Wednesday, January 3, 2024

THÍCH NHẤT HẠNH, CON NGƯỜI CÔ ĐƠN.





Những binh sĩ Mỹ tham dự chiến tranh ở Việt Nam về nước, một số người lại mắc những bịnh tâm lý, gọi là hội chứng “hậu chiến tranh”. Tôi thì muốn gọi đó là di chứng chiến tranh. Chiến tranh tàn phá một (hay nhiều) đất nước, giết chết nhiều nhân mạng, gây chia rẽ trầm trọng những ai tham chiến ở hai phe. Chiến tranh kết thúc sẽ có kẻ thắng (cuộc) người thua (cuộc). Thời gian bao lâu thì “hội chứng” hay “di chứng” chiến tranh chấm dứt, hay nguôi ngoai? Nội chiến Mỹ có lẽ là cuộc chiến tranh sớm kết thúc chia rẽ nhất. Tôi không hiểu vì sao. Nhưng có lẽ, cuộc chiến này nếu ở Việt Nam, thì nó sẽ không chấm dứt di chứng sớm như ở Mỹ.
Tôi tìm hiểu và thấy rằng người Mỹ rất ít nhìn về quá khứ. Họ là dân tộc phát triển nhờ nhìn nhiều về tương lai hơn quá khứ. Martin Luther King, Jr. là nhà hoạt động nhân quyền, dân quyền tại Mỹ. Ông bị chính đồng bào mình giết chết. Nhưng đa số dân Mỹ đều coi ông như thần tượng. Ông là nhân vật chống chiến tranh Việt Nam nổi tiếng thế giới. Năm 1961, qua bức thư của Thích Nhất Hạnh, ông càng chống chiến tranh mạnh mẽ hơn. Thích Nhất Hạnh, chống chiến tranh Việt Nam, khi đứng về phía Phật giáo “đấu tranh”, lại bị một số người VN gọi là “tội đồ” dân tộc. Họ cho vì ông, hay vì Thích Trí Quang, và một số thầy chùa xuống đường biểu tình, chế độ tốt đẹp VNCH bị sụp đổ. Có Phật giáo đấu tranh, hay không có Phật giáo đấu tranh, người Mỹ cũng phải “thay ngựa giữa dòng” khi thấy cần thiết.
Thái độ cương trực và đúng đắn của tổng thống Ngô Đình Diệm, không muốn Mỹ can thiệp bằng quân sự - bằng lính Mỹ- đưa đến cái chết của ông. Ông chết , và chế độ Việt Nam Cộng hòa, không vì thầy chùa của “Phật giáo đấu tranh”. Viên tình báo gạo cội người Mỹ mang một gói tiền hơn một triệu đô la để “tưởng thưởng” các tướng lãnh thành công trong cuộc đảo chánh 1.11. 1963. Mỹ ngạo mạn. Họ nghĩ, chỉ có họ mới tiêu diệt cộng sản miền Nam. Họ chính thức giành cuộc chiến chống cộng sản xâm chiếm Nam Việt Nam về mình. Họ trả giá đắt. Không phải phía cộng sản tài ba. Chính tinh thần dân tộc của người Việt – cả Nam lẫm Bắc – khiến Mỹ thất bại chiến tranh Việt Nam. Toàn dân miền Bắc hăng hái ôm súng "đánh Mỹ"; một bộ phận dân chúng miền Nam quay ra chống đối chính quyền vì nghĩ họ lệ thuộc Mỹ. Nội "công" ngoại kích, không sụp đổ chính quyền mới lạ. Trên thế giới, trong lịch sử nước Mỹ, họ không bao giờ thua bất cứ cuộc chiến tranh nào. Họ thất bại ở VN vì chính nhân dân họ: phản đối chiến tranh dù đó là cuộc chiến chống cộng sản. Tại sao họ thắng ở Triều Tiên nhưng thất bại ở Việt Nam? Rất dễ hiểu. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam từ thời Hai Bà Trưng trở về sau, Việt Nam không bao giờ mất nước, luôn có tinh thần chống ngoại xâm, không thời gian nào có mặt một đội quân nước ngoài trong các cuộc chiến tranh, dù phải “một ngàn năm đô hộ giặc Tàu”.
