu ra? Cán bộ nghiệm thu làm sao bước vào giữa ruộng khi vừa mới cấy? Tôi đơn cử một ví dụ như thế. Và còn rất nhiều ví dụ “điển hình” để cho hợp tác xã mau “phá sản” vì chẳng ai có trách nhiệm gì cụ thể. “Chuột bầy đào chẳng nên hang”.

Khái quát một đôi chỗ, tác giả Ký ức sơ sài, nêu nhận xét của một nông dân thật thà, làm thì không đủ ăn, từ no chuyển sang đói, từ ăn cơm không với cá bống kho chuyển qua ăn sắn, ăn khoai với nước muối, chứ chưa nói tới “mắm cái”, món ăn truyền thống nhưng khá rẻ, khá phổ thông ở vùng đất Quảng Nam.

Thấy tình hình hợp tác ngày càng bệ rạc, dân chúng lẫn cán bộ (chỗ riêng tư) than thở, “quán triệt” chủ trương, “học tập” chính sách tiến nhanh tiến mạnh, đêm nào cũng diễn ra không thiếu – để đả thông tư tưởng xã viên uể oải và thất vọng về hợp tác xã; “tư tưởng không thông, mang bi-đông (bình đựng nước) cũng nặng”

“Lại một đêm hội họp, học tập gì đó tại trụ sở thôn, về khuya ai cũng mỏi mệt, ngủ gà ngủ gật mà viên cán bộ xã lại cao hứng chỉ ra nguồn gốc tổ tiên loài người là khỉ, bác (một xã viên HTX -tôi chú thích) giơ tay xin phát biểu ý kiến:

- Dạ, tôi thấy tổ tiên loài người là con khỉ hay con chi cũng được, xin cho chúng tôi về ngủ, mai còn đi mần sớm”.

Quê hương lẽ ra phải là chùm  khế ngọt như thi sĩ diễn tả. Quê hương lại là nỗi xót xa quá đỗi. Cũng may, nhờ “đổi mới” sau 1986, chứ “tiến nhanh, tiến mạnh”, bây giờ cả nước không biết “tiến” đi mô.

Quê hương chôn nơi nhau cắt rốn của tác giả như thế nhưng quê hương dưỡng sanh “thứ hai” của tác giả thì thế nào? Quê mới có khá hơn, nhờ ông bà tổ tiên ăn ở phước đức thế nào mà “Hội An ngày đó thu mình trong chiến tranh, buôn bán sơ sài, dân cư nghèo khó, hầu hết không có tiền sửa nhà. Đó là một bất hạnh đầy may mắn” (…) “thị xã trở thành khu du lịch phố cổ nổi tiếng khắp thế giới”.

                                           

NGƯỜI THẦY: NGUỒN ĐÀO TẠO, DẠY GÌ, SUY NGHĨ GÌ.

Phần lớn cuốn sách viết về người thầy, bối cảnh sống, điều kiện dạy học, và tâm tư của người “gieo” mầm, qua một giai đoạn lịch sử.

Có một sự khác biệt lớn, hết sức lớn, về vai trò một người thầy trong chế độ cũ (Sài Gòn) với người thầy trong chế độ mới. Có thời gian “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” ở miền Bắc thì ở miền Nam, học sinh xuất sắc mới có thể thi đậu vào trường đại học sư phạm (mới đầu chỉ Sài Gòn, Huế, sau đó thêm các nơi như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ…)

Đại học sư phạm hệ 2 năm (ngành huấn luyện giáo sư trung học đệ nhất cấp) và hệ 4 năm (ngành huấn luyện giáo sư trung học đệ nhị cấp). Tôi ngạc nhiên, ngày nay, sinh viên học đại học giáo dục (sư phạm) ra trường gọi là “giáo viên” trong khi sinh viên học kỹ thuật tốt nghiệp gọi là kỹ sư! Lương thầy dạy cấp 3 (chỉ số 470) cao hơn lương của phó quận trưởng (chỉ số 450) và cả kỹ sư Phú Thọ (Bách Khoa Sài Gòn ngày nay).

