Xin quý vị đọc:
LỪA VÀ NGỰA
“Lừa và ngựa đi xa. Lừa còm nhom mà chở lắm đồ quá. Lừa nhờ ngựa chở đỡ. Ngựa chả nghe. Vì cố quá, lừa ngã ra bờ cỏ, thở hí hóp. Thế là bà chủ xếp đồ từ lừa qua ngựa”.
Phỏng theo Lép Tôn-xtôi (Thành Vân kể).
Đại ý câu chuyện: Anh em chia sẻ gánh nặng; không san sẻ gánh nặng cho lừa, ngựa cuối cùng gánh nặng hơn. Trẻ lớp 1 hẳn phải có đầu óc của học sinh 11 thì mới có thể hiểu nội dung giáo dục của câu chuyện này. Truyện ngụ ngôn đòi hỏi tư duy như thế thường thấy trong Kinh Thánh (Kitô-giáo) nhưng lớp 1 nay bắt đầu học kinh thánh. Chưa kể, trẻ em VN có biết con lừa khác ngựa thế nào không? Tôi chưa từng gặp một con lừa nào gần 70 năm nay. Tên tác giả Lev Tolstoy (tôi không viết được tiếng Nga), phiên âm thành Lép Tôn-xtôi. A Bờ Cờ mới học chưa thông mà “lép” với “toi”.
Bài nữa cũng trong sách giáo khoa:
VE VÀ GÀ
“Mùa thu qua. Cỏ lá khô cả. Nhà ve chả có gì. Ve gặp gà, ngỏ ý:
- Chị…cho ve tí gì nhé
Gà cho ve và thủ thỉ:
- Ve chăm múa và chăm làm nữa thì sẽ chả lo gì”.
Phỏng theo La Phông-Ten (Minh Hòa kể).
Ý câu chuyện: Chơi nhưng không quên làm; gà muốn khuyên ve vừa chơi, vừa làm sẽ tốt hơn chỉ có chơi (múa) rồi thiếu thốn phải đi xin xỏ. Câu chuyện ngụ ngôn trên còn “cô đọng” và “trí tuệ” gấp trăm lần bài thơ phỏng theo La Fontaine, nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh dịch, như sau:
“Ve sầu kêu ve ve
Suốt mùa hè
Đến kỳ gió bấc thổi
Nguồn cơn thật bối rối
Một miếng cũng chẳng còn
Ruồi bọ không một con
Vác miệng chịu khúm núm
Sang chị Kiến hàng xóm
Xin cùng chị cho vay
Dăm ba hạt qua ngày
Từ nay sang tháng hạ
Em lại xin đem trả
Trước thu, thề đất trời!
Xin đủ cả vốn lời
Tính Kiến ghét vay cậy
Thói ấy chẳng hề chi
Nắng ráo chú làm gì?
Kiến hỏi Ve như vậy
Ve rằng: Luôn đêm ngày
Tôi hát, thiệt gì bác!
Kiến rằng: Xưa chú hát
Nay thử múa coi đây”
Nguồn cơn vay mượn xuất phát từ chuyện ve hát suốt đêm ngày, không lo làm lụng, đến mùa gió bấc lạnh, đói quá xách “mồm” đi mượn cái kiến. Qua bài đọc giáo khoa, không ai hiểu vì sao ve phải vay mượn gà. Ý chính của bài ngụ ngôn không thấy nhắc tới. Cách “sáng tạo” (phỏng theo) có chi tiết cũng trật lất. Mùa đông (tức “Mùa thu qua”) ở VN lá, cỏ làm gì “khô cả”? Nếu ở miền Đông Nam bộ (2 mùa mưa nắng), cỏ lá mùa đông còn xanh tốt hơn mùa xuân rất nhiều.
Bỏ qua câu chuyện, đọc văn lớp 1 cần trình độ lớp 11, chúng ta nói tới phản ứng của dư luận về nội dung sách giáo khoa. Nhiều vị thức giả lên tiếng phê bình, không chỉ về văn (trích dẫn), còn cả về toán, môn tôi rất kém, nên tôi không lạm bàn. Giáo dục là số một. Từ giáo dục, các cái khác hình thành. Đố ông nào không học mà làm lãnh đạo? Cái gì liên quan giáo dục phải hết sức chuẩn mực.
Dư luận phê phán chỉ mới sách giáo khoa lớp 1, và không rõ, sách giáo khoa các lớp khác, có bị “búa rìu” nữa không?
Giả sử, sách giáo khoa “không đạt chuẩn” (tất nhiên đã đạt chuẩn của bộ) theo nhận xét chung của giới trí thức am hiểu giáo dục, vấp phải phản ứng của phụ huynh, người ta có buộc học sinh phải sử dụng hay không? Sách lỡ in ra triệu triệu cuốn, tốn tỷ tỷ đồng, làm sao?
Sách giáo khoa không phù hợp tâm sinh lý trẻ em “vỡ lòng” (lớp 1), buộc phải học, thì các em lớp 1 phải học đến tầm lớp 11 mới hiểu ngay 2 bài đọc trên (tôi đoan chắc như thế).
Bỏ thì thương, vương thì nặng. Vì sao có tình trạng, sự việc lớn phải dừng, phải thay đổi, khi có “quần chúng” lên tiếng? Nhiều việc xã hội trọng đại không theo “chỉ đạo” mà lại theo dư luận của bọn “thế lực thù địch”trên mạng xã hội? Địa phương nào đó gỡ bỏ 3 chữ khẩu hiệu ba tỷ; có chỗ ngưng không mua bình “hút phước lộc” cho đại biểu, nhờ ông Mark (doanh nhân) chứ không phải nhờ ông Marx (triết gia)?
Cũng mong sách giáo khoa không “tệ” như nhận xét của các bậc thức giả. Nhưng nếu sách giáo khoa “tệ” thiệt thì sao? Học sinh cũng phải chấp hành học theo, cả triệu em?
Khó khăn không lẽ chồng chất khó khăn? Nhưng tôi, tôi lại thấy việc này đơn giản. Hãy có nhiều bộ sách giáo khoa cho học sinh như giáo dục VNCH từng làm. Học sinh, nhà trường có thể chọn bộ sách nào họ muốn. Không ưa sách Nguyễn Minh Thuyết thì chọn sách ông Nguyễn nào đó, hay hơn, dễ hiểu hơn, và rẻ hơn; ông Thuyết sẽ không hứng gạch đá "độc quyền soạn sách giáo khoa".
Chọn sách giáo khoa không phải chọn vợ, chọn chồng thời phong kiến; cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, dù ông chồng, bà vợ “tương lai” thấy nhau đã ghét, chứ đừng nói cưới nhau, buộc phải ăn đời ở kiếp.
Tất nhiên, để thống nhất nội dung, bộ giáo dục là nơi đưa ra các tiêu chí cụ thể cho từng môn học, lớp học, cấp học, các nhà viết sách giáo khoa căn cứ vào đó mà soạn, và cũng xin lưu ý thêm, hạn chế các ông dạy tiến sĩ (chưa một ngày dạy tiểu học) soạn sách lớp 1; bởi dưới con mắt của một giáo sư thông thái, học sinh lớp 1 có khi là sinh viên năm 1, và như thế, khi đọc hai bài dẫn ở trên, chúng mới hiểu ngay, vui mừng kêu lên: “lớp 1 thông thái”.