Trong chiến tranh, miền Bắc cộng sản, mọi mệnh lệnh của đảng đều được tuân thủ răm rắp. Không phải chỉ vì họ độc tài. Họ tuyên truyền rất giỏi. Miền Nam bị kìm kẹp bởi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Dân chúng miền Nam thống khổ. Khi “giải phóng” ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhiều người trong đoàn “quân giải phóng” mới té ngữa: dân miền Nam đâu có bị kìm kẹp và đói khổ. Không những không đói khổ, không bị kìm kẹp, một số bộ phận hiểu biết trong xã hội – tầng lớp trí thức và học sinh sinh viên – lại còn có quyền tự do biểu tình, xuống đường “đảo đảo” chính quyền VNCH và lên án quân đội viễn chinh Hoa Kỳ, sang VN chiến đấu cho tự do không cộng sản của Nam VN.
Thích Nhất Hạnh là một trong những trí thức chống chiến tranh thời đó. So với Thích Trí Quang, ông “nhuần nhuyễn” và “cao đạo” hơn nhiều. Ông chống chiến tranh VN và tiếng nói của ông rất mạnh mẽ đến nỗi mục sư nổi tiếng nước Mỹ, Martin Luther King đề cử ông nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1967 (không ai có giải này năm đó). Sự có mặt của quân đội viễn chinh nước ngoài tại VN – dù là chống cộng sản- không có thuận lợi nào trong cuộc chiến tranh giữa tư bản và cộng sản, giữa tự do và độc tài trong chiến tranh lạnh vừa qua, ở lãnh thổ Việt Nam.
Không lên án “cộng sản xâm lăng” nhưng chỉ lên án Mỹ - quân đội viễn chinh- Thích Nhất Hạnh với tác phẩm Hoa Sen Trong Biển Lửa có tiếng nói trọng lượng trong chính giới Mỹ. Chưa kể tác phẩm này và nhiều tác phẩm khác, được ông viết bằng một thứ tiếng Anh giản dị dễ hiểu. Chống chiến tranh VN đâu chỉ những người biểu tình ở VN. Chống chiến tranh mạnh mẽ và khốc liệt nhất là tại nước Mỹ. Richard M. Nixon từng nói : “Chúng ta thua cuộc chiến VN tại quốc hội Mỹ và nước Mỹ, không phải tai chiến trường Việt Nam”. Lý lẽ của vị tổng thống mất chức vì vụ Watergate rất đúng. Chính hành động ác liệt của ông, phong tỏa cảng biển miền Bắc bằng mìn, đánh bom Hà Nội 11 ngày đêm đã khiến VNDCCH xuống nước ký kết hiệp định Ba Lê năm 1973.
Có hay không có Thích Nhất Hạnh, Việt Nam Cộng hòa cũng sụp đổ như chế độ ở Afghanistan mới đây. Khi Mỹ muốn tách khỏi quá khứ, họ rất mạnh mẽ, không bao giờ nuối tiếc. Đây là bản chất giúp nước Mỹ tiến bộ: họ luôn nhìn về phía trước. Họ sẵn sàng dứt bỏ quá khứ dù cho dứt bỏ quá khứ ấy làm giảm đi danh giá nước Mỹ.
Khi Thích Nhất Hạnh - một nhân vật từng phản chiến - từ trần, một số người Việt ngợi ca ông. Một số khác phỉ báng ông. Dù nổi tiếng thế giới là nhà tu Phật giáo, ông vẫn là một con người mất tổ quốc. Bốn mươi năm không về quê hương. Có thể Huế đón tiếp ông những ngày cuối đời. Sài Gòn hay Hà Nội – đừng hòng. Cả hai, tuy cùng một nước nhưng hai tinh thần (trong chỗ thầm lặng, riêng tư) “quốc gia” và “cộng sản”.