Dạy chừng hơn 6 tháng, thầy giáo có thể “sắm” một chiếc Honda dame cáu cạnh chừng 5 cây vàng. Học bổng sinh viên sư phạm (4 năm), mỗi tháng là 3000 đồng (1972) trong khi xăng có 19 đồng/lít. Gia đình có một người đi dạy cấp 2, cấp 3 không cần phải lo liệu gì khác. Tất nhiên, càng về sau, chiến tranh càng khốc liệt, đời sống càng khó khăn, vật giá leo thang, tiền lương trả cho “lính” ngày càng nhiều nhưng một giáo viên cấp 2,3 không phải lo lắng gì về kinh tế cho một gia đình vợ và 2 con.

Nhưng cái quan trọng hơn, không phải đãi ngộ vật chất, mà là phẩm chất của một “giáo sư” trung học. Khi tốt nghiệp, người thầy không phải lăn tăn chuyện trình độ chuyên môn. Khi đứng lớp, họ không cần ai phải dự giờ, dự lớp; họ chẳng cần thi đua khen thưởng, tham gia học tập bồi dưỡng kiến thức hay chính trị.

Lúc tôi đi học, có lẽ cả lúc tác giả nữa, hơn tôi gần một con giáp, đã có nhiều vị thầy đến lớp, chẳng lận lưng mảnh giáo án nào ngoài viên phấn trên tay. Chỉ viên phấn và vầng trán của người thầy, chúng tôi trở thành người học tập, hoàn toàn dựa vào nỗ lực bản thân; người thầy dạy cho học sinh chúng tôi thói quen tự học. Điểm có chấm chỉ để đo lường năng lực học tập học sinh và không bao giờ điểm trở thành tiêu chí thi đua cho trò, cho thầy, cho nhà trường, và cho cả ngành giáo dục. Không bao giờ có chuyện gần như cả một lớp đều học sinh “giỏi”.

Phẩm chất người thầy (tôi dị ứng “chất lượng giáo viên”) bảo đảm từ lúc học sinh thi vào ngành sư phạm và tốt nghiệp ra trường. Tác giả kể ra một số thầy học của ông, chúng ta sẽ thấy, cái phẩm chất tôi nói về người thầy-sinh viên sư phạm, không thể hoài nghi gì nữa.

Ngoài những vị thầy tiến sĩ ở Mỹ, Anh, Pháp về… (lúc đó làm tiến sĩ chưa có ở VN) những tác giả sách, những nhà nghiên cứu, đều có dạy đại học, tập trung nhiều cho đại học sư phạm, như các vị dạy sinh viên Nguyễn Anh Khiêm: Trần Văn Tấn, Lê Hữu Mục, Thanh Lãng, Giản Chi, Trần Trọng San, Phạm Văn Diêu…

Tôi chỉ là đàn em, học sau tác giả KUSS, các thầy của tôi cũng là những người nổi tiếng; dạy môn tâm lý học, tiến sĩ tâm bệnh học đầu tiên miền Nam Huỳnh Văn Quảng (Mỹ); dạy Pháp văn (sinh ngữ 2) tác giả “Bên dòng lịch sử”, linh mục Cao Văn Luận, viện trưởng đầu tiên viện Đại học Huế, thời TT Ngô Đình Diệm. (Lúc đi dự hội nghị Fontainebleau, cụ Hồ có gặp và mời ông về tham gia kháng chiến, nhưng ông từ chối khi ông là hội trưởng hội sinh viên VN tại Pháp). Dạy môn tâm lý giáo dục trẻ có thầy Lê Thanh Hoàng Dân. Thầy Nguyễn Văn Lương, với bộ sách Văn minh Anh, Mỹ, tùy viên văn hóa đại sứ VN tại Anh, dạy English composition (viết văn); tiến sĩ Lê Văn (hiện ở Mỹ), khoa trưởng khoa Anh, dạy The English civilization (Văn minh Anh)…

