Sunday, January 28, 2024

DẾ

Dế, không phải tên gọi chiếc điện thoại Nokia khi lần đầu có mặt ở VN.  Dế cũng không "thành danh" như trong tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký. Dế thời @, dế của bia, của nhậu.

Trong bức hình, quý bạn sẽ thấy những điểm trắng lỗ chỗ trên bãi cỏ ven sông, có hai con trâu đang thẫn thờ gặm cỏ. Đó là những hang dế bị đào và các chú dế đã nằm chen chúc trong 1 chai nhựa đựng nước lọc. Mỗi con 1000 đồng, bán cho các quán nhậu.

Người ta tìm ra hang rất dễ nhờ các đụn cát nhỏ li ti trong một cái lỗ lớn hơn ngón chân cái. Một hay hai nhát cuốc, hang dế hiện ra rõ ràng. Người ta dùng 1 sợi cáp dài độ 8 tấc, to hơn dây thắng xe máy, xoắn vào hang; ở đầu dây là một lò xo thép cỡ con dế, có đầu nhọn sắc. Chỉ một hai động tác chưa quá 1 phút, con dế được lôi ra. Nắm lò xo vặn ngược, chú dế nằm gọn trên tay, người ta cho chú vào miệng chai. Vết thương xuyên bụng có lẽ không làm dế đau lắm, chú nhảy mấy cái, rồi chen lấn với những chú dế khác cũng đang tranh chỗ trong lòng chai chật chội.

Một buổi người bắt dế có thể thu được 2 đến 3 chục con. Dế sẽ có mặt tại các quán nhậu. Các chị có ăn dế không? Không, dế bán lấy tiền đi chợ, đâu dám ăn. Mùa dế chỉ kéo dài một đôi tuần rồi chấm dứt. Dế đâu còn mà đào, bắt.

Lúc tôi còn 5,7 tuổi, dế không để nhậu mà để...chơi, đá dế, chọi dế. Cứ 2 trẻ mới đủ sức thay nhau đào một hang dế. Chúng tôi chọn dế trống, không chọn dế mái. Nhìn hang dế, trẻ con chúng tôi biết ngay, anh nào trống, chị nào mái, dưới hang. Đất sủi ra hang dế trống to, nhiều, không nhỏ nhoi, ít oi như hang dế mái. Khi thấy một hai mụn lá non ăn dở, ngưng đào, dùng que tre nới rộng hang, và cho tay vào, nhẹ nhàng kéo chú dế khỏi chỗ trú cuối cùng.

Dế đào mới dùng để đá. Dế "đổ nước" vào hang để bắt, đá rất tệ. Chắc là uống nước quá nhiều hay sao ấy. Dế này dùng để đổi bi cho bạn nào không đào được dế bằng cuốc.

Đối với trẻ, dế đá hấp dẫn hơn dế nướng. Sân đá có hình tròn đường kính nửa tấc, sâu 1 tấc, đào nơi đất mịn, không lở. Hai chú dế trống (như hình) được trẻ con nắm chặt sợi râu, quay nhè nhẹ vài vòng, rồi thả một lần vào vũ đài. Hai càng to bên hông của hai chú dế bắn ra những tiếng tanh tách, chúng đang đá mạnh vào nhau. Chừng đôi ba phút, chúng tôi thấy bên dưới đôi cánh, một màng trắng của đôi "cánh phụ" rung lên, dế cất tiếng gáy thật oai phong, lẫm liệt.

Những chú dế cứ thế đá vào nhau tanh tách, tiếng dế gáy càng lúc càng gấp rút, ngắn dần, và một chú bỗng nhảy khỏi "hang vũ đài": dế còn lại đã thắng. Chú chậm chạp đi quanh một vòng, đôi mắt như nhìn lên chúng tôi đầy kiêu hãnh. Và, một tiếng gáy nữa vang lên như một hồi kèn thắng trận.

Những chú dế đá được lũ trẻ con mang về nhà, bỏ vào một lon sữa bò có nắp đậy. Dế sẽ dành sức cho các trận đấu tiếp theo. Lá bọ xít (cứt lợn) là món ăn ưa thích của những chú dế đá.

Dế lửa, đá rất dữ, rất hăng.

Tôi quan sát chai nhựa đựng dế của người phụ nữ để trên đất bên hang dế đang đào. Những chú dế đa phần non trẻ, cánh mọc chưa phủ đủ thân, lòi phần bụng trắng mềm.

Nhìn những chú dế tội nghiệp chen chúc trong vỏ chai nhựa tù túng, tôi bỗng nhớ những chú dế ngày xưa, chú dế từng là chiến binh hùng dũng, lẫm liệt, nay chỉ còn trong ký ức xa xôi.

Nhậu, dế để nhậu. Không còn dế cho trẻ con chơi đùa, mà cũng chẳng còn trẻ con nào coi chú dế là bạn chơi đùa với chúng. Kẻ đào dế mưu sinh, quán nhậu cũng mưu sinh.

Mưu sinh làm chết đi những chú dế tuổi thơ tôi.