Những người “quốc gia” lên án Thích Nhất Hạnh “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản” (xin lỗi – cơm của mỗi người làm ra – không phải cơm của chính phủ, dù là quốc gia hay cộng sản). Họ cho ông vọng ngữ. Tỉnh lỵ Bến Tre chừng 75 ngàn dân. Thích Nhất Hạnh “cương” lên 300 ngàn. Cả thành phố bị phá hủy chỉ vì chừng năm bảy du kích giương súng trường bắn máy bay Mỹ. Thành phố bị phá hủy bởi bom Mỹ không nhất thiết 300 ngàn người như thiền sư dẫn ra đều chết hết. Có thể họp báo, ông không nắm rõ sự việc, hay chỉ nghe người ta “nói lại” nên mới tuyên bố sai lệch số người như thế.
Trừ trường hợp là thánh, con người mới không vấp sai lầm. Thiền sư Nhất Hạnh có người cho là từng có vợ, có con. Nếu có, điều này không có gì là lạ. Đức Thích Ca – ngọn đuốc soi sáng của ông – cũng từng có vợ có con. Có vợ có con nhưng vẫn tu hành, đó mới là nỗ lực cao siêu của con người xác thịt, phàm trần.
Có người trách cứ ông không bênh vực nước Mỹ bị trùm Bin Laden khủng bố ngày 9 tháng 11. Ông nói nước Mỹ gây ra biết bao cái chết ở VN năm 1968. Thảm sát Mậu Thân ở Huế của phe cộng sản ông không nói tới. Hay có nói nhưng không ai để ý? Phải công tâm mà nói, nếu không có vũ khí tối tân của Mỹ, của khối XHCN, số người chết ở VN trong chiến tranh không thể lên mấy triệu người. Một khẩu súng cối, ca nông, súng AK hay AR16 giết chết nhiều hơn một quả bom? Ở VN, bom do ai thả? Có thể Thích Nhất Hạnh nóng ruột so sánh cái chết do Mỹ gây ra ở VN và cái chết do al-Qaeda gây ra ở Mỹ nên có so sánh hơi hồ đồ. Dân Mỹ chết không nhiều bằng dân nơi Mỹ gây chiến tranh? Nếu đúng như thế, thiền sư không nghĩ tới: mạng sống là quan trọng; không thể chết ít không quan trọng bằng chết nhiều. Tôi không tin một trí thức như Thích Nhất Hạnh, từng viết hàng trăm cuốn sách, trong đó có 40 cuốn bằng tiếng Anh, lại đi bênh vực khủng bố.
Thiền sư Nhất Hạnh là sư ông không sai lầm? Tôi không nghĩ như thế. Tôi có đọc cuốn Việt Nam Phật Giáo Sử Luận (toàn tập) của ông dưới bút danh Nguyễn Lang. Là người công giáo, tôi rất kính trọng ông, một tu sĩ Phật giáo. Trong cuốn sách gần 1200 trang này của ông, tôi hiểu rất rõ sự hình thành Phật giáo ở VN. Phật giáo thấm đẫm tư tưởng các vị vua quan nhà Trần. Nhờ đó, trong triều đại này, với Trần Quốc Tuấn, nước ta đánh thắng quân Nguyên Mông, từng thống trị cả Trung Hoa văn minh hơn họ và một số nước phương Tây.
Tất cả dữ liệu nêu ra trong cuốn sách đều rất thuyết phục với lối diễn tả gọn gàng và trong sáng đặc điểm Phật giáo – có đối chiếu Nho giáo. Nhưng qua chương Phật giáo hiện đại, nói ngay, Phật giáo ở miền Bắc và Phật giáo miền Nam, từ 1945 trở về sau, tôi thấy tác giả thiên vị. Tất nhiên, ông có nhận xét về Phật giáo Hà Nội nhưng, hoặc vì thiếu tài liệu hay có viết nhưng bị kiểm duyệt, tôi thấy có nhiều chỗ có ba dấu chấm và đóng ngoặc trong sách (phát hành năm 2014, nhà xuất bản Văn Học với lời giới thiệu của Nguyễn Huệ Chi).