Sinh viên được hướng dẫn học tập, nghiên cứu các môn học là chính; các thầy chỉ đóng vai trò hướng dẫn, không phải “thầy đọc, trò chép”. Có vị thầy của tôi lúc nào vào tiết học 90 phút, ông đều dành 10 phút đầu tiên bàn luận truyện kiếm hiệp “thời thượng” của Kim Dung, hay nói chuyện thời sự chính trị nóng bỏng. Thư viện trường đại học sư phạm là thư viện có sách dành cho học tập có thể nói là tốt nhất và đầy đủ nhất. Vào thư viện, quý vị thấy sinh viên ngồi kín chỗ, họ lặng lẽ đọc sách hoặc học bài trong đó.

Tôi dài dòng như thế để nói với quý vị, đối với một người thầy tốt nghiệp bài bản (hệ 2 hay 4 năm), không ai có quyền nhận xét về cách dạy học của họ sau này, dẫu đó là hiệu trưởng hay trưởng ty giáo dục. Việc dự giờ của cấp trên hay kiểm tra chéo của đồng nghiệp không hề có và nếu có, điều đó sẽ làm sỉ nhục những người thầy tốt nghiệp đại học sư phạm.

Không ai có quyền xét “thi đua” hay “khen thưởng” người thầy bằng danh hiệu tiên tiến hay chiến sĩ thi đua. Ra sức dạy hết mình đó là chuẩn mực “thi đua” của mỗi người thầy. Học trò chín mười năm sau gặp thầy mừng rỡ mình học thế này, thế kia, làm việc này, việc kia trong xã hội – đó chính là kết quả giảng dạy tận tụy của một người thầy. Những điều như thế, trong KUSS đều có nói tới, cách này hay cách khác, cụ thể hơn, rõ ràng hơn.

Tóm tắt là, người thầy toàn quyền dạy dỗ mà không bị ai chi phối hay kiểm soát; họ tự chịu trách nhiệm giảng dạy học sinh mà không cần ông hiệu trưởng hay ông bí thư nào đó trong trường chỉ đạo họ.

Nếu tìm hiểu giáo dục Phần Lan, quý vị sẽ thấy cung cách dạy của người thầy (cấp 2, 3) của Sài Gòn cũ, phảng phất cung cách giảng dạy tiên tiến ở đất nước có nền giáo dục hiện nay được xếp vào hàng nhất thế giới. Tất nhiên không phải tất cả các vị thầy đều như thế nhưng đó là đa số các sinh viên tốt nghiệp 2, 4 năm từ trường đại học sư phạm.

Sinh hoạt của một sinh viên sư phạm như thế nào? Mời quý vị đọc một đoạn trong tùy bút: “Bọn tôi khác xa tuổi trẻ thời nay ở chỗ hầu như không ai biết nhậu, thậm chí café cũng chỉ vài người” (…). Chỉ giải trí bằng cinéma, mua máy thu băng nghe nhạc cổ điển, cứ nửa tháng một lần chờ báo VĂN (một tạp chí nổi tiếng miền Nam về học thuật -chú thích của tôi)…” “Chúa nhật (chúng tôi) hay kéo nhau ra vùng quê đi picnic, thích nhất là đi chơi vườn trái cây Lái Thiêu lúc bấy giờ còn xanh mịt ngút ngàn. Con đường nhựa nho nhỏ từ thị trấn Lái Thiêu đi Búng vắng tanh, lọc cọc mấy chiếc xe bò chở củi và nông sản lăn chầm chậm theo nhịp đời thong thả”.

Học trò của thầy dạy thế nào? Không có “con ngoan”, “trò giỏi” nhưng có những học sinh học tập chăm chỉ, lễ phép với người lớn, nhất là với thầy cô. Có học sinh nào gặp thầy dạy cấp 3 của mình mà dám “ngó” thẳng vào mặt thầy chứ đừng nói là mời thầy đi…nhậu bia.