Có mấy điểm tôi thấy nhận xét của Nguyễn Lang có phần cảm tính. Ví dụ. “Những người trung trung thành với chế độ Ngô Đình Diệm thường cho rằng sở dĩ miền Nam sụp đổ là vì chế độ ông Diệm không còn. Sự thực không phải như vậy: chính vì những tàn ác độc tài của ông mà miền Bắc đã xây được cơ sở chống đối võ trang ở miền Nam” (trang 1039).
Giải phóng miền Nam là một chủ trương lớn của đảng CSVN. Có hay không có Ngô Đình Diệm, họ cũng sẽ tiến hành chiến tranh với nghị quyết rõ ràng. Nguyễn Văn Thiệu ít “tàn ác” hơn Ngô Đình Diệm? Hà Nội có “tha” không “giải phóng miền Nam”?
Ngọn lửa bùng mạnh nhất cho Phật giáo đấu tranh chống chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm phát xuất từ Huế nhân cái chết của một số thường dân. “Khi thiền sư Trí Quang và ông tỉnh trưởng từ trong đài phát thanh ra tới thì máu đã đổ: tám người đã thiệt mạng vì lựu đạn và bốn người bị thương. Xe thiết giáp cán vỡ đầu một thiếu nhi, sọ em nát vụn. Một thiếu nhi khác bị cán mất nửa đầu và một em khác nữa mất hẳn đầu”.
Cái chết vì lựu đạn của tám nạn nhân nguyên do cho đến nay vẫn còn nhiều nghi vấn. Có người cho là lựu đạn của Việt Cộng. Có người cho là của Mỹ, họ muốn gây hỗn loạn để có cớ gạt bỏ Ngô Đình Diệm. Có người cho là lựu đạn của quân đội VNCH đàn áp biểu tình.
Chiến tranh luôn luôn tàn bạo nhưng tàn bạo không đến nỗi, lính lái xe tăng cán nát đầu trẻ con khi các em đã chết vì lựu đạn. Không bao giờ đối với lương tâm của một con người VN. Hơn nữa, thời điểm ấy, chính quyền Ngô Đình Diệm chưa phải đã rệu rã; chiến tranh thực sự xảy ra ác liệt khi quân Mỹ đổ bộ vào VN năm 1965.
Ở một chỗ khác, trang 1057, Nguyễn Lang viết”…một vị thiền sư ngồi xuống trong tư thế kiết già, lấy dầu xăng đổ lên áo cà sa mình đang mặc và châm lửa tự thiêu, biến mình thành bó đuốc”. Nhà sử học Phật giáo này nói đến hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu phản đối chế độ Ngô Đình Diệm hà khắc, đối xử bất bình đẳng với Phật giáo (chỉ dụ cấm treo cờ Phật ở một số nơi - chẳng hạn).
Nếu không xem bức hình tự thiêu của vị tu sĩ này, chúng ta tưởng là chính ngài đổ xăng lên người. Một tu sĩ sĩ khác làm giúp chuyện này. Ông đổ xăng lên áo quần ngài Thích Quảng Đức. Nếu ra tòa ở một nước dân chủ, vị sư này sẽ bi kết án "gián tiếp" giết người. Những vị tu sĩ nằm cản xe cứu hỏa tiếp cứu dập lửa cũng sẽ bị kết tội “cản trở người thi hành công vụ” hoặc “không cứu người bị nạn”.
Nhưng ông Nguyễn Lang viết tiếp: “…vị thiền sư mà từ đây mọi nguoi xưng tụng là Bồ Tát Quảng Đức. Ngọn lửa hỏa thiêu đã không đốt cháy được trái tim thiền sư. Trái tim này được đem thiêu lại lần thứ hai với sức nóng ngót 4.000 độ nhưng vẫn không cháy”. Nếu là nhà văn thì được nhưng nhà sử học thì không thể tin chuyện có vật gì của thân thể thể con nguoi mà còn ở nhiệt độ 4000 độ, kể cả mấy chiếc răng. Nhưng Nguyễn Lang vẫn viết rạch ròi khoa học.