Những người ở vào tuổi 60 trở lên, ở miền Nam (tôi nghĩ là cả ở miền Bắc), ai ai cũng cảm thấy yêu quý, sung sướng nếu có dịp gặp lại thầy, cô từng dạy mình khi 9, 10 tuổi. Lúc bé họ được thầy cô yêu thương, tận tình dạy dỗ, dù thời ấy, roi vọt phét vào mông, không phải là không có, nếu học sinh “quậy phá” hay “không chịu học bài”.

Tiếp tục làm “giáo viên”, ngoài câu chuyện lúc là hiệu phó “thể dục”, tác giả KUSS có “lợi dụng chức vụ” gởi bên căng-tin bán giúp thầy một ít mì (sắn) luộc để thêm đôi ba đồng, nhằm “nâng cao” mức sống giáo viên, ông còn nhắc câu chuyện, cháu ông làm vỡ chậu kiểng nhà trường, bị cô hiệu trưởng bắt ba mẹ đến đền tiền, và “người thầy” kia không đoái hoài chi tới vết thương chảy máu của học sinh yêu quý. Ông còn kể, vị hiệu trưởng đi ngang qua chỗ trẻ ném cầu lông bị quả cầu trúng vào người bà; thế là “cấm ném cầu lông” trong trường ban ra ngay tắp lự!

Quý vị lưu ý thời sinh viên của tác giả, (một nửa) đất nước dưới nền đệ nhất cộng hòa. Dạy và học như thế, làm sao giáo dục không đào tạo ra những người thầy phẩm giá? Mua điểm, chạy điểm, ở tù vì gian lận thi cử, những chuyện ấy chưa hề nghe thời VNCH, ngay cả những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhất gần ngày ký hiệp định Ba Lê 1973.

Tầng lớp sinh viên hồi chiến tranh chỉ có lo học và thong thả học không thôi hay sao? Không, ngoài việc học, họ còn ấp ủ nhiều hoài bão, có khuynh hướng riêng cho mỗi cá nhân, và theo đuổi “lý tưởng” của mình khi ở vào tuổi đôi mươi, chuẩn bị bước vào đời.

“Đôi lúc nghĩ vơ vẩn không hiểu nổi chúng tôi có phải là “the lost generation” (“thế hệ đánh mất” -tôi dịch) như người ta thường nói về lứa tuổi mình không. Giống như người già cả lãnh đạm trước chuyện đời, bọn chúng tôi cứ vất vơ vất vưởng, kiểu như người ta nói mất phương hướng. Chủ nghĩa Hiện sinh của Jean Paul Sartre nhiều ít cũng ảnh hưởng lên tuổi trẻ có học. Chủ nghĩa Marx được giáo sư Nguyễn Văn Trung và Trần Văn Toàn giảng dạy công khai ở Đại học Văn khoa tác động không nhỏ đến khuynh hướng thiên tả trong đám sinh viên”.

Quý vị sẽ thấy tư tưởng giáo sư giảng dạy tự do và tư tưởng sinh viên học tập cũng tự do như thế nào. Giờ có ai đó phổ biến tài liệu gì của đảng chính trị Việt Tân ở VN, chắc chắn cửa tù sẽ rộng mở; trong khi thời tác giả đề cập, chiến tranh “Quốc-Cộng” bắt đầu nóng bỏng, chủ nghĩa cộng sản vẫn được đề cập tự do trong học đường.

“Nói phần đông sinh viên đều thiên tả thì cũng không đúng. Mỗi lớp chừng một vài người thật sự theo MTGP (Việt cộng- tôi chú thích), một số ít có thiện cảm nhưng kính nhi viễn chi. Đa phần còn lại thì không quan tâm tới chính trị, chỉ mong ra trường đi dạy yên thân; ít ai công khai bày tỏ “lập trường” thân Mỹ bao giờ, nhưng cảm phục và chịu ảnh hưởng văn hóa Mỹ, nhất là mê phim Mỹ thì có”.

Ông nhạc sĩ Trần Long Ẩn là một sinh viên tự do như thế. Nhưng sau này, quyền cao chức trọng, ông bảo văn hóa, văn nghệ của chế độ Sài Gòn là “nô dịch”, “ngoại lai” thật không thể thuyết phục. Bạn của ông, tác giả KUSS, có lẽ học cùng thời nhận xét thành thật: “ít ai công khai bày tỏ lập trường thân Mỹ bao giờ”.

Quá khứ đã qua thì quá khứ ấy không bao giờ sống lại. Nhắc lại chuyện quá khứ để mọi người dân Việt Nam hiểu nhau hơn, có lẽ đó mà thông điệp bàng bạc trong cuốn tùy bút KÝ ỨC SƠ SÀI của Nguyễn Anh Khiêm.

(Ghi chú: những đoạn trích từ tác phẩm đều có đóng ngoặc kép)

XIN MỜI QUÝ VỊ ĐỌC MỘT ĐOẠN VỀ CÁCH BỔ NHIỆM “GIÁO SƯ” TRUNG HỌC (trong KUSS)

“Cũng tự an ủi, thủ khoa, á khoa như Lê V Bảy, Lâm H Tài cũng phải đi tận Long An, Biên Hòa, ngày ngày cong lưng trên xe gắn máy…coi cũng không thọ mấy. Xem ra không ai uất ức điều gì. Nhiệm sở công bố minh bạch, ai đậu cao thì được microphone xướng danh lên chọn trước theo danh sách từ cao xuống thấp với sự chứng kiến của các quan chức cao cấp Bộ Giáo Dục, Viện Trưởng Viện Đại Học Sài Gòn kiêm Khoa Trường Đại Học Sư Phạm, Giám đốc Nha Nhân Viên, Giám Đốc Nha Trung Học v.v…

Sự Vụ Lệnh của mỗi tốt nghiệp sinh được viết sẵn đầy đủ chi tiết cá nhân cần thiết với tư cách là Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp đến tham dự lễ chọn nhiệm sở. Tất cả nhiệm sở có nhu cầu tiếp nhận giáo sư về dạy học được Bộ Giáo dục qua Nha Nhân viên và Nha Trung học gởi về trường trước ngày quy định khoảng 2 tháng để mỗi tốt nghiệp sinh có thời gian và cơ hội tìm hiểu nhiệm sở nơi mình sắp chọn.

Thí dụ ban X có 10 tốt nghiệp sinh ra trường thì danh sách dành cho ban X có đến khoảng gấp đôi nhiệm sở được đề nghị để tạo sự thoải mái trong việc lựa chọn. Sau khi danh sách nhiệm sở được niêm yết, mọi người rủ nhau hợp lại để thảo luận, chọn lựa. Thủ khoa cho biết ý kiến trước và tuần tự từng người sau đó kế tiếp nhau lựa chọn, hoán đổi cho nhau theo mọi thỏa thuận riêng một cách công khai.

Thường có từ 2 đến 3 nhiệm sở cách Sài Gòn khoảng trên dưới 30km dành ưu tiên cho mấy người đậu hạng cao. Ngoài ra các nhiệm sở khác được phân bổ khắp các tỉnh thành, nhất là các tỉnh thành phía nam có trường trung học đệ nhị cấp.

Trước khi dự lễ bổ nhiệm, mọi người đua nhau đi khảo sát trước một số nhiệm sở mình sắp nhắm tới, sau đó về trường cho các bạn biết quyết định mới của mình để cùng nhau điều chỉnh lại cho khớp. Do đó mỗi người phải dự  phóng trước 2 hoặc 3 nhiệm sở để tùy cơ ứng biến.

Ra trường rồi thì cứ hai năm thăng trật một lần, vùng mất an ninh thì một năm rưỡi. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm hoàn toàn về những chậm trễ hoặc sai sót về hồ sơ thăng trật của giáo sư. Từ bộ giáo dục, hồ sơ này phải chuyển sang Phủ Tổng Thống hoặc Phủ Thủ Tướng để ký nghị định bổ nhiệm hoặc thăng trật. Bộ giáo dục chỉ được ký nghị định bổ nhiệm và thăng trật cho giáo viên tiểu học và giáo sư trung học đệ nhất cấp”.