Nhưng có một suy nghĩ, không biết nên buồn hay nên vui về Nguyễn Lang, khi ông nói, một cách hãnh diện và sung sướng trong một chương dài nhất nói về chế độ đệ nhất nền cộng hòa Nam VN, “Ta sẽ lật một trang sử có thể gọi là kỳ diệu nhất của Phật giáo Việt Nam: Cuộc Vận Động Bất Bạo Động để lật đổ chính quyền độc tài của ông Ngô Đình Diệm”. (Trang 1029). Thần quyền muốn làm thế quyền ư?
Tôi đọc khá nhiều tác phẩm của thiền sư Thích Nhất Hạnh trước và sau 1975. Ông là nhà sư thông tuệ, trầm tĩnh, ân cần, và nhân ái như nhận xét của báo chí quốc tế. Những nhận xét của ông về chế độ VNCH (thời Ngô Đình Diệm) trong cuốn VN Phật Giáo Sử Luận, và một vài chuyện như vụ 300 ngàn dân ở thị xã Bến Tre bị “hủy diệt” hay vụ khủng bố tòa tháp đôi tại Mỹ không làm cho tôi mất đi sự yêu kính và ngưỡng mộ vị thiền sư có giọng nói nhỏ nhẹ này.
Không phải tôi ngưỡng mộ “theo phong trào”, kể cả phong trào rầm rộ khắp thế giới đang ca tụng Thích Nhất Hạnh, “Master of mindfulness”, “Vị Thầy dạy phương pháp chánh niệm”. Tờ The Washington Post Mỹ giật tít: “How Thich Nhat Hanh taught the West about mindfulness” (Cách Thích Nhất Hạnh dạy phương Tây về chánh niệm). Ông Nhất Hạnh có ảnh hưởng nhất ở phương Tây và cả thế giới chỉ đứng sau đức Đạt Lai Lạt Ma (Tây Tạng). Nhưng ở VN và ở một số nước có người Việt, ông bị cho là ‘tội đồ dân tộc”. "Thầy chùa vọng ngữ". "Tu hành gì mà có vợ có con".
Bên Ky tô giáo, Jesus cũng một lần than thở khi ngài không được trọng vọng ở quê nhà: “Các nhà tiên tri không được hoan hỷ đón chào tại quê hương”. VN chúng ta cũng có câu “Bụt nhà không thiêng”. Thích Nhất Hạnh chưa phải là Bụt. Ông không thiêng trong mắt một số người là đúng. Nhưng với tôi, ông không phải là vị thánh. Ông là thiền sư. Ông đem triết lý Phật vào đời sống. Tinh túy của Phật không phải có nhiều làng Mai, có nhiều chùa hoành tráng - như Bái Đính ở VN. Phật chính tại nơi ta. Tôi yêu nhất câu ông nói: “Quá khứ là cái đã qua; tương lai là cái chưa đến; hãy khu trú nơi hiện tại bởi hiện tại chính là sự sống”.
“Mindfulness in the Present” (Tỉnh thức ở hiện tại). Ý niệm này ông đã dạy cho The World Bank, Google, đại học Harvard Mỹ và những nơi tiếng tăm khác trên thế giới (ở VN rất hiếm khi).
Tôi kính trọng ông vì ông có những cái thuộc về con người phàm tục, nhưng khoảng đời sau biến động chiến tranh, ông trở nên sốt sắng giương cao ngọn đuốc soi dẫn người khác biết thực hành chánh niệm, biết biến đau khổ thành niềm vui, biết an vui trong hiện tại, biết hy vọng ngày mai để chịu đựng đau khổ ngày hôm nay, biết những uyên áo của của triết lý Phật giáo qua những lời giảng đơn sơ và dễ hiểu. Ông không nêu cao đạo Phật của ông trên các đạo khác. Những người theo ông thuộc đủ các tôn giáo ở nước ngoài. Ông không tự tôn mình là sư ông, sư cụ, sư của mọi sư. Ông là Thích Nhất Hạnh.
Cuối đời, mong ước một Làng Mai ở VN của ông bị thẳng thừng chối bỏ ở Bát Nhã, Lâm Đồng. Thật cảm thương. Nhưng tôi thương cảm thiền sư hơn, ở chỗ: ông rất cô đơn – cả VNCH lẫn CHXHCNVN không xem ông là người VN thực sự "yêu